Cặp song sinh sinh non trong bọc điều ở tuần 27, bác sĩ nói tỉ lệ sống sót chỉ 30% nhưng điều kì diệu đã xảy ra
Từ lúc cặp song sinh sinh non chào đời là chuỗi ngày đi khắp các bệnh viện, bỏ hết công ăn việc làm để chữa bệnh cho con của đôi vợ chồng trẻ.
Khi con còn ở trong bụng mẹ, bố mẹ thường mong nhanh qua 9 tháng 10 ngày để được gặp con. Ấy thế nhưng hành trình này với một số gia đình lại chẳng hề đơn giản khi mới quá nửa đường, con đã đột ngột chào đời bất đắc dĩ vì sinh non. Câu chuyện của vợ chồng anh Lê Năm và chị Phương Thảo (hiện đang sống ở Lái Thiêu, Bình Dương) với cặp song sinh sinh non của mình là một trong số đó. Mang thai đôi tự nhiên nhưng chỉ đến tuần thứ 27 của thai kỳ, chị Phương Thảo đã có quá nhiều cơn gò và sinh thường 2 đứa con còn rất non nớt. Sau đó là những tháng ngày trường kỳ giành giật từng hơi thở, sự sống của 2 em bé sinh non.
Vợ chồng anh Năm chị Thảo và hai em bé sinh đôi của mình.
Bé Thiên Đức và Thiên Phúc chào đời khi mới 27 tuần thai.
Hai em bé bọc điều sinh non 3 tháng, phải nằm phòng nặng nhất
Chị Phương Thảo mang thai đôi tự nhiên, thai kỳ bình thường cho đến tuần thứ 23. Lúc này, chị bị động thai và được chồng chở lên bệnh viện Từ Dũ để khám. Bác sỹ cho thuốc uống và hẹn 2 tuần sau tái khám. Nhưng chưa đầy 2 tuần sau, chị Thảo đã trở lại bình thường. Đến tuần 27, chị lại có quá nhiều cơn gò và phải nhập viện ngay lập tức. Đủ mọi loại thuốc từ rẻ nhất đến đắt nhất của bệnh viện cũng không có tác dụng gì hết, chị buộc phải bước vào phòng sinh. Hai em bé Thiên Đức và Thiên Phúc chào đời, còn nguyên bọc điều, chỉ nặng 800gr và 1000gr.
“Nhìn qua con chỉ thấy tím tái, xíu xiu”.
Ngay khi vừa chào đời, hai bé đã phải nằm lồng kính.
“Cái đêm mình quằn quại chỉ cố mong giữ hai anh em trong bụng mẹ ấy mới là 27 tuần thôi. Mình sợ lắm vì bác sỹ nào cũng bảo sinh ra sẽ không nuôi được, tỉ lệ sống sót chỉ có 30% thôi. Thế rồi vừa lọt lòng ra, các bác sỹ ai cũng phấn khích vì đó là cái bọc điều nhưng mình chẳng vui nổi vì còn nặng trĩu âu lo. Sau khi chọc túi ối xong, bé Thiên Đức hét lên thất thanh, 5 phút sau là bé Thiên Phúc. Mình nhìn con qua nước mắt, chỉ thấy vụt qua hai bé xíu xíu thâm đen. Bởi hai bé được đưa đi phòng cách ly ngay lập tức. Bé Thiên Phúc ban đầu chỉ phải nằm hỗ trợ oxi, còn bé Thiên Đức phải nằm phòng nặng nhất là hỗ trợ thở hoàn toàn”.
Chị Thảo được đưa vào phòng nghỉ ngơi nhưng rất buồn bởi ai cũng có con bên cạnh còn chị chỉ có người thân. Sau 3 ngày, chị xin bác sỹ được về nhà nghỉ ngơi. Chị tâm sự: “Thật ra khi về mình không thể ngủ, giấu cả nhà khóc thầm. Mình khóc rất nhiều, chỉ cần ở một mình là khóc vì nhớ các con, lại rất lo lắng, sống trong thấp thỏm, suy nghĩ nhiều. Rồi cứ để báo thức, đúng 2 tiếng mình lại hì hục dậy hút sữa trong 30 phút, đêm cũng như ngày. Mình cũng tự động viên phải thật mạnh mẽ để còn có thể bảo vệ và lo lắng cho 2 con”.
Hai bé thường được ăn bằng ống xông.
Giành giật sự sống từng ngày.
Mỗi ngày đến 15h chiều, anh Năm được vào bệnh viện để thăm con. Anh đi đường mất mấy tiếng đồng hồ nhưng chỉ được nhìn con qua mấy lớp kính trong vỏn vẹn 3 phút. Chị Thảo luôn đòi vào thăm con, nhưng anh Năm sợ vợ nhìn thấy con không kìm được cảm xúc nên nói dối rằng khoa đó cấm tuyệt đối mẹ vào thăm. Một mình anh chịu đựng nỗi đau nhìn 2 con nằm đó không cử động, đủ mọi loại dây, máy móc gắn chằng chịt trên người.
Bị xuất huyết phổi, hồi sinh thần kỳ qua từng ngày
Một tuần sau, anh Năm nhận được tin dữ từ bệnh viện. Bác sỹ thông báo bé Thiên Đức do thở máy quá nhiều nên bị xuất huyết phổi, là một loại bệnh có tỉ lệ chỉ từ 1-3/1000 bé sống sót. Bác sỹ còn bảo gia đình chuẩn bị tâm lý bất cứ lúc nào. Anh dù rất buồn và suy sụp nhưng vẫn không dám nói cho chị Thảo biết. Đó là những ngày anh rất sợ số điện thoại của bệnh viện, vì sợ nghe tin mất con bất cứ lúc nào.
Video đang HOT
Hơn 1 tháng sau sinh, bé Thiên Phúc được ấp kangaroo. Tiếp đó 2 tuần, bé Thiên Phúc cũng được ra ấp kangaroo.
Ngày hôm sau, bé Thiên Đức được tách riêng ra một lồng kính riêng biệt trong khi trước đó là 3 bé 1 lồng kính. Anh Năm lên thăm con, thấy con gầy sọp đi hẳn, chỉ còn da và xương, vẫn chẳng một cử động nào nữa. “Vừa đúng lúc mình vào thì con không thở nữa, các bác sỹ tập trung lại cấp cứu cho con. Các y tá không cho mình nhìn, bảo mình ra ngoài. Rồi may sao con cũng vượt qua được cửa tử này, lại tiếp tục hành trình chiến đấu”, anh Năm kể lại. Trong khi đó, anh vẫn chẳng nói gì về những chuyển biến xấu của con cho vợ nghe, vì sợ vợ lại suy sụp tinh thần.
Mỗi ngày trôi qua, hai vợ chồng đều cầu nguyện cho các con mạnh khỏe, vượt qua mọi khó khăn. Cuối cùng, phép màu đã đến khi bé Thiên Đức đã ở lại được cùng với ba mẹ. Thậm chí bác sỹ còn khó tin vào điều này khi tình trạng bệnh của bé rất nặng. Rồi nửa tháng sau, bé uống được sữa dù chỉ là 1ml, 2ml… dần dần tăng lên được 25ml mỗi lần. Một ngày bé ăn 8 lần, được ba và ông bà dù mưa hay nắng, ngày hay đêm cũng thay phiên nhau đem sữa lên cho bé uống, mong bé có thêm sức đề kháng từ sữa mẹ.
Cả gia đình hai bên nội ngoại đều tập trung để lo cho 2 bé.
Tập ăn sữa từng thìa một.
Dần dần rồi cũng đến ngày được về nhà.
Nửa tháng sau đó, bé Thiên Đức cũng được ra với gia đình nhưng vẫn còn rất yếu và chỉ nặng 1050gr. Hành trình ấp kangaroo với bé cũng bắt đầu nhưng phải ấp con 24/24 trên người để giữ nhiệt. Bé cũng chưa biết bú nên vẫn phải truyền ống xông dạ dày. Bác sỹ còn bảo rằng bé vốn còn nhỏ nên có thể ngưng thở bất cứ lúc nào nên phải canh bé, nếu bé ngủ quên phải gọi bé dậy, không được để bé ngủ luôn. Cả anh Năm và ông bà nội, ngoại đều phải bỏ hết công việc để đến viện thay phiên nhau phụ giúp trông nom 2 bé. Khi bé Thiên Đức đã ổn định, cả nhà thở phào nhẹ nhõm phần nào, đón cả 2 bé cùng về nhà.
Hết bệnh này đến bệnh kia, tuần nào cũng vào viện
Tưởng chừng như đón được 2 con về nhà là mọi chuyện đã tạm ổn, thế nhưng hai bé sinh non lại mắc hết bệnh này đến bệnh kia khiến vợ chồng anh Năm, chị Thảo luôn trong trạng thái căng thẳng, kiệt sức.
“3 hôm sau khi về nhà, bé Thiên Đức lại phải lên bệnh viện gần nhà, ở 1 ngày 1 đêm vì bị trào ngược tím tái. Hôm sau đi tái khám mắt tại Nhi Đồng 1, cả 2 bé cũng phải nhập viện mổ luôn vì từ khi sinh đã bị ROP (bệnh mắt của trẻ sinh non). Sau khi mổ xong, đầu 2 con bị móp vì bé quá (mới 1,8kg và 1,5kg) nên bác sỹ phải giữ để bắn laze cho chính xác trước khi mổ. Mẹ xót xa lắm. Sau mổ mắt, 2 con đau quá lại phải ăn bằng ống xông. Rồi các con tập bú bình rất cực, trong khi sức còn rất yếu. Nằm viện theo dõi 2 tuần tại căn phòng hành lang ẩm mốc, chật chội, các con được đi về nhà”, chị Thảo kể lại.
Khi về nhà, hai bé lại phải tiếp tục hành trình chiến đấu khác.
Qua từng ngày, hai bé lại lớn thêm một chút.
Là niềm vui, động lực của bố mẹ.
Nhưng chỉ vài ngày sau 2 bé con lại phải nhập viện vì viêm phổi, phải điều trị 2 tuần mới được cho về. Vậy mà mọi chuyện chưa dừng lại ở đó, hai bé cứ ăn vào là ói, mỗi ngày đều ói ít nhất 6-7 lần. Bác sĩ bảo do bao tử của bé sinh non chưa hoàn thiện nên ăn thường bị ói và phải tiếp tục nhập viện Becamex để điều trị. Sau khi điều trị trào ngược đỡ hơn, bé được cho về nhưng tiếp tục ngày hôm sau lại phải nhập viện Nhi đồng thành phố vì viêm phổi, xẹp phổi không thở được. Tiếp tục điều trị ròng rã 1 tháng trong bệnh viện, hai bé mới được cho về. Thế nhưng bé vẫn tiếp tục tím tái liên tục không thở được.
Vợ chồng anh Năm lại cho 2 con vào Nhi đồng 2 khám. “Lần này 2 con bị lấy máu xét nghiệm rất nhiều, siêu âm, X-quang, điện não… Cuối cùng, bác sỹ kết luận do con ham bú trào ngược dẫn đến nghẹt đường thở tím tái và gây ra viêm phổi. Vậy là thêm 3 tuần nữa con ở trên viện điều trị trào ngược và viêm phổi. Từ lúc sinh đến tận bây giờ con chưa bao giờ được nằm ngang, đêm phải bế con tư thế thẳng đứng để không bị tím tái. Vậy là dù bú ngủ hay thức, lúc nào con cũng thẳng đứng. Thời điểm này con bị kiêng ăn, đói nên con khóc rất nhiều cả ngày lẫn đêm”, chị Thảo tâm sự.
Hai cậu bé dù trải qua nhiều phen thập tử nhất sinh nhưng cũng đã biết lật, biết bò…
Bé đã 11 tháng từ khi chào đời nhưng tuổi thực mới chỉ 8 tháng.
Hai anh em rất quấn quýt với nhau.
Cái Tết đầu tiên có con, vợ chồng anh Năm chị Thảo phải đón Tết buồn trong bệnh viện khi vẫn phải đồng hành cùng con. Hiện nay hai bé đã tròn 11 tháng kể từ khi chào đời nhưng tính ra chỉ mới có 8 tháng tuổi. Thiên Phúc và Thiên Đức đã đỡ bệnh nặng hơn nhưng vẫn rất ốm yếu, vẫn ăn và ói, khóc, quấy rất nhiều, mỗi lần ngủ chỉ chập chờn được khoảng 10 phút là dậy, thường xuyên ho và sổ mũi. Thế nhưng, nhìn lại chặng đường đã đi qua, ba mẹ bé vẫn coi như phép màu đã đến với gia đình mình, vững tin hơn để bước tiếp trên hành trình cùng con khôn lớn.
“Chăm con nhỏ đã cực nhưng ai có con sinh non còn cực hơn gấp nhiều lần, đúng là có con rồi mới hiểu lòng cha mẹ. 7 tháng đầu đời của các con hoàn toàn phải nằm trên viện chịu bao đau đớn về thể xác lẫn tinh thần để giành giật sự sống, chịu bao nhiêu mũi kim xuyên thấu da thịt, truyền biết bao loại kháng sinh mạnh vào người… Các con đã quá con thiệt thòi rất nhiều so với các bạn, ba mẹ không mong các con quá giỏi giang như người khác chỉ mong các con luôn khoẻ mạnh thôi, có sức khoẻ là có tất cả các con à”, anh Năm nhắn gửi đến hai con của mình.
Theo Helino
11 điều các anh chồng TUYỆT ĐỐI không nên để vợ bầu làm nếu không muốn vợ SINH NON
Cuối thai kì đây là thời điểm các bà bầu rất nhạy cảm chỉ cần một tác động nhỏ cũng rất có thể dẫn đến sinh non. Để tránh tình trạng này các mẹ hãy lưu ý 11 điều dưới đây nhé.
1. Di chuyển đường xa
Bước qua tháng thứ 7, bụng mẹ to lên nhiều, con trong bụng cũng lớn nhanh. Lúc này, tử cung mẹ căng giãn để chứa bào thai. Các cơ vùng kín cũng giãn theo, mềm yếu hơn, không còn dẻo dai như trước đây. Xương cốt của mẹ cũng yếu đi phần nào do phần lớn canxi bị trích rút đi nuôi thai nhi... Tất cả những điều này khiến mẹ bầu khổ sở và mệt mỏi vô cùng. Nếu di chuyển đường xa, mẹ rất dễ bị nhức mỏi, động thai, thậm chí là vỡ ối đẻ non, gây nguy hiểm cho mình và cho con. Nhất là đi xe dạng ghế ngồi, hành trình đi quá dài chắc chắn là điều không nên. Mẹ bầu tốt nhất nên kiêng.
2. Làm việc nặng
Việc bà bầu làm việc nặng có ảnh hưởng gì không là thắc mắc chung, và để thai nhi được phát triển tốt nhất, thai kỳ khỏe mạnh nhất, các bà bầu nên chú ý lúc nào cũng phải thoải mái, tâm trạng tốt và đặc biệt là không nên làm việc nhiều, làm việc nặng
Khi hoạt động thể chất nhiều, làm việc nặng, quá sức có thể khiến các mẹ bầu làm giảm lưu lượng máu cũng như dinh dưỡng đến nhau thai, như vậy sự phát triển của thai nhi sẽ kém, nếu nghiêm trọng có thể đe dọa sẩy thai ở những tháng đầu và sinh non ở những tháng gần cuối.
Hoặc có thể rủi ro có thể là mẹ bầu bị trượt ngã hay vật nặng đập vào người... có thể đe dọa cả tính mạng mẹ và con. Ngoài ra, ngay cả những mẹ bầu làm văn phòng dù không phải làm nặng nhưng công việc quá tải, làm việc nhiều bên máy tính... cũng có nhiều ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
Vậy nên, việc còn băn khoăn bà bầu làm việc nặng có ảnh hưởng gì không là hợp lý. Khi đã biết được những tác hại của việc làm nặng hay làm việc nhiều có ảnh hưởng không tốt đến thai nhi mẹ cần hết sức cẩn thận và giữ gìn hơn. Đồng thời, điều quan trọng nhất là người chồng, người cha hãy chú ý chăm sóc, bảo vệ chu đáo nhất cho mẹ trong quá trình mang thai, tránh để cho mẹ làm những công việc nặng hay việc tiếp xúc với hóa chất... Cần bảo vệ mẹ bầu và con yêu trong điều kiện tốt nhất, chỉ nên để mẹ làm công việc nhẹ và thời gian làm thoải mái, để mẹ bầu có thai kỳ khỏe mạnh, bé yêu phát triển toàn diện.
3. Gần gũi chồng quá nhiều
Chuyện "chăn gối" với chồng khi mang thai trong 3 tháng cuối sẽ chẳng cần phải kiêng cữ gì cả nếu thai kỳ của mẹ hoàn toàn bình thường, khỏe mạnh. Tuy nhiên, việc gì cũng nên có mức độ, nếu bố mẹ không biết cách "hành sự" hợp lý, không biết điểm dừng thì rất dễ gây động thai, sinh non. Vì vậy, mẹ nào thai yếu, cơ thể có vấn đề thì nên kiêng hẳn để đảm bảo an toàn. Đây là một kiêng cữ quan trọng cho mẹ mang thai 3 tháng cuối sắp sinh mà bất cứ bà bầu nào cũng cần lưu tâm.
4. Nằm ngửa
Thai nhi trong giai đoạn 3 tháng cuối đã khá lớn nên bụng mẹ to ra nhiều. Việc nằm ngủ ở tư thế ngửa là cấm kỵ vì có thể cản trở lưu thông máu, chèn ép thai nhi. Đã có những trường hợp mẹ sắp sinh đột nhiên bị thai lưu chỉ vì thường xuyên nằm ngủ ngửa. Bác sĩ khuyến cáo mẹ chỉ nên ngủ ở tư thế nằm nghiêng (tốt nhất là nghiêng sang trái).
5. Ăn kiêng
Mẹ cảm thấy nhanh đói, thèm ăn, ăn nhiều và tăng cân nhanh chóng. Điều này hết sức bình thường vì thai nhi đang gấp rút hút chất dinh dưỡng để hoàn thiện các cơ quan và tạo lớp mỡ dày dưới da, sẵn sàng chờ ngày chào đời. Nếu mẹ lo sợ sau sinh bị thừa cân nên hãm chuyện ăn uống lại, ăn kiêng kham khổ... thì thai nhi sẽ bị thiếu chất, gầy yếu, ảnh hưởng trí não và thể chất. Cho nên ăn kiêng là chuyện mẹ nhất định phải nói không bằng mọi giá. Thay vì ráng kiềm chế chuyện ăn uống, mẹ bầu 3 tháng cuối nên ăn các món bổ não, giúp thai nhi tăng ký nhanh nhất có thể nhé!
6. Xoa bụng và kích thích đầu ti
Thói quen xoa bụng tưởng chừng là đang âu yếm con, giao tiếp với con nhưng thực ra lại tiềm ẩn mối nguy hiểm khôn lường. Hành động này nên kiêng cữ cho mẹ mang thai 3 tháng cuối vì có thể khiến tử cung của mẹ bị co thắt, gò cứng từng cơn, dễ gây ra máu, đẻ non. Tương tự với xoa bụng, việc vân vê kích thích đầu ti, lau rửa đầu ti quá mạnh một cách thường xuyên cũng khiến tử cung bị gò. Sở dĩ như vậy vì ngực và vùng dưới có liên quan mật thiết với nhau.
7. Ăn mặn
Nhiều mẹ có bầu tự dưng rất thích ăn mặn. Tuy nhiên, trong thai kỳ cuối, mẹ cố nhịn miệng, thực hành ăn nhạt để đảm bảo sức khỏe mẹ lẫn con. Việc ăn mặn quá mức và kéo dài dễ khiến mẹ bị tăng huyết áp, tiền sản giật, tình trạng tích nước, phù nề tay chân trầm trọng hơn, thai nhi rối loạn hấp thu dưỡng chất.
8. Lái xe máy
Tự mình điều khiển xe máy khi thai đã lớn cũng là chuyện nên kiêng. Vì bụng to khiến mẹ giữ thăng bằng khó, nếu có bất trắc thì không thể xoay chuyển tình thế linh hoạt được. Hoặc đôi lúc mệt mỏi, chóng mặt giữa đường rất nguy hiểm. Tốt nhất mẹ nên nhờ bố hoặc người thân đưa đi cho an toàn.
9. Mặc quần chíp tối màu
Thói quen mặc nội y tối màu (màu đen, màu đỏ đậm, màu sẫm...) là bình thường nhưng với bà bầu (đặc biệt là bầu 3 tháng cuối) thì hoàn toàn không nên. Đây là kiêng cữ khoa học cho mẹ mang thai 3 tháng cuối. Mẹ phải mặc quần chíp màu sáng (ví dụ màu trắng, màu vàng nhạt...) để tiện theo dõi dịch tiết âm đạo, kịp thời phát hiện và phân biệt những bất thường như viêm nhiễm phụ khoa, rỉ ối... nhờ đó nhanh chóng đến bệnh viện. Có mẹ mặc quần chíp tối màu nên ra máu báo sắp sinh mà không biết, đến lúc cơn đau đẻ quằn quại ập đến mới lật đật gom đồ vô bệnh viện, xíu nữa là đẻ rơi nguy hiểm biết nhường nào.
10. Nằm ngồi một chỗ quá lâu
Ông bà ta vẫn khuyên mẹ bầu sắp sinh nên vận động, đi bộ nhẹ nhàng càng nhiều càng tốt để mai mốt dễ đẻ. Điều này là đúng. Mặt khác, việc làm này còn giúp khí huyết lưu thông tốt, mẹ cảm thấy dễ chịu, dễ thở, ngủ ngon, sức khỏe cải thiện rõ rệt. Mẹ bầu 3 tháng cuối nhớ kiêng việc nằm hoặc ngồi một chỗ quá lâu vì như vậy tưởng chừng an toàn nhưng thực chất lại khiến cơ thể mệt hơn, ê ẩm, thai nhi kém phát triển.
11. Dọn vệ sinh, làm việc nhà
Các công việc vặt vãnh trong nhà của phụ nữ như giặt giũ, quét nhà, chăm chó mèo, nấu ăn bằng bếp có khói... đều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thai kỳ. Với mẹ bầu 3 tháng cuối, việc hít thở thôi cũng trở nên nặng nề nên dễ bị choáng. Mẹ bầu cố làm việc nhà thực sự không tốt cho thai tí nào. Ngoài ra, những thứ bụi bẩn, vi khuẩn, virus có thể khiến mẹ bị nhiễm bệnh, thậm chí là nhiễm độc thai nghén.
Tóm lại, có rất nhiều thứ cần kiêng cữ cho mẹ mang thai 3 tháng cuối nhưng 11 điều trên được bác sĩ khuyên cần thiết phải kiêng nhất vì nó có tính khoa học rõ ràng. Mẹ nào muốn khỏe mẹ khỏe thai, "mẹ tròn con vuông" thì nhất định phải tuân thủ. Đừng để sự chủ quan của mình khiến quá trình thai nghén gian nan sắp gặt hái được quả ngọt thì đau đớn vì tai biến xảy ra bất ngờ.
Theo www.phunutoday.vn
Những mối nguy đe dọa khi bà bầu đi du lịch Có thai không đồng nghĩa với việc suốt ngày phải ở nhà. Nếu bạn đang có dự định nghỉ ngơi hoặc phải đi công tác xa, những cách dưới đây có thể giúp mẹ bầu luôn khỏe mạnh và an toàn trong suốt chuyến đi. Tuy nhiên, việc bà bầu đi du lịch vẫn luôn tiềm ẩn những mối nguy đe dọa. Thời...