‘Tỷ lệ nhiễm sán cao nhưng không bất thường’
Chiều 19/3, đoàn công tác Bộ Y tế do TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) dẫn đầu đã làm việc với UBND tỉnh Bắc Ninh về vụ việc hàng trăm trẻ em được xét nghiệm nghi nhiễm sán lợn gạo đang gây hoang mang dư luận những ngày qua.
Phụ huynh từ Thuận Thành (Bắc Ninh) lũ lượt đưa trẻ đến xét nghiệm sán lợn tại Viện Sốt rét – Ký sinh trùng, côn trùng T.Ư Ảnh: Hồng Vĩnh
Tại buổi làm việc, đại diện tỉnh Bắc Ninh cho biết, huyện Thuận Thành đã tạm đình chỉ Hiệu trưởng và một số cán bộ liên quan trường mầm non Thanh Khương, khi nào có kết quả điều tra sẽ xử lý nghiêm (nếu sai phạm). Các cơ quan chuyên môn đã lấy mẫu thực phẩm đi xét nghiệm, kết quả hai mẫu đều an toàn.
Hiện Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh phối hợp với Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng T.Ư và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư tổ chức xét nghiệm ký sinh trùng sán lợn tại địa phương cho khoảng 9.000 trẻ em thuộc 19 cơ sở giáo dục đã ký hợp đồng với cung cấp thực phẩm với Công ty TNHH đầu tư tài chính Hương Thành (nếu các gia đình có yêu cầu).
Theo ông Nguyễn Thanh Phong, việc có hay không mối liên hệ giữa vi phạm an toàn thực phẩm ở trường mầm non Thanh Khương với việc các cháu học sinh đồng loạt đi xét nghiệm và hàng trăm trẻ có kết quả dương tính với sán lợn chưa có cơ sở để khẳng định. Ông Phong lý giải, thứ nhất, các mẫu không được lưu và nếu thịt có sán nhưng được nấu chín thì nguy cơ lây bệnh là không có. Thứ hai, ngoài thực phẩm ăn uống trực tiếp, con người cũng có thể nhiễm sán qua môi trường nước, không rửa tay sau khi đi vệ sinh.
“Tỷ lệ nhiễm sán cao nhưng không bất thường”
Trả lời câu hỏi của các phóng viên về số tỷ lệ dao động dương tính với sán lợn gạo trên cả nước là 0,5-12%, do Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đưa ra và tỷ lệ 11,9% ca xét nghiệm của huyện Thuận Thành dương tính với sán lợn, ông Phong cho rằng Thuận Thành là một trong những địa phương có “tỷ lệ nhiễm sán cao nhưng không phải rất cao hay bất thường”. Về câu hỏi Bộ Y tế có điều tra diện rộng tỷ lệ nhiễm sán không, ông Phong thông tin ngành y tế vẫn đang triển khai. Phía đại diện Sở Y tế Bắc Ninh khẳng định đã có công văn gửi Cục Y tế dự phòng yêu cầu sớm điều tra dịch tễ ở huyện Thuận Thành và trên toàn tỉnh Bắc Ninh.
Trước thông tin cho rằng Bộ Y tế vào cuộc chậm trễ, Cục trưởng An toàn thực phẩm cho biết, ngay từ ngày 14/3, Bộ đã có chỉ đạo, yêu cầu Bắc Ninh kiểm tra ngay thông tin tại trường Thanh Khương. Sau đó Bắc Ninh đã kiểm tra, xử lý và hiện đã đình chỉ công tác Hiệu trưởng trường mầm non và một số người khác.
Video đang HOT
Dương tính với sán, chưa phải điều trị
Trước tình trạng người dân lo lắng nên đưa hàng nghìn trẻ đến Hà Nội làm xét nghiệm, ông Phong cho biết, hiện các tài liệu của Tổ chức Y tế Thế giới cũng như Việt Nam đều khẳng định, các trường hợp dương tính trong huyết thanh, trong máu vẫn chưa thể khẳng định đang mắc sán. “Xét nghiệm máu chỉ là 1 trong những phương pháp góp phần chẩn đoán sán. Theo phác đồ của Bộ Y tế năm 2004, các trường hợp mới xét nghiệm máu phát hiện dương tính sán như vậy chưa phải điều trị. Chỉ định điều trị chỉ áp dụng khi xác định nhiễm sán trưởng thành với biểu hiện đi ngoài, có đốt sán trong phân hay các trường hợp nhiễm ấu trùng sán có biểu hiện nổi mụn hạch và các biểu hiện khác. Với các cháu chưa xét nghiệm, chưa có kết quả thì không chỉ tiếp tục theo dõi ấu trùng ký sinh trùng đường ruột mà theo dõi sức khoẻ thường xuyên, nếu thấy sinh hoạt không tốt thì phải điều trị kịp thời, trong đó giám sát ký sinh trùng đường ruột và sán”, lãnh đạo Cục An toàn Thực phẩm nhấn mạnh.
ại diện Bộ Y tế khuyến cáo, với các kết quả xét nghiệm cho bệnh nhân dương tính với sán, với ghi chú “khám lại sau 1 – 2 tuần”, người dân không nhất thiết đưa con quay trở lại khám vì Bộ Y tế sẽ cử cán bộ của các bệnh viện xuống trực tiếp trường, địa phương nơi trẻ sinh sống để cùng kiểm tra, giám sát, theo dõi. Các cháu có xét nghiệm dương tính và có biểu hiện bệnh mới điều trị.
THÁI HÀ
Theo Tiền Phong
Sự thật thông tin uống rượu khi ăn đồ sống sẽ diệt được sán lợn, vi khuẩn?
Nhiều dân nhậu vẫn nghĩ rằng độ cồn mạnh trong rượu có thể diệt được mọi vi khuẩn hay ấu trùng sán lợn nên có thể vô tư ăn tiết canh, nem sống, gỏi... miễn có "chén cay" đi kèm.
Những năm gần đây một phần do đặc điểm dịch tễ, dịch bệnh trên đàn lợn nuôi di chuyển, bùng phát, lây lan nhiều hơn. Quan trọng nhất là nhiều người dân vẫn chưa từ bỏ thói quen ăn tiết canh, sản phẩm tươi sống chế biến từ thịt.
Những người này nghĩ rằng cứ vô tư ăn bát tiết canh rồi uống vài chén rượu thì sẽ không mắc bệnh, bởi rượu là axit trung hòa hay diệt được vi khuẩn, sán lợn. Có người lại cho rằng chỉ ăn thịt lợn ốm, lợn bệnh, lợn không rõ xuất xứ mới mắc liên cầu còn lợn nhà nuôi hay lợn mán, lợn rừng thì vô tư. Tuy nhiên, theo tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Y tế dự phòng, Bộ Y tế, đây là những quan niệm sai lầm. Trứng giun sán hay vi khuẩn không thể tiêu diệt bằng rượu bia.
Thói quen ăn đồ sống như tiết canh là nguyên nhân gây nhiễm các bệnh nguy hiểm từ vi khuẩn và sán - Ảnh minh họa.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), thông thường, ấu trùng sán lợn sẽ chết khi được đun nấu ở nhiệt độ 75 độ C trong vòng 5 phút hoặc đun sôi ở 100 độ C trong vòng 2 phút. Trong khi đó rượu có độ cồn cao nhất cũng chỉ lên tới 40 - 45 độ cồn thì không thể diệt được các ấu trùng, trứng sán nếu như nó có trong những thực phẩm.
"Việc uống rượu để diệt sán lợn hay các loại vi khuẩn là không có cơ sở. Tốt nhất là người dân cần ăn chín, uống sôi, tẩy giun định kỳ 6 tháng - 1 năm/lần" - bác sĩ Hoàng Xuân Đại (nguyên chuyên viên cao cấp của Bộ Y tế) khẳng định.
Bên cạnh đó, bác sĩ Đại cũng lưu ý hiện nay có rất nhiều người sử dùng thịt, cá đông lạnh không đúng cách trong bữa ăn cũng rất nguy hiểm. Cụ thể, trước bữa ăn các bà nội trợ thường rã đông qua loa rồi đem thịt cá còn lạnh bỏ vào nồi nấu. Tuy nhiên điều này lại khiến thực phẩm chín rất kỹ ở bên ngoài, nhưng bên trong nhiệt độ vẫn còn thấp, không đủ tiêu diệt các nang ký sinh trùng hay vi khuẩn.
Ăn thịt lợn gạo chưa được nấu chín là một trong những nguyên nhân nhiễm sán dây/sán lợn
Để phòng bệnh, Bộ Y tế khuyến cáo:
- Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; không ăn tiết canh, nội tạng lợn và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín (lòng, tim, gan, thận chần tái, nem chua, nem chạo...), rau sống không đảm bảo vệ sinh (nguy cơ mắc bệnh ấu trùng sán lợn).
- Không sử dụng thịt lợn ốm hay có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề để chế biến thực phẩm.
- Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, sử dụng găng tay và các dụng cụ bảo hộ cần thiết khác khi tiếp xúc với lợn, chế biến thịt lợn, thường xuyên rửa tay với xà phòng.
- Quản lý phân tươi, nhất là ở những vùng có người nhiễm sán dây lợn trưởng thành. Sử dụng hố xí hợp vệ sinh. Không nuôi lợn thả rông.
- Không mua bán, vận chuyển, làm thịt lợn bệnh, lợn chết; tiêu hủy lợn bệnh, lợn chết theo đúng quy định.
- Khi có các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh như sốt cao đột ngột và có tiền sử chăn nuôi, làm thịt lợn ốm, chết hoặc tiêu thụ các sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
- Người có sán trưởng thành trong ruột phải được điều trị, không phóng uế bừa bãi.
Hiện nay, ngành y tế vẫn đang theo dõi, giám sát, phát hiện và điều trị cho những người nhiễm bệnh, giảm thiểu lây lan trong cộng đồng, đặc biệt tập trung vào các biện pháp tuyên truyền về vệ sinh phòng bệnh, phối hợp với các cơ quan truyền thông, các ban ngành chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền, kiểm tra giám sát về an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường để phòng tránh các trường hợp nhiễm bệnh.
Minh Minh
Theo doisongphapluat
Sán lợn có bị tiêu diệt khi thức ăn được đun nấu sôi? Ấu trùng sán lợn sẽ chết khi được đun nấu ở nhiệt độ 80 độ C vì thế, ăn thức ăn nấu chín, không ăn rau sống sẽ phòng nhiễm sán lợn. Tại Việt Nam, theo số liệu được báo cáo qua các nghiên cứu, cơ sở điều trị, đến nay có ít nhất 55 tỉnh, thành ghi nhận trường hợp nhiễm sán...