Giáo viên trường Thanh Khương khóc nức nở khi nhiễm sán lợn
Khi nhận kết quả, cô giáo trường Mầm non Thanh Khương (Thuận Thành, Bắc Ninh) khóc nức nở vì lo lắng. Bác sĩ liên tục tư vấn, trấn an tinh thần và hẹn tái khám.
Liên quan vụ hàng nghìn cháu nhỏ ở huyện Thuận Thành, Bắc Ninh, được phụ huynh đưa đến Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới (Hà Nội) xét nghiệm sán lợn, theo ghi nhận của Zing.vn tại bệnh viện, ngoài các cháu, còn có giáo viên trường Mầm non Thanh Khương.
Mẹ và con cùng nhận kết quả dương tính với sán lợn
Đến nay, theo thống kê kết quả xét nghiệm từ hai viện, ít nhất một giáo viên của trường dương tính với sán lợn. Con của giáo viên này cũng có kết quả tương tự.
Người trực tiếp tư vấn kết quả cho nữ giáo viên dương tính với sán lợn, chia sẻ khi nhận được kết quả, cô giáo đã khóc nức nở vì lo lắng. Bác sĩ phải trấn an tinh thần phụ nữ này và hẹn tái khám. “Bệnh này không quá nguy hiểm đâu, chị bình tĩnh”, bác sĩ nói.
Theo giáo viên tại trường Mầm non Thanh Khương, hàng ngày, họ ăn chung nguồn thực phẩm với học sinh, nhưng khác cách chế biến.
Nữ giáo viên có kết quả dương tính với sán lợn nghe tư vấn của bác sĩ. Ảnh: HQ.
Kết quả cập nhật đến 21h ngày 17/3 cho thấy gần 2.000 trẻ từ 1-10 tuổi ở huyện Thuận Thành, Bắc Ninh, được khám sán lợn ở hai bệnh viện của Hà Nội. Trong đó, 209 bé có xét nghiệm dương tính.
Từ 18/3, Sở Y tế Bắc Ninh bắt đầu hỗ trợ lấy máu xét nghiệm tại địa phương, hàng trăm phụ huynh vẫn ùn ùn đưa con lên Hà Nội để xét nghiệm bất chấp trời mưa rét.
Đưa bác sĩ về Bắc Ninh xét nghiệm sán lợn cho học sinh
Video đang HOT
Sáng 18/3, trong cuộc họp với Bộ trưởng Y tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu điều động ngay các bác sĩ, lực lượng chuyên môn cùng với thiết bị về Bắc Ninh để xét nghiệm sán lợn cho học sinh các trường học ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.
Thủ tướng cũng giao Bộ GD&ĐT cùng Bộ Y tế chỉ đạo các trường học trong cả nước phải thực hiện ngay những giải pháp về cung cấp thực phẩm và thức ăn cho các trường học, đảm bảo an toàn cho học sinh.
Chiều 18/3, cuộc họp giữa các cơ quan ban ngành, địa phương về vụ việc hàng trăm học sinh nhiễm sán lợn diễn ra tại Tỉnh ủy Bắc Ninh.
Trích lời của Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương Nguyễn Văn Kính, ông Nguyễn Nhân Chiến, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh, cho hay đây không phải ngộ độc thực phẩm như “cháy nhà chết người ngay lập tức”. Các cháu đi khám vẫn khỏe mạnh bình thường. Đây cũng không phải dịch bệnh cấp tính. Sán lá gan mật chữa được trong từ một đến 15 ngày.
“Vì thế, chúng ta yên tâm, không hoang mang, không dao động, không có gì bất thường”, ông Chiến nói.
“Người dân Bắc Ninh không cần đi khám bệnh. Mức nhiễm bệnh dương tính ở Thuận Thành nằm trong khoảng bình quân chung của người dân Việt Nam. Tại sao chúng ta lại cứ ào ạt đi xét nghiệm, vừa tốn kém vừa ảnh hưởng học tập, không cần thiết. Chúng ta nên chờ cơ quan chức năng làm rõ nguyên nhân”, ông Chiến một lần nữa khẳng định.
Phát biểu tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo xã Mão Điền, huyện Thuận Thành, cho hay hôm nay là ngày đầu tiên xã tổ chức lấy máu xét nghiệm cho các cháu, tình hình rất phức tạp.
“Liên quan kết quả âm tính, dương tính, thực tế, các cháu không phải ăn chỉ ở trường, mà bữa sáng, bữa tối ở nhà, bữa trưa ở trường… Phụ huynh yêu cầu nhà trường làm rõ thực phẩm có đảm bảo hay không? Người nấu nướng có đủ chứng chỉ hay không?”, người này cho hay.
Cuối tháng 2, nhiều phụ huynh “vây” trường Mầm non Thanh Khương, yêu cầu hiệu trưởng trả lời cụ thể về việc món thịt lợn trong bữa ăn của trẻ nghi có sán.
Trưa 5/3, trường Mầm non Thanh Khương tiếp tục bị phụ huynh tố dùng thịt gà đông lạnh không đảm bảo an toàn thực phẩm cùng nhiều loại chân gà dùng để nấu cháo cho các cháu đã bốc mùi hôi thối.
Cùng ngày 5/3, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo các đơn vị khẩn trương vào cuộc xác minh. Công an tỉnh phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương điều tra, làm rõ.
Ngày 6/3, bà Cao Thị Hòe, Hiệu trưởng trường Mầm non Thanh Khương “nghiêm túc nhận trách nhiệm”, sau đó bị đình chỉ công tác. Phía công ty Hương Thành phủ nhận thịt lợn nhiễm sán.
Theo zing
Sự thật thông tin uống rượu khi ăn đồ sống sẽ diệt được sán lợn, vi khuẩn?
Nhiều dân nhậu vẫn nghĩ rằng độ cồn mạnh trong rượu có thể diệt được mọi vi khuẩn hay ấu trùng sán lợn nên có thể vô tư ăn tiết canh, nem sống, gỏi... miễn có "chén cay" đi kèm.
Những năm gần đây một phần do đặc điểm dịch tễ, dịch bệnh trên đàn lợn nuôi di chuyển, bùng phát, lây lan nhiều hơn. Quan trọng nhất là nhiều người dân vẫn chưa từ bỏ thói quen ăn tiết canh, sản phẩm tươi sống chế biến từ thịt.
Những người này nghĩ rằng cứ vô tư ăn bát tiết canh rồi uống vài chén rượu thì sẽ không mắc bệnh, bởi rượu là axit trung hòa hay diệt được vi khuẩn, sán lợn. Có người lại cho rằng chỉ ăn thịt lợn ốm, lợn bệnh, lợn không rõ xuất xứ mới mắc liên cầu còn lợn nhà nuôi hay lợn mán, lợn rừng thì vô tư. Tuy nhiên, theo tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Y tế dự phòng, Bộ Y tế, đây là những quan niệm sai lầm. Trứng giun sán hay vi khuẩn không thể tiêu diệt bằng rượu bia.
Thói quen ăn đồ sống như tiết canh là nguyên nhân gây nhiễm các bệnh nguy hiểm từ vi khuẩn và sán - Ảnh minh họa.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), thông thường, ấu trùng sán lợn sẽ chết khi được đun nấu ở nhiệt độ 75 độ C trong vòng 5 phút hoặc đun sôi ở 100 độ C trong vòng 2 phút. Trong khi đó rượu có độ cồn cao nhất cũng chỉ lên tới 40 - 45 độ cồn thì không thể diệt được các ấu trùng, trứng sán nếu như nó có trong những thực phẩm.
"Việc uống rượu để diệt sán lợn hay các loại vi khuẩn là không có cơ sở. Tốt nhất là người dân cần ăn chín, uống sôi, tẩy giun định kỳ 6 tháng - 1 năm/lần" - bác sĩ Hoàng Xuân Đại (nguyên chuyên viên cao cấp của Bộ Y tế) khẳng định.
Bên cạnh đó, bác sĩ Đại cũng lưu ý hiện nay có rất nhiều người sử dùng thịt, cá đông lạnh không đúng cách trong bữa ăn cũng rất nguy hiểm. Cụ thể, trước bữa ăn các bà nội trợ thường rã đông qua loa rồi đem thịt cá còn lạnh bỏ vào nồi nấu. Tuy nhiên điều này lại khiến thực phẩm chín rất kỹ ở bên ngoài, nhưng bên trong nhiệt độ vẫn còn thấp, không đủ tiêu diệt các nang ký sinh trùng hay vi khuẩn.
Ăn thịt lợn gạo chưa được nấu chín là một trong những nguyên nhân nhiễm sán dây/sán lợn
Để phòng bệnh, Bộ Y tế khuyến cáo:
- Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; không ăn tiết canh, nội tạng lợn và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín (lòng, tim, gan, thận chần tái, nem chua, nem chạo...), rau sống không đảm bảo vệ sinh (nguy cơ mắc bệnh ấu trùng sán lợn).
- Không sử dụng thịt lợn ốm hay có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề để chế biến thực phẩm.
- Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, sử dụng găng tay và các dụng cụ bảo hộ cần thiết khác khi tiếp xúc với lợn, chế biến thịt lợn, thường xuyên rửa tay với xà phòng.
- Quản lý phân tươi, nhất là ở những vùng có người nhiễm sán dây lợn trưởng thành. Sử dụng hố xí hợp vệ sinh. Không nuôi lợn thả rông.
- Không mua bán, vận chuyển, làm thịt lợn bệnh, lợn chết; tiêu hủy lợn bệnh, lợn chết theo đúng quy định.
- Khi có các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh như sốt cao đột ngột và có tiền sử chăn nuôi, làm thịt lợn ốm, chết hoặc tiêu thụ các sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
- Người có sán trưởng thành trong ruột phải được điều trị, không phóng uế bừa bãi.
Hiện nay, ngành y tế vẫn đang theo dõi, giám sát, phát hiện và điều trị cho những người nhiễm bệnh, giảm thiểu lây lan trong cộng đồng, đặc biệt tập trung vào các biện pháp tuyên truyền về vệ sinh phòng bệnh, phối hợp với các cơ quan truyền thông, các ban ngành chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền, kiểm tra giám sát về an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường để phòng tránh các trường hợp nhiễm bệnh.
Minh Minh
Theo doisongphapluat
Sán lợn có bị tiêu diệt khi thức ăn được đun nấu sôi? Ấu trùng sán lợn sẽ chết khi được đun nấu ở nhiệt độ 80 độ C vì thế, ăn thức ăn nấu chín, không ăn rau sống sẽ phòng nhiễm sán lợn. Tại Việt Nam, theo số liệu được báo cáo qua các nghiên cứu, cơ sở điều trị, đến nay có ít nhất 55 tỉnh, thành ghi nhận trường hợp nhiễm sán...