Phở gia truyền Hà Nội giữa Sài Gòn
Tháng 6, Sài Gòn bắt đầu những cơn mưa vào mỗi chiều báo hiệu một mùa mưa đến. Sài Gòn chỉ có hai mùa mưa, nắng.
Mùa nắng, trời lúc nào cũng như muốn thiêu đốt hết mọi thứ, mặt đường cũng trở nên bóng nhẩy vì những đợt nắng gay gắt. Mùa mưa, Sài Gòn lại đối đầu với ngập lụt, những con đường khô hanh bỗng chốc biến thành những con sông ngập nước, cuốn trôi theo mọi thứ.
Nhưng mưa Sài Gòn rất bất chợt, đến và đi rất nhanh, làm con người ta nhiều khi cảm thấy hụt hẫng. Vì thế, nhiều người không chọn cách đi dưới mưa mà lại thích dừng lại trong một không gian ấm cúng và ngắm mưa Sài Gòn, tìm kiếm một chút thảnh thơi. Lúc này, những hàng quán ven đường hay những nhà hàng sang trọng trở thành điểm đến lý tưởng cho mọi người.
Có một nơi mà nhiều người Sài Gòn không thích bỏ qua khi trời mưa là những quán phở gia truyền Hà Nội. Nhất là những người Bắc vào miền Nam lập nghiệp hay học hành. Họ thích trú mình trong những quán phở tấp nập khách, thưởng thức một tô phở gà hay phở bò tái và ngắm mưa Sài Gòn. Họ cảm giác như đang ngồi giữa lòng Hà Nội, ăn phở Hà Nội và nghe mưa Hà Nội tâm tình với phố. Nỗi nhớ nhà được vơi đi rất nhiều.
Không ai thống kê được Sài Gòn có bao nhiêu quán phở gia truyền của Hà Nội và phở đã đến với Sài Gòn như thế nào. Cứ mỗi sáng và chiều tối những quán phở Hà Nội ở đường Nguyễn Trãi, Võ Văn Tần, Lý Chính Thắng hay đường Hoàng Văn Thụ lại rất đắt khách. Những người Bắc vào Nam, khi lần đầu tiên ăn phở ở Sài Gòn đều thốt lên rằng “Đúng là phở Hà Nội thiệt!”. Những quán Phở Hà Nội dù quy mô hay chỉ là những quán ăn ven đường cũng đã góp thêm một hương vị, một không gian Hà Nội ở Sài Gòn.
Nhiều người khi thưởng thức phở Hà Nội đều thắc mắc tại sao Phở Hà Thành lại ngon và nổi tiếng đến vậy? Đi đâu xa, khi nhắc đến phở người ta lại đồn nhau phải ăn một tô Phở Hà Nội chính gốc mới đúng điệu, mới thỏa được nỗi nhớ quê nhà.Phở Hà Nội ngon có lẽ do người ta nấu nước lèo bằng chính xương bò, kết hợp với những hương liệu truyền thống như gừng, thảo quả, đinh hương…. . nhưng đánh giá phở ngon hay không phải do sự cảm nhận từ thực khách.
Video đang HOT
Tô phở bắt mắt ngay khi chủ quán bưng ra mời khách. Tô đựng phở thường là những tô sứ trắng tinh mang đến một sự thích thú và kích thích vị giác rất nhiều. Những lát bò tái hay thịt gà xé được trang trí bên trên những cọng phở trắng, rải thêm một ít hành lá cắt nhỏ, tiêu bột làm tô bún càng thêm độc đáo. Đặc biệt, khi chế biến phở, chủ quán thường không bỏ bất kỳ chất phụ gia nào để tạo nước song sánh, mỗi tô bún nước tuy trong nhưng ăn lại rất đậm đà. Nêm thêm ít nước mắm, tương cay, vắt một ít chanh, cho thêm vài cọng rau ngò gai, húng quế… rồi thường thức thì không còn gì bằng.
Sài Gòn lại đổ mưa…những quán phở Hà Nội ở Sài Gòn lại tấp nập khách ra vào, những tô phở được phục vụ bưng đến từng bàn mời khách, hương thơm bay quyện vào bầu không khí đông đúc ấy khiến những người chưa được thưởng thức cứ khịt khịt mũi và chép miệng liên hồi… Mùa này, Hà Nội vắng những con mưa…
Theo PNO
Thảo quả trị hôi miệng
Dùng thảo quả giã dập, ngậm rồi nuốt nước là cách làm đơn giản mà chữa được chứng hôi miệng rất hiệu quả.
Thảo quả tên khác: Đò ho, thảo đậu khấu, mác hấu.
Theo Đông y thảo quả vị cay, tính ấm, vào kinh tỳ và vị, có tác dụng ôn trung hoá thấp kiện tỳ tiêu thực, giải độc; còn có thể cắt cơn sốt rét. Do công năng tân ôn, phương hương trừ hàn táo thấp nên được làm gia vị, khai vị, long đờm tiêu thực. Có trong nhân bánh gai bánh mật, các loại chè nước mứt, nước gội đầu làm sạch gầu, thơm tóc. Liều dùng: 3-8g. Kiêng kỵ: Người không có hàn thấp, thực uất thì kiêng dùng.
Sau đây là những bài thuốc chữa bệnh dùng vị thuốc thảo quả.
Ấm bụng giảm đau: Dùng cho chứng hàn thấp tích vào trong, ngực bụng đau trướng.
Nước thảo quả: Thảo quả (lùi chín) 6g, hậu phác 12g, hoắc hương 12g, thanh bì 8g, bán hạ khúc 8g, thần khúc 8g, đinh hương 4g, lương khương 6g, cam thảo 4g, sinh khương 12g, đại táo 12g. Sắc uống.
Ấm tỳ, cắt cơn sốt rét: Dùng cho chứng sốt rét, rét nhiều mà nóng ít hoặc chỉ rét không nóng hoặc tỳ hàn tiêu chảy không ăn được. Dùng 1 thang trong các bài sau:
Thang quả phụ: Thảo quả nhân 8g, phụ tử chế 12g, sinh khương 12g, đại táo 3 quả. Sắc uống.
Thảo quả nhân 20g, nghiền bột, cuộn vào tấm vải màn, một giờ trước khi lên cơn sốt rét, nút vào một bên lỗ mũi, nhằm cắt cơn sốt rét.
Thảo quả 6g, hạt cau (binh lang) 6g, thường sơn 6g, sắc uống.
Thường sơn ẩm: Thường sơn 12g, thảo quả 12g, hạt cau 12g, tri mẫu 8g, bối mẫu 12g, gừng tươi 12g, đại táo, sắc uống hoặc thảo quả 10g, kha tử 10g, sinh khương 7 miếng, đại táo 12g. Sắc lấy 600 ml, cô lại còn 200ml, chia uống trong ngày. Chữa sốt rét thiên về đàm nhiệt (đờm nóng, đặc).
Chè thuốc thất bảo: Thường sơn 12g, thảo quả 12g, hậu phác 12g, thanh bì 12g, hạt cau 12g, trần bì 12g, cam thảo 4g. Sắc với rượu loãng (một nửa nước, một nửa rượu - rượu khoảng 20o) để uống chữa sốt rét thiên về đàm thấp (đờm ướt, rớt, lỏng).
Kiện tỳ, tiêu thực: Dùng cho chứng kém ăn bụng đau trướng, nôn oẹ.
Thảo quả bình vị: Thảo quả lùi chín 6g, thương truật 12g, hậu phác 12g, trần bì 12g, sinh khương 12g, đại táo 3 quả, cam thảo 4g. Sắc uống. Trị các chứng kể trên.
Thảo quả, địa du, chỉ xác, cam thảo, liều lượng bằng nhau, tán bột. Ngày uống 2 lần, mỗi lần uống 6g, chiêu bằng nước gừng. Chữa xích bạch lỵ, sốt, đại tiện ra máu.
Ngoài ra, dùng thảo quả giã dập, ngậm nuốt nước để chữa hôi miệng.
Theo TS. Nguyễn Đức Quang
SK&ĐS