Đau mắt đỏ: Dù không nặng cũng nên nghỉ
Dịch đau mắt đỏ đang có diễn biến phức tạp và lan rộng trên cả nước. Nhiều người bị đau mắt đỏ buộc phải nghỉ học, nghỉ làm để phòng tránh lây lan.
Lo sợ học sinh bị hổng kiến thức
Theo chị Nguyễn Thị Bình (Kim Hoa, Đống Đa, Hà Nội) cả gia đình chị đều bị mắc bệnh đau mắt đỏ. Trước đó, con gái lớn của chị chưa bị bệnh nhưng cô giáo đã khuyên không nên đến lớp vì sợ ảnh hưởng đến bạn bè. Nhiều bạn trong lớp không lại gần con chị (cháu Hương lớp 10 -trường THPT Thăng Long) vì sợ cháu là tác nhân mang mầm bệnh cho cả lớp.
Sau đó, cháu phải nghỉ học từ khi chưa có biểu hiện của đau mắt đỏ. Chị Bình kể: “Nghỉ học được hai hôm thì con bé cũng bị bệnh luôn, khổ thế đấy”. Sau 10 ngày điều trị, mắt của chị vẫn đỏ hoe nên đi làm vẫn bị kỳ thị. Nhiều người thấy đồng nghiệp đau mắt đỏ là tránh xa, sợ bị lây nhiễm. Hai vợ chồng chị đã xin nghỉ không lương cả tuần rồi nên chị Bình sợ không dám nghỉ thêm. Điều chị lo lắng nhất là các con nghỉ học lâu sẽ bị hổng kiến thức.
Cùng hoàn cảnh đó, anh Nguyễn Việt Trường – số 1 Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, Hà Nội cũng bị đồng nghiệp “xa lánh”. Anh bị dính đau mắt đỏ từ gia đình nên khi vừa thông báo bị đau mắt, công ty anh đã báo anh nên nghỉ ở nhà. Tuy nhiên, công việc trên văn phòng còn dở dang, nhiều hợp đồng chào thầu đang cần chỉnh sửa nên tiếc công tiếc việc anh lại lên công ty làm việc. Tuy nhiên, khi đi ở thang máy dù cố né vào sâu bên trong nhưng nhiều người vẫn không dám nhìn anh.
Thậm chí, vào đến văn phòng làm việc nhiều nhân viên cấp dưới của anh cũng tránh xa. Anh buồn bã kể lại, làm được buổi sáng thì sếp lớn lên bảo “cậu muốn cả công ty cùng đau mắt đỏ à”, rồi anh được đặc cách mang giấy tờ, hồ sơ về nhà làm.
Còn bác sĩ Hùng – Bệnh viện Phụ Sản Trung ương cũng ngán ngẩm: “Anh bị đau mắt vào đúng ngày đầu tuần đi làm. Công việc và lịch mổ cho bệnh nhân đã xếp sẵn rồi mà giờ đành ở nhà điều hành qua điện thoại. Nếu đến bệnh viện thì lây bệnh cho cả khoa và bệnh nhân mất”.
Cũng may, các bệnh nhân của anh Hùng không phải bệnh nguy cấp nên anh có thể điều chỉnh lại ca mổ khi bệnh đỡ hơn. Ba ngày đau mắt đỏ, mọi lịch trình của anh thay đổi hẳn.
Video đang HOT
Không khí lạnh sẽ giảm nguy cơ phát tán bệnh
Theo bác sĩ Hoàng Cương, trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Mắt Trung ương, cho đến hết ngày 24/9 số bệnh nhân đến khám đau mắt đỏ vẫn không giảm. Số bệnh nhân này chiếm từ 20 % tổng số các bệnh nhân đến khám về mắt. Đến hết ngày hôm qua chưa ghi nhận thêm trường hợp nào bị biến chứng nặng từđau mắt đỏ như viêm kết mạc cấp tính, loét giác mạc.
Bác sĩ Cương cho biết, theo kinh nghiệm nhiều năm trong điều trị bệnh đau mắt đỏ, đợt không khí lạnh về miền bắc từ ngày hôm nay sẽ giúp tình hình bệnh đau mắt đỏ được kiểm soát tốt hơn.
Kinh nghiệm cho thấy, cứ mỗi đợt không khí lạnh, thời tiết khô hanh hơn, độ ẩm không khí thấp, virus lây bệnh phát tán chậm hơn. Thời gian qua, bệnh phát tán nhanh, lan rộng là do thời tiết mưa nắng sụt sùi, hai cơn bão số 8 và số 9 ập đến liên tục càng khiến bệnh lan nhanh ở các tỉnh thành.
So với mọi năm trước, dịch đau mắt đỏ thường bùng phát vào tháng 7 và tháng 8 vì trời mưa. Nhưng năm nay bệnh đến muộn hơn và diễn biến cũng phức tạp hơn.
Nhiều bệnh nhân đến khám bệnh cũng than thở với bác sĩ bị ép nghỉ làm hoặc nghỉ học vì mắc bệnh đau mắt đỏ. Tuy nhiên, bác sĩ Cương cho rằng những người đau mắt đỏ nên nghỉ ở nhà để tránh lây lan cho cộng đồng. Nhiều người mắc bệnh còn cố gắng ra ngoài dẫn đến bệnh lây lan nhanh hơn.
Tâm lý cho rằng cứ đeo kính là không sợ lây bệnh sang cho người khác nên nhiều người cố tình vừa đeo kính vừa đi làm. Điều đó hoàn toàn sai bởi bệnh còn lây lan qua đường không khí, đường thở. Thậm chí, tay người bệnh dụi vào mắt sao đó sờ vào bàn ghế, cầu thang, máy tính… đều là nguồn mầm bệnh cho người khác.
Điều bác sĩ Cương băn khoăn nhất dù là bệnh lành tính nhưng tốc độ lây lan rất nhanh như hiện nay thì các cơ quan nên có chính sách hỗ trợ cho người bệnh nghỉ ở nhà điều trị nhưng vẫn có lương. Vì sợ nghỉ không có lương nên nhiều người vẫn cố đi làm.
Sở Y tế Hà Nội cũng khuyến cáo các trường hợp mắc bệnh nên nghỉ ở nhà, trẻ em có biểu hiện cần cho nghỉ học, ngay sau đó có các biện pháp bù kiến thức cho các em nghỉ vì đau mắt đỏ. Mọi người dân nên tránh tập trung nơi đông người. Không nên sử dựng chung khăn mặt, khăn tắm và các dụng cụ sinh hoạt khác.
Theo Thanhnien
Đau mắt đỏ rất dễ lây lan
Bệnh có thể lây qua hơi thở, không khí... nhưng sẽ khỏi trong vòng 5-7 ngày nếu chữa trị và chăm sóc kịp thời. TP.HCM: Bệnh nhân đau mắt đỏ tăng đột biến.
Đau mắt đỏ là bệnh thường gặp và dễ lây lan. Tuy không nguy hiểm tính mạng nhưng đau mắt đỏ cần điều trị dài ngày, dễ lây gây tốn kém tiền bạc, bất tiện trong sinh hoạt và công việc. Cùng tham khảo khảo nguyên nhân và cách điều trị trong sự kiện Đau mắt đỏ để sớm đẩy lùi căn bệnh dễ lây lan này.
Chiều 19-9, tại BV Mắt Trung ương (Hà Nội), lượng bệnh nhân chờ khám rất đông.
Theo PGS-TS Đỗ Như Hơn, Giám đốc BV Mắt Trung ương, hơn một tuần nay, Hà Nội bùng phát dịch đau mắt đỏ. Trung bình mỗi ngày BV khám và điều trị cho khoảng 300-400 bệnh nhân bị đau mắt đỏ.
BS Hoàng Cương, Trưởng khoa Khám bệnh BV Mắt Trung ương (Hà Nội), cho biết bệnh đau mắt đỏ (viêm kết mạc) có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Có nhiều trường hợp cả gia đình bị đau mắt đỏ do bệnh lây lan.
Trong lúc chờ đến lượt, chị Nguyễn Thị Khanh (Hai Bà Trưng, Hà Nội) kể đầu tiên thấy mắt bị đỏ, ghèn nhiều, hơi cộm, sau đó thì mắt đỏ rực và nóng ran. "Khi mới bị, tôi chủ quan, cứ nghĩ mua thuốc nhỏ mắt về nhỏ là khỏi. Nhưng không ngờ bệnh càng ngày càng nặng. Tôi phải nghỉ làm mấy hôm nay" - chị Khanh nói.
Anh Bùi Văn Cường (Từ Liêm, Hà Nội) cho biết hôm nay anh đưa vợ và đứa con trai học lớp 3 đến BV khám. "Con trai tôi bị lây đau mắt đỏ từ các bạn ở trường gần một tuần nay. Gia đình đã ra hiệu thuốc, mua thuốc đau mắt về điều trị. Tuy nhiên, bệnh tình của con không thấy đỡ mà còn lây ra cả nhà" - anh Cường kể.
Khám bệnh mắt đỏ cho bệnh nhân ở BV Mắt Trung ương (Hà Nội)
BS Chương thông tin, bệnh đau mắt đỏ lây lan nhanh trong cộng đồng với các biểu hiện ban đầu là mắt cộm, đỏ, ngứa, chảy nước mắt. Bệnh nhân vẫn nhìn thấy bình thường, thị lực không suy giảm. Tuy nhiên, ở thể nặng, bệnh nhân có thể bị phù mắt, có màng trong mắt. Người bệnh còn có biểu hiện sốt nhẹ, viêm mũi-họng, sợ ánh sáng, mỗi khi nuốt nước bọt họng đau và nổi hạch.
Bệnh đau mắt đỏ lây lan qua nhiều con đường như hơi thở, nước bọt, không khí hay lây qua tiếp xúc đồ vật do người bệnh lấy tay dụi mắt rồi lại chạm vào đồ vật.
"Đau mắt đỏ không phải là bệnh nặng nếu người dân biết cách chữa trị và chăm sóc kịp thời. Thông thường bệnh chỉ diễn biến và tự khỏi trong vòng 5-7 ngày. Tuy nhiên, sau thời gian này nếu bệnh không đỡ hoặc thấy có các triệu chứng bệnh cùng lúc ở mắt, họng và nổi hạch thì cần đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa về mắt để được điều trị kịp thời, tránh gây nhiều biến chứng về đường hô hấp như viêm phế quản, viêm phổi" - BS Chương khuyến cáo.
Theo các chuyên gia nhãn khoa, khi đã mắc bệnh, người bệnh phải uống nhiều nước, nghỉ ngơi, tránh khói bụi, đeo kính mát giúp mắt bớt kích thích với ánh sáng chói hoặc có thể chườm đá lạnh cho mắt dễ chịu hơn. Đặc biệt bệnh nhân bị đau mắt đỏ không nên tự pha nước muối loãng để rửa mắt vì nếu nồng độ nước muối không phù hợp có thể gây bỏng rát mắt. Tốt nhất nên sử dụng nước muối sinh lý theo chỉ định của bác sĩ.
Bên cạnh đó, người nhà bệnh nhân không nên dùng chung đồ vật và nói chuyện đối diện với người bệnh, đồng thời nên rửa mắt bằng nước muối sinh lý hằng ngày, rửa tay bằng xà phòng tiệt trùng. Đặc biệt khi mắc bệnh không được đến bể bơi.
BS Chương cho biết thêm: "Người bệnh không nên tự ý mua thuốc nhỏ mắt, đặc biệt là những loại thuốc có chứa corticoid sẽ rất nguy hiểm khiến bệnh có thể nặng hơn, gây biến chứng viêm loét giác mạc. Cũng không xông thuốc, xông lá vì có thể gây bỏng giác mạc khiến bệnh lâu khỏi, bội nhiễm".
Theo TNO
Bài thuốc trị đau mắt đỏ bằng đông y Bên cạnh việc điều trị đau mắt đỏ bằng tây y, xin giới thiệu bạn 5 bài thuốc trị đau mắt đỏ bằng đông y vô cùng hiệu quả. Trong 2 tuần vừa qua, bệnh viêm kết mạc (đau mắt đỏ) ngày càng có những diễn biến phức tạp, số người mắc bệnh ra tăng nhanh chóng, có nhiều địa phương, thành phố...