Bánh gói xứ Quảng
Xứ Quảng vốn nổi tiếng với nhiều món ăn dân dã, trong đó có bánh gói. Bánh gói làm từ bột gạo, nhân tôm, thịt. Người địa phương, hòa trộn những hương vị đặc trưng của vùng quê xứ Quảng tấm lòng thơm thảo vào trong chiếc bánh.
Chính vì thế, những dịp giỗ chạp, ngày Tết, người xứ Quảng thường làm bánh gói để cúng ông bà tổ tiên.
Bánh gói xứ Quảng mang tấm lòng thơm thảo, cả hương vị đặc trưng và “hồn quê” xứ Quảng vào trong bánh (ảnh minh họa)
Video đang HOT
Làm bánh gói không khó, nhưng đòi hỏi sự cầu kỳ và tinh tế. Nguyên liệu chính là bột gạo tẻ nhưng ngon nhất, cho bánh một hương vị riêng phải xuất xứ từ gạo quê được trồng vùng ven sông Thu Bồn. Bột gạo phải pha với một tỉ lệ hợp lý để bánh vừa mềm, lại dòn và dai. Thông thường sẽ xay bột nước, sau đó pha thêm khoảng 1/10 khối lượng bột lọc vào; cũng có thể dùng bột khô pha nước. Dù dùng loại bột nào thì lượng nước yêu cầu phải thích hợp, bột nhiều nước bánh sẽ nhão, ít nước thì bánh bị cứng. Bột sau khi xay hoặc pha nước phải để chừng 2-3 giờ. Trong khi pha bột có thể cho thêm một ít dầu ăn, một ít muối, mì chính để bánh đậm đà hơn. Cho bột đã pha lên bếp đun, quá trình đun phải nhỏ lửa để bột không bị xém, khê; vừa đun vừa dùng đũa khuấy đều để bột không bị vón cục. Đến khi bột quánh dần thì bắc xuống và tiếp tục khuấy cho đến khi bột đặc lại. Điều này đòi hỏi người làm bánh có nhiều kinh nghiệm, quen tay pha bột thì mới có được mẻ bột làm bánh ngon.
Chế biến nhân bánh cũng cầu kỳ không kém. Người xứ Quảng dùng tôm và thịt heo (lợn) làm nhân bánh. Tôm yêu cầu loại tôm đất, vỏ tôm mỏng và thịt ngọt; tôm còn tươi sống càng ngon. Thịt heo phải là thịt vùng gáy, như vậy mỡ không chỉ béo mà còn giòn. Cứ khoảng 1kg bột thì cần 500g tôm và 500g thịt heo làm nhân. Tùy sở thích người làm mà có thể cho thêm nấm mèo (mộc nhĩ), hành lá, hành khô; gia vị cần nước mắm, hạt tiêu, muối, mì chính… Tôm và thịt heo sau khi sơ chế sạch, xào chín cùng gia vị và hành, nấm mèo (nếu có) rồi băm vụn. Người kỳ công còn cho vào cối giã nhỏ thay vì băm.
Bánh được gói bằng lá chuối tươi, dùng lá chuối hột là ngon nhất. Lá chuối phơi qua nắng hoặc hơ qua lửa rồi lau sạch trước khi gói để lá không bị gãy và đảm bảo vệ sinh. Khi gói chỉ cần khéo tay một chút thì bánh sẽ đẹp. Bánh gói xong thì hấp cách thủy chừng 30 phút là được.
Bánh gói ăn nóng càng ngon. Người xứ Quảng thường chấm bánh với nước mắm nguyên chất, thêm vài lát ớt tươi thái dày. Khi ăn bánh có vị giòn mềm dẻo của bột bánh, vị béo của thịt, vị ngọt của tôm hòa với gia vị đậm đà. Những người Quảng xa quê như tôi đã lâu lắm không được thưởng thức món bánh gói, nhưng cứ nghĩ đến thì trong lòng lại dâng lên nỗi nhớ quê da diết…
Da bò làm gỏi chua ngọt
Gỏi da bò là một trong những món gỏi được nhiều người ưa chuộng. Sự kết hợp hài hoà giữa da bò non và các loại rau gia vị, tạo nên hương vị đặc trưng của ẩm thực xứ Quảng.
Gỏi da bò rất hấp dẫn với đủ vị chua, cay, mặn, ngọt, cùng cảm giác mềm mại của da bò non kích thích cảm giác ngon miệng, thèm ăn đến kỳ lạ. Gỏi da bò chua ngọt chế biến khá đơn giản, không cầu kỳ. Chọn loại da bò non, bởi da bò non ăn rất mềm và bổ dưỡng.
Để làm món này không phải cứ ra chợ sẽ có da bò non, mà phải dặn trước với chủ lò mổ. Da bò non đem về rửa sạch, xắt mỏng. Ướp sơ da bò với chút gia vị, nước mắm, tỏi băm, hành tím băm, sau đó để khoảng mươi phút cho thấm.
Các nguyên liệu chế biến cùng với da bò gồm nhiều thứ rau, trong đó không thể thiếu húng quế, chuối chát, hành chua. Chuối chát rửa sạch và xắt thành lát mỏng, rồi ngâm trong bát nước muối pha loãng để không bị thâm màu. Hành tím cũng được bóc vỏ, rửa sạch và thái thành từng lát mỏng ngâm trong bát nước đá. Sau khi vớt hành ra để ráo nước, thêm đường và nước cốt chanh để làm món hành chua ăn kèm với gỏi.
Món gỏi dù ngon đến mấy mà thiếu chén nước chấm cũng bằng không. Bởi vậy, pha nước chấm gồm nhiều loại gia vị, trong đó nước cốt chanh pha hơi nhiều để tạo vị chua.
Nét đặc trưng làm đĩa gỏi thêm phần phong phú chính là nước luộc bò được chan ngập. Nhờ thế mà từng miếng da bò đủ thấm tháp chút mặn ngọt cân bằng, thêm cái cay the của hành chua, rau húng quế. Chuẩn bị đâu vào đó rồi cho tất cả các nguyên liệu vào một cái bát to trộn đều. Trong quá trình trộn gỏi, có thể cho thêm nước mắm chanh, đường, ớt, tỏi sao cho vừa ăn.
Gỏi da bò non sẽ thơm ngon khi có chén đậu phộng rang giòn. Đậu phụng rắc lên đĩa gỏi rất bắt mắt, nhưng dễ làm mất đi độ giòn của nó. Vì vậy, để đậu phụng riêng, lúc ăn mới cho vào thì sẽ ngon hơn. Để tăng thêm độ thơm ngon của món ăn, người bán còn cho thêm hành phi, xoài xanh. Vị chua của nước gỏi, miếng da bò beo béo, giòn sật tươi ngon, chút hăng, chút the của lá quế... tất cả hoà quyện vào nhau làm cho món gỏi thêm trọn vị.
Đưa cơm với trứng ngâm nước tương, càng ăn càng nghiền Trứng ngâm nước tương đậm đà, thơm dậy vị, béo ngậy - tất cả những hương vị đặc trưng của món ăn này quyện cùng cơm trắng nóng hổi tạo nên cảm giác thật hấp dẫn cho bữa cơm. Thêm nữa, phần nước tương dùng để ngâm trứng cũng là nước xốt tuyệt vời để bạn trộn cùng cơm nóng hoặc chấm rau....