Thầy cô xây lớp học hạnh phúc bắt nguồn từ đam mê nghề giáo
Áp lực học hành, thi cử, sự kỳ vọng của cha mẹ, từ cuộc sống xung quanh khiến nhiều HS không cảm thấy hạnh phúc khi đến trường.
Cô Nguyễn Thị Lan Phương đem niềm vui học tập đến học trò.
Nhận biết được điều này, nhiều thầy cô giáo đã thay đổi để xây dựng những giờ học hạnh phúc, xây dựng trường học hạnh phúc. Sự thay đổi ấy bắt nguồn từ niềm đam mê và tình yêu nghề.
Học dạy khi còn là học sinh
Từ nhỏ, cô học trò Nguyễn Thị Lan Phương (hiện là GV Trường THPT Thanh Oai A – Hà Nội) ước mơ trở thành cô giáo. Chính vì vậy, Lan Phương luôn để ý quan sát GV của mình (cách cô giáo giảng bài, tác phong, ứng xử…), từ đó rút dần cho mình những bài học. Có lẽ chính điều đó đã giúp cô Lan Phương có được bản lĩnh, sự khéo léo trong các tình huống sư phạm.
Dạy THPT, HS độ tuổi mới lớn, tâm sinh lý đang ở giai đoạn thay đổi thất thường, nhưng cô Phương được HS lớp mình chủ nhiệm và các lớp khác yêu quý. Các em coi cô như chuyên gia tâm lý, mỗi khi có những tâm sự, trắc trở trong học tập, tư vấn chọn trường và cả những xúc cảm tuổi mới lớn đều không ngần ngại chia sẻ. Những mâu thuẫn gia đình, bạn bè, hiểu nhầm thầy cô, tình cảm tuổi mới lớn mà các em đang gặp phải nhờ cô đều được hóa giải.
Cô Phương cho biết: “Tôi không chỉ đặt mình ở cương vị một nhà giáo, mà còn là người bạn để chia sẻ với các em. Dùng tấm lòng chân thành, lắng nghe, chia sẻ, giúp các em rút cho mình những bài học, cảm thấy hạnh phúc hơn trong cuộc sống. Tôi thường để ý tới HS, nhìn vào ánh mắt để biết em nào đang có khúc mắc, nỗi buồn cần chia sẻ. Điều này rất quan trọng bởi các em có vui vẻ mới học tốt được”.
Cô Phương không chỉ chuyển tri thức đến cho HS qua phấn trắng – bảng đen, mà còn thường xuyên dùng Facebook để giao tiếp với HS bởi qua đây có thể đoán được tâm trạng của trò, từ đó kịp thời quan tâm, góp ý tế nhị. Facebook trở thành cầu nối, giúp cô trò hiểu nhau hơn.
Theo cô Phương, học trò hiện nay có cơ hội tiếp cận kiến thức từ nhiều nguồn, trong đó nhiều em học từ Internet. Hiểu được điều này, cô Lan Phương cũng dành nhiều thời gian để đọc tài liệu trên mạng cùng học trò. Cô cho biết: Học trò học online, cô giáo cũng phải học online để làm giàu kiến thức của bản thân. Đồng thời, GV kết hợp cả kiến thức được học, kiến thức trong sách và trên mạng để tổng hợp, so sánh, giúp HS biết được thế nào là đúng, sai. Chính điều đó giúp cô tự tin trong mỗi bài giảng, khiến học trò phải “tâm phục khẩu phục”.
Nét riêng trong bài giảng của cô chính là không giống với bất kỳ bài giảng nào đã có sẵn. Không đi theo lối mòn, cô Lan Phương tự sáng tạo ra bài giảng của riêng mình. Cô luôn đặt ra câu hỏi: Bài giảng này phục vụ cho ai? HS sẽ học được những gì, học được bằng cách nào? Truyền tải kiến thức cho các em thế nào cho dễ hiểu, thú vị?
Video đang HOT
Trong mỗi bài giảng trên lớp hàng ngày, cô giáo Lan Phương đều nghĩ đến tinh thần đổi mới. Đối tượng quan trọng nhất là HS, mọi phương pháp dù là truyền thống hay hiện đại đều phải hướng tới chủ thể này. Người GV không chỉ giảng bài giống như trả bài, xong là xong mà cần phải tự báo cáo xem HS tiếp thu được gì. Để giảm áp lực học tập cho trò, việc đầu tiên GV cần làm là khiến học sinh yêu quý thầy cô, thích môn học. Bí quyết của cô Lan Phương chính là cố gắng cười thật nhiều, biến kiến thức khó trở nên đơn giản bằng cách gắn với thực tiễn.
Đảm nhận dạy bộ môn Hóa học, theo cô Lan Phương, thuận lợi là kiến thức gắn với thực tiễn. Khó khăn là trang thiết bị dạy học chưa được hiện đại, HS đông nên việc hướng dẫn thực hành thí nghiệm vất vả, chính vì vậy nhiều GV e ngại cho HS thực hành mà chủ yếu là xem video mà không cho trải nghiệm thực tiễn. Bản thân cô phải tự vượt qua những hạn chế đó bằng cách kết hợp hợp lý giữa việc cho HS xem video minh họa, đồng thời tận dụng tối đa thời gian, trang thiết bị cho các em thực hành thí nghiệm.
Thầy cô giáo Trường THPT Hoàng Cầu hòa mình vào các hoạt động với HS.
Lùi lại để gần học trò
Cô Nguyễn Thị Hiền – GV môn Hóa học, Trường THPT Hoàng Cầu (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: Trong bốn năm trở lại đây, tôi liên tục là chủ nhiệm lớp 12. Đó là lớp chất lượng của nhà trường, tuy nhiên điều đó không có nghĩa tôi không gặp phải những khó khăn… Những HS của lớp tự nhiên, phần lớn thông minh, nhanh nhẹn nhưng cũng không kém phần cá tính. Nhiều GV đã chia sẻ khi tôi chuẩn bị đón lớp: “HS cứng đầu lắm, không bảo được”, “Lớp có một số HS đặc biệt đấy”… Khi nghe được những lời đó, bản thân tôi chỉ mỉm cười, suy nghĩ “sẽ làm gì để lớp học thay đổi”. Tôi cho rằng chỉ cần thật lòng mong muốn điều tốt đẹp cho HS sẽ làm được và tôi bắt đầu tiếp xúc với lớp từ những điều nhỏ nhất.
Hơn 10 năm làm GV chủ nhiệm, cô Hiền không ít lần gặp những “ca” khó của HS. Cô chia sẻ: Có HS đáng bị phạt, nhưng tôi không đề nghị phạt ngay mà lùi lại vài ngày. Tôi không chỉ cho HS cơ hội mà cũng cho mình cơ hội để nghĩ thêm, tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến hành động của HS từ phía thầy cô, cán bộ lớp và rồi tôi hẹn gặp riêng HS đó để nói chuyện, tháo gỡ… Và thông thường, sau buổi nói chuyện với tôi, HS đó tự nguyện đưa ra hình thức xử lý cho mình. Bằng cách này, không ít lần tôi đã thu phục được các em cá biệt.
Nếu được hỏi chọn cho con mình thành công hay hạnh phúc, là một người mẹ, tôi sẽ chọn cho con tôi hạnh phúc. Vì thế, tôi ủng hộ mục tiêu mang đến cho HS cảm giác hạnh phúc. Nhưng thực tế, đó là điều rất khó khăn nếu như bản thân mỗi thầy, cô giáo khi đến trường cũng đều mang theo bao nỗi niềm, sự mệt mỏi, lo âu, buồn bực… Tôi nghĩ bản thân người thầy phải tự rèn mình, rèn tâm tính mình để làm sao có thể lan tỏa đến HS một trạng thái bình an. Lan tỏa nụ cười, đó là điều cần thiết nhất. – Cô Nguyễn Thị Hiền
Tình yêu từ những điều giản dị
Ánh mắt tin yêu, sự tiến bộ của trò qua mỗi bài giảng, giờ học... là món quà tuy nhỏ nhưng đầy ý nghĩa với thầy cô.
Giáo dục HS bằng tình yêu thương mọi rào cản sẽ dần được hóa giải. Ảnh minh họa/INT
Điều đó chứng tỏ, khi giáo dục HS bằng tình yêu thương, chạm đến trái tim, thầy và trò sẽ thấy những khó khăn, rào cản, khoảng cách trước kia dễ dàng được hóa giải.
Tôn trọng cảm xúc của học sinh
20 năm giảng dạy tại Trường THPT Hoàng Cầu (quận Đống Đa, Hà Nội), cô Bùi Thị Ngọc Lan, Tổ trưởng Tổ Xã hội, giáo viên Ngữ văn cho rằng, gốc rễ của lớp học hạnh phúc chính là tôn trọng cảm xúc của HS. GV cần lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ, thấy được phẩm chất, kỹ năng, khuyến khích các em tham gia vào những trải nghiệm, từ đó rút ra được bài học thực tiễn, phát triển năng lực của mình.
Bên cạnh đó, theo cô Lan để cởi bỏ những rào cản từ phía phụ huynh, GV cũng phải coi lớp học của mình là một gia đình nhỏ. Cô giáo là người mẹ thứ hai, trao đổi với phụ huynh trên tinh thần tôn trọng cảm xúc tích cực, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của HS.
Với cô Lan, không có HS hư, bởi có thể có những HS chưa hoàn thiện về tư duy là do những yếu tố khách quan và chủ quan. Vì vậy không nên áp đặt một cách máy móc, phiến diện là các em không ngoan, giáo viên, phụ huynh cần có cái nhìn rộng hơn, tìm hiểu hoàn cảnh của các em để có cách giáo dục phù hợp.
Tôn trọng HS nghĩa là GV phải nghe các em nói, khi mắc lỗi, đưa ra phương án xử lý mang tính nhân văn để các em thấy được lỗi của mình. Điều quan trọng, GV phải có sự bao dung, tình thương, vui với những gì trò đạt được dù nhỏ nhất.
Thấu hiểu việc dạy HS THCS - lứa tuổi có nhiều thay đổi về tâm sinh lý, các em luôn cần sự quan tâm, chia sẻ của bạn bè, thầy cô và gia đình, cô Nguyễn Thị Diệu Hà, Trường THCS Ngọc Lâm (quận Long Biên, Hà Nội) thường xuyên trao đổi với gia đình HS, chủ động tạo ra sự tương tác thông tin hai chiều với cha mẹ HS nhằm khích lệ các hành vi chuẩn mực và điều chỉnh kịp thời những hành vi lệch lạc của các em.
Cô Hà bộc bạch: Công việc dạy học xuất phát từ ước mơ nối nghiệp mẹ, từ tình yêu con trẻ trong mọi hoạt động giáo dục HS, giảng dạy chuyên môn tôi luôn tìm sự sẻ chia, đồng cảm và đứng trên góc nhìn hướng thiện.
Ở lứa tuổi phát triển tâm lý phức tạp, đôi khi học trò có thái độ, phản ứng thiếu suy nghĩ, hành động nóng nảy, đòi hỏi GV phải biết kiềm chế để phân tích và làm nguôi bớt cảm xúc căng thẳng của các em... Sau đó, kết hợp với gia đình, thầy cô giáo bộ môn và các bạn cùng lớp để điều chỉnh dần đưa các em trở về trạng thái tâm lý bình thường.
Hạnh phúc khi trò tiến bộ
Cô Nguyễn Thị Thanh Huyền luôn gần gũi để thấu hiểu HS.
Là GV dạy Sinh học tại Trường THPT Phú Xuyên A (huyện Phú Xuyên, Hà Nội), những năm qua, cô Nguyễn Thị Thanh Huyền dành nhiều thời gian tìm hiểu, gặp gỡ, giúp đỡ những HS bị trầm cảm, đồng thời không ngừng nghiên cứu tìm tòi những phương pháp mới giúp các em hòa nhập với bạn bè, xã hội.
Theo cô Huyền, học sinh bị trầm cảm luôn muốn xa lánh bạn bè thầy cô, thu mình lại và muốn bỏ học, thậm chí có em muốn tự tử. Gần gũi HS, cô càng hiểu và thương hơn bởi căn bệnh mà các em mắc phải phần lớn đều xuất phát từ những sự cố xảy ra trong gia đình như bố hoặc mẹ mất; bố mẹ ly hôn; kinh tế gia đình thực sự khó khăn, một số em thì rơi vào thế giới ảo mê chơi game, xem phim hành động...
Trăn trở với câu hỏi phải làm thế nào để giúp các em, cô Huyền tìm gặp, trao đổi với nhiều chuyên gia sư phạm đầu ngành, đồng thời tìm hiểu qua sách vở, mạng Internet để hiểu về căn bệnh và tìm ra phương pháp mới để tiếp cận gần gũi các em.
Bằng cách tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nhiều em từ hờ hững, tham gia cho có nay hào hứng, mong chờ. Có được điều trên, theo cô Huyền, mọi sự thay đổi dù nhỏ nhất nơi HS đều được cô theo dõi, ghi nhận và biểu dương. Nhận lời khen của cô, cổ vũ của bạn bè, không ít em vượt ra khỏi "vỏ kén" của mình để thay đổi, tiến bộ.
Cô Huyền cho biết: Số liệu của nhiều nghiên cứu về tình trạng sức khỏe tinh thần gần đây cho thấy, tỉ lệ HS có vấn đề về tâm lí khoảng 25 - 30%; HS bình thường là 50 - 60%, HS nặng là 5 - 15% (tùy lứa tuổi, giới tính, vùng miền).
Ở môi trường giáo dục có thể giúp đỡ các em bằng cách tổ chức nhiều giờ học tập trải nghiệm trong và ngoài lớp học (đây là hình thức dạy học đặc biệt giúp người học có được cảm xúc thực tiễn, thực tế...) để HS được nói, thể hiện, hành động cụ thể.
Từ những nghiên cứu trên, cô Huyền xây dựng nhiều giáo án dạy học dưới dạng các hoạt động trải nghiệm giúp HS vừa chiếm lĩnh tri thức sinh học, vừa hình thành phẩm chất, năng lực. Trong giờ sinh học, các em được sắm vai, chơi trò chơi, tham gia hội thảo, làm mô hình, từ đó hình thành năng lực thực hiện mà còn có những trải nghiệm cảm giác, cảm xúc, ý chí và một số trạng thái tâm lý khác.
Nhờ linh hoạt hình thức dạy học, cô Huyền "khám phá" được tiềm năng của không ít HS: Những cậu học trò mê game giúp cô soạn giáo án điện tử; em say phim hành động luôn có ý tưởng bất ngờ trong hoạt động trải nghiệm, sáng tạo.
Thời gian đầu, em không thích, thậm chí khó chịu vì cho rằng cô quá nghiêm khắc. Nhưng một lần em mắc lỗi, cô đã không trách mắng mà chỉ nhắc nhở nhẹ nhàng, giúp em nhận ra cái sai. Dần dần, em đã hiểu cô, không còn định kiến mà thay vào đó, mỗi khi nghĩ đến hình ảnh cặm cụi ngồi soạn giáo án đến 12 giờ đêm em lại thấy thương cô. Nhờ cô em đã thay đổi rất nhiều. CAO LÊ NAM ANH - HS lớp 12A1 Trường THPT Hoàng Cầu (quận Đống Đa, Hà Nội)
Nhà giáo - mạch nguồn xây dựng lớp học hạnh phúc Trong bối cảnh đổi mới, chủ trương của ngành Giáo dục là xây dựng mô hình "Trường học hạnh phúc - Thầy cô hạnh phúc - HS hạnh phúc", với hai chỉ số quan trọng nhất trong mục tiêu giáo dục là hạnh phúc và tiến bộ. Cô và trò Trường THPT Hoàng Cầu (Hà Nội) trong thư viện nhà trường. Để đạt...