Hương vị quê hương: Riêng một góc trời mì quảng Nha Trang
Bạn húp cái rột, đặt tô xuống bàn rồi khề khà: “Công nhận hủ tiếu Nha Trang lạ mà ngon thiệt”. Mình cười, rồi khẽ chỉ bạn tấm bảng để phía bên ngoài. Bạn mắt tròn mắt dẹt: “Cái gì, món này là mì quảng đó hả?”.
Mì quảng trứng cút chả cá Nha Trang TẠ TƯ VŨ
Nhắc đến mì quảng, chắc hẳn nhiều người sẽ nghĩ ngay đến món mì quảng nổi danh xứ Quảng. Tuy nhiên, đối với người dân Khánh Hòa, họ cũng có riêng cho mình món mì quảng mang đậm dấu ấn xứ biển. Dù không được phổ biến như món mì quảng đất Quảng Nam, nhưng hễ khi ai đó được một lần thưởng thức tô mì quảng Nha Trang, thì tôi tin chắc họ sẽ thòm thèm mà nhớ mãi món mì “riêng một góc trời” của xứ sở trầm hương này.
Bên cạnh nhiều món ăn nổi danh, người dân Khánh Hòa còn sáng tạo cho mình món mì quảng vô cùng thơm ngon và mang nét riêng. Khác với mì quảng mà nhiều người từng biết, món mì quảng Nha Trang trước tiên không phải là mì khô, mà là mì nước. Cọng mì nhỏ và vàng ươm mà nhiều người phương Nam hay gọi nhầm là hủ tiếu. Mì quảng Nha Trang có thực đơn vô cùng phong phú như mì quảng chả cá, mì quảng giò thịt, mì quảng tôm, mì quảng chả lụa trứng cút, mì quảng thập cẩm… Nhưng dù là kiểu gì, thì một tô mì quảng Nha Trang đều phải ăn kèm với xà lách xắt sợi, ớt xanh và không ăn kèm bánh tráng.
Video đang HOT
Có lẽ mì quảng là món dễ kiếm nhất ở Nha Trang, Khánh Hòa. Từ thành phố biển xinh đẹp đến cả những huyện vùng cao ở xứ sở trầm hương, món mì quảng luôn hiện diện với nhiều hình thái khác nhau và đều mang lại hương vị ngọt ngào rặt xứ biển. Nấu được món mì quảng Nha Trang không phải là chuyện dễ và nhiều người có những “bí quyết” khác nhau. Một cô chủ quán cho tôi hay, nước lèo của mì quảng phải bắt đầu từ việc hầm xương heo, sau đó cho củ cải hầm tiếp 1 – 2 giờ, sau cùng cho nước dừa, trứng, bột nêm, gia vị và bùng lửa nấu thêm lần nữa là thành phẩm.
Tôi đã nhiều lần tự mình nấu thử món mì quảng Nha Trang để thưởng thức cho đỡ thèm. Tuy nhiên, chẳng có lần nào cho cái cảm giác thơm ngon và hấp dẫn như lúc được ăn ngay tại xứ biển quê nhà. Một tô mì quảng Nha Trang với những cọng mì vàng ươm, dai dai, ăn cùng chân giò ninh nhừ cộng với chả cá hấp thơm béo ngậy, rưới thêm chút đậu phộng. Chỉ thế thôi mà tôi chén sạch tô mì, no căng bụng nhưng miệng vẫn cứ thòm thèm…
Lai rai lòng bò xào chua ngọt
Sau những giờ lao động mệt nhọc, cuối buổi chiều còn gì ấm áp bằng việc cả nhà cùng nhau lai rai món lòng bò xào chua ngọt.
Món lòng bò xào chua ngọt VĂN HOÀNG
Đĩa lòng bò xào hấp dẫn ngay từ cái chạm mắt đầu tiên, màu trắng nhẹ của hành tây, màu vàng tươi của khóm rừng, một chút điểm xuyết màu đỏ của ớt.
Nguyên bộ lòng bò có đủ các loại như tim, cật bò, gan, lá sách, tổ ong, trái khế, lá mía, phèo non, cuống họng... Người có kinh nghiệm thường phải đi chợ sớm hay dặn trước những lò mổ mới có được lòng bò tươi ngon. Tuyệt đối không nên chọn loại lòng bò làm sẵn có màu trắng phau bởi có thể đã bị lạm dụng hóa chất khi tẩy rửa, không những ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn làm mất đi vị ngon ngọt đặc trưng của món lòng. Chưa kể màu trắng phau của lòng bò làm sẵn đánh lừa thị giác, khiến ta khó phân biệt được lòng cũ hay mới.
Người nội trợ có tâm thường chọn nguyên bộ lòng vừa mới mổ về cất công tỉ mỉ, tự tay sơ chế. Trước hết chà sạch với chanh và muối, dùng nước ấm (nước đun cho sôi cùng vài củ sả đập dập, để nguội còn chừng 80 độ C), pha một muỗng nước mắm ngon (loại đậm đặc có độ đạm cao), cho thêm muỗng giấm ăn (loại giấm nhà làm càng tốt), rồi trụng với lòng. Nước nóng sẽ làm sạch chất nhờn và nước mắm, giấm có công dụng khử mùi thần kỳ. Dùng hỗn hợp nước mắm và giấm khử mùi như trên bảo đảm lòng bò giữ nguyên vị ngọt và mùi thơm ngon.
Lòng bò sau khi làm sạch chế biến được nhiều món dân dã
Lòng bò sau khi làm sạch chế biến được nhiều món dân dã. Mộc nhất vẫn là luộc chấm cùng nước mắm gừng. Nước vừa sôi lăn tăn bỏ lòng luộc năm bảy phút, lấy ra cho ngay vào thau nước đá lạnh đến khi lòng nguội mát hẳn. Nhúng trở lại vào nồi nước luộc cho thơm, cắt lòng bò đã luộc chín thành miếng nhỏ chấm cùng mắm gừng hoặc mắm nêm. Muốn ấm bụng, vừa thấm cái chất mộc mạc, dân dã thì đong vài lon gạo nấu cháo sôi lúp búp rồi cho lòng vào.
Đặc biệt, món lòng bò xào chua ngọt là một trong những món dễ làm mà được lòng nhiều người vì ngon lại lắm công dụng. Một đĩa lòng xào chua ngọt nóng hổi thoáng chốc đã làm vơi cả nồi cơm đầy, cũng có thể được xem như món ăn vặt cùng bánh tráng nướng giòn cho chị em phụ nữ hay cánh đàn ông nhâm nhi giải mỏi sau ngày lao động. Nhưng lấy điểm nhất của lòng bò xào chua ngọt lại là tác dụng chữa bệnh ho hen, giải độc hay tăng thêm sức đề kháng chống cảm trong bất kỳ kiểu thời tiết nào.
Để có một đĩa lòng ngon đòi hỏi người nấu phải tuân thủ nhiều nguyên tắc. Hành tây bổ quả cau, khóm gọt vỏ, cắt bỏ mắt, rửa sạch, thái thành những miếng nhỏ. Ướp lòng với muối, ớt, hạt tiêu, đường khoảng mươi phút. Đặt chảo lên bếp, chảo nóng phi thơm tỏi, cho lòng đã ngấm gia vị vào xào. Để lửa to, đảo nhanh, nhẹ tay, lòng vừa chín tới cho tiếp hành tây, khóm vào đảo đều. Tuyệt đối không xào hành tây và khóm chín quá. Trước khi tắt bếp, không quên rắc thêm một ít tiêu rừng để đĩa lòng xào thêm nồng cay.
Mặn mà và đậm ý vị là những gì còn đọng lại khi thưởng thức lát lòng sừn sựt. Chính vì hội tụ đủ vị mặn mà, béo béo, cay chua mà bao lâu nay lòng bò xào chua ngọt luôn hợp gu ẩm thực người xứ Quảng.
Ơ cá đét má kho Hồi nhỏ, mỗi lần ăn cá đét má kho, tôi hay nghĩ trên đời này có lẽ chẳng ai kho cá đét ngon hơn má. Đậm đà món cá đét kho sả ớt ẢNH: THANH LY Cái mùi tro bếp, mùi của rơm, củi khô cùng với vị đậm đà cá biển hòa với hương thơm gia vị đồng quê ớt, sả, nghệ......