Bộ Y tế cảnh báo phòng ngừa vi khuẩn “ăn thịt người”
Ngày 17-9, trước tình hình tại một số địa phương ghi nhận nhiều người mắc bệnh Whitmore gây tình trạng sưng nề, chảy dịch mủ, hình thành ổ áp xe tại nhiều nơi trong cơ thể, nguy cơ tử vong cao, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã có khuyến cáo người dân về việc phòng ngừa căn bệnh này.
Ảnh minh họa
Theo Bộ Y tế, bệnh Melioidosis (Whitmore) do trực khuẩn Gram âm Burkholderia pseudomallei tồn tại trong môi trường tự nhiên gây ra. Con người có thể mắc bệnh Whitmore do hít phải hạt nước hoặc bụi có nhiễm vi khuẩn, uống nguồn nước nhiễm khuẩn hoặc khi tiếp xúc trực tiếp với đất và nước bề mặt bị nhiễm vi khuẩn B. pseudomallei. Bệnh khó lây truyền từ người sang người. Đây là bệnh ít gặp, không gây thành dịch, nhưng bệnh cảnh thường tiến triển nặng, có tỷ lệ tử vong cao, đặc biệt ở những người mắc bệnh mãn tính.
Để chủ động phòng bệnh Whitmore, người dân cần hạn chế tiếp xúc với đất hoặc nước bùn, đặc biệt là những nơi bị ô nhiễm nặng; sử dụng giày dép và găng tay đối với những người thường xuyên làm việc ngoài trời, tiếp xúc với đất và nước bẩn, đặc biệt đối với những người có nguy cơ cao; khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết phỏng cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm. Khi nghi ngờ nhiễm bệnh cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.
KHÁNH QUỐC
Video đang HOT
Theo SGGP
Vi khuẩn ăn thịt người: 'Không nên quá lo lắng'
Theo bác sĩ Khanh, bệnh Whitmore không lây từ người sang người và cũng không dễ bị nếu vệ sinh sạch sẽ.
Xung quanh xôn xao một số bệnh nhân nhiễm vi khuẩn Whitmore ăn thịt người, ngày 16/9, theo thông tin trên báo chí, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa nhiễm - thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cho rằng, vi khuẩn Whitmore không phải là bệnh lây từ người sang người, nên không thể có tác hại nặng.
Bệnh Whitmore (hay còn gọi là bệnh Melioidosis) mà người dân thắc mắc và hoang mang thời gian qua là do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên.
"Bệnh này không phải mới được phát hiện gần đây mà đã được ghi nhận từ lâu. Cơ chế lây bệnh của loại vi khuẩn này là từ đất, từ nước bẩn.
Bệnh có biểu hiện như sốt, co giật, sốt kéo dài, viêm phổi kéo dài, sốt... Bệnh do vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể qua da trầy xước là chính, vi khuẩn từ vết xước đi vào máu gây nhiễm trùng máu hay áp xe hoại tử nhiều cơ quan trong đó có da và vùng da bị bệnh gây loét hoại tử nên bị gọi là "ăn thịt người".
Cái chính ở đây là bác sĩ, nhân viên y tế phải biết căn bệnh này để phát hiện sớm, chẩn đoán đúng, nếu chẩn đoán nhầm thì khó khỏi", bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết.
Bệnh nhân nữ mắc whitmore khá hy hữu. Ảnh: NĐT
Cũng theo bác sĩ Khanh, biện pháp phòng ngừa là người dân khi tiếp xúc với đất hay nước không sạch phải có găng hay ủng bảo vệ, rửa sạch tay chân ngay khi tiếp xúc với nước hay đất không sạch.
Về việc điều trị, việc quan trọng là bác sĩ điều trị phải nghĩ đến bệnh này để làm xét nghiệm xác định và điều trị đúng kháng sinh, chứ dùng các loại kháng sinh khác dù mắc hơn nhưng vẫn sẽ không hết. Bệnh có nguy cơ tái phát nên cần điều trị lâu dài.
"Nói chung, mọi người không nên quá lo lắng", bác sĩ Khanh nói.
Cùng ngày, PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cũng thông tin, Whitmore là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên.
Bệnh được phát hiện ở Việt Nam từ những năm 50 của thế kỷ trước và lưu hành lẻ tẻ tại một số tỉnh phía Nam và bệnh này được xếp vào bệnh truyền nhiễm nguy hiểm bị "lãng quên".
Nếu như trước đây, 5-10 năm mới có 20 ca mắc Whitmore, thì từ đầu năm 2019 đến nay, tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai đã ghi nhận tới 20 ca mắc căn bệnh nguy hiểm này, trong đó riêng tháng 8 ghi nhận 12 ca Whitmore nặng được chuyển đến chủ yếu từ các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung bộ.
Do bệnh cảnh lâm sàng đa dạng nên bệnh nhân thường bị chẩn đoán nhầm với các bệnh khác như viêm phổi, lao phổi, áp xe cơ, nhiễm trùng huyết do các vi khuẩn khác như tụ cầu, liên cầu...
Thùy Dung ( Tổng hợp)
Theo baodatviet
Bác sỹ nói gì về vi khuẩn "ăn thịt người" ở Hà Tĩnh Các bác sỹ Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh nhận định: Bệnh whitmore có thể gây tử vong nhanh nếu không được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời. Tỷ lệ tử vong chung của các bệnh nhân nhiễm bệnh whitmore từ khoảng 40-60%. Bệnh nhân Đ.X.H. được điều chuyển lên tuyến trên để tiếp tục điều trị. Bác sỹ Võ Hoài...