Uống thuốc hạ mỡ máu tốt nhất khi nào?
Tăng mỡ máu là tình trạng rối loạn lipid máu, tăng cholesterol có hại và giảm cholesterol có lợi của cơ thể. Có nhiều nhóm thuốc hạ lipid máu, nhưng thuốc được dùng phổ biến hiện nay là nhóm statin.
Việc uống thuốc đúng thời điểm rất quan trọng, sẽ làm tăng hiệu quả của thuốc, tránh tác dụng không mong muốn.
Lượng cholesterol có dư thừa sẽ bám vào thành động mạch ngày một nhiều, hình thành các mảng bám dày, thu hẹp lòng mạch và làm giảm lưu lượng máu đến tim, não, chân tay… gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Người bệnh cần dùng thuốc hạ mỡ máu đúng thời điểm để phát huy tác dụng tốt nhất.
Tác dụng của nhóm thuốc statin
Statin là nhóm thuốc đầu tay trong điều trị bệnh mỡ máu, có tác dụng theo 2 cách: Thuốc có thể ức chế enzym mà cơ thể cần để sản xuất ra cholesterol hoặc giúp làm giảm các mảng bám (do cholesterol tích tụ) hình thành ở trong lòng động mạch và có thể giúp làm giảm nguy cơ lên cơn đau tim hoặc đột quỵ.
Ngày nay, có rất nhiều loại thuốc thuộc nhóm statin với nhiều tên biệt dược khác nhau. Nhóm thuốc này được kết thúc bằng đuôi “statin”, như: simvastatin, atorvastatin, rosuvastain, lovastatin, fluvastatin, pitavastatin.
Khi nào cần uống thuốc
Trong trường hợp rối loạn lipid huyết nhẹ, không có bệnh mạch vành, đái tháo đường, tăng huyết áp, không hút thuốc, thì bệnh nhân cần thực hiện chế độ ăn kiêng và vận động… Sau 6 tháng kiên trì và thực hiện đúng theo hướng dẫn của bác sĩ nhưng kết quả xét nghiệm chưa giảm lipid huyết đến mức mong muốn thì bác sĩ sẽ kê đơn thuốc statin cho bệnh nhân uống. Khi đang dùng thuốc statin vẫn cần duy trì nghiêm túc chế độ ăn kiêng để đạt được việc hạ lipid máu tốt nhất (không ăn mỡ động vật và thực phẩm nhiều cholesterol; ăn nhiều rau cải, trái cây, chất xơ sợi và đủ chất đạm), vận động thể lực hằng ngày và cần giảm cân (nếu thừa cân).
Hình ảnh rối loạn mỡ máu.
Do các thuốc statin có nhiều dạng bào chế và liều dùng khác nhau nên tùy từng bệnh nhân bác sĩ sẽ kê loại statin phù hợp.Việc kê đơn thuốc phụ thuộc vào các yếu tố như: nồng độ cholesterol trong máu, các vấn đề bệnh lý khác kèm theo, các thuốc đang dùng để tránh các tương tác thuốc.
Uống thuốc thời điểm nào là tốt nhất?
Thời điểm tốt nhất để uống các thuốc trị mỡ máu phụ thuộc vào từng loại thuốc cụ thể. Với một bệnh nhân có nguy cơ cao mắc các bệnh tim mạch, bác sĩ sẽ kê loại thuốc trị mỡ máu statin liều cao hoặc statin tác dụng dài. Nếu bệnh nhân có ít các vấn đề về tim mạch thì có thể khởi đầu điều trị với liều thấp hoặc một statin tác dụng ngắn.
Video đang HOT
Các statin tác dụng ngắn sẽ làm giảm cholesterol hiệu quả nhất khi được uống vào buổi tối. Hầu hết các statin tác dụng ngắn có thời gian bán thải là 6 giờ. Thời gian bán thải là khoảng thời gian mà một nửa nồng độ thuốc được thải trừ ra khỏi cơ thể. Do đó, các statin này được chỉ định dùng trước khi đi ngủ để đạt nồng độ thuốc cao nhất khi cơ thể tổng hợp cholesterol nội sinh mạnh nhất và thuốc mang lại hiệu quả giảm cholesterol tốt nhất. Các statin tác dụng ngắn này bao gồm: lovastatin, fluvastatin (viên giải phóng tức thời), pravastatin, simvastatin.
Các statin tác dụng dài có thời gian bán thải lên tới 19 giờ, có hiệu quả hạ cholesterol tương đương khi được uống vào buổi sáng hoặc buổi tối. Bệnh nhân đang được điều trị với các statin tác dụng dài có thể tự chọn thời điểm uống thuốc trong ngày cho thuận tiện, quan trọng nhất là nên duy trì việc dùng thuốc vào một thời điểm cố định trong ngày, nhằm duy trì nồng độ thuốc ổn định trong máu. Các thuốc statin tác dụng dài bao gồm: atorvastatin, fluvastain (viên giải phóng kéo dài), rosuvastatin.
Những lưu ý khi dùng thuốc
Các tác dụng phụ thường gặp bao gồm: Đau cơ, mệt mỏi, chuột rút, táo bón hoặc tiêu chảy, buồn nôn, đau đầu, chóng mặt, viêm cơ (có thể nghiêm trọng).
Các loại thuốc có thể tương tác với thuốc nhóm statin, làm tăng nguy cơ gây tác dụng phụ gồm: Amiodarone, clarithromycin, cyclosporine, itraconazole, gemfibrozil, saquinavir, ritonavir… Thậm chí một số vitamin, thảo dược hoặc các chế phẩm bổ sung cũng có thể tương tác với statin. Để hạn chế tác dụng phụ, bệnh nhân nên chia sẻ với bác sĩ về bệnh mình đang mắc và đưa danh sách các thuốc đã hoặc đang dùng để bác sĩ tư vấn sử dụng loại thuốc hạ mỡ máu phù hợp.
Mặc dù statin là thuốc khá an toàn, nhưng có một tác dụng phụ đáng lưu ý nhất là tiêu cơ vân. Đây là tác dụng phụ nguy hiểm do các tế bào cơ vân bị phân giải, giải phóng các chất có bên trong tế bào, trong đó thải myoglobin qua đường tiểu tiện, dẫn đến chất này làm nghẽn thận dẫn đến suy thận. Dấu hiệu ban đầu của tác dụng phụ này là đau nhức cơ bắp, yếu cơ, co cơ (thường gặp ở cơ bắp chân, cơ lưng), sau đó nước tiểu màu đỏ đậm. Vì thế bệnh nhân cần lưu ý các dấu hiệu để ngừng thuốc và đến gặp bác sĩ ngay.
Vì vậy, trong quá trình sử dụng thuốc, người bệnh cần thông báo ngay với bác sĩ nếu gặp phải một trong các triệu chứng nêu trên. Tùy mức độ tác dụng phụ, bác sĩ sẽ có hướng xử trí thích hợp.
Không dùng bưởi khi đang uống thuốc nhóm statin vì nước bưởi có chứa một chất hóa học có thể liên kết với các enzyme phá vỡ statin trong hệ thống tiêu hóa.
Bệnh loãng xương - nỗi lo âu có thể phòng ngừa
Loãng xương là bệnh lý của hệ thống xương, làm giảm sức mạnh của xương, dẫn đến tăng nguy cơ gãy xương.
Theo báo cáo của Liên đoàn Chống loãng xương thế giới (International Osteoporosis Foundation - IOF), trên toàn cầu hiện có 200 triệu người bị loãng xương, 9 triệu ca gãy xương hàng năm; mỗi 3 giây có một gãy xương mới do loãng xương. Tỷ lệ loãng xương vẫn đang gia tăng ở mọi châu lục, đặc biệt là châu Á, nơi chiếm hơn nửa dân số thế giới.
Một số nghiên cứu gần đây ở các nước phát triển cho thấy, một trong hai đến ba người phụ nữ và một trong bốn đến năm nam giới trên 50 tuổi sẽ bị gãy xương do loãng xương trong cuộc đời sau này. Hậu quả của gãy xương do loãng xương rất nặng nề, gây đau đớn kéo dài, tàn phế, mất cuộc sống độc lập, gia tăng nguy cơ mắc các bệnh khác và có nguy cơ tử vong.
Tuy nhiên, các tiến bộ vượt bậc trong lĩnh vực loãng xương đã giúp chẩn đoán, đánh giá nguy cơ và phát triển các thuốc điều trị làm gia tăng sức mạnh của xương, giảm nguy cơ gãy xương. Với các bằng chứng lâm sàng, giá cả không quá cao... đa số các thuốc điều trị loãng xương từ đường uống đến tiêm truyền đều được chứng minh hiệu quả và đáng tin cậy, mang lại lợi ích cho số đông người bệnh khi tuân thủ các liệu trình điều trị thích hợp.
Mối nguy hiểm âm thầm
Loãng xương diễn tiến âm thầm, kéo dài và ngày càng nặng nề. Hậu quả nghiêm trọng nhất của loãng xương là gãy xương. Gãy xương là một gánh nặng về kinh tế xã hội rất lớn cho mọi quốc gia, đặc biệt ở nước ta. Chi phí lớn nhất cho bệnh loãng xương hiện nay vẫn là để điều trị gãy xương, đặc biệt gãy cổ xương đùi. Chỉ tính riêng các chi phí điều trị cho các vấn đề liên quan đến biến chứng gãy xương đã đưa loãng xương trở thành một trong những bệnh mạn tính tiêu tốn nhiều tiền nhất.
Theo tính toán, một ca gãy xương đùi nhập viện điều trị tiêu tốn trung bình khoảng 33,5 triệu đồng cho chi phí y tế trực tiếp điều trị nội trú; một ca gãy cột sống là 52,6 triệu đồng. Dựa vào tỷ lệ gãy xương ở các nước láng giềng như Thái Lan, ước tính mỗi năm Việt Nam có khoảng 60.900 ca gãy xương đùi và 44.000 ca gãy xương cột sống, với tổng chi phí ước tính là 4.354.900 triệu đồng (tức 218 triệu USD). Trong khi, nếu tầm soát loãng xương và điều trị sớm ở độ tuổi 60 - 70, chỉ tiêu tốn khoảng 6 triệu đồng/năm, thậm chí còn được bảo hiểm y tế chi trả.
Hơn thế nữa, người bị gãy xương do loãng xương có nguy cơ tử vong cao, gia tăng nguy cơ mắc các bệnh khác. Gần 25% bệnh nhân bị gãy xương đùi sẽ tử vong trong vòng 12 tháng sau biến cố gãy xương. Vì vậy, biến cố gãy xương do loãng xương được coi là nặng nề tương đương với đột quỵ trong tăng huyết áp và nhồi máu cơ tim trong bệnh mạch vành tim.
Cùng với việc gia tăng tuổi thọ và sự thay đổi lối sống, từ hai thập niên gần đây, loãng xương trở thành vấn đề y tế cộng đồng, một bệnh mạn tính cần được phòng ngừa, chẩn đoán, điều trị và theo dõi một cách hệ thống giống một số bệnh mạn tính quan trọng khác như: tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, thiếu máu cơ tim cục bộ...
Gãy xương do loãng xương có thể xảy ra sau té ngã, thậm chí sau những va chạm nhẹ trong những hoạt động hàng ngày. Gãy xương làm người bệnh đau đớn, mất khả năng vận động, mất khả năng sinh hoạt tối thiểu, tàn phế, phải sống phụ thuộc và gia tăng nguy cơ tử vong. Chính vì vậy, việc phòng ngừa, phát hiện và điều trị sớm để ngăn ngừa bệnh loãng xương, ngăn ngừa nguy cơ gãy xương có vai trò cực kỳ quan trọng.
Các thuốc điều trị loãng xương đã chứng minh trên thực tế lâm sàng, làm giảm tới 40% nguy cơ gãy xương vùng hông, tới 70% nguy cơ gãy xương đốt sống... nếu bệnh nhân tuân thủ điều trị của bác sĩ.
Trong một nghiên cứu trên 1.000 phụ nữ dùng thuốc điều trị loãng xương trong 3 năm, kết quả phòng ngừa được 100 trường hợp gãy xương (gãy đốt sống và gãy ngoài đốt sống). So sánh với một nghiên cứu về điều trị bệnh mạch vành bằng nhóm thuốc đặc trị trên 1.000 người trong 5 năm, kết quả chỉ phòng ngừa được 18 trường hợp biến cố tim mạch.
Các thử nghiệm lâm sàng với thuốc cho thấy mức độ an toàn khá cao khi dùng kéo dài trên 3 năm, 5 năm, 10 năm. Đặc biệt, các bệnh nhân cao tuổi, có nguy cơ gãy xương cao, việc duy trì điều trị kéo dài hết sức cần thiết vì nhiều lợi ích hơn nguy cơ.
Đừng "lãng quên" căn bệnh loãng xương
Nhiều người cho rằng đến hẹn lại lên, xương rồi sẽ "loãng" khi chúng ta về già. Đó là một trong những quan niệm vô cùng sai lầm. Một khủng hoảng trong chuyên ngành loãng xương ở một số nơi, bệnh loãng xương đã bị "bỏ quên", không đủ các chương trình phòng chống loãng xương trong cộng đồng. Không đầu tư trang thiết bị đủ để chẩn đoán bệnh và bệnh không được dự đoán, dự phòng; không được điều trị. Thậm chí nhiều bệnh nhân đã bị gãy xương, nhưng vẫn không được tư vấn điều trị và theo dõi lâu dài.
Trong những năm qua, ngành loãng xương đã có nhiều tiến bộ, giúp chúng ta hiểu nhiều hơn về quá trình phát triển của xương, tiến trình dẫn đến loãng xương, ảnh hưởng của tuổi tác, các yếu tố nguy cơ, các cơ sở khoa học để đánh giá sức mạnh của xương... Qua đó bác sĩ cơ xương khớp có thể tiên lượng nguy cơ gãy xương cho từng cá thể, các vấn đề liên quan đến chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa.
Bệnh loãng xương tuy gia tăng, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe con người, nhưng có thể phòng ngừa, chẩn đoán sớm, để có các biện pháp hữu hiệu nhằm giảm tối đa nguy cơ gãy xương và biến chứng của bệnh.
Kiến thức của cộng đồng về diễn tiến bệnh, yếu tố nguy cơ, phòng bệnh, chẩn đoán và điều trị bệnh lý này vẫn chưa được phổ biến rộng rãi. Mặc dù đã có những giải pháp tích cực, hiệu quả, an toàn và khả thi nhưng các giải pháp này còn chưa được thực hiện một cách nghiêm túc.
Phòng bệnh
Sự thay đổi lối sống kiểu công nghiệp, lười vận động. Lạm dụng thức ăn, đồ uống chế biến sẵn, xa rời thiên nhiên,... Bệnh loãng xương đang có xu hướng trẻ hóa, đang gần như bị "bỏ quên". Chưa có đủ các chương trình tuyên truyền phòng ngừa loãng xương một cách rộng rãi, thường xuyên trong cộng đồng.
Chẩn đoán
Do quá nhiều mối quan tâm, nhiều người đã không biết cơ thể mình có thay đổi gì, sức khỏe ra sao, những yếu tố nguy cơ của bản thân và gia đình... mà chỉ đi khám bệnh khi đã trễ... Nhiều cơ sở y tế không đầu tư trang bị cho chẩn đoán bệnh, một số bác sĩ khi khám bệnh, cũng không chú ý đến bệnh. Và bệnh loãng xương thường không được chẩn đoán.
Điều trị
Cũng như nhiều bệnh mạn tính khác, bệnh loãng xương đòi hỏi được chẩn đoán xác định và điều trị lâu dài. Nghiêm túc tuân thủ chỉ định của bác sĩ về thuốc cùng các điều trị hỗ trợ là cách tốt nhất để giảm thiểu các hậu quả nặng nề liên quan đến gãy xương.
Hiện thuốc điều trị loãng xương đã có những tiến bộ mang tính đột phá, mang lại hiệu quả cao, giúp người bệnh dễ dàng tuân thủ điều trị. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân vẫn chưa được chẩn đoán, chưa được dùng thuốc, từ chối dùng thuốc hay bỏ thuốc giữa chừng.
Phòng ngừa bệnh loãng xương
Các tiến bộ vượt bậc trong lĩnh vực loãng xương ngày nay đã giúp việc chẩn đoán, điều trị, tiên lượng, quản lý bệnh nhân loãng xương có hiệu quả. Tăng cường năng lực điều trị, giảm nguy cơ gãy xương, nâng cao chất lượng sống cho người bệnh
Phòng ngừa loãng xương cần duy trì một chế độ ăn uống, vận động hợp lý trong suốt cuộc đời, ngay từ thời thơ ấu. Ở những người mắc bệnh loãng xương, các nỗ lực để ngăn ngừa gãy xương bao gồm chế độ ăn uống hợp lý, tập thể dục thường xuyên, phòng ngừa té ngã, thay đổi lối sống (ngừng hút thuốc, hạn chế rượu, bia...) kết hợp với thuốc điều trị loãng xương theo chỉ định của thầy thuốc.
Bisphosphonates là một nhóm thuốc rất quan trọng trong điều trị loãng xương hiện nay, là chọn lựa đầu tiên của các bác sĩ cho đa số bệnh nhân loãng xương. Bisphosphonates có đường uống hàng tuần, hàng ngày, đường chích tĩnh mạch hàng quý, đặc biệt có dạng truyền tĩnh mạch hàng năm.
Sự cải tiến về đường dùng, khả dụng sinh học của thuốc cũng như liều dùng hàng năm đã giúp tăng sự tuân thủ và gia tăng hiệu quả điều trị. Thuốc cũng đặc biệt hữu hiệu để ngăn ngừa tái gãy xương trên những bệnh nhân đã bị gãy xương do loãng xương trước đó.
Dư thừa chất béo, uống nhiều rượu bia làm tăng cholesterol Chế độ dinh dưỡng dư thừa chất béo và lối sống ít vận động dẫn đến gia tăng cholesterol là nguyên nhân của nhiều bệnh gây hại sức khỏe, tính mạng như nhồi máu cơ tim, nhồi máu não. Bác sĩ CKII Lưu Ngọc Trân kiểm tra diễn tiến sức khỏe người bệnh điều trị tại khoa. Bác sĩ CKII Lưu Ngọc Trân,...