Tình trạng rối loạn tâm thần gia tăng
Theo Bộ Y tế, tỷ lệ mắc 10 rối loạn tâm thần thường gặp là 14,9% dân số, nghĩa là có khoảng 15 triệu người.
Ở trẻ em, các vấn đề sức khỏe tâm thần vào khoảng 12%, tương đương hơn 3 triệu trẻ em có nhu cầu về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần.
Rối loạn tâm thần khá phổ biến và có thể gặp ở bất cứ ai.
Ít được quan tâm
Cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đang đối mặt với tình trạng rối loạn tâm thần có xu hướng gia tăng.
TS Nguyễn Trọng Khoa – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, Việt Nam đang phải đối mặt với mô hình bệnh tật kép, bệnh truyền nhiễm diễn biến phức tạp trong đó các bệnh không lây nhiễm như: tăng huyết áp, tiểu đường, COPD, bệnh tâm thần… có chiều hướng gia tăng. Rối loạn tâm thần là một trong những bệnh không lây nhiễm phổ biến trên thế giới, ước tính gây ra khoảng 14% gánh nặng bệnh tật toàn cầu.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe tâm thần, phòng, chống các rối loạn tâm thần vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại, như: hệ thống các cơ sở chuyên khoa tâm thần còn khó khăn, cơ sở vật chất chưa bảo đảm, nhân lực chuyên môn thiếu và yếu, hệ thống cung cấp dịch vụ không đầy đủ… Nhiều người bệnh tâm thần vẫn chưa được chẩn đoán và điều trị.
Theo Chủ tịch Hội Tâm thần học Việt Nam Nguyễn Kim Việt, rối loạn tâm thần chiếm tỷ lệ cao trong nhân dân, tỷ lệ bệnh có khác nhau theo từng nhóm tuổi, giới tính và nghề nghiệp, chủng tộc và ở mỗi quốc gia khác nhau.
Video đang HOT
Rối loạn tâm thần là bệnh phổ biến, ảnh hưởng đến sức khỏe của nhiều người dân. Các vấn đề về sức khỏe tâm thần có xu hướng gia tăng do nhiều áp lực cuộc sống, công việc, stress… Tuy nhiên, hiểu biết của người dân về bệnh tâm thần vẫn chưa thật rõ.
Rất nhiều người nghe đến rối loạn tâm thần nghĩ đến bệnh điên, thần kinh… mà không biết có nhiều loại rối loạn tâm thần khác trong xã hội hiện đại như trầm cảm, lo âu, mất ngủ.
Vì thế, khi người thân mắc bệnh còn có hiện tượng giấu bệnh, không đi khám, điều trị. Việc kỳ thị người bệnh mắc rối loạn tâm thần, không chấp nhận các chẩn đoán rối loạn tâm thần đưa đến sự chậm trễ trong quá trình chẩn đoán, điều trị và có thể tìm đến các phương pháp điều trị cực đoan.
Hầu hết người dân chưa được nhận dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần. Dịch vụ sức khỏe tâm thần chủ yếu có ở cơ sở chuyên khoa tuyến Trung ương và tỉnh. Tuyến huyện và xã chủ yếu quản lý, điều trị tâm thần phân liệt và động kinh, trong khi đó theo điều tra của Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 thì 2 bệnh này chỉ chiếm khoảng 0,5% dân số và tổng các rối loạn tâm thần là 14,2% dân số.
Mặc dù các vấn đề về tâm thần đang ngày càng phổ biến, nhưng vấn đề chăm sóc và điều trị rối loạn tâm thần còn “khoảng trống” khá lớn. Cả nước có khoảng 100 triệu dân, trong đó có khoảng 14 – 15 triệu người rối loạn tâm thần nhưng chỉ có 143 nhà tâm lý lâm sàng và tâm lý trị liệu. Tuy nhiên dịch vụ tâm lý lâm sàng chưa phải là dịch vụ chính thức được bảo hiểm y tế chi trả. Các dịch vụ phục hồi chức năng tâm thần cũng rất hạn chế.
Cần phương pháp tư vấn, trị liệu, điều trị về tâm lý
Ước tính 0,5% rối loạn tâm thần khác được điều trị tại cơ sở chuyên khoa, như vậy có tới trên 90% (13/14) người rối loạn tâm thần chưa được nhận dịch vụ chính thức, trong khi đó tình hình rối loạn tâm thần ngày càng gia tăng về số lượng cũng như đa dạng thêm về nhiều mặt bệnh như: lo âu, nghiện chất, sa sút trí tuệ, tự kỷ, tăng động giảm chú ý…
Dịch Covid-19 vừa qua đã làm gia tăng đáng kể các rối loạn tâm thần như: tỷ lệ mắc rối loạn trầm cảm (31,4%), rối loạn lo âu (31,9%) và rối loạn giấc ngủ (41,1%)… Các rối loạn lo âu, trầm cảm, mất ngủ là những vấn đề về sức khỏe tâm thần thường gặp nhất trong đại dịch. Tình trạng này không chừa một ai, kể cả y, bác sĩ đã và đang chữa trị cho bệnh nhân.
Theo TS Nguyễn Trọng Khoa, hiện nhu cầu về chăm sóc sức khỏe tinh thần để vượt qua những khó khăn, khủng hoảng trong cuộc sống là rất lớn. Hoạt động chăm sóc sức khỏe tinh thần không chỉ có vai trò giúp cho những người bệnh ở bệnh viện ổn định tâm lý mà những người thầy thuốc cũng rất cần có người giúp giải tỏa tâm lý, bớt đi những áp lực công việc hàng ngày.
Để triển khai, hiện thực hóa Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Bộ Y tế xây dựng trình Chính phủ Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thực hiện Luật Khám bệnh, chữa bệnh, trong đó quy định những vấn đề liên quan đến chức danh tâm lý lâm sàng, điều kiện hoạt động của cơ sở tâm lý lâm sàng và những điều kiện liên quan đến giấy phép hành nghề cho chức danh tâm lý lâm sàng và các chức danh khác được tham gia một số nhiệm vụ trong lĩnh vực tâm lý lâm sàng.
Tại Hội thảo góp ý dự thảo phạm vi hoạt động của nhân viên tâm lý lâm sàng và tài liệu chuyên môn hướng dẫn thực hiện dịch vụ tâm lý lâm sàng tổ chức mới đây tại Hà Nội, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, so với các chuyên ngành khác, sức khỏe tâm thần là lĩnh vực sức khỏe cộng đồng ít được quan tâm hơn. Dịch vụ sức khỏe tâm thần ở Việt Nam chủ yếu là điều trị bằng thuốc.
Hiện hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần trong cả nước có 2 bệnh viện tâm thần ở tuyến Trung ương là Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 cùng với Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia.
Tại tuyến tỉnh, hiện 43 tỉnh/thành phố có bệnh viện tâm thần, số còn lại là khoa tâm thần trong bệnh viện đa khoa và trung tâm phòng chống bệnh xã hội của tỉnh.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, trước những vấn đề sức khỏe tâm thần đang ngày càng trở nên nghiêm trọng ở nước ta, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022 – 2025.
Mục tiêu chung là “tăng cường kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây bệnh, đẩy mạnh các biện pháp dự phòng, phát hiện sớm và quản lý điều trị các bệnh tâm thần phân liệt, động kinh, trầm cảm, sa sút trí tuệ và các rối loạn sức khỏe tâm thần khác nhằm góp phần bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe của nhân dân và phát triển kinh tế, xã hội của đất nước”.
Gia tăng người rối loạn tâm thần do sử dụng ma túy
Số lượng bệnh nhân bị rối loạn tâm thần do sử dụng ma túy nhập viện điều trị tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh Đắk Lắk ngày càng gia tăng.
Đáng chú ý, trong số đó, đa phần là giới trẻ.
Bệnh nhân rối loạn tâm thần do sử dụng ma túy đang điều trị tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh Đắk Lắk.
Bệnh nhân N.T.T (sinh năm 1996, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk) vừa được người nhà đưa vào điều trị nội trú tại Khoa Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng. Theo bà C.T.B (mẹ bệnh nhân), năm 2017, gia đình phát hiện anh T sử dụng ma túy. Trước đây, anh T là người hiền lành, chăm chỉ làm ăn; tuy nhiên, nghe theo lời dụ dỗ của bàn bè, T đã trượt dài trong "vũng lầy" của ma túy. Do sử dụng thời gian dài khiến đầu óc T lúc nào cũng căng thẳng, dễ bị kích động, hoang tưởng, ảo giác, không làm chủ được bản thân... Gia đình đã nhiều lần khuyên bảo nhưng T không từ bỏ được nên phải cho vào bệnh viện điều trị.
Bệnh nhân H.N.L (sinh năm 1995, tại huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk) cũng đang được các bác sỹ điều trị với chứng rối loạn tâm thần do sử dụng ma túy. Tình trạng mất ngủ thường xuyên cộng với việc sử dụng ma túy khiến đầu óc anh L căng thẳng... Lần đầu, gia đình đưa anh vào viện điều trị 17 ngày. Sau khi thấy tinh thần ổn định, các bác sỹ đã cho anh L xuất viện về nhà. Tuy nhiên, vài ngày sau đó, anh phát bệnh trở lại, gia đình phải đưa vào viện. "Khi dính vào con đường này là phá hỏng cả cuộc đời. Tôi mong các bạn trẻ đừng thử ma túy, dù chỉ một lần", anh L chia sẻ.
Theo bác sỹ Nguyễn Thị Luyến, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh Đắk Lắk, số bệnh nhân nhập viện bị rối loạn tâm thần do sử dụng ma túy ngày càng tăng cao. Từ đầu năm 2023 đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận trên 200 lượt người đến khám và điều trị. Đáng chú ý, đa phần bệnh nhân mắc bệnh từ 20 - 32 tuổi; thậm chí, có trường hợp mới 16 tuổi đã sử dụng ma túy. Các bệnh nhân hay sử dụng thuốc phiện, kích thần và cần sa. Việc sử dụng ma túy gây hậu quả rất nặng nề, làm ảnh hưởng tới bản thân, gia đình và xã hội.
Ma túy khiến người nghiện suy giảm sức khỏe, rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, gây ức chế, suy hô hấp, đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, giảm trí nhớ, ngộ độc thần kinh, hôn mê, tử vong...
Bệnh nhân N.T.T (sinh năm 1996, tại thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk) nghiện ma túy 7 năm, có biểu hiện rối loạn tâm thần đang điều trị tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh Đắk Lắk.
Theo bác sỹ Luyến, bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân chủ yếu sử dụng ma túy thuộc dạng kích thần. Bệnh nhân sẽ bị rối loạn tâm thần, có các biểu hiện như: Rối loạn cảm xúc, trầm cảm, hưng cảm, hoang tưởng, ảo giác, rối loạn hành vi, đập phá đồ đạc, gây rối trật tự công cộng... Hiện, công tác điều trị gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân do cơ sở vật chất, nhiều bệnh nhân trốn viện; đặc biệt, khi lên cơn, bệnh nhân có thể hành hung cả nhân viên y tế. Bên cạnh đó, nhiều gia đình bệnh nhân chưa hợp tác, phối hợp với bác sỹ trong quá trình điều trị...
Bác sỹ khuyến cáo, người dân, nhất là giới trẻ nên tránh xa ma túy trong mọi tình huống, trường hợp, không thử dù chỉ một lần. Các bậc phụ huynh cần quan tâm hơn đến con em mình. Trong trường hợp không may con trẻ dính vào ma túy cần phát hiện sớm, nhanh chóng cách ly với môi trường ma túy và đưa đến các trung tâm cai nghiện càng sớm càng tốt. Khi đó, khả năng phục hồi của bệnh nhân sẽ tốt hơn, việc tái nghiện cũng sẽ thấp hơn.
"Đối với người đã nghiện, hãy chấm dứt tiếp xúc với môi trường, mối quan hệ lôi kéo gây nên tình trạng nghiện. Bởi vì tế bào não có sự ghi nhớ bền vững với ma túy, chỉ cần tiếp xúc với môi trường, con người liên quan đến ma túy cũng sẽ dẫn đến tình trạng thèm, gây tái nghiện trở lại. Người bệnh hãy tránh xa và cần có sự kiên trì, quyết tâm cai nghiện để trở về với cộng đồng", bác sỹ Luyến thông tin...
Ngứa da sau khi tắm cảnh báo nguy cơ mắc bệnh gì? Tắm mang lại cảm giác sảng khoái, sạch sẽ nhưng sau đó, một số người lại bị ngứa da, khó chịu. Đó có thể là dấu hiệu của mày đay, bệnh đa hồng cầu, ung thư hạch... Theo Phó giáo sư, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam - nguyên trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cơ sở 2, ngứa...