Quán Bò Kho Gốc Ấn Độ Nằm trong hẻm nhưng vô cùng đông đúc ở Sài Gòn
Quán Bò Kho Gốc Ấn Độ người chủ bán hàng xởi lởi, mỗi suất có giá 35.000 đồng nhưng ai mua 15.000 đồng, bà vẫn bán. Nép mình trong con hẻm trên đường Võ Văn Tần, quận 3, Sài Gòn quán là một căn nhà nhỏ hẹp, chưa đầy 15 m.
Tính cả bên trong lẫn một số bàn bên ngoài, quán có sức chứa khoảng 15-20 người. Gian bếp đặt chen hết lối đi vào nhưng nhờ vậy mà ai đi ngang qua cũng phải thòm thèm trước mùi thơm nức của nồi nước tỏa ra.
Quán Bò Kho gốc Ấn Độ mở bán khoảng 14h nhưng từ trước đó đã có thực khách tìm đến. Tôi ghé quán hai lần. Lần đầu tiên tôi không mất thời gian đợi vì đầu giờ khách còn thưa. Nhưng hôm sau quay lại, tôi phải đợi 15 phút mới có chỗ ngồi.
Bà chủ quán Trương Ngọc Trâm Oanh (57 tuổi) hay được khách quen gọi là bà Út. Bà Út sinh ra và lớn lên tại Việt Nam, có ba là người Việt, mẹ là người Ấn Độ.
Ngày trước, bà Út làm nghề thêu. “Từ ngày ba mẹ già, tôi cũng không còn làm nghề thêu nữa mà chuyển sang bán bò kho. Tính đến nay cũng đã 16 năm rồi”, bà Út nói.
Người phụ nữ gốc Ấn bán bò kho 16 năm ở Sài Gòn. Ảnh: Di Vỹ.
Thuần thục múc từng vá nước lèo cho vào tô, bà Út kể lại, quán mới dời vào trong hẻm được hai năm. “Hồi đó có mình tôi bán ở đầu hẻm. Lúc dọn vô đây nhiều khách tưởng nghỉ bán nên cũng thưa. Từ khi treo bảng bên ngoài, khách quay lại nhiều hơn”.
Thời gian dài sống ở Việt Nam giúp bà chủ gốc Ấn hiểu được việc nêm nếm phù hợp với khẩu vị của người Việt mới thu hút được khách. “Dù dùng một số gia vị của người Ấn để Quán Bò Kho Gốc Ấn Độ trở nên khác biệt, tôi vẫn giữ cách nấu nướng giống người Việt”, bà Út nói.
Video đang HOT
Các công đoạn chuẩn bị, nấu nướng cho đến phục vụ khách đều do bà Oanh cùng các thành viên gia đình là chồng và các con thực hiện.
Quán Bò Kho Gốc Ấn Độ – Thời Gian
Mỗi ngày, chủ quán đi chợ từ sớm, mua thịt bò, các loại rau củ tại các hàng quen ở chợ. Sau đó, cả nhà quây quần thực hiện các công đoạn, nghỉ ngơi rồi bắt đầu dọn hàng lúc 14h.
Thực đơn chính của quán là bò kho ăn kèm bánh mì. Ngoài ra, khách muốn đổi vị có thể gọi hủ tiếu hay mì bò kho cũng ngon không kém. Thịt bò hầm mềm, không dai. Nước bò sền sệt, thơm và ngọt.
Khách đứng đợi trước quán để có chỗ ngồi. Ảnh: Di Vỹ.
Quán Bò Kho Gốc Ấn Độ - tại đây mỗi món ăn bưng ra lúc nào cũng bốc khói nghi ngút kèm theo một rổ rau quế, giá sống. Khách sẽ tự pha chén muối ớt chanh để chấm bò với các gia vị đặt sẵn trên bàn. Bạn nhớ nêm thêm sa tế để thưởng thức trọn vẹn vị cay, cũng là đặc sản tại địa chỉ này.
Mỗi suất có giá khoảng 35.000 đồng. Nhiều người mua 15.000 hay 20.000 đồng thì bà Út vẫn bán. Chính mùi vị đậm đà của món ăn là thứ níu chân thực khách quay lại nhiều lần.
Ảnh: Di Vỹ.
Cả gia đình mỗi người một tay bán tới khoảng 19h là đóng bếp. “Có hôm đi làm ra trễ, chưa tới 19h mà quán đã đóng cửa nên tôi đành phải quay lại vào hôm sau”, anh Vinh đang làm việc tại quận 1 nói.
Quán Bò Kho Gốc Ấn Độ Mỗi suất ăn có giá từ 35.000 đồng.
Khi tôi ăn xong tô hủ tiếu bò kho tại Quán Bò Kho Gốc Ấn Độ thì trời cũng đã nhá nhem tối. Tôi phải vượt qua dòng người đang đứng đợi mới “thoát” khỏi được con hẻm. Đối với tôi, địa chỉ này chưa đạt 10/10 điểm bởi đồ ngon nhưng chỗ ngồi chật chội. Tuy nhiên, tôi nhất định sẽ quay lại nhiều lần nữa khi đây là quán lâu năm hiếm hoi của người gốc Ấn ở Sài Gòn.
Theo Tourmoila
Bát canh chua chiều Đông ấm
Nhà ngoại tôi đúng lối thị dân Hà Nội cũ. Cuộc sống có lúc thăng, lúc trầm. Khi giàu có, lúc gian truân. Nhưng bà tôi, mẹ và dì Hai vẫn duy trì một nề nếp nội trợ cơ chỉ, tằn tiện. Gà vịt, thịt thà ngày thường rất hiếm.
Nghệ thuật sử dụng rau gia vị của người Hà NộiChuyện ở - điTị nạn môi trường
Duy nhà lúc nào cũng sẵn sàng ba bốn vại dưa cà.
Dưa thì nấu được nhiều món nhưng tôi thích nhất là món canh dưa nấu cá tép vụn.
Sáng sớm, mẹ tôi ra chợ Hàng Bè, rẽ vào lối ngõ Trung Yên hay ra mạn cuối ngõ Cầu Gỗ, nhắm đến mấy hàng tôm cá vặt của bà con ngoại thành đem vào. Bà chọn mua lấy một mớ cá tép vụn gồm cả đòng đong, cân cấn, săn sắt, cá cờ, đôi khi lẫn mấy con cá mương, cá dầu, cá rói nho nhỏ, với mấy con tôm tép vụn. Thứ đó rẻ lắm. Bà lựa thêm chút hành răm, cùng mấy quả cà chua, mấy cây xà lách, mớ thơm, mớ mùi, mớ tía tô, canh giới, rau thơm và khúc nõn chuối hột. Ngày trước, rau lá đúng mùa lắm. Chỉ đầu đông mới có cà chua, xà lách, rau mùi mà thôi.
Cá tép rửa sạch vẩy ráo, đem ướp chút muối tiêu. Lát sau đem rán sơ qua trên chảo mỡ. Mẹ tôi dặn là chỉ rán sơ qua, vừa chớm vàng thôi, chứ đừng rán quá cháy, mà canh sẽ mất nước ngọt.
Cá rán rồi gắp riêng ra chiếc nồi to. Để nguyên chảo mỡ trên bếp, rắc vào mấy nhánh hành khô đã đập giập, phi cho thơm lên, rồi cho mấy nắm dưa chua đã vắt ráo vào xào tiếp với chút mắm muối cho vừa vặn.
Lấy nước sôi tráng chảo, chứ đừng cho nước lã mà tanh đấy, mẹ dặn thế. Nước tráng chảo dưa xào cà chua, đem đổ vào nồi cá tép đun sôi bùng lên. Rồi vặn nhỏ lửa cho cá tép tiết ra nước ngọt. Sau đó mới đổ dưa xào cà chua tóp mỡ vào nồi cá, cùng đun âm ỉ thêm một lát là được. Lúc múc canh ra, thả vào chút rau răm hành hoa thái nhỏ. Có nhà hay quen ăn canh dưa rắc hành hoa thìa là. Nhưng nhà tôi xưa nay đều dùng hành hoa, rau răm, thành ra quen mất nết.
Cũng có khi thèm canh dưa nấu cá tép, mà vại dưa nhà đã hết, mẹ tôi ra chợ mua cân dưa nén sẵn của các bà dưa cà Đình Gừng dưới làng mạn Khương Hạ đem lên. Dưa các bà muối, quái lạ, cả cây cải sen nhỏ nhắn, hay câu cải Đông Dư to đùng, dù để lâu qua mấy tháng nó mà chúng vẫn vàng ruộm và chua gắt. Chỉ mỗi tội là đắt có dễ gấp đôi dưa nhà muối. Dưa Đình gừng đem nấu canh, thì nhớ đun thêm một dạo so với nấu dưa nhà. Bảo đảm là nồi canh lại thơm nức thêm một bậc đó.
Hay là có ai đi chơi trung du về làm quà cho nắm dưa đọt sắn muối chua. Thì đem nấu cá tép cũng thật tuyệt vời đó. Lạ miệng tốn cơm đừng hỏi.
Ngày xưa ấy. Tháng Mười về, sau Tết cơm mới, gió bấc ào ạt trên mái nhà. Phố xa chấp chới lên đèn. Bố vừa đi làm vừa về, áo bông sờn treo vội đầu giường. Mẹ ngồi múc canh dưa ra chiếc âu trắng men to đùng. Dì Hai bốc rau ghém ra chiếc đĩa sứ sâu lòng. Chị em tôi ríu tít so đũa, xới cơm. Nồi cơm gạo mới ở quê gửi lên vừa chín nục. Bữa cơm có món canh dưa nấu cá tép nhừ xương, chỉ ăn với rổ rau ghém to đùng tươi rói, lá xà lách xanh nõn, nhánh tía tô tím ngắt, lát thân chuối trắng ngần, thêm bát nước chấm mắm dấm tỏi ớt đặt giữa mâm, thì cũng đã thủng nồi trôi rế. Nếu thêm đĩa đậu rán nữa thì đã thành đại tiệc. Ăn rào rào, chả ai nói với ai. Phồng mồm trợn má vì đám rau ghém đủ các thứ.
Cuối bữa, bố tôi bảo dì Hai:
- Còn ít canh nào, sáng mai đun lại. Cho tôi bát cơm nguội ăn đi làm, dễ còn ngon ăn phở. Canh dưa, giả cầy, đun 2 lửa càng ngon.
Theo Ngaynay
"Cơm tấm bãi rác" - Bao năm vẫn là "bà hoàng cơm tấm đêm" nức tiếng khắp Sài Gòn "Nức tiếng" làng cơm tấm đêm Sài Gòn Có thể với nhiều người nghe qua thấy kỳ, thấy lạ, vì tại sao tên của một món ăn lại đi đặt cạnh một thứ rất chi "tượng thanh, tượng hình" không được đẹp đẽ, sạch sẽ cho lắm!? Nhưng bạn đừng vội đánh giá, bởi quán cơm này nằm trong một khu chợ nổi...