Bánh đúc nộm, món “ăn chơi” ở Hà thành
Từng miếng bánh đúc mềm mịn hòa quyện trong nước canh vừng lạc thơm ngậy tạo nên món quà ăn chơi mang hương vị mộc mạc, chân chất như chính đồng quê Bắc Bộ.
Vào những ngày rằm hay mùng một hàng tháng, hình ảnh các bà các mẹ đi lễ về trên tay cầm theo túi bánh đúc lạc với tương hay bánh đúc nộm đã trở nên khá quen thuộc trong nhiều gia đình. Bánh đúc vốn là món ăn bình dị, mộc mạc của vùng nông thôn nhưng lại dần len lỏi vào những bữa quà chiều ở chốn thành thị lúc nào không hay. Món ăn dân dã mang đậm hồn quê Việt có sức hấp dẫn đặc biệt.
Có thể tìm thấy khá nhiều gánh bánh đúc nộm trên các con phố của thủ đô nhưng ngon và nổi tiếng nhất phải kể đến quán bánh đúc ở 47 Châu Long hoặc gánh hàng rong của cô Lê, buổi sáng ngồi trước cửa nhà số 66 Hàng Bạc, còn buổi chiều cô chuyển ra ngồi ở trước ngôi nhà cổ số 14 Đào Duy Từ.
Từng miếng bánh đúc bóng mịn được cô bán hàng nhanh tay thoăn thoắt cắt thành sợi mỏng, dài cho vào bát lớn rồi chan thêm nước canh vừng lạc lẫn giá chần vào. Mọi thao tác của cô bán hàng đều rất nhanh và thuần thục, chỉ một loáng thôi thực khách đã thấy ngay bát bánh đúc nộm thơm ngon trước mắt. Ăn kèm với bánh đúc nộm không thể thiếu các loại rau thơm như rau ngổ, kinh giới, tía tô, hoa chuối hay thân chuối non thái mỏng… Nếu ăn được cay, thực khách có thể cho thêm một chút ớt bột hoặc vài lát ớt tươi để cảm nhận trọn vẹn màu sắc và hương vị của món ăn chân chất, bình dị mà lại đầy tinh tế này.
Video đang HOT
Khi ăn, thực khách sẽ cảm nhận thấy từng miếng bánh đúc mềm mịn hòa quyện với vị thơm ngậy, bùi bùi của nước canh vừng lạc, ngọt mát của giá chần và phảng phất mùi ngan ngát của các loại rau sống, tạo thành một hương vị nhẹ nhàng mà cuốn hút cứ lan tỏa trong miệng, làm say lòng những con người của mảnh đất Hà thành.
Để có bánh đúc ngon, khi nấu phải lấy đũa cả quấy liên tục thật đều tay sao cho bột không vón, không sát nồi. Lửa nấu bánh phải nhỏ và đều thì bánh mới chín và không bị khê. Bánh đúc đạt “chuẩn” là khi nguội phải có độ mặn, bóng mịn, không nồng vôi và khi cắt không bị dính tay.
Nhưng “hồn cốt” của món bánh đúc nộm lại nằm ở chính thứ nước canh màu trắng sữa béo ngậy từ vừng lạc. Người bán hàng phải rất cẩn thận trong khâu chọn nguyên liệu, vừng lạc phải hoàn toàn tươi mới nếu không chỉ cần có một hạt hỏng thôi thì cả nồi nước canh sẽ bị ám mùi rất khó chịu. Sau đó, vừng lạc được đem xay nhỏ và đun cùng với nước giá chần tạo thành thứ nước canh dậy mùi thơm, ngậy ngậy, béo béo nhưng không bị ngấy mà vẫn đảm bảo được vị thanh mát đầy hấp dẫn.
Với những nguyên liệu đơn giản, bình dị như gạo, rau, vừng, lạc cùng hương vị nhẹ nhàng, tinh tế, bánh đúc nộm là món chay, món quà ăn chơi mộc mạc chinh phục vị giác cả những người sành ăn nhất. Một bát bánh đúc nộm có giá 20.000 đồng.
Bánh đúc nộm - thức quà thanh mát
Bánh đúc vốn là thức quà bình dị từ xưa với miếng bánh dẻo mềm chấm với tương. Thế rồi dần dần, bánh đúc được biến tấu thành khá nhiều món đặc sắc, ngon miệng, mùa nào hợp thức đấy.
Vào những ngày se lạnh, các tín đồ ăn vặt thường cùng nhau thưởng thức món bánh đúc nóng. Trong tiết trời oi ả của mùa hạ, bánh đúc nộm, thức quà thanh mát trở thành món khiến nhiều người thương nhớ.
Trong tiết trời oi ả của mùa hạ, bánh đúc nộm, thức quà thanh mát trở thành món khiến nhiều người thương nhớ (nguồn: Internet)
Trong tiết trời oi ả của mùa hạ, bánh đúc nộm, thức quà thanh mát trở thành món khiến nhiều người thương nhớ (nguồn: Internet)
Bánh đúc nộm quả thực là thức quà độc đáo của đất Hà thành. Vẫn là bánh đúc nguội dẻo thơm nhưng được xắt mỏng, xếp vào chiếc bát loa nhơ nhỡ cùng giá đỗ được chần qua nước sôi. Nước dùng sanh sánh như sữa được chan xâm xấp bát. Rau sống ăn kèm với món này thường là kinh giới, tía tô và thân chuối non thái rối mỏng tang, trắng nõn.
Điều làm nên sự đặc biệt của món bánh đúc nộm chính là thứ nước dùng thanh mát, thơm bùi, béo ngậy. Tuy nước dùng chỉ được làm từ vừng, lạc nhưng người bán hàng cầu kỳ, tỉ mỉ từ khi lựa chọn nguyên liệu đến khâu chế biến. Những hạt vừng, lạc được rang, xay nhuyễn rồi nấu với nước chần giá cùng lạc chưa giã. Có một điều khá thú vị, nước dùng để chan các món canh bún thường phải nóng, nhưng nước dùng chan vào bánh đúc nộm phải để thật nguội mới ngon.
Bánh đúc nộm tuy chỉ được làm từ các món chay với gạo, rau và lạc mà mang hương vị đặc sắc "hút hồn" các tín đồ ẩm thực. Khách vừa ghé quán, người bán thoăn thoắt xắt bánh bằng con dao cau nhỏ, xếp giá trần, rau sống, chan nước dùng vào bát. Chỉ một loáng, ta đã được đón bát bánh đúc nộm thật đẹp mắt từ tay chủ hàng. Này nhé, bánh đúc dẻo mềm và giá trần đằm mình trong nước dùng sanh sánh màu trắng sữa. Rau ăn kèm loáng thoáng bên trên với kinh giới xanh non, tía tô tim tím, thân chuối mỏng tang trắng nõn. Điểm bên trên là vài lát ớt đỏ tươi.
Giữa tiết trời oi ả, nâng bát bánh đúc nộm trên tay, ta bỗng cảm nhận rõ hương thanh mát, ngầy ngậy của vừng lạc. Nhẹ nhàng dùng đũa trộn đều bát nộm, ta từ từ nếm miếng đầu tiên. Chao ơi, miếng bánh đúc dẻo thơm cùng với béo ngậy của vừng lạc, giòn mát của giá trần, rau sống quyện với nước dùng đủ độ ngọt nhẹ, tuy đậm vừa miệng mà vị rất thanh. Một số người thêm một chút ớt tươi để kích thích vị giác. Đúng thật là, ngon đến tận miếng cuối cùng.
Đôi khi, món bánh đúc nộm là nhịp cầu nối tình thân giữa người bán và khách hàng. Người bán nhớ rõ thói quen, khẩu vị của từng vị khách quen. Một dạo, tôi làm việc tại tòa nhà tọa lạc trên đường Yên Phụ, cứ quãng xế chiều, tôi và đồng nghiệp thường rủ nhau ra quán quen ở góc phố Hòe Nhai. Chị bán hàng thường nhớ chan thêm nước dùng vào bát của tôi, thêm chút rau thơm cho bát của cô bạn đồng nghiệp. Những người sành ăn của đất Hà thành thường có một vài địa chỉ "ruột" cho món bánh đúc nộm. Chúng ta cũng có thể ghé qua một số quán ở phố Hàng Bạc, phố Hàng Bè, chợ Châu Long, ngõ Gốc Đề, phố Bạch Mai, chợ Bưởi... Mỗi hàng có "bí quyết" gia giảm khác nhau để níu chân thực khách.
Bánh đúc nộm lạ lắm. Miếng bánh không chắc nẩy như bánh đúc chấm tương, cũng không mềm nhão như bánh đúc nóng mà dẻo mịn dịu dàng. Lại nữa, ta chỉ nên thêm chút ớt cay the đầu lưỡi chứ không nên cho chanh hay dấm bởi vị chua sẽ làm mất đi vị béo ngọt của nước dùng bánh đúc nộm. Bởi vậy, bạn đừng ngạc nhiên khi không tìm thấy chanh, hàng bánh đúc nộm. Ta chẳng thể ăn lấy no với thức quà này nhưng lại rất hợp với cái bụng hơi ngót vào quãng xế chiều khi bữa trưa qua đã lâu mà bữa chiều chưa tới. Đặc biệt, các hàng bánh đúc nộm chỉ bán đến tầm chiều muộn là hết. Chúng ta khó có thể tìm thấy món này vào buổi tối như các thức quà khác.
Tuy chỉ là món ăn bình dị nhưng bánh đúc nộm khiến những ai đã từng thưởng thức sẽ mãi nhớ. Một hôm nào đó, trong tiết trời oi ả của mùa hạ hay trong cái nắng hanh hao của mùa thu Hà Nội, bạn hãy thử tìm cho mình một hàng bánh đúc nộm để thưởng thức. Bánh đúc nộm, món ăn được làm từ rau củ mà thật tròn vị và mang đến cho ta cảm giác thanh mát biết bao.
Bánh đúc nộm Món ăn chơi mộc mạc của Hà Thành Bánh đúc nộm với từng miếng bánh đúc mềm mịn hòa quyện trong nước canh vừng lạc thơm ngậy tạo nên món quà ăn chơi mang hương vị mộc mạc, chân chất như chính đồng quê Bắc Bộ. Bánh đúc nộm - Món ăn chơi mộc mạc của Hà Thành Bánh đúc nộm - Món ăn chơi mộc mạc của Hà Thành: Vào...