Ăn hủ tiếu Nam Vang ở Phnom Penh
Với những người thích ăn uống, thưởng thức tô hủ tiếu Nam Vang tại Phnom Penh (Campuchia) đặc biệt ở chỗ đi xứ nào phải ăn món nấy. Chúng tôi bỏ bữa sáng ở khách sạn 4 sao để thưởng thức tô hủ tiếu Nam Vang cũng vì lẽ đó.
Tô hủ tiếu chính hiệu Nam Vang thơm lừng
Chúng tôi may mắn được một “thổ địa” dẫn tới một nhà hàng trứ danh giữa Phnom Penh. Đó là nhà hàng Sorya, một nhà hàng của người Hoa nằm cạnh chợ Mới – tiếng Khmer là chợ Th’mây. Đây là ngôi chợ lớn và hiện đại nhất thủ đô Phnom Penh, chủ yếu bán hàng phục vụ khách du lịch như chợ Bến Thành ở TP.HCM.
“Nhà hàng này lâu đời lắm rồi, rất nổi tiếng. Người Campuchia vào đây toàn là người có tiền hoặc quan chức chứ người bình dân ít dám vào đây ăn lắm”, anh hướng dẫn viên du lịch người bản địa bật mí trước khi chúng tôi vào nhà hàng.
Nhà hàng Sorya
Video đang HOT
Tô hủ tiếu chính hiệu Nam Vang thơm lừng được đặt trước mặt, ít bánh và khá nhiều nước. Nước hủ tiếu rất trong và ngọt đậm đà của xương hầm, cộng thêm hương thơm đặc trưng của hủ tiếu nhờ nấu với khô mực ẩn sau cái mùi hương thoang thoảng của hành lá xắt mịn.
Và dĩ nhiên đã là hủ tiếu Nam Vang thì không thể thiếu thịt nạc băm, thịt nạc cắt lát, tôm, mực tươi, gan, cật, tim và cả lòng heo. Đặc biệt phần lòng heo (lòng già) được khìa kĩ rất mềm và thơm ngon chứ không phải loại lòng non (phèo) mà ta thường thấy trong món cháo lòng ở Việt Nam. Đây cũng là điểm khác biệt lớn nhất so với hủ tiếu Nam Vang ở Việt Nam mà tôi từng có dịp thưởng thức.
Một điểm khác nữa cũng khá quan trọng là ở đây họ không chấm bằng nước tương mà bằng một loại khác theo công thức riêng của quán.
Nhiều người Sài Gòn đến đây xì xụp tô hủ tiếu Nam Vang để cho thỏa cái thú “xứ nào món nấy”. Quả thật dù không có nhiều khác biệt nhưng được thưởng thức món hủ tiếu Nam Vang ngay giữa lòng thủ đô Phnom Penh cũng làm cho nhiều thực khách có cảm giác quen quen, lạ lạ. Có người còn gọi thêm tô xí quách để ăn kèm cho thỏa thích.
Xem ra cái cách người Phnom Penh nấu và bán hủ tiếu Nam Vang cũng không khác gì so với người Sài Gòn. Nhưng như vậy cũng không làm nó kém phần hấp dẫn. Đó vẫn là một trải nghiệm rất đặc biệt.
Theo PNO
Hủ tiếu Nam Vang - Ba Hoàng: Chút Phnompenh giữa lòng Sài Gòn
Tôi khẳng định như vậy không chỉ vì chủ quán là người Campuchia chính gốc, mà còn vì hương vị và cách thưởng thức món hủ tiếu Nam Vang ở đây vẫn gần gũi với nguyên bản hơn so với các tiệm hủ tiếu khác ở Sài Gòn.
Tô hủ tiếu nước với thịt bằm đặc trưng
Hủ tiếu Nam Vang là món ăn do người Hoa gốc Tiều sinh sống tại Campuchia sáng tạo ra (có thể do vậy mà cách thưởng thức - ăn khô hoặc nước gần như tương tự với cách dùng hủ tiếu, mì của người Hoa chăng?). Ở Campuchia đây là một trong những món chủ yếu dùng cho bữa sáng, rồi dần dần dùng lúc nào trong ngày cũng được. Việt Nam và Thái Lan với cộng đồng đông đảo người Khmer, cũng như người Hoa đến và sinh sống và làm ăn từ nhiều thế kỷ trước nên hủ tiếu Nam Vang đã du nhập và trở nên khá phổ biến tại hai quốc gia này. Tại miền Nam Việt Nam mà đặc biệt là Sài Gòn, hủ tiếu Nam Vang như một món ăn không thể thiếu trong đời sống hàng ngày. Sáng, trưa, tối hay thậm chí là khuya, món hủ tiếu này luôn hiện diện ở hang cùng ngõ hẻm Sài Gòn, từ bình dân cho đến sang trọng với mức độ phổ biến chắc cũng tương đương với cơm tấm hay phở.
Ăn khô vẫn là cách tôi thích nhất
Thưởng thức hủ tiếu Nam Vang có hai cách là dùng nước và khô. Tô hủ tiếu nước nghi ngút khói với thịt bằm, thịt thái mỏng cùng tim, gan thơm lừng mùi tỏi phi có lẽ là cách thưởng thức phổ biến nhất. Tuy nhiên tôi vẫn thích ăn khô ở quán Ba Hoàng này hơn, bởi lẽ tất cả những hương vị đặc trưng nhất của món này đều thể hiện rất rõ nét. Từ mùi thơm của thịt bằm, hắc xì dầu cho đến vị tỏi phi, tốp mỡ... tất cả tạo nên một mùi vị mà dù chưa ăn đã làm bạn cảm thấy rất cồn cào rồi. Ăn hủ tiếu khô ở đây phải theo từng công đoạn thì mới hết cái ngon của nó. Đầu tiên là vắt chanh vào, nêm thêm chút ớt và tỏi xay, rồi rắc thêm một chút... đường cát trắng mới đúng điệu. Có lẽ bạn thấy hơi khó hiểu cái vụ đường, nhưng chủ quán nói như vậy mới đúng gu Nam Vang. Tất cả tạo nên sự hài hòa khó mà diễn tả hết bằng lời.
Tôi thường ăn hủ tiếu khô theo cách ăn hết bánh cùng nhân rồi mới dùng muỗng vớt một chút thịt bằm. Phần còn lại đổ nguyên chén nước lèo vào để trộn lẫn tất cả những gia vị ngon nhất ở trên. Làm như vậy sẽ tạo ra một hỗn hợp nước lèo rất đặc biệt mà tôi nghĩ bạn phải thử mới thấy hết cái ngon của nó.
Hơn mấy chục năm mà hương vị hủ tiếu Nam Vang ở đây vẫn vậy. Chủ quán có thay đổi chút ít so với nguyên bản để làm hài lòng khách thập phương: phần nhân có thêm tôm, rau thì thêm cần, tần ô (người Nam Vang chỉ ăn giá và xà lách). Riêng với tôi, giữa muôn vàn phiên bản hủ tiếu Nam Vang tại Sài Gòn thì Ba Hoàng vẫn giữ đúng hình thái và phong cách Nam Vang nhất.
Hủ tiếu Nam Vang - Ba Hoàng
48a Võ Văn Tần, phường 06, quận 03
Mở của: 5h sáng đến 2h trưa, chiều từ 3h đến 2h đêm
Giá: 35,000/tô
Theo SGAT
Khi hủ tiếu Nam Vang là "món sang" Hủ tiếu ở Sài Gòn, đặc biệt là hủ tiếu Nam Vang, chưa bao giờ được thừa nhận là một "món sang". Trong suốt lịch sử hình thành của mình, món ngon này được xem như một lựa chọn phổ biến, gần gũi mà mọi giới đều có thể thưởng thức được. Vào những ngày cuối tháng Tư này, ngưỡng giá một tô...