Sữa học đường khác gì sữa trên thị trường?
Một trong những điều phụ huynh quan tâm hiện nay là chất lượng sữa học đường như thế nào, có khác gì so với sữa ngoài thị trường?
Mục tiêu chung của các chương trình dinh dưỡng học đường là cung cấp năng lượng, bổ sung vi chất thiết yếu còn thiếu cho trẻ
Hà Nội: Sữa bổ sung 3 vi chất
Theo hồ sơ mời thầu do Sở GD&ĐT phát hành phần “Yêu cầu kỹ thuật” quy định: Sữa dùng cho chương trình sữa học đường được chế biến từ nguyên liệu sữa tươi, có đường hoặc không đường đáp ứng đúng theo các nội dung về quy chuẩn quốc gia về sữa dạng lỏng hiện hành (QCVN 5-1: 2010/BYT). Hồ sơ mời thầu cũng yêu cầu sữa học đường được cung cấp phải có nhãn “sữa học đường” dành riêng cho chương trình.
Ngoài yêu cầu như trên, theo bản yêu cầu cập nhật mới nhất về hồ sơ mời thầu của Sở GD&ĐT Hà Nội (ngày 21/9/2018), sữa được cung cấp cho chương trình phải được bổ sung các vi chất. Cụ thể, trong 100 ml sản phẩm được bổ sung 3 vi chất với hàm lượng như sau: vitamin D (1-1,4 ug), sắt (1,4-1,9 mg), canxi (114-150 mg). Như vậy, đây là sự “chuyên biệt” của sữa học đường so với sữa trên thị trường mà ông Phạm Xuân Tiến – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội trao đổi gần đây.
Theo một chuyên gia dinh dưỡng, các chất bổ sung như trên cũng rất dễ tìm thấy trong nhiều sản phẩm sữa có trên thị trường. Vấn đề là ở chỗ, các sản phẩm trên thị trường có thể bổ sung chất này nhưng thiếu chất kia; còn sữa học đường tập trung vào một sản phẩm. Và điều quan trọng hơn, theo vị này, sữa học đường là sản phẩm được triển khai cho số đông học sinh sử dụng nên giúp trẻ em phát triển đồng đều.
Khi nào có quy chuẩn sữa học đường quốc gia?
Như Tiền Phong đã phản ánh, một trong những bất cập là ngành Y tế chậm ban hành quy chuẩn sữa học đường quốc gia, khiến cho các địa phương lúng túng trong việc lựa chọn loại sữa áp dụng cho chương trình.
Video đang HOT
Cụ thể, tại Quyết định 5450/QĐ-BYT (Quy định tạm thời đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020), Bộ Y tế giao Viện Dinh dưỡng quốc gia hoàn thành bộ vi chất bổ sung vào sữa học đường vào tháng 6/2017 để làm cơ sở ban hành quy chuẩn hoặc tiêu chuẩn chung.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, PGS.TS. Trương Tuyết Mai – Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho hay, Viện đã hoàn thành báo cáo lên Y tế về bộ vi chất cần bổ sung cho sữa học đường. “Chúng tôi đã báo cáo lên Bộ, Bộ họp nhiều lần xem xét và sẽ ban hành trong những ngày tới”, bà Mai nói.
Bộ vi chất bổ sung cụ thể cho chương trình sữa học đường quốc gia chưa được công bố. Tuy nhiên, theo các chuyên gia của Viện Dinh dưỡng quốc gia, bộ vi chất này trước hết phải bám sát mục tiêu can thiệp dinh dưỡng được Chính phủ đặt ra cho sữa học đường.
Cụ thể, Quyết định 1340/QĐ-TTg ngày 8/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ (phê duyệt chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020) đặt mục tiêu về dinh dưỡng như sau: Đáp ứng nhu cầu sắt, canxi, vitamin D của trẻ em mẫu giáo và tiểu học thêm 30% vào năm 2020. Đại diện Viện Dinh dưỡng quốc gia khẳng định, việc trẻ em Việt Nam thiếu vi chất gì là kết quả thống kê, nghiên cứu trong nhiều năm.
Vì sao không thực hiện chương trình phổ cập các thực phẩm khác như thịt hay cá ở học đường mà triển khai sữa học đường, chuyên gia thuộc Viện Dinh dưỡng quốc gia cho hay, với mục tiêu cung cấp năng lượng, vai trò của sữa hay thịt, cá… có sự tương đồng. Tuy nhiên, mục tiêu bổ sung vi chất là lý do để Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) lựa chọn và thực hiện chương trình sữa học đường.
“Ngoài vai trò là thực phẩm bổ dưỡng, sữa còn đóng vai trò là chất dẫn để bổ sung các vi chất còn thiếu cho trẻ. Việc bổ sung các vitamin, khoáng chất vào sữa về mặt khoa học thuận lợi hơn nhiều việc bổ sung khi chế biến thịt, cá, cơm hay rau… Sữa học đường trước hết là vấn đề khoa học”, vị này nói.
SỸ LỰC
Theo Tiền phong
6 vi chất dinh dưỡng giúp trẻ phát triển chiều cao
Vitamin A, vitamin D, kẽm, sắt... là những vi chất quan trọng tác động đến phát triển chiều cao của trẻ.
Vitamin A, iốt, sắt
Vitamin A rất cần thiết cho tầm nhìn, sự biệt hóa về tế bào, chức năng miễn dịch và tạo xương. Iốt là nguyên tố vi lượng thiết yếu để ngăn ngừa bệnh bướu cổ và bệnh chậm phát triển trí não.
Trong giai đoạn phát triển, cơ thể phụ thuộc nhiều vào sắt. Sắt giúp vận chuyển ôxy tới các tế bào cơ thể... Thực phẩm giàu sắt là thịt, hải sản, đậu đỗ, rau màu xanh đậm, thực phẩm tăng cường chất sắt.
Canxi
Thức ăn giàu canxi gồm sữa, phô mai, các sản phẩm từ sữa, rau có màu xanh thẫm, sản phẩm từ đậu tương, cá... Gần đây thị trường xuất hiện nhiều thực phẩm tăng cường canxi như bánh mì, bánh bích quy, nước cam, ngũ cốc ăn liền.
Nhu cầu canxi mỗi ngày của trẻ dưới 6 tháng tuổi là 300 mg, 6-11 tháng tuổi là 400 mg, 1-2 tuổi là 500 mg, 3-5 tuổi là 600 mg. Phụ nữ có thai và cho con bú có nhu cầu canxi cao nhất tương ứng là 1.200 mg và 1.300 mg.
Trẻ 3-5 tuổi mỗi ngày nên sử dụng 4 đơn vị ăn sữa và chế phẩm sữa. Một đơn vị chứa 100 mg canxi có trong một miếng phô mai (15 g phô mai), 100 ml sữa chua (một hộp sữa chua) và 200 ml sữa dạng lỏng (2 ly sữa nhỏ).
Kẽm
Kẽm giúp tăng hấp thu, tăng tổng hợp chất đạm, phân chia tế bào, tăng cảm giác ngon miệng. Thiếu kẽm sẽ làm chậm phát triển chiều cao, rối loạn phát triển xương, chậm dậy thì, gây biếng ăn do rối loạn vị giác. Trẻ biếng ăn kéo dài sẽ dễ bị suy dinh dưỡng, lâu dần sẽ ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển. Kẽm cũng tương tác với những hormone quan trọng tham gia vào tăng trưởng xương. Vi chất này làm tăng hiệu quả của vitamin D lên chuyển hóa xương thông qua kích thích tổng hợp ADN trong tế bào xương.
Các thực phẩm giàu kẽm gồm thịt đỏ, một số hải sản, ngũ cốc nguyên hạt và một số ngũ cốc ăn liền được tăng cường kẽm. Trong 100 g sò chứa 13,4 mg kẽm, 100 g thịt lợn chứa 5,76 mg kẽm, 100 g thịt bò chứa 4,05 mg kẽm.
Vitamin D
Trong tự nhiên, rất ít thực phẩm chứa nhiều vitamin D. Một số loại dầu gan cá, nhất là cá béo, gan và chất béo của động vật có vú ở biển, trứng gà được nuôi, chứa vitamin D. Trong 100 g cá chép có 24,7 mcg vitamin D, 100 g cá hồi chứa 10,88 mcg vitamin D, lòng đỏ trứng gà có 2,88 mcg trên 100 g.
Vitamin D giúp cơ thể tăng cường hấp thu canxi, làm xương chắc khỏe và tăng trưởng tốt. Trẻ cần tăng cường vận động ngoài trời và sử dụng thực phẩm giàu vitamin D và canxi.
Ngoài tác dụng tăng trưởng chiều cao, các vi chất dinh dưỡng này còn tăng cường miễn dịch đối với trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi.
Bác sĩ Ngô Thị Hà Phương
Viện Dinh dưỡng
Theo Vnexpress
Sau khi tắm - Thời điểm không nên cho con bú vì sẽ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của trẻ Có những thời điểm mẹ cho con bú không những không cung cấp nguồn sữa tốt nhất cho con mà còn có hại cho sức khỏe của trẻ. Một trong những thời điểm đó là ngay sau khi tắm xong. Nhiều mẹ thường có thói quen sau khi tan sở, việc đầu tiên là tắm rửa sạch sẽ rồi lập tức cho con...