Giảm cân cấp tốc, giảm sức khỏe tức thời
Nhiều chị em vì muốn giảm béo, nhưng không muốn tập luyện, ăn uống khoa học, nên đã lựa chọn phương pháp giảm cân bằng các loại thực phẩm chức năng mà không lường trước được hậu quả.
Tràn lan thuốc giảm cân có chất cấm
Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, mới đây, Bệnh viện tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân bị ngộ độc do sử dụng sản phẩm Detox cơ thể có chứa chất cấm Sibutramine.
Ảnh minh họa.
Bệnh nhân là P.T.H (nữ, 26 tuổi) có tiền sử giảm tiểu cầu vô căn 11 năm, đã điều trị tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương 2 năm.
Theo bệnh nhân H, vì có nhu cầu giảm cân, chị H. mua sản phẩm có tên gọi Detox Táo về sử dụng. Trong 1 lọ sản phẩm có 2 loại viên giống thuốc màu vàng và xanh, chị uống sản phẩm trong 10 ngày có hiện tượng bị đau dây chằng, sau 2 tuần sử dụng, mắt đột ngột không nhìn thấy gì theo cơn.
Ngày 28/3 chị H. xuất hiện 2 cơn giảm thị lực, được chuyển vào Trung tâm Thần kinh của Bệnh viện Bạch Mai điều trị. Tại đây, kết quả chụp cộng hưởng từ (MRI) cho thấy, hình ảnh tổn thương lồi thể chai, chị H. được theo dõi do ngộ độc.
Khai thác tiền sử bệnh nhân, các bác sĩ được biết chị H. có uống thuốc giảm cân có tên Detox Táo. Xét nghiệm loại thuốc này phát hiện có chứa chất cấm Sibutramine. Chị H. sau đó được chuyển sang Trung tâm Chống độc của bệnh viện để tiếp tục điều trị.
Theo TS.Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân H. mới sử dụng sản phẩm giảm cân khoảng 10 ngày đã có các biểu hiện về thần kinh, mắt, tổn thương não rất rõ ràng, nếu dùng kéo dài có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng.
Bệnh nhân H. mua sản phẩm này trên mạng được quảng cáo là để giảm cân và trong sản phẩm này có chất cấm Sibutramine. Sibutramine là một loại chất đã bị cấm sử dụng trên người, vì chất này có thể gây những tổn thương ở người, gây nguy cơ đột quỵ não, đau thắt, nhồi máu cơ tim.
Cũng theo TS.Nguyễn Trung Nguyên, thực tế đã ghi nhận nhiều sản phẩm là thực phẩm chức năng trộn những loại chất độc hại bị cấm sử dụng, hoặc trộn những chất được phép sử dụng nhưng với liều lượng không đảm bảo.
Riêng tại Trung tâm Chống độc của Bệnh viện Bạch Mai, trước đây đã tiếp nhận những trường hợp ngộ độc những loại thực phẩm chức năng có chứa chất cấm.
Đã có trường hợp bệnh nhân hôn mê, co giật, tổn thương não và đã phải cấp cứu điều trị. Xét nghiệm những loại sản phẩm này thì có chứa chất cấm, ảnh hưởng đến sức khỏe như Sibutramine, Phenolphtalein…
Thậm chí có những chất chỉ được phép có trong thuốc nhưng lại được cho vào trong thực phẩm chức năng, uống phải những chất này rất ảnh hưởng đến sức khỏe vì hoàn toàn không thể kiểm soát chất lượng và liều lượng.
Tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương (Hà Nội) cũng từng tiếp nhận bệnh nhân 19 tuổi được đưa đến cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, suy gan, suy thận.
Trước đó, bị bạn bè chê bai về ngoại hình, cô gái đã mua trà giảm cân trên mạng để uống. Chỉ trong 2 tuần, cô gái đã giảm đến 5 kg nhưng cơ thể luôn mệt mỏi, khát nước, đầy bụng, người lả đi.
Video đang HOT
Xét nghiệm cho thấy bệnh nhân có lượng đường huyết trong máu tăng, men gan tăng gấp 30 lần bình thường gây tổn thương, hủy hoại tế bào gan, có dấu hiệu của suy gan, suy thận
Cũng về ngộ độc thuốc giảm cân chứa chất cấm, trước đó không lâu, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế phát đi cảnh báo về sản phẩm được quảng cáo là hỗ trợ giảm cân có tên gọi Feo dứa và viên uống thảo mộc Mộc slim chứa chất cấm Sibutramine.
Sibutramine có khả năng làm giảm cảm giác thèm ăn, hỗ trợ quá trình giảm cân, nhưng lại có tác dụng phụ nguy hại như gây mất ngủ, tăng huyết áp và nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Vì vậy, từ tháng 10/2010, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã ban hành quyết định cấm lưu hành tất cả sản phẩm có chứa Sibutramine.
Hiện tại, Cục Quản lý dược, Bộ Y tế đã ngưng cấp phép nhập khẩu nguyên liệu Sibutramine và thu hồi các sản phẩm chứa hoạt chất này.
Không đốt cháy giai đoạn
Thực tế cho thấy, đang có tình trạng rao bán các loại thực phẩm chức năng hỗ trợ giảm cân tràn lan trên mạng. Bằng những lời quảng cáo, mời chào hấp dẫn, người bán đã đánh trúng vào tâm lý của người đang có nhu cầu giảm cân như thực phẩm chức năng/trà giảm cân có tác dụng giảm cân nhanh chóng mà không cần tập luyện hay ăn kiêng.
Chuyên gia khuyến cáo việc sử dụng các loại sản phẩm hỗ trợ giảm cân không đúng cách, quá liều có thể gây ra những tác dụng phụ, như chóng mặt, buồn nôn, chán ăn, chân tay bủn rủn, mệt mỏi.
Nguyên nhân là do các sản phẩm này có chứa thành phần làm ức chế thần kinh trung ương gây chán ăn, giảm hấp thụ chất béo. Tác dụng phụ của sản phẩm này có nguy cơ làm suy giảm trí nhớ, gây cường giáp, căng thẳng, khó ngủ, lâu ngày sẽ có nguy cơ về tim mạch, đột quỵ.
Dạng tác dụng phụ nữa là làm tim đập nhanh, khó thở, hồi hộp, lo âu. TS.Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho rằng, vì lợi nhuận, nhà sản xuất đã sử dụng cả chất cấm trong thành phần thuốc giảm cân hay các loại thực phẩm chức năng giảm cân. Những chất này khi vào cơ thể tác động lên não hoặc gây đầy bụng để tạo cảm giác chán ăn, gây nguy hiểm cho sức khỏe.
Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, những người thừa cân, đặc biệt là chị em phụ nữ, không nên vì bất kỳ lý do gì mà làm liều, mua những thực phẩm chức năng, trà giảm cân bán trôi nổi trên mạng để sử dụng.
Khi quyết định sử dụng bất kỳ một loại sản phẩm hỗ trợ giảm cân nào, người dân cần tìm hiểu thật kỹ các thông tin quan trọng của sản phẩm như thành phần, công dụng, hướng dẫn sử dụng, lưu ý trong sử dụng, nhà sản xuất – phân phối, được Bộ Y tế cấp phép lưu hành, số công bố sản phẩm và khuyên dùng của các chuyên gia, bác sĩ uy tín để tránh tác hại cho sức khỏe.
Ý kiến của PGS-TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho rằng, mong muốn giảm cân mãnh liệt gặp ở rất nhiều chị em phụ nữ, thậm chí cả nam giới bị thừa cân, béo phì.
Tuy nhiên, để giảm cân an toàn thì không thể quá nôn nóng, đốt cháy giai đoạn, vội vàng áp dụng các biện pháp loại bỏ mỡ thừa chưa được kiểm chứng, nhất là nghe những lời quảng cáo “có cánh” trên mạng xã hội.
Việc giảm cân cấp tốc có thể gây tử vong, trong khi không giải quyết tận gốc thủ phạm mỡ trắng mà chỉ tác động vào cơ thể gây mất nước, giảm cơ, rối loạn điện giải nên rất dễ khiến cân nặng tăng trở lại.
Các chuyên gia khuyên rằng tập thể dục hằng ngày là một yếu tố quan trọng trong việc duy trì cân nặng khỏe mạnh, ngăn ngừa tăng cân và cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần.
Mỗi người nên dành ít nhất 30 phút mỗi ngày để vận động, tập thể dục. Nếu thực hiện giảm cân từ chế độ ăn thì nên giảm 10% cân nặng hiện tại trong vòng 6 tháng và giảm cân từ chế độ tập luyện nên giảm 10% cân nặng trong vòng 6 tháng, không nên tạo áp lực cho bản thân phải gắng sức tập luyện hay nhịn ăn giảm cân.
Theo nguyên tắc năng lượng nạp vào ít hơn năng lượng tiêu hao sẽ giảm được cân nặng. Bên cạnh đó, ngủ đủ giấc, thay đổi lối sống như từ bỏ thói quen vừa ăn vừa nhìn màn hình điện thoại, tivi, giảm căng thẳng, mệt mỏi… cũng là những biện pháp giúp giảm cân an toàn, bền vững.
Để có kết quả như mong muốn, bên cạnh việc sử dụng sản phẩm hỗ trợ giảm cân, các chuyên gia của Viện Dinh dưỡng khuyến cáo người dùng phải kết hợp chế độ tập luyện và ăn uống phù hợp.
Để an toàn sức khỏe cho người sử dụng, trong thời gian các cơ quan chức năng đang xử lý vụ việc, Cục An toàn thực phẩm cảnh báo và đề nghị người tiêu dùng không mua, không sử dụng các sản phẩm trên, trường hợp phát hiện sản phẩm này lưu hành trên thị trường, đề nghị thông báo cho cơ quan chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật.
Ngoài việc lạm dụng giảm cân cấp tốc thì theo bác sĩ chuyên khoa I Đặng Thị Oanh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, có nhiều cách điều trị béo phì, giảm cân khác nhau, tùy vào tình trạng sức khỏe, cân nặng mà áp dụng.
The đó, có phương pháp tại nhà như: Thay đổi khẩu phần ăn; thay đổi thói quen sinh hoạt (không bỏ bữa sáng, ăn uống điều độ, ăn nhiều trái cây, rau củ, yến mạch, bánh mì nguyên hạt, gạo lứt, mì ống, các loại đậu, uống nhiều nước…
Đồng thời tập thể dục đều đặn (một người cần đốt cháy 3.500 calo để giảm gần nửa ký chất béo, những cách tốt là đi bộ, bơi lội, đi thang bộ, làm vườn, làm việc nhà hoặc dắt thú cưng đi dạo…).
Phương pháp dùng thuốc: Bác sĩ sẽ kê đơn thuốc để giúp một người giảm cân, kết hợp thay đổi chế độ ăn uống ít calo, tập thể dục để giảm cân không ảnh hưởng đến sức khỏe.
Phương pháp phẫu thuật: Thay đổi một phần dạ dày hoặc ruột non để người bệnh không tiêu thụ nhiều thức ăn hoặc hấp thụ nhiều calo như trước, tùy vào nhu cầu, tình trạng sức khỏe…
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hiện trên thế giới có 6,5 triệu người béo phì cần điều trị, số tiền điều trị cho béo phì rất lớn. Tỷ lệ tử vong liên quan tới béo phì gấp 2 lần tỷ lệ tử vong của ung thư vú và đại trực tràng cộng lại.
Tại Việt Nam, tỷ lệ thừa cân, béo phì có xu hướng tăng nhanh, đặc biệt là ở khu vực thành phố. Theo kết quả Tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc 2019 – 2020 của Viện Dinh dưỡng quốc gia, tỷ lệ trẻ em thừa cân, béo phì tăng gấp 2,2 lần, từ 8,5% (năm 2010), lên 19% (năm 2020).
Thống kê của Bộ Y tế, riêng năm 2020, tỷ lệ thừa cân béo phì khu vực thành thị đã chạm ngưỡng 26,8%, nông thôn là 18,3% và miền núi là 6,9%. Trước đó, Viện Dinh dưỡng quốc gia cũng đã công bố tỷ lệ béo phì ở trẻ em nội thành tại TP.HCM đã vượt 50%, tại Hà Nội vượt 41%.
Để hạn chế hệ lụy do béo phì gây ra các bác sĩ khuyến cáo, do đây là bệnh lý mãn tính nên cần được điều trị sớm. Bệnh béo phì không chỉ gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, thẩm mỹ, mà còn gây ra nhiều nguy cơ như mắc các bệnh lý về tim mạch, đái tháo đường, gan nhiễm mỡ, xơ gan, các bệnh lý cơ xương khớp, vô sinh…
Béo phì và thừa cân cũng làm tăng nguy cơ tử vong hơn so với những bệnh nhân có cân nặng bình thường. Nguyên tắc để điều trị thừa cân, béo phì là tăng cường tiêu hao năng lượng và giảm nguồn thức ăn vào cơ thể.
Nguyên nhân chính gây béo phì tại Việt Nam, theo các bác sĩ là do đời sống của người dân Việt tăng lên hơn trước. Mức sống của người Việt Nam bắt đầu tiếp cận với các nước phát triển. Các thực phẩm giàu năng lượng, đồ ăn nhanh đang ngày càng xuất hiện nhiều hơn trên bàn ăn người Việt.
Trong khi đó, thức ăn có lợi cho sức khỏe như rau xanh, hoa quả lại bị thiếu, được thay bằng gà rán, các loại thức ăn nhanh, nước ngọt… những thức ăn này là nguyên nhân gây thừa cân, béo phì.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo, béo phì là căn bệnh thời hiện đại ngày càng tăng với tốc độ báo động, là mối đe dọa làm giảm tuổi thọ và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, kéo theo một loạt hệ lụy về các bệnh lý khác như cao huyết áp, nhồi máu cơ tim, suy tim, đái tháo đường, vô sinh, ung thư…
Điều trị các bệnh lý thừa cân, béo phì là một điều trị đa chuyên khoa: Dinh dưỡng, hoạt động thể lực, điều trị thuốc giảm cân, phẫu thuật, tư vấn điều trị tâm lý. Với những bệnh nhân trẻ tuổi cần điều trị sớm để không ảnh hưởng đến chế độ vận động và sức khỏe sinh sản sau này.
Vì sao vẫn có thực phẩm chức năng chứa chất cấm?
Mới đây, Chi cục ATTP tỉnh Quảng Ninh phát hiện 2 lọ thực phẩm bảo vệ sức khỏe chứa chất cấm có thể gây đột quỵ khiến dư luận không khỏi lo ngại.
Hai lọ thực phẩm bảo vệ sức khỏe có tên ghi trên nhãn là Poria super model được Chi cục An toàn thực phẩm tỉnh Quảng Ninh phát hiện chứa chất cấm Sibutramine. Chất này có khả năng làm giảm cảm giác thèm ăn, hỗ trợ quá trình giảm cân, nhưng lại có nhiều độc tính và tác dụng phụ nguy hại như gây mất ngủ, tăng huyết áp và nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ.
Một số du khách của đoàn khách Quảng Ninh đến Đà Nẵng nhập viện do nghi ngộ độc thực phẩm ngày 2/8/2022.
Theo đại diện nhà thuốc xã Hạ Long, huyện Vân Đồn, nơi Chi cục An toàn thực phẩm tỉnh Quảng Ninh lấy mẫu để xét nghiệm 2 lọ thực phẩm bảo vệ sức khỏe vừa nêu thì đây là sản phẩm được trình dược viên đến giới thiệu. Nhà thuốc mới chỉ để trưng bày chứ chưa nhập hàng để bán.
"Chúng tôi để lọ sản phẩm ở kệ, chứ không phải trong tủ bán hàng. Chúng tôi chưa có ý định bán vì còn chưa dán giá. Đây là sản phẩm người ta mang đến giới thiệu. Chúng tôi để đó vì hàng ngày có rất nhiều trình dược viên đến giới thiệu sản phẩm và bên trong các sản phẩm có chất cấm gì thì chúng tôi không thể biết được...", đại diện nhà thuốc xã Hạ Long cho hay.
Chủ động lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện chất cấm trong sản phẩm Poria super model, Chi cục An toàn thực phẩm tỉnh Quảng Ninh đã báo cáo Cục An toàn thực phẩm, cảnh báo đến người dân và gửi công văn đề nghị Chi Cục an toàn thực phẩm tỉnh Yên Bái kiểm tra Công ty EU YB ở Tổ 13, Thị trấn Yên Bình.
Đây là địa chỉ ghi trên nhãn phụ của đơn vị nhập khẩu, phân phối và chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hoá. Tiến sĩ Trương Hoàng Kiên, Phó Chi cục trưởng - Phụ trách điều hành Chi cục an toàn thực phẩm tỉnh Quảng Ninh cho biết, qua kết quả xác minh ban đầu thì đây là "Công ty ma" vi phạm các quy định của pháp luật về sản xuất dược phẩm.
"Chúng tôi gửi công văn đến Chi cục An toàn thực phẩm tỉnh Yên Bái thì đến nay nhận được phản hồi là không có công ty này trên địa bàn. Từ hôm phát hiện sản phẩm chứa chất cấm đến nay, chưa thấy ai lên tiếng về việc đã dùng sản phẩm này...", Tiến sĩ Trương Hoàng Kiên cho biết.
Truy tìm tên sản phẩm này trên mạng, kết quả có sản phẩm viên uống giảm cân Poria super model được giới thiệu trên trang web của nhà thuốc Thiện Mỹ Pharma. Tuy nhiên, hình thức bao bì và số đăng ký khác với sản phẩm có chất cấm mà cơ quan chức năng đang truy tìm.
Đại diện nhà thuốc Thiện Mỹ Pharma cho hay từ lâu đã ngưng bán sản phẩm Poria super model nhưng chưa xóa hình ảnh trên trang web. Trước thực tế này, Chi cục An toàn thực phẩm Quảng Ninh cho biết, sẽ phối hợp với Chi cục an toàn thực phẩm tỉnh Yên Bái để mời cơ quan công an vào cuộc.
84 công nhân Công ty CCIPY Việt Nam, có trụ sở trong Khu Công nghiệp An Phú, TP. Tuy Hoà, tỉnh Phú Yên bị ngộ độc thực phẩm phải nhập viện điều trị.
"Trên cơ sở công văn của Cục An toàn thực phẩm và chúng tôi đã hoàn thành thủ tục để mời cơ quan công an vào cuộc điều tra, xử lý. Thực phẩm chức năng trên thị trường hiện nay rất nhiều. Hàng năm, chúng tôi đều có kế hoạch kiểm tra đột xuất nhưng đây là lần đầu tiên ở Quảng Ninh phát hiện chất cấm trong sản phẩm có nhãn ghi là sản phẩm bảo vệ sức khỏe...", đại diện nhà thuốc Thiện Mỹ Pharma nói.
Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), thực phẩm chức năng gồm nhiều loại: thực phẩm bổ sung, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm bảo vệ sức khỏe... Mặc dù đã có quy định tiền kiểm và hậu kiểm đối với sản phẩm bảo vệ sức khỏe nhưng thời gian qua vẫn phát hiện những trường hợp cố tình vi phạm về chất lượng sản phẩm.
"Tất cả các sản phẩm bảo vệ sức khỏe đều đang thực hiện tiền kiểm và hậu kiểm. Lúc đăng ký chất lượng với cơ quan nhà nước thì đó là quá trình tiền kiểm. Lúc đó có thể không có chất cấm nhưng trong quá trình sản xuất do nguyên liệu hay cố tình cho vào thì sẽ bị xử lý nghiêm chuyển cơ quan công an để điều tra...", ông Phong cho biết.
Thị trường thực phẩm chức năng thời gian qua được ví như một ma trận, nay lại có những sản phẩm vi phạm chất lượng, chứa chất cấm, khiến người tiêu dùng khó có thể biết đâu là sản phẩm tốt, xuất xứ ghi trên nhãn có đúng với thực tế hay không.
Bên cạnh việc cơ quan chức cần tăng cường hậu kiểm chất lượng thực phẩm chức năng, các chuyên gia cũng khuyến cáo, trước khi quyết định mua sản phẩm, người tiêu dùng nên tra cứu thông tin liên quan đến công bố và quảng cáo các sản phẩm thực phẩm chức năng, trên các trang web: https://congkhaiyte.moh.gov.vn và https://nghidinh15.vfa.gov.vn.
Ngoài ra, cần đọc kỹ nhãn sản phẩm, xem rõ về thành phần, tác dụng; chọn mua các sản phẩm của cơ sở uy tín, thông tin rõ ràng và phải có hóa đơn để làm bằng chứng cho việc mua bán hàng hóa giữa hai bên.
Mờ mắt, tổn thương não sau khi uống sản phẩm giảm cân chứa chất cấm Người phụ nữ 26 tuổi đột ngột mất thị lực, tổn thương não sau 10 ngày uống thuốc giảm cân. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân ngộ độc chất cấm Sibutramine có trong sản phẩm Detox Táo. Chị P.T.H (26 tuổi, trú tại Hà Nội) vào Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cấp cứu vì dấu hiệu mờ mắt. Người phụ nữ...