Bánh đúc mật ăn lấy lộc đầu năm
Chắc chỉ mỗi xứ Huế này mới có Bánh đúc mật (thường gọi là bánh đúc xanh), tôi gọi nó là “ món ngon chào năm mới” bởi người ta chỉ làm bán dịp cuối năm cũ, đầu năm mới và nhà nào cũng cố mua cho bằng được để ăn khi tiết trời vào Xuân.
Khi nghe tên Bánh đúc mật, mọi người cũng có thể hình dung nguyên liệu chính cho món ăn này là từ bột và có vị ngọt. Đơn giản vậy nhưng bánh lại rất đặc biệt vì chỉ bán vào mùa Xuân mà thôi. Lý giải cho điều này, người Huế cho hay, để tạo nên màu xanh lá cây cho bánh, họ dùng lá non của cây bồng bồng (bồn bồn) – một loại cây chỉ ra nhiều lá non vào dịp mùa xuân, vì vậy, từ xưa đến nay, người Huế chỉ làm món bánh đúc mật vào độ Tết đến xuân về, khác với các loại bánh khác có thể làm quanh năm.
Bánh đúc mật có màu xanh đặc trưng
Video đang HOT
Để làm ra được mẻ bánh đúc mật phải trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ. Gạo phải chà với nước cho thật sạch để khi đổ bánh không bị chua. Tiếp đó, ngâm gạo với nước tro để bánh được giòn ngon một cách tự nhiên. Sau đó, đem gạo xay lẫn với nước cho ra bột nước. Bột được xay đi xay lại cho đến khi thật nhuyễn mịn và lược qua rây cho sạch tạp chất.
Đến công đoạn tạo màu cho bánh, tiếp tục rửa sạch và xay lấy nước cốt lá cây bồng bồng, đem trộn với bột gạo rồi đem lên bếp dáo bột. Khi bột đạt đến độ đặc sệt, đổ bột ra trên cái khay có lót lá chuối rồi dùng đôi đũa nấu bếp loại lớn gạt cho mặt bột phẳng lì. Cuối cùng đem vào hấp đến lúc chín thì mang ra để nguội.
Mật mía dùng để chấm bánh cũng được nấu chín, sau đó vắt chanh vào để tạo độ ngọt thanh, rất đặc biệt.
Bánh màu xanh được cắt từng miếng vừa ăn rất khéo, được gói lại trong miếng lá chuối tươi và kèm thêm hộp mật vàng bên cạnh, trông vừa quê cảnh, giản dị mà thanh sạch đến vô cùng. Để thưởng thức đúng điệu món ăn này, khi chấm mật người ta không dùng thìa hoặc đũa như khi ăn một số loại bánh khác mà dùng dao tre để quết mật lên bánh để ăn, rất kiểu cách Cố đô. Đây cũng là một trong những thức quà của tuổi thơ biết bao thế hệ người dân xứ Huế. Có thể ví, nếu như người dân Hà Nội tự hào với Cốm, thì Bánh đúc mật đầu xuân cũng là một nét ẩm thực không trộn lẫn của vùng đất kinh kỳ xứ Huế.
Người Huế quan niệm rằng ăn bánh đúc mật vào dịp Xuân về Tết đến cho tươi xanh, ngọt ngào và “ăn lấy lộc”. Các bà các mẹ những ngày này đi chợ sắm tết, dù tất bật, lỉnh kỉnh đến đâu cũng cố mua cho được gói bánh đúc mật về chia cho cả nhà cùng ăn vì lẽ đó. Bánh được bán theo từng gói, mỗi gói độ chừng 8-10 miếng được cắt ra vừa ăn, có giá 20-30.000 đồng nhưng rất đắt khách. Hiện nay, bánh có bán ở một số chợ như An Cựu, Bến Ngự và có thêm 1 địa chỉ cố định là 214 Phan Châu Trinh, Tp. Huế.
Lần dở từng lớp lá chuối tươi rồi nhẩn nha quẹt một miếng mật quết lên bánh đúc mà ăn, có vị ngọt thanh, nhẹ nhàng rất riêng, rất lạ. Chợt nhớ câu ca xưa ” Thèm ăn một miếng đúc mật/Thương người chật vật giữ nét Huế xưa… ”
Món Bánh trong ẩm thực miền Tây
Những loại bánh của miền Tây có cái tên giản đơn nhưng ngon miệng đến lạ kỳ. Bánh còng, bánh cam, bánh tằm, bánh đúc, bánh lọt, bánh ú, bánh bèo...
Không thể kể hết được có bao nhiêu loại bánh xuất phát từ những loại bột, loại củ đậm đà chất quê. Nhưng hầu hết những loại bánh trên đều gắn bó với một thời tuổi thơ trong trẻo, với những kỷ niệm không thể nào quên của những ai được sinh ra và lớn lên ở quê hương miền Tây.
Miền Tây trù phú luôn đem lại cảm giác thanh bình cho những người khách phương xa một lần lạc chân đến đây. Ngồi nghe câu ca dao, được uống chén trà thơm cô đặc mỗi buổi sáng, được ăn miếng bánh " nhà quê " thơm ngon, ắt hẳn khi về lại nơi phố vẫn sẽ còn lưu lại những dư âm khó thể nào quên.
Ngày nhỏ, mỗi sáng đi học, thể nào cũng có một gói bánh tằm, bánh bò hay chí ít cũng là cái bánh cam nóng hổi vàng rực mẹ gói để vào một ngăn cặp nhỏ. Những lúc đứng trước mái hiên nhà ngóng những buổi chợ trưa, trong đôi quang gánh mẹ về có đôi bánh còng thơm lựng. Những lúc được ngoại cho xâu bánh ú chạy ù đến chia cho lũ bạn, hay một gói bánh chuối nước cốt dừa béo ngậy, mằn mặn muối mè...
Đa số nguyên liệu để làm bánh đều dễ tìm ở miền Tây. Ví như bánh tằm được làm từ củ khoai mì giã nhuyễn, bánh tét được làm từ nếp, đậu xanh, thịt heo, dừa. Bánh còng được làm từ bột gạo, bột nếp... Hiển nhiên, cách làm cũng dễ. Và giá cả thì cũng rất rẻ, đủ để nếm thử từng loại một đến no căng bụng.
Bánh có mặt ở khắp nơi, nhiều nhất là những phiên chợ quê .Những mâm bánh đầy căng bắt mắt luôn hấp dẫn những đứa con nít vòi áo mẹ xin vài đồng lẻ để mua cho được miếng bánh chuối nướng mềm dẻo hay cái bánh tiêu vàng ruộm đầy mè.
Những lúc nhà có giỗ, tiệc tùng. Các mẹ, các chị cũng hay làm những loại bánh để đãi khách. Bánh tét, bánh ít, bánh xèo, mỗi loại đều có một vị ngon riêng, và bên trong đó là cả một "cái tình" hiền lành , mộc mạc. Sau khi ăn uống no say, mỗi người khách đến đều được một phần bánh mang về ăn " lấy thảo" - theo cách nói thân thiết và dễ mến của người miền Tây.
Các loại bánh đã trở thành một đặc sản không thể thiếu trong nét ẩm thực phong phú của người miền Tây. Ở thành phố bây giờ cũng có bán nhiều loại bánh của "nhà quê". Cũng là bánh cam, bánh còng, bánh đúc... nhưng vẫn không sao thấy ngon bằng loại bánh ở quê hương.
Có lẽ tôi quen với mùi hương lá chuối, quen với mùi phù sa, mùi lúa, mùi bùn thân thuộc của quê hương... Thấp thoáng trong tôi là những ngày tuổi nhỏ, với dòng sông quê mát rượi, với những chạng cây đầy bóng râm, và cả xâu bánh ú năm xưa của ngoại.
Bánh ướt thịt nướng Kim Long xứ Huế - món ngon khó quên Trên đường đi thăm chùa Linh Mụ, du khách không thể không ghé qua quán bánh ướt cuốn thịt nướng Huyền Anh, một điểm đến ẩm thực trứ danh thuộc vùng đất Kim Long phía bờ Bắc của sông Hương. Món bánh ướt thịt nướng trứ danh của quán bao gồm thịt nướng được ướp kỹ, rau quế và bánh ướt, cuộn lại...