Bún rạm – Tinh hoa ẩm thực của đất võ Bình Định
Nếu coi phở là tinh hoa ẩm thực Hà Thành thì bún rạm chính là dấu ấn đặc trưng của người dân xứ Nẫu. Ngoài bánh hỏi thịt heo, nem Chợ Huyện, rượu Bàu Đá, bún chả cá Quy Nhơn… danh sách đặc sản xứ Nẫu còn được nối dài bởi món ăn vô cùng dân dã mà đậm đà tình quê, ấy là bún rạm Phù Mỹ.
Với nhiều du khách, tên gọi “bún rạm” nghe chừng lạ tai, nhưng đây lại là món ăn quen thuộc, thấm đẫm hương vị đồng quê của miền đất thượng võ.
Thoạt nhìn, nhiều người dễ lầm tưởng với món bún riêu, nhưng hương vị bún rạm hoàn toàn khác biệt. Người nấu bún rạm thường không thêm quá nhiều phụ gia hay đồ ăn kèm để giữ nguyên vị ngọt thanh và mùi thơm đặc trưng của thịt rạm.
Thoạt nhìn, nhiều người dễ lầm tưởng bún rạm với bún riêu (Ảnh: Bún tôm rạm Mỹ Hạnh)
Nếu bún riêu thêm thịt heo, đậu hũ, mắm ruốc, chả giò thì bún rạm chỉ có thịt rạm, nước lèo, ăn kèm rau sống và bánh tráng nướng giòn.
Nguyên liệu tuy không quá cầu kỳ nhưng điểm nhấn tạo nên hương vị đặc trưng cho bún rạm chính là sự tỉ mỉ trong cách chế biến. Một tô bún rạm ngon không chỉ phụ thuộc việc lựa chọn nguyên liệu “chuẩn” mà yếu tố quyết định chính là đôi bàn tay khéo léo cùng bí quyết gia truyền của người đầu bếp lâu năm.
Nếu coi phở là tinh hoa ẩm thực Hà Thành thì bún rạm chính là dấu ấn đặc sắc của xứ Nẫu. Bún rạm thân thuộc với người Phù Mỹ hệt như mì Quảng gắn liền với người Quảng Nam vậy.
Bún rạm – dấu ấn đặc sắc của ẩm thực xứ Nẫu (Ảnh: Bún tôm rạm Đầm Trúc)
1. Bún
Đa phần các quán bún rạm ở Phù Mỹ đều trực tiếp làm bún ngay tại chỗ. Quá trình này tương đối công phu và tỉ mỉ. Gạo làm bún phải chọn loại gạo ngon, được ngâm trong nước một ngày một đêm trước khi xay để cọng bún luôn đạt độ tươi ngon, dẻo dai nhất. Sau khi ngậm no nước, gạo được xay nhuyễn thành bột, gút qua túi vải, luộc sơ rồi để sẵn.
Video đang HOT
Bún rạm có thịt rạm, nước lèo, rau sống và bánh tráng (Ảnh: ivivu)
Khi có khách đến ăn, chủ quán lấy một khối bột gạo bỏ vào máy ép, bên dưới là nồi nước đang sôi sùng sục. Từng cọng bún từ từ chảy qua khuôn ép vào nồi nước, áng chừng độ dài cọng bún vừa đủ thì lấy đũa gạt ngang khuôn. Bún luộc tầm 2-3 phút, vớt ra nhúng ngay vào thau nước lạnh để sợi bún không bị dính lại với nhau rồi cho ra nia (hoặc rổ thưa) để ráo nước.
Ăn đến đâu mới làm bún đến đấy nên cọng bún lúc nào cũng tươi ngon, nóng hổi, thơm mềm, dẻo dai, nhất là không hề có mùi hay vị chua thường thấy của bún để qua đêm. Vừa chờ lên món, vừa xem quy trình làm bún cũng là một trải nghiệm khá thú vị với thực khách mỗi dịp ghé thăm nơi đây.
Các quán bún rạm ở Phù Mỹ đều trực tiếp làm bún ngay tại chỗ (Ảnh: Việt An)
2. Rạm
Nguyên liệu chính của món ăn này là những con rạm tươi ngon, thân tròn, càng to, nhiều gạch, chắc thịt, được bắt lên từ đầm Châu Trúc (hay còn gọi là đầm Trà Ổ). Đây là đầm nước lợ tự nhiên, tiếp giáp với ba xã Mỹ Châu, Mỹ Thắng và Mỹ Lợi.
Nước rạm sền sệt, nổi váng gạch và mỡ óng ánh vàng (Ảnh: Thiên An)
Xưa kia, Châu Trúc từng là vịnh nước mặn nhưng theo thời gian, dòng chảy bị bồi lấp nên đầm chỉ còn một lạch nước nhỏ ăn thông với biển. Ngày nay, nước trong đầm Trà Ổ chủ yếu từ các con suối và mạch ngầm dưới lòng đất nên không ngọt hẳn như sông mà phảng phất vị mặn mòi của biển cả, tạo ra hương vị thơm ngon đặc trưng của các loài thủy sản, đậm đà khó quên.
Rạm thuộc họ cua, vỏ mềm, thân mỏng, mai gồ ghề, bụng vàng, càng to, có lông, môi trường sống chủ yếu ở đồng ruộng hoặc đầm lầy nước mặn. Thịt rạm ngọt, béo ngậy, vỏ rạm chứa nhiều canxi, đặc biệt mềm nên khi ăn có thể nhai cả vỏ.
Rạm thuộc họ cua, thịt ngọt, béo ngậy (Ảnh: Thiên An)
Rạm lúc bắt lên vẫn còn bò lổm ngổm, đem về rửa nhiều nước cho sạch hết bùn đất rồi bóc mai, tách riêng trứng và gạch, xay nhuyễn, lọc lấy nước cốt (người cầu kỳ, kỹ tính thích giã rạm bằng chày gỗ trong cối đá theo kiểu truyền thống).
Sau đó phi thơm hành, nêm gia vị, nấu trên lửa liu riu đến khi nước sôi thì bắc ra. Nước rạm sền sệt, nổi váng gạch và mỡ óng ánh vàng, sánh đặc cả nồi nước, dậy mùi thơm lừng của rạm và gạch. Nước lèo có độ thanh ngọt đặc trưng, chỉ cần thêm nhúm hành lá, mùi tàu (ngò gai) là tròn vị.
Bún rạm không thể thiếu lá ngành ngạnh, xoài xanh (Ảnh: Bún tôm rạm Mỹ Hạnh)
3. Thưởng thức
Bún rạm – “tinh hoa ẩm thực của đất võ Bình Định” – thường được thưởng thức theo kiểu truyền thống là ăn với rau sống, lạc (đậu phộng) rang nguyên hạt. Không thể thiếu lá ngành ngạnh, xoài xanh nhưng nhất định phải có muối hột, ớt bay thì mới đúng vị bún rạm.
Khi ăn, nước lèo để riêng, bún để riêng. Thực khách sẽ từ từ chế nước rạm vào tô bún, từng chút, từng chút một, ăn đến đâu chế nước dùng tới đó.
Khi ăn, thực khách sẽ từ từ chế nước rạm vào tô bún (Ảnh: thoidaiplus)
Ngoài ra, bún rạm có thể ăn kèm bánh đa (bánh tráng nướng) giòn tan. Tùy theo sở thích, khẩu vị mà người ăn có thể bẻ nhỏ bánh tráng, trộn đều với bún hoặc chấm bánh tráng cùng với nước rạm béo ngậy.
Bằng đôi tay khéo léo và sự sáng tạo không ngừng, người đầu bếp nơi đây còn biến tấu bún rạm thành nhiều món bún nước hấp dẫn, ăn kèm với các loại hải sản tươi ngon như cá biển, tôm hay sứa.
Bún rạm được biến tấu thành nhiều món bún nước hấp dẫn (Ảnh: rylpham)
Tô bún rạm như một bức tranh tổng hòa màu sắc nhưng cũng rất đỗi bình dị, thân thương, gắn bó với người dân xứ Nẫu. Từng cọng bún trắng ẩn dưới màu nâu gạch rạm, hành ngò xanh mướt phủ lên trên cùng ớt tươi và lạc rang ửng vàng, trông cực kỳ hài hòa và bắt mắt. Vị ngọt tự nhiên của rạm quyện vào từng sợi bún tạo nên hương vị ngon khó cưỡng, khiến bất cứ ai chỉ một lần thưởng thức bún rạm đều mê mệt.
Bản đồ ẩm thực: Thương hoài món bún dây vùng đất võ
Chẳng biết có duyên gì hay không mà đất Hoài Nhơn lại sở hữu nhiều đặc sản ẩm thực nổi tiếng của Bình Định, từ bánh tráng dừa, bánh hồng, bánh trụng đến bánh dây.
Bánh dây còn được gọi là bún dây, bởi do hình dáng giống sợi bún thông thường. Thế nhưng, cách chế biến và thưởng thức của bún dây có đôi chút khác biệt.
Cũng dùng nguyên liệu chính là gạo nhưng cách làm bún dây khá kỳ công, trải qua các khâu ngâm, xay, khuấy, vắt bột, ép khuôn và hấp. Đầu tiên, để sợi bún dai ngon tự nhiên thì phải chọn loại gạo cứng hạt và cũ, càng cũ càng tốt nhưng không ẩm mốc.
Thêm vào đó, bún dây đặc biệt ở chỗ cần phải có nước tro. Gạo vo sạch rồi ngâm với nước tro, đây chính là bí quyết tạo nên màu vàng đặc trưng cho sợi bún. Về xứ dừa nên tro sẽ lấy từ củi dừa. Tro không được lẫn tạp chất, nước tro càng sạch thì bún càng lên màu đẹp tự nhiên, dai và ngon hơn. Tỷ lệ pha nước tro như thế nào là tùy vào bí quyết riêng của mỗi nhà. Sau khi ngâm khoảng 6-8 giờ, gạo mềm thì đem xay thành bột.
Trước đây người ta thường xay thủ công bằng cối đá để bún được ngon, nhưng bây giờ hầu hết các lò đều dùng máy để tiết kiệm thời gian và công sức. Sau đó đặt thau bột lên bếp, dùng đũa cả lớn khuấy đều tay để bột mịn và chín đều. Khuấy đến khi rặt nước, bột chín, dần trở nên nặng tay, bột chuyển sang màu vàng mỡ gà óng ánh là đạt. Công đoạn này khá vất vả, đòi hỏi người làm phải có sức vì phải đảo thường xuyên. Vừa làm vừa canh lửa liu riu sao cho bột không bị cháy. Khâu này cũng là điểm khác biệt, thêm bước nấu chín bột so với cách làm bún thông thường.
Bột chín được đem đi nhồi kỹ thành từng cây cho vừa với khuôn ép, thường là to cỡ bắp tay. Cho vào khuôn, ép bột chảy xuống thành các sợi nhỏ. Nhà nào kỹ thì sẽ ép bột đến hai lần để ra thành phẩm ngon và có thể bảo quản lâu hơn.
Nghĩa là sau khi ép lần đầu, tiếp tục nhào bún thành bột rồi mới ép lần hai. Lần này, bên dưới khuôn, lấy cái vỉ tre nhỏ hứng lấy sợi bún thành vòng tròn quanh vỉ rồi chồng các vỉ lên nhau, xếp vào nồi hấp cách thủy. Các vỉ tre này được đan thưa để hơi nóng có thể len vào giữa các vỉ, làm chín bún. Hấp khoảng 10 phút cho các sợi bún bóng mượt, vàng mịn màng là xong. Cũng tùy theo mức độ khuấy bột lúc đầu đã chín nhiều hay ít mà điều chỉnh thời gian hấp cho phù hợp; chín quá bún sẽ nhão mà chưa đủ chín thì lại nát.
Bún lấy ra, để nguội ăn mới ngon. Không như nhiều loại bún khác, bún dây chỉ có thể chế biến thành bún khô. Đơn giản nhất là cho bún vào đĩa, thoa dầu hẹ (hẹ cắt nhuyễn trộn với dầu phi thơm). Nếu có hẹ sẻ thì càng ngon. Rắc thêm đậu phộng rang vàng giã nhuyễn rồi chan nước mắm tỏi ớt lên trên. Sợi bún mềm dai, dầu bóng, hẹ thơm, đậu phộng béo, ớt cay xé lưỡi, giản dị sao mà ngon đến lạ. Cầu kỳ hơn thì thêm mấy lát thịt thưng hoặc ba chỉ luộc, nem chua và chả lụa cắt sợi, phủ ít hành phi lên trên. Tất nhiên không thể thiếu rau sống để đĩa bún thêm phần hấp dẫn.
Vốn là một món ăn dân dã nên từ lâu bún dây đã trở thành hương vị gợi nhớ quê nhà cho những người con đi xa. Dù chưa phổ biến trên bản đồ ẩm thực nhưng sự mộc mạc của bún dây chắc chắn sẽ gây ấn tượng với du khách một lần đến trải nghiệm đất dừa xứ Nẫu.
Canh cá Quỳnh Côi - nguyên liệu giản dị làm nên vị ngon tinh tế chỉ có ở quê lúa Thái Bình Món "canh cá" Thái Bình không nấu theo kiểu canh chua thông thường mà có phần giống với món bánh đa cá ở nhiều nơi. Khoảng thế kỷ thứ 17, canh cá Quỳnh Côi (thuộc huyện Quỳnh Phụ) đã được xếp vào danh sách những món ngon đặc trưng của tỉnh Thái Bình. Nguyên liệu làm món này lại vô cùng giản dị....