Thơm ngon gỏi mít non
Ngày bé, mỗi dịp hè tôi lại được về thăm quê nội. Trưa hè oi bức, bà lại ra vườn hái mít non làm gỏi trộn, món ăn tuy đơn giản, nhưng rất ngon và đã đi vào ký ức tuổi thơ tôi như một kỷ niệm khó phai mờ.
Mít non có thể chế biến nhiều món ăn, nhưng với chúng tôi, ngon nhất có lẽ là món mít non trộn. Những sợi mít nhỏ nhắn, điểm vào cọng rau thơm, trẻ con miền quê đứa nào cũng thích. Bà bảo phải chọn trái mít suông, chưa nở gai, xẻ đôi ra có màu trắng ngà thì món trộn mới ngon. Mít non hái vào, bà tỉ mỉ gọt bỏ phần gai xanh, lấy phần da trắng và phần thịt, cắt bỏ cùi, xẻ mít thành từng miếng lớn dọc theo chiều dài của cuống mít để khi luộc vẫn giữ nguyên được vị ngon ngọt.
Dùng lá chuối khô lau sạch mủ rồi sắp mít vào nồi, đặt lên bếp luộc vừa chín tới. Để lửa vừa và thỉnh thoảng trở hai mặt cho mít chín đều. Khi miếng mít vừa chuyển sang màu tím nhạt, dùng đũa xăm thử, thấy mềm thì tắt lửa vớt ra rổ để ráo, sau đó xắt thành từng miếng thật nhỏ. Phi hành với dầu ăn cho thật thơm, vàng, giòn, rưới lên mít và trộn đều với một ít gia vị, tiêu, muối, thêm các loại rau thơm như ngò, lá ớt non, rau răm, rau húng… Sau đó rắc lên một ít đậu phụng rang đã giã, vậy là có một thau mít non trộn thơm ngon.
Ăn gỏi mít non không thể thiếu bánh tráng nướng cùng chén nước mắm chanh tỏi ớt. Bánh tráng giòn rụm, mít non ngọt bùi, các vị cay, mặn, ngọt hòa lẫn vào nhau làm cho món ăn thêm phần đậm đà và thi vị. Mải chơi, lũ trẻ con đói bụng. Lúc đấy bà gọi vào ăn mít trộn xúc bánh tráng thì lũ trẻ chúng tôi mừng tíu tít. Gỏi mít non xúc bánh tráng, không thì có thể ăn kèm cơm thay cho một món rau.
Đơn giản, đạm bạc là vậy, nhưng cái mùi dầu phụng béo ngậy khiến món mít non trộn ngon không thua kém mít trộn kèm tôm, thịt ở các nhà hàng sang trọng. Đám trẻ con xúm quanh chiếc bàn thấp lè tè, tranh nhau từng mẩu bánh tráng, xúc sao cho được nhiều mít.
Thi thoảng tôi mong ước được quay trở lại ngày xưa, thèm ăn món mít trộn do chính tay bà làm. Đó không chỉ là món ăn thơm ngon, dân dã, mà còn là ký ức tuổi thơ khó phai mờ.
Giòn dai với những món ăn từ nấm mối
Tháng 5, tháng 6 (âm lịch) hàng năm, các khu rừng, đồi ở BR-VT bắt đầu xuất hiện nấm mối. Nấm mối được bán với giá từ 500-600 ngàn đồng/kg nhưng vẫn được rất nhiều người tìm mua vì mỗi năm nấm mối chỉ có một mùa.
Nấm mối được chế biến thành nhiều món ăn ngon và trở thành thứ đặc sản quý từ thiên nhiên.
Nấm mối được bán tại thị trấn Ngãi Giao (huyện Châu Đức).
Anh Tuấn Anh, một người chuyên đi săn nấm mối ở Châu Đức cho biết, vào khoảng đầu tháng 5 tới giữa tháng 6 (âm lịch), khi những cơn mưa bắt đầu đổ xuống rừng cao su sẽ có nấm. "Những con mối làm tổ lâu ngày dưới đất, nơi cao ráo tạo thành một cái gò và meo nấm sinh ra từ đây. Khi gặp nhiệt độ thích hợp, meo thành nấm đội đất chui lên", Tuấn Anh nói. Rạng sáng, nấm đội đất nhú lên và bung dù khi trời ló dạng nên phải chạy đua với thời gian để kịp nhổ. "Không phải ai đi săn cũng gặp được nấm, người đi cả mùa chỉ tìm thấy vài kg, có người nhổ được cả chục kg một đêm", Tuấn Anh cho biết.
Theo những người đi săn nấm mối, nhổ nấm cũng phải có kỹ thuật, phải nhổ lên hết cả phần chân nấm. Nếu nấm mọc chỗ đất cứng thì phải lay nhẹ hoặc dùng cành cây cạy đất để nhổ hết. Điều đáng chú ý là không được dùng dao, vì "hơi sắt" sẽ làm mối bỏ đi, năm sau nấm không mọc nữa. Nấm hái đem về cạo rửa sạch đất, để nguyên tai, nấm lớn chẻ làm đôi, sau đó ngâm chút nước muối cho sạch rồi tùy ý mà chế biến. Nấm mối dễ làm, dễ nấu, không kén chọn gia vị. Nấm mối ăn dai dai, cùng với vị ngọt và béo tự nhiên, hàm lượng đạm rất cao nên món ăn từ nấm mối rất được ưa chuộng. Nấm mối có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon, bổ dưỡng như: nấm mối nướng hay cuốn bánh xèo, nấm mối xào mướp, nấm mối nấu với cháo gà hay canh măng giò heo... Cách đơn giản nhất để ăn nấm mối là xào hoặc nấu cháo. Tuy nhiên, với những người sành ăn thì nấm mối nướng muối ớt và tráng bánh xèo là ngon nhất, bởi 2 món ăn này người ăn được thưởng thức trọn vẹn vị ngon ngọt, thơm giòn của nấm mối.
Với món nấm mối nướng muối ớt, người ta chọn những tai nấm mối còn búp, chẻ nấm ra làm đôi, rửa sạch nấm với nước có pha muối, vớt ra để ráo. Tiếp đến, cho muối hột vào chảo, bắc lên bếp rang khô để nguội. Đâm nhuyễn muối cùng với vài trái ớt hiểm xanh, để sẵn ra tô, không thêm gia vị (đường, bột ngọt), vì gia vị sẽ làm mất đi hương vị đặc trưng của nấm mối. Cho nấm mối vào tô muối ớt trộn đều vừa khẩu vị, để ngấm khoảng 10 phút rồi lấy lá chuối lau sạch, phơi nắng hơi héo, xếp nấm mối lên và gói lại. Sau đó, dùng rơm đốt cháy hay nướng trên bếp than hồng cũng được, nướng cho đến khi lớp lá chuối bên ngoài cháy thì gỡ ra, đổ nấm mối vào đĩa và ăn nóng. Nấm mối nướng muối ớt vừa dai, vừa giòn, lại đậm đà hòa lẫn vị cay của muối ớt khiến người ăn nhớ mãi.
Nếu đổ bánh xèo, thì vẫn giữ nguyên công thức như các cách chế biến thông thường, chỉ thay nhân bánh bằng nấm mối. Khi ăn, vị ngọt béo, dai dai của nấm mối và củ sắn, hành tây hòa quyện vỏ bánh vàng ruộm, giòn tan, cùng nước chấm cay cay, chua chua, ăn kèm rau tía tô, diếp cá... tạo nên một món ăn ngon và hấp dẫn. Ngày nay, với kỹ thuật đông lạnh, người ta đã biết bảo quản nấm để có nấm ăn quanh năm.
Món ăn từ rươi, nhìn thì ghê nhưng ăn là mê Thoạt nhìn con rươi nhiều thực khách cảm thấy ghê sợ bởi hình thù rất "dị" nhưng khi chế biến, những món ăn từ rươi đốn tim bất kỳ thực khách nào. Chả rươi Nói đến rươi là người ta nghĩ ngay đến món chả rươi nổi tiếng với vị ngậy ngậy, ngọt béo từ thịt rươi, thơm nồng của trứng gà, cay...