Hương vị bánh nhãn thơm nức
Ở vùng quê, cứ độ hai mươi tháng chạp, không khí tết lại hiện rõ trên từng nẻo đường, nhà nào nhà nấy chộn rộn làm bánh đón tết, nào là bánh tráng, bánh tét, bánh thuẫn, bánh cốm… Riêng nhà tôi năm nào mẹ cũng làm bánh nhãn.
Ngoài dùng để đãi khách tới chơi mấy ngày xuân, mẹ còn gói làm quà cho các con đi học xa nhà.
Bánh nhãn được làm từ 3 nguyên liệu chính: bột nếp, trứng gà và đường cát trắng. Công đoạn chế biến khá vất vả. Đầu tiên là khâu chuẩn bị nguyên liệu. Bột làm bánh nhãn là loại bột gạo nếp, sẽ làm bánh rất giòn và thơm ngon hơn bột gạo thường. Gạo nếp đem xay và lọc thật mịn. Trứng gà (hoặc trứng vịt) mua về, theo tỷ lệ nhất định, cứ nửa cân bột nếp thì tương ứng cỡ 5 trứng gà.
Video đang HOT
Khâu ngào bột nếp với trứng gà cũng rất tinh tế. Trứng gà đập ra cho vào cái thau rồi dùng đũa đánh tan, đem bột nếp ngào chung với trứng đến khi nào bột mềm, mịn và dẻo thì dừng lại. Dùng tay ngắt bột, vò viên tròn, nhỏ, cỡ bằng ngón tay cái người lớn. Cứ vò viên khi nào hết nguyên liệu mới thôi. Để viên bột không dính với nhau, nên cắt lá chuối lót lên trên cái mâm.
Cho dầu vào chảo đun sôi rồi thả từng viên bột đã lăn vào rán. Trước khi đun dầu, phải lau chảo thật khô, trong chảo dầu có dính nước khi rán chảo dầu nổ lụp bụp và bay tứ tung, rất dễ bị phỏng.
Khi rán nên để lửa nhỏ lại và dầu phải nhiều lên sao cho ngập các viên bột để bánh nở dễ dàng. Khi bánh vàng ươm thì vớt ra rổ để ráo dầu.
Cuối cùng là khâu trộn đường, sau khi rán xong đặt chảo lên bếp, cho đường cát trắng tinh vào sên. Lượng đường cát dùng để sên với các viên bột cũng vừa phải. Để đường cát trắng nhanh tan chảy, nên cho một ít nước vào chảo đường. Khi đường đã tan, cho bánh vào đảo liên tục đến khi đường bám vào từng viên bánh thì vớt bánh ra đĩa thưởng thức. Để bánh nhãn giòn thơm lâu ngày và không bị lồng gió, ta cho chúng vào cái thẩu thủy tinh bên trong có lót giấy báo, đậy kín nắp, lấy ra ăn dần dần.
Bánh nhãn thưởng thức lúc còn nóng hay nguội đều rất thơm ngon. Sự hòa quyện giữa các nguyên liệu làm cho mùi bánh thơm phức khiến không khí những ngày giáp tết thêm rộn ràng.
Hương vị quê hương: Ra giêng 'món nhà' còn lại
Dân gian có câu "mùng 7 gãy nêu". Vậy là tết đã qua. Nhưng nhiều người nói tết qua kệ tết, miễn món nhà làm để ăn tết vẫn còn.
Kể cũng lạ! Người nói tết chỉ 3 ngày, kẻ nói 7 ngày. Nhưng tâm trạng háo hức, công sức bỏ ra cho tết là quá lớn nên tết qua kệ tết. Còn thịt muối, củ kiệu, bánh tét là còn... tết. Ăn tết lâu đâu có sao. Nghỉ tết lâu mới bị phê bình chứ.
Bánh tét, thịt muối, củ kiệu - ba món này "giữ" tết đến hết tháng giêng. Củ kiệu chua cay mặn ngọt, con gái làm. Món thịt muối, vợ... thiết kế và thi công. Từ khâu luộc từng mảng thịt ba chỉ đến ướp gia vị, nấu mắm, cho đến đoạn ngâm thịt vào hũ, đậy điệm cẩn thận đều mình vợ "độc tấu". Chồng đứng xớ rớ nhưng vợ không "sai bảo" gì. Vợ cười cười nói với chồng: Món thịt muối khó tính lắm. Vụng về như anh rớ vô là hư thịt hư mắm hết. Nhưng anh cứ coi để biết làm món này phải tỉ mẩn ra sao. Khi khề khà với bạn, anh chỉ cần nói bà xã tui làm đó nghen, không có mua siêu thị siêu thiếc gì đâu.
Bánh tét, thịt muối, củ kiệu - ba món đậm đặc "mùi nhà" TRẦN CAO DUYÊN
Riêng bánh tét là đậm đặc "mùi nhà" vì có sự hợp sức của chồng, sự khéo léo của vợ, cùng lũ nhỏ ồn ào ngồi chọn và lau từng mảnh lá chuối để gói bánh. Chồng nổi tiếng ở "lĩnh vực" gói bánh chặt tay mà vẫn giữ độ mềm mại của đòn bánh tét. Vì nếu gói bánh mà cơ bắp quá, lên gân lên cốt quá thì bánh sẽ cứng, ăn không ngon, để ít bữa sẽ có những hạt nếp... bỗng dưng sống lại.
Ra giêng, bánh tét, củ kiệu, thịt muối theo con gái, con trai lên phố. Vậy mà món nhà vẫn chưa chịu hết. Bạn bè nghe nhà "còn tết" cứ tới chúc "an khang thịnh vượng" hoài. Mà thấy vui ghê! Hay bánh tét còn đọng mùi tết để lòng người thấy tết chưa xa? Thực sự thì gió đã đưa cái tết về trời. Bánh tét ở lại... không phải chịu lời đắng cay mà là để nhận lời khen. Xứng đáng quá đi chứ. Nấu trước tết, ra giêng bánh vẫn "gợi cảm", vẫn thơm dịu mùi nếp ngọt ngào. Lột lớp lá chuối ra, thấy da bánh vẫn còn xanh dịu màu mạ non. Thật đã con mắt. Rồi sướng cái bụng khi ăn vì bánh vẫn rất mềm mại, nhưn thịt vẫn đậm đà như thuở... mùng một mùng hai.
Lát bánh nào cũng ôm ấp miếng nhưn thịt heo kèm đỗ xanh. Nếp mềm dẻo, miếng thịt heo dù nhỏ vẫn đủ thành phần nạc, mỡ, bì. Nhưng để cho mặn miệng, và cũng để chống ngán, bên cạnh đĩa bánh tét là một đĩa thịt muối. Lại bày ra chén củ kiệu dầm chua cay mặn ngọt nữa cho hương vị thêm mặn mà, phong phú.
Mới đó mà đã gần hết nửa đầu tháng giêng rồi. Mấy ông "văn nhân" làng ngồi với nhau bên chậu bông vạn thọ còn tươi. Trước mặt là bộ ba thịt muối, bánh tét, củ kiệu và nửa chai vang đỏ. Một ông nói mới tết tức thì giờ đã thành dư vang. Ông thì cãi, nói giờ đã thành âm vang mới đúng... Chợt nhớ lời vợ dặn, chồng nói thịt muối chính tay vợ tui làm đó, không mua siêu thị nhé. Chỉ trong vài "nốt nhạc", vợ cười tươi như tết, bưng lên đĩa thịt muối thứ hai.
15 loại bánh đặc sản các miền đất nước Việt Nam Đặc sản bánh Việt rất nhiều loại và kiểu dáng, hương vị khác nhau, nhưng mỗi tỉnh, thành phố đến mỗi làng đều có món bánh truyền thống riêng. 1. BÁNH KHẨU SLI - CAO BẰNG Cái tên bánh khẩu sli nghe lạ lạ vui tai khiến nhiều người nghe lần đầu tò mò. Khẩu sli thường có hình dáng to bằng viên...