Quán lụi nướng bà Sáu phố núi khiến người Sài Gòn ‘quên lối về’
Ở phố núi Gia Lai, có một quán lụi nướng thơm lừng, nức tiếng hàng chục năm nay, gắn bó với tuổi thơ của nhiều người, đó là lụi bà Sáu.
L ụi nướng bà Sáu thơm lừng một góc phố núi
Bà Sáu tên thật Đinh Thị Chỉnh, 65 tuổi, bà mở quán lụi nướng tại số 122 Cao Bá Quát, P. Yên Đỗ, TP. Pleiku từ năm 2002. Chồng bà là người con thứ sáu trong nhà nên hàng xóm gọi bà là bà Sáu.
Lụi nướng khiến nhiều bạn trẻ phố núi mê mẩn mỗi chiều chính là những cây ram xiên (ram là bánh tráng cuốn một ít thịt heo bằm) rồi đem nướng chín trên bếp than đỏ lửa. Mỗi xiên lụi có từ 4 – 5 miếng ram. Khi nướng, bà Sáu thường cầm cả bó xiên ram, vừa nướng vừa quết mỡ heo lên trên, than hồng cuộn lên khiến xiên lụi kêu xèo xèo.
“Gọi món này là ram nướng hay lụi nướng đều được. Ram cuốn mà lụi vào bếp thì ra món lụi nướng”, bà Sáu nói.
Bà là Đinh Thị Chỉnh, năm nay 65 tuổi, mở quán lụi nướng từ 2002. Mọi người hay gọi bà là bà Sáu LÊ NAM
Trước khi thưởng thức, tôi hình dung lụi nướng cũng giống như món xiên thịt nướng ở Sài Gòn. Nhưng thật ra không phải. Nhân thịt heo bằm trong miếng ram khá ít, khi ăn thậm chí có miếng còn không cảm nhận được vị thịt. Nhưng cái ngon ở đây chính là vị giòn dai, càng nhai càng bùi của miếng ram nóng hổi. Ăn chơi cho bữa xế chiều rất hợp, nhất là tiết trời se lạnh của phố núi Pleiku.
Một xiên có chỉ giá 1.000 đồng
Dĩa xiên lụi nướng là món ăn vặt yêu thích của giới trẻ phố núi
Đặc biệt, nước chấm me chua ngọt – thứ nước sệt sánh được bà Sáu pha chế theo công thức riêng chính là bí kíp hút hồn người ăn.
Video đang HOT
“Bà Sáu pha tương me, xì dầu với đường thôi. Khi ăn con phải chấm thật sâu miếng lụi nướng vào chén rồi ăn ngay. Chấm chút chút cũng không ngon đâu”, vừa nói vừa cầm xiên lụi đã chấm ngập chén nước tương me chua ngọt, ấy là bà Sáu đang hướng dẫn chúng tôi cách ăn lụi nướng đúng kiểu.
Ngoài lụi nướng, quán còn bán thêm 2 món là bò lá lốt và bánh cuốn (dùng bánh tráng mềm cuốn cả bò lá lốt và ram nướng, rau sống thành chiếc bánh to).
Nước chấm me chua ngọt đúng điệu. Bà Sáu hướng dẫn khi ăn, phải chấm miếng lụi nướng ngập chén mới ngon
Bò lá lốt cũng được nhiều người yêu thích
Nhóm bạn của Dương Thị Ngọc Thúy, 22 tuổi, đến quán bà Sáu lụi vào thời điểm khá muộn, khoảng 20 giờ tối, khi quán gần đóng cửa. Thúy cho biết em sống ở Gia Lai nhưng đang theo học ở đại học Tây Nguyên (TP. Buôn Ma Thuột – Đăk Lăk). Mỗi khi có thời gian rảnh về thăm nhà, Thúy đều dẫn nhóm bạn của mình ghé quán lụi bà Sáu.
Thấy Thúy và các bạn ăn nhiệt tình, gọi bà Sáu bưng xiên lụi nướng mới ra không kịp, chúng tôi mới hỏi vui: “Đến đây em ăn được bao nhiêu xiên rồi?”, cô bạn ngập ngừng, giả bộ đếm que xiên trên bàn. “Nãy giờ em ăn mấy cái nhỉ? Em ăn có 5 cái chứ mấy.” Vừa dứt lời, nhóm bạn ồ lên chọc ghẹo: “Xạo, 50 cái thì có”. Thế là cả đám bạn là cười lên giòn tan, rộn ràng cả một góc phố núi.
Dương Thị Ngọc Thúy (áo hồng) và nhóm bạn thưởng thức lụi nướng phố núi
Quán rôm rả hẳn lên khi có nhóm bạn trẻ ghé ăn
Theo lời kể của bà Sáu, trước đây bà Sáu từng theo chồng mổ heo nhiều năm trời. Nhà ông Sáu có nhiều đời làm nghề này. Vì bà ngại sát sinh, muốn bỏ nghề nên đã quyết đi chùa ăn chay 10 năm để xin được chuyển nghề khác. Và rồi như cái duyên tự đến, bà chuyển sang bán hàng ăn, ngày một đông khách.
Cách đây hơn 15 năm, khi mới mở quán, bà Sáu chỉ bán lụi nướng kèm theo các món mắm nêm, heo quay buổi sáng cho học sinh. Mỗi sáng bán hết 5 kg thịt heo với 5 kg bún, còn lụi nướng chỉ là món ăn kèm. Những ngày đầu chỉ bán khoảng 20 chiếc bánh tráng Bình Định, sau dần tăng lên gấp 2-3 lần. Và đến nay, quán bán cả mấy trăm bánh tráng. Vì quá đông khách ăn lụi, bà Sáu không kịp cuốn nên chuyển hẳn sang bán lụi nướng từ chiều đến tối; đồng thời dành cả buổi sáng để nhân viên cuốn lụi.
Bánh tráng nhập từ An Thái, Bình Định – quê gốc của bà Sáu
Bánh tráng to cắt ra thành những miếng nhỏ để cuốn
Mỗi ngày, quán lụi bà Sáu mở từ đầu giờ chiều cho đến khoảng 21 giờ. Vì là món ăn vặt nên khá rẻ. Mỗi xiên lụi nướng chỉ từ 1.000 đồng/ xiên, trước đây có giá 500 đồng/ xiên, bò lát lốt 5.000 đồng/ cái, bánh cuốn (gỏi cuốn) là 10.000 đồng/ cái. Quán khiến cho biết bao người trẻ phố núi say mê món ăn giản dị này.
Ngày xưa quán của bà là “tiểu quán bình dân”, nhỏ lắm, mình đâu có so bì được với người ta. Từ đó dần dần tăng lên. Mấy cháu thích ăn ủng hộ cho bà Sáu, từ đó bà Sáu nổi lên luôn. Còn ví dụ tụi con ở xa về, tụi con yêu cầu bây giờ con thích ăn thì bà Sáu sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của mấy con thôi, không có vấn đề gì cả”, bà Sáu nở nụ cười tươi tắn.
Theo Thanhnien
Xôi chiên trứng nửa đêm Đồng Hới
Bây giờ nhớ Đồng Hới, tôi không thèm bánh xèo, khoai dẻo, cháo canh hay lẩu cá, mà cứ mong ngóng một ngày trở lại chỉ để nhấm nháp món xôi chiên giòn rụm, thơm lừng lúc nửa đêm.
Xôi chiên trứng Đồng Hới
Chúng tôi chạy một mạch từ Hà Nội vào Quảng Bình, về đến khách sạn đã sắp nửa đêm. Bạn giục tắm giặt thay đồ ù lên, có đồng bọn người thổ địa hẹn dắt đi ăn đêm, có món xôi chiên ăn "quên sầu".
Vội vội vàng vàng trèo lên xe, chạy ngoắt nghéo quanh phố vắng, loáng cái đã thấy dừng lại trước một cửa quán cũng đầy xe. Nhộn nhịp người vào ra.
Nhắc đến Đồng Hới, Quảng Bình, người ta vẫn hay truyền tai nhau về những món ăn đặc sản như bánh xèo làm từ gạo lức, khoai dẻo, cháo canh, lẩu cá khoai hay ruốc tháng 6, chưa thấy ai giới thiệu món đặc sản nghe tên khá dân dã, và hình như nổi danh hơn ở vùng khác: Xôi chiên. Ấy vậy mà ấn tượng về một món ăn chỉ dân địa phương mới kháo nhau mới hay ho làm sao.
Đã vào bàn yên vị một lúc mà vẫn thấy mấy cô bé, cậu bé giúp việc bận túi bụi, làm liên tay không có cả đủ thời gian trả lời khách. Thực khách cốt yếu là nam thanh nữ tú đi chơi về khuya rẽ vào ăn đêm.
Xem trên thực đơn thấy khá nhiều món, chủ yếu là liên quan đến gà, lòng mề, tràng trứng gà. Nhưng có một món ăn thấy ghi đặc sản trên 'menu', và đã được bạn vốn là dân thổ địa đất Đồng Hới công nhận: Xôi chiên.
Tôi tò mò đi loanh gian bếp nấu, mấy cô gái đứng bếp đang chọn gà để làm phở, mỗi bát hẳn một cái tỏi cắt lên tận mạn sườn, cỡ con gà chứ chả đùa. Cô khác thì đứng cạnh bếp nấu, mồ hôi lấm tấm, đang liên tay xào lòng mề tràng trứng với hành tây, tỏi tây.
Một rá xôi đặt trên bếp lò, hơi nóng nghì ngụt, vàng ruộm nơi góc tường. Tôi lại gần ngắm chiếc rá khá điệu đà như hình một mảnh trăng lưỡi liềm, dùng thìa xới một mẩu xôi nhỏ đưa lên miệng.
Nếp dẻo và thơm, không thấy hương liệu gì đặc biệt, nhưng không hiểu bằng cách nào mà rá xôi vàng ruộm.
Câu hỏi "có phải dùng nghệ làm màu vàng không" của tôi rơi vào khoảng thinh không, bởi mấy người đứng bếp đang vội vã chuẩn bị đồ cho thực khách đang kéo đến ngoài vỉa hè đông đúc, và một số người dừng xe mua đồ ăn mang về đã phải ngậm ngùi rời đi khi người bán trả lời: hết hàng.
Rá xôi vừa đồ còn bốc khói
Trong lúc chờ đĩa xôi chiên đặc sản mang ra thì chị bạn tôi, một người sành ăn và với cái thú ngao du sơn thủy cũng như vốn kiến thức về ẩm thực mọi miền đất nước đủ để khiến mấy đứa trẻ chúng tôi mắt tròn mắt dẹt đã nhanh nhảu lý giải.
Chị bảo, xôi chiên ở đây làm khác nhiều nơi khác, dùng trứng đánh bông rải đều trên mặt xôi, khi chiên, lớp trứng ấy được dàn đều và chín mềm bởi hơi nóng bám vào xôi, quyện thành một 'tổng thể' không tách rời, rắc thêm ít ruốc thịt là có thể bày lên đĩa.
Tả vừa dứt thì đĩa xôi chiên trứng được mang ra. Thoạt nhìn giống một miếng bánh vàng ruộm khiến cả bọn vốn đã có một ngày trời chạy ròng rã từ Bắc vào Trung phải nuốt nước miếng đánh ực.
Tấm xôi dàn mỏng rộng vừa bằng lòng chảo, trên phủ trứng và ruốc nên dễ thưởng thức và không tạo cảm giác ngấy bởi sự kết hợp giữa nếp và dầu mỡ đã được làm dịu đi với lớp trứng xốp.
Dùng tay xắn một miếng như bẻ bánh, lớp xôi dưới được chiên giòn, lớp phía trên vẫn mềm dẻo và ngầy ngậy bởi có lớp trứng phủ, lại thêm tý vị đậm đà của ruốc thịt hòa quyện vào nhau với đủ chất, đủ hương vị. Ngon không thể tả.
Cả bàn nhón tay mỗi người một miếng nhỏ thưởng thức, trong khi bạn tôi hối hả giục nhà bếp chiên thêm đĩa nữa để chồng lên đĩa xôi chiên vừa mang ra đã trống trơn. Ai cũng gật gù: Ngon thật.
Chỉ thế thôi, mà món xôi chiên trứng Đồng Hới nửa đêm của tôi đã trở thành một thứ "ăn để nhớ" mỗi khi nghĩ về vùng đất ấy.
Theo Asiabooking
Địa chỉ ăn cua sốt ớt ở Singapore 'ngon quên sầu' Điều làm nên nét khác biệt của món ăn là nước sốt ngòn ngọt, cay nồng và thơm lừng được làm từ ớt và tương cà, sẽ thỏa mãn vị giác của bạn. Trong thế giới ẩm thực phong phú ở Singapore, cua sốt ớt (chilli crab) được xem là món ăn 'tinh túy nhất'. Hiếm có ai đến Singapore mà không ăn...