“Trường Hà Nội – Amsterdam là thanh xuân của tôi”
Trong quá trình dạy, chúng tôi học ngay từ chính những học sinh của mình bởi ngày nay các em có rất nhiều kênh tiếp nhận thông tin, và các em cũng rất thông minh.
“Vốn là cựu học sinh khóa 1 chuyên Văn Trường Trung học phổ thông Chuyên Hà Nội – Amsterdam, sau đó học Đại học Sư phạm Hà Nội 1, tôi về trường công tác theo chương trình “Trải thảm đỏ tài năng” đón lại học sinh về trường, lúc đó tôi 25 tuổi.
Người xưa có câu người chọn nghề, nhưng cũng có trường hợp là nghề chọn người và với cá nhân tôi thì có cảm giác là được nghề chọn. Khi còn là học sinh chuyên Văn thì tôi lại đam mê ngành Luật, lúc nào trong tôi cũng tâm niệm mình sẽ trở thành Luật sư.
Nhưng trong thời gian học tập ở đội tuyển quốc gia thì tôi có cảm giác mình rất yêu nghề giáo , cũng là một duyên may tôi đạt giải Nhì quốc gia rồi vào thẳng đại học và tôi đã chọn trường sư phạm .
Đối với tôi thì Trường Hà Nội – Amsterdam là thanh xuân, là nhà nên khi tôi về trường luôn có cảm giác rất thoải mái vì rất hiểu tâm lý của học sinh, hơn nữa trong con người tôi luôn có “chất Ams”, nó có một cái gì đó rất riêng.
Các thế hệ thầy cô của Trường Hà Nội – Amsterdam không phải chỉ là những người giỏi về học thuật , mạnh về tri thức mà có chất tài hoa và khí chất rất riêng và chúng tôi được thừa hưởng những điều đó.
Khi dạy ở Trường Amsterdam, với những học sinh rất thông minh, mạnh về cá tính, sáng tạo thì chúng tôi cũng dễ bắt nhịp, chính vì thế nên công việc đối với tôi ngay từ đầu cũng không có gì là bỡ ngỡ, xa lạ”.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Đỗ Tú Oanh – Tổ trưởng Tổ bộ môn Văn Trường Trung học phổ thông Chuyên Hà Nội – Amsterdam, đã chia sẻ.
Cô Đỗ Tú Oanh: “Đối với tôi thì Trường Hà Nội – Amsterdam là thanh xuân, là nhà nên khi về trường tôi luôn có cảm giác rất thoải mái vì rất hiểu tâm lý của học sinh, hơn nữa trong con người tôi luôn có “chất Ams”, một cái gì đó rất riêng”. Ảnh: NVCC.
Một môi trường đặc biệt
Theo cô Oanh: “Ở đây không chỉ học sinh mới có cá tính mạnh mà thầy cô cũng như vậy. Nhưng chúng tôi rất tự hào đây là một tập thể đoàn kết, cùng nâng đỡ và học hỏi lẫn nhau, học các thế hệ đi trước và các đồng nghiệp.
Trong quá trình học, chúng tôi còn học ngay từ chính những học sinh của mình bởi ngày nay các em có rất nhiều luồng tiếp nhận thông tin và bản thân các em cũng rất giỏi.
Tôi luôn đặt mình vào tâm lý của học trò để hiểu các em, để nắm bắt tâm lý, để chia sẻ, để động viên, để giảng dạy và tuyệt đối không dạy theo hướng áp đặt.
Theo tôi thì ở đâu hay bất cứ môi trường sư phạm nào thì sự áp đặt bao giờ nó cũng tạo nên sự khiên cưỡng, mà đã khiên cưỡng thì không bao giờ tạo được một môi trường sáng tạo , tích cực trong giáo dục.
Mỗi thời đại nó có một cái khác, thời của tôi học đội tuyển thì “ăn Văn, ngủ Văn” say mê và tràn trề cảm xúc. Nhưng có lẽ dần dần các thế hệ học sinh về sau lý trí hơn, cá tính hơn nên chính vì vậy với môn Văn bây giờ các em không học bằng cái say sưa như ngày xưa nữa.
Hiện nay các em học một cách tỉnh hơn, lạnh hơn và thật sự cũng không quá nhiều đam mê, nhưng mình là một giáo viên truyền lửa nên phải biết cách thắp lại đam mê đó, cuốn hút các em bằng những giờ học sáng tạo , bằng những cảm nhận văn chương đích thực.
Để cái tôi của các em được phát triển, ngoài giảng dạy truyền thống thì tôi hay dùng một hình thức mới là hội thảo, cho học sinh làm các chuyên đề và tự khám phá, tìm hiểu.
Quá trình đó sẽ làm cho các em tự tin hơn, cuốn hút và yêu môn Văn hơn. Tôi tái hiện các tác phẩm văn chương đó bằng hình thức sân khấu hóa và học sinh tự nhập vai.
Các em tự trải nghiệm, đồng sáng tạo với tác giả thì nó sẽ tạo nên hiệu quả văn chương tích cực, việc đó tôi thường xuyên tổ chức đan xen với cách dạy truyền thống.
Với đặc trưng là lớp chuyên nên tôi cũng có thuận lợi hơn về mặt thời gian để tổ chức các hoạt động bổ trợ dạy học như vậy, và bản thân các con cũng rất đam mê văn chương.
Tất nhiên là hiện nay các em có nhiều sự lựa chọn, ngày xưa nếu là học sinh chuyên Văn thì sống chết đi theo con đường văn chương, nhưng bây giờ các em có nhiều ngã rẽ khác nhau và có thể chỉ dùng Văn như một phương tiện chứ không phải là một nghề như xưa.
Tất nhiên vẫn có những em rất đam mê và có những em tôi phải dùng đến từ lý trí, nó lý trí hơn trong cách lựa chọn, biết dùng Văn để đạt được một cái gì đó, và đối với một số em thì môn Văn là một cách thức để rèn luyện, rèn cách viết, rèn tư duy, rèn kỹ năng phản biện, kỹ năng thuyết trình…sẽ có nhiều cách tiếp cận khác nhau.
Thực tế không hiếm những em với đam mê thực sự, “ăn ngủ lăn lóc” với văn chương. Thực ra là đã có phân hóa, có những em vào chuyên Văn vì đam mê, và có nhiều em muốn tìm kiếm thêm một cơ hội khi đặt chân vào trường Hà Nội – Amsterdam, đơn giản có khi chỉ là muốn có một môi trường học tập khác biệt, tốt hơn…”.
Cô Đỗ Tú Oanh và các em học sinh Trường Trung học phổ thông Chuyên Hà Nội – Amsterdam. Ảnh: NVCC.
Cô Oanh cho biết: “Với sự phân hóa học sinh như vậy thì công việc giảng dạy của chúng tôi ít nhiều cũng sẽ gặp khó khăn, nhưng chúng tôi vẫn phải đảm bảo việc đầu tiên phải là kiến thức chuẩn, chính xác.
Dù là sự lựa chọn nào trong cuộc đời thì các em vẫn phải trải qua những kỳ thi, đơn giản nhất là thi học kỳ, thi tốt nghiệp và chọn vào các trường đại học, chính vì vậy các em vẫn phải nắm bắt những kiến thức chuẩn, đầy đủ.
Tôi nghĩ rằng mình thu hút, lôi cuốn được các em từ chính lòng yêu nghề của mình, học sinh cũng rất tinh ý và mình yêu quý các em thật lòng thì các em mới yêu mình thật. Và từ chỗ yêu thầy cô giáo thì các em cũng yêu hơn môn học của mình”.
Phải đọc, phải sống với tác phẩm
Cô Oanh chia sẻ: “Thời xưa của chúng tôi rất ham mê đi thư viện bởi vào thời gian đó thì thư viện là kênh duy nhất để tìm kiếm thông tin. Nhưng hiện nay các con có thể đọc trên mạng và có nhiều kênh khác nhau để cập nhật.
Nhưng tôi vẫn khuyên các con nên đọc và cảm nhận bởi khi sờ vào các trang sách thì vẫn có cảm nhận khác, nó thật hơn, nó sống hơn…tất nhiên có học sinh cảm nhận đúng như vậy, nhưng cũng có con thì không.
Các em hãy viết bằng cái tôi của chính mình, đừng bao giờ lệ thuộc quá vào thầy cô giáo, đừng bao giờ là một bản sao mờ nhạt hơn thầy cô, các em hãy là chính mình, giữ được bản sắc của chính mình, giọng điệu riêng của mình.
Bản thân tôi rất quý, nâng niu ngữ điệu riêng của từng học trò bởi những cái đó sẽ làm nên những tài năng thật của các con. Văn chương đối với các con dù không phải thành tài hoặc một cái gì đó khác biệt nhưng các con sống thật với chính mình thì đó cũng là cái được rất lớn trong cuộc đời”.
Cô Đỗ Tú Oanh và các giáo viên Tổ bộ môn Văn Trường Trung học phổ thông Chuyên Hà Nội – Amsterdam. Ảnh: NVCC.
Theo cô Oanh: “Hiện nay chúng ta thường nói đến những cái tích hợp giữa văn chương với lịch sử, văn chương với giáo dục công dân…nhưng theo tôi cái tích hợp lớn nhất ở đây là các con học được từ văn, văn học là nhân học và câu đó chưa bao giờ xưa cũ.
Các con không phải chỉ học các tác phẩm bằng ngôn từ, bằng chủ đề mà thông qua đó để thấy phong cách tác giả, các con còn học làm người từ văn chương rất nhiều.
Có nhiều ý kiến học Văn hiện nay chủ yếu là học thuộc văn mẫu? Tôi không phủ nhận Văn mẫu vì có nhiều bài Văn mẫu rất hay, nhưng như tôi đã nói và khi dạy các con tôi vẫn luôn nhấn mạnh rằng các con đừng là một bản sao mờ nhạt của giáo viên hay bất kỳ của ai khác.
Các con hãy là chính mình, phát huy cái tôi, có giọng điệu riêng và văn chương thì mỗi người đều có một cách cảm nhận, không ai dám nói là mình đi đến tận cùng của một tác phẩm văn chương.
Khi đọc một tác phẩm văn chương thì mỗi người sẽ có một cách cảm nhận khác nhau ở mỗi một độ tuổi, độ lùi của thời gian, độ trưởng thành của mỗi con người sẽ cho phép mình có một cảm nhận khác biệt.
Vậy nên các con cũng nên học như thế, học bằng cái tâm thật sự, bằng đam mê thích thú của chính mình.
Nếu không yêu thích một tác phẩm văn chương thì sẽ không bao giờ có cảm nhận được nó một cách trọn vẹn, phải chăm đọc, suy nghĩ và tư duy.
Tôi nhận thấy học sinh hiện nay rất thích thể loại ngôn tình, nhưng tôi cũng hướng các con rằng đó cũng là một thể loại, nhưng các con hãy xem đó chỉ mang tính chất giải trí, còn trong ngôn ngữ tôi cũng phân biệt với các con rất rõ rằng nó có nhiều ngôn ngữ khác nhau, của khẩu ngữ mang tính chất sinh hoạt hàng ngày, ngôn ngữ của học thuật , ngôn ngữ của văn chương…thì mình hãy tìm đến ngôn ngữ như người xưa thường nói “giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt”, cái bản sắc của người Việt.
Chúng ta có thể chọn cách thức hòa nhập chứ không phải là hòa tan, những cái gì là cốt lõi, là giá trị tinh thần thì hãy cố gắng lưu giữ. Ngay cả văn chương, tục ngữ thì đều xuất phát từ đời thường, từ cuộc sống sinh hoạt hàng ngày thì hãy trả lại nó cho đời thường.
Trong quá trình các con học và trả lại cho cuộc sống thì các con sẽ tự lớn dần lên về nhân cách, cách mà các con giao tiếp hoặc thể hiện mình qua ngôn từ chắc chắn sẽ tốt hơn”.
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11: Chuyện ở giảng đường trên không
Có mặt tại Trung đoàn 920, đang giờ huấn luyện bay mới thấy hết sự vất vả cực nhọc của nghề bay, sự tận tụy của đội ngũ giảng viên và sự miệt mài rèn luyện của các học viên.
Mở máy, sẵn sàng lên đường băng cất cánh. (Nguồn: phongkhongkhongquan.vn)
Làm thầy giáo đã khó, làm thầy giáo người lính không quân lại càng khó hơn bao giờ hết, bởi môi trường sư phạm nơi đây rất đặc biệt.
Ngoài giảng đường ở mặt đất, các giờ thực hành bay, huấn luyện chiến đấu đều ở trên không.
Đó là những câu nói vui nhưng rất đúng bản chất của việc dạy và học tại Trung đoàn Không quân 920 thuộc Trường Sỹ quan Không quân (Khánh Hòa) về nghề Nhà giáo.
Có mặt tại Trung đoàn 920, đang giờ huấn luyện bay mới thấy hết sự vất vả cực nhọc của nghề bay, sự tận tụy của đội ngũ giảng viên và sự miệt mài rèn luyện của các học viên.
Vừa kết thúc luyện tập bay kèm vòng kín - tập cất và hạ cánh với nhiều thao tác quan trọng trong vòng 5 phút cho học viên làm quen với máy bay trên bầu trời - Võ Tá Khương, học viên phi công Phi đội 2, Trung đoàn 920, Trường Sỹ quan Không quân chia sẻ đây không phải là lần đầu tập bay của anh nhưng khi kết thúc vòng bay thuận lợi, Khương vẫn nhớ như in cảm giác ngày đầu, vui sướng, hạnh phúc khi được cầm lái máy bay.
Bây giờ, trong các bài bay, anh đã chủ động và tự tin hơn, thầy giáo chỉ ngồi buồng lái để xem và can thiệp khi thật cần thiết.
Khương cho biết thêm trong quá trình bay, mỗi lần anh vội vàng, thầy sẽ trấn tĩnh ngay. Thầy giảng giải bằng hành động, lời nói, nhờ vậy mà anh tích lũy thêm được rất nhiều kinh nghiệm sau mỗi lần thực hành bay cùng thầy.
Phi công ra tiếp thu máy bay. (Nguồn: phongkhongkhongquan.vn)
Thầy giáo Đại úy Nguyễn Văn Nhất có 7 năm hướng dẫn học viên phi công Iak -52 cho biết do đặc thù là giảng đường trên bầu trời, nên mỗi giờ dạy anh đều yêu cầu học viên rất cao.
Học viên phải tuyệt đối trung thành với với những kiến thức đã được dạy; thực sự thành thuộc xử lý bất trắc, do bất trắc diễn ra rất ngắn, đòi hỏi mỗi học viên phải xử lý tình huống từ lớn thành nhỏ, từ nhỏ về bình thường và hạ cánh an toàn, hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao.
Chỉ cần một sai sót nhỏ là không còn cơ hội để sửa sai. Do đó, trong quá trình học ở mặt đất cũng như trên không, thầy cố gắng truyền hết những kỹ năng khi đối mặt với nguy cơ như mây tích điện, đám mây dày đặc... để các học viên ổn định tâm lý và hoàn thành tốt nhiệm vụ.
"Chúng tôi luôn nghiêm khắc trong việc giảng dạy, nắm bắt chính xác tâm lý, cố gắng tìm hiểu tính cách từng học viên để có những bài giảng, huấn luyện phù hợp, giúp cho các em dễ hiểu, bình tĩnh trong khi thao tác máy bay. Tinh thần này trở thành lẽ sống trong mỗi người làm thầy dạy bay như chúng tôi, bởi giai đoạn đầu nghiêm túc và chính xác, cuộc đời bay của một phi công cũng theo đó mà phát triển thuận lợi," thầy giáo, Đại úy Nguyễn Văn Nhất chia sẻ.
Thượng tá Nguyễn Ngọc Thắng, Chính ủy Trung đoàn 920 Trường Sỹ quan Không quân cho biết nghề bay là một nghề đặc thù mang tính chất khổ cực và nguy hiểm, cho nên, công tác đào tạo tuyển chọn được làm rất kỹ và toàn diện.
Mỗi học viên bay ngoài thể chất khỏe mạnh, kiến thức đầy đủ cần phải một bản lĩnh chính trị vững vàng, lòng dũng cảm, tinh thần kỷ luật cao, sự quyết tâm, trách nhiệm, ý chí hoàn thành nhiệm vụ bay là rất quan trọng.
Thành phần kỹ thuật giao nhiệm vụ trước ngày bay. (Nguồn: phongkhongkhongquan.vn)
Thượng tá Nguyễn Ngọc Thắng khẳng định nghề bay là một nghề khó, cần phải kiên trì rèn luyện, học tập, có bản lĩnh và cùng nhiều yếu tố khác, nhất định sẽ thành công.
Anh tâm niệm nếu muốn đào tạo học viên trưởng thành bản thân học viên phải là những người có ý niềm tin, nhất là tình yêu quê hương đất nước, tình yêu đồng đội, tình yêu với bầu trời tự do của Tổ quốc, người thầy phải tạo nhiều cơ hội cho học viên điều khiển, nhưng phải kiểm soát chặt chẽ mọi hoạt động của trò trong quá trình bay, bởi chỉ cần một sai sót nhỏ, rất ít hoặc không thể sửa sai.
Trung tá Nguyễn Công Tráng, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 920 - Trường Sỹ quan Không quân, trải lòng học viên phi công phải thường xuyên rèn luyện trong điều kiện khắc nghiệt, phức tạp, do đó bản thân mỗi phi công phải nhận thức đúng về nghề nghiệp, có quyết tâm khắc phục những khó khăn, gian khổ như vậy mới có thể đi tiếp, dành cả đời mình bên khoang lái. Người thầy chỉ là người hỗ trợ, giúp đỡ ở những bước đi đầu tiên trong chinh phục bầu trời.
"Với chúng tôi, việc đào tạo nhiều phi công cho đất nước, đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng mới là nhiệm vụ vô cùng thiêng liêng. Do đó, khi tổ chức các ban bay thực hành trên máy bay Iak-52, chúng tôi chú trọng 3 quá trình: Xây dựng bản lĩnh chính trị, tâm lý và động cơ học tập đúng đắn cho học viên; bồi dưỡng nhiều chuyên ngành bay, thông tin, khí tượng, dẫn đường và điều hành bay và ngoại ngữ để học viên có kiến thức sử dụng hiệu quả các trang bị khí tài hiện có của Trung đoàn; chú trọng rèn luyện thể lực cho học viên, đặc biệt là môn thể thao chuyên ngành, hoạt động bổ trợ cho việc bay cũng như ứng dụng chiến đấu về sau này," Thượng tá Nguyễn Công Tráng chia sẻ.
Điều thú vị nhất ở những lớp học tại Trung đoàn 920 là mỗi một thế hệ phi công tốt nghiệp ra trường, không ai là không nhớ đến người thầy đầu tiên của mình. Đa số cho biết đó là một mối quan hệ đặc biệt, trên cùng một khoang lái, hai phi công không chỉ là hai thầy trò mà họ còn là mối quan hệ sinh tử, là anh-em đồng đội, là cha-con và hơn cả thế nữa.
Chính vì thế, trải qua bao nhiêu năm, họ vẫn luôn dành một góc trong tim để yêu thương, tôn kính và hiếu thuận với người thầy dạy bay.
Hết lớp này đến lớp khác, truyền thống tôn sư trọng đạo được vẫn là "khuôn vàng thước ngọc." Do đó, càng biết ơn những người thầy đầu tiên, bao thế hệ người thầy ở lại trường giảng dạy ngày nay tiếp tục phấn đấu, học hỏi thêm kiến thức, kinh nghiệm bay, kỹ năng sư phạm ứng dụng trong việc giảng dạy và đặc biệt là truyền thêm lửa đam mê nghề bay cho các học viên khi thực hành, huấn luyện trên không; giúp các học viên mới tự tin, vững bước chinh phục bầu trời, bảo vệ Tổ quốc, vùng trời, vùng biển./.
10 đại học đào tạo ngành Luật tốt nhất thế giới Top 10 đại học đào tạo ngành Luật năm 2021 do Times Higher Education xếp hạng đều thuộc Mỹ và Vương quốc Anh, trong đó Đại học Stanford dẫn đầu. Trường Luật của Đại học Stanford được biết đến là một trong những trường có tỷ lệ sinh viên trên nhân viên thấp nhất nước Mỹ (7,3) cùng thư viện Luật Robert Crown...