5 lợi ích của ớt chuông với người bệnh đái tháo đường
Thêm các loại ớt chuông nhiều màu sắc trong chế độ ăn uống thân thiện với bệnh đái tháo đường có thể cung cấp nhiều chất dinh dưỡng và giúp kiểm soát lượng đường trong máu.
Người bị đái tháo đường cần tuân thủ các quy tắc ăn uống nghiêm ngặt để kiểm soát lượng đường trong máu. Ưu tiên nhiều trái cây và rau quả tươi là một phần quan trọng trong chế độ ăn uống lành mạnh dành cho người bệnh đái tháo đường.
Ớt chuông là một sự bổ sung rất tốt cho chế độ ăn uống của người đái tháo đường vì chúng ít carbohydrate và chứa các vitamin, khoáng chất thiết yếu giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Việc thêm ớt chuông vào chế độ ăn uống không chỉ kiểm soát lượng đường trong máu mà còn làm giảm nguy cơ mắc các biến chứng sức khỏe liên quan đến đái tháo đường.
Ớt chuông chứa sắc tố và hợp chất chống oxy hóa có lợi trong việc kiểm soát bệnh đái tháo đường.
1. 5 lợi ích sức khỏe của ớt chuông trong kiểm soát đường huyết
1.1 Làm chậm quá trình tiêu hóa carbohydrate và lipid
Anthocyanins có trong ớt chuông ức chế hoạt động của hai loại enzyme tiêu hóa chính là alpha-glucosidase và lipase. Enzyme alpha-glucosidase hỗ trợ phân hủy carbohydrate thành glucose, trong khi lipase tuyến tụy giúp phân hủy chất béo thành acid béo. Nếu quá trình tiêu hóa carbohydrate và lipid chậm lại, nồng độ đường trong máu và lipid cũng giảm, do đó làm giảm nguy cơ tăng đường huyết và giúp người bệnh đái tháo đường kiểm soát lượng đường trong máu.
Theo Tiến sĩ Anil Bhoraskar, bác sĩ chuyên khoa đái tháo đường cao cấp, Bệnh viện SL Raheja, Mumbai (Ấn Độ), ớt chuông đỏ, xanh lá cây và vàng có lợi cho những người bị đái tháo đường. Chúng giàu phytosterol – một hợp chất tự nhiên trong thực vật có thể giúp hạ thấp mức cholesterol một cách an toàn. Do đó, nó ngăn ngừa sự gia tăng đột ngột lượng đường trong máu.
1.2 Thực hiện hoạt động chống oxy hóa mạnh mẽ
Với sự gia tăng lượng đường trong máu và tăng lipid máu, bạn dễ bị stress oxy hóa hơn. Ớt chuông chứa hàm lượng cao các chất hóa học thực vật hoạt động như chất chống oxy hóa mạnh. Các hợp chất này loại bỏ các gốc tự do có hại được giải phóng do stress oxy hóa và giảm nguy cơ mắc các biến chứng sức khỏe khác nhau do bệnh đái tháo đường gây ra.
Ớt chuông là nguồn vitamin A, vitamin C dồi dào, đây là những chất chống oxy hóa hiệu quả. Nó giúp duy trì tính toàn vẹn của mạch máu, da, các cơ quan và thậm chí cả xương. Ăn ớt chuông thường xuyên giúp ngăn ngừa bệnh scorbut, cải thiện khả năng miễn dịch của cơ thể.
1.3 Chỉ số đường huyết thấp
Theo chuyên gia dinh dưỡng Avni Kaul ở Delhi, ớt chuông là một loại rau có lợi cho người mắc bệnh đái tháo đường vì có chỉ số đường huyết (GI) thấp, nghĩa là nó làm chậm quá trình tăng lượng đường trong máu sau khi tiêu thụ, điều này giúp kiểm soát lượng đường trong máu tăng đột biến, đặc biệt quan trọng đối với những người bị đái tháo đường.
Chỉ số đường huyết của ớt chuông xanh rất thấp, chỉ vào khoảng 15-20. Ớt chín hơn một chút có thể có chỉ số đường huyết cao hơn là 20-30, vẫn khá thấp và an toàn cho những người bị đái tháo đường. Lưu ý, chỉ số đường huyết của ớt chuông có thể thay đổi tùy thuộc vào màu sắc và độ chín của chúng.
Ớt chuông làm chậm sự tăng đột ngột của lượng đường trong máu ở người đái tháo đường.
1.4 Hàm lượng chất xơ cao và lượng calo thấp
Những người béo phì và có tiền sử gia đình mắc bệnh đái tháo đường có nguy cơ cao mắc bệnh đái tháo đường, việc ăn ớt chuông cùng những thực phẩm lành mạnh, áp dụng chế độ tập luyện sẽ giúp giảm cân và giúp kiểm soát lượng đường trong máu.
Video đang HOT
Theo chuyên gia dinh dưỡng Avni Kaul (Ấn Độ), chất xơ trong ớt chuông giúp no lâu. Nó cũng hỗ trợ kiểm soát cân nặng bằng cách giảm thiểu khả năng ăn vặt không liên tục, điều này rất quan trọng để kiểm soát bệnh đái tháo đường.
Ớt chuông chứa capsaicin kích thích đốt cháy chất béo và tăng tốc độ trao đổi chất, do đó kiểm soát bệnh béo phì và cải thiện sức khỏe tổng thể. Các nghiên cứu cho thấy rằng ăn ớt chuông cùng với việc tập thể dục giúp đốt cháy nhiều calo hơn so với người không ăn ớt chuông.
1.5 Cải thiện độ nhạy insulin ở người tiền đái tháo đường
Chất xơ và chất chống oxy hóa trong ớt chuông có thể giúp điều chỉnh lượng đường trong máu, cải thiện độ nhạy insulin. Ớt chuông đóng một vai trò trong kiểm soát bệnh đái tháo đường và giúp duy trì lượng đường trong máu ổn định.
Trong một nghiên cứu được thực hiện trên động vật, chiết xuất từ ớt chuông có hiệu quả trong điều trị bệnh đái tháo đường. Nghiên cứu chỉ ra rằng ớt chuông vàng tốt hơn ớt chuông xanh trong việc kiểm soát lượng đường trong máu ở bệnh nhân đái tháo đường và cũng làm giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường.
2. Người bệnh đái tháo đường nên ăn ớt chuông thế nào có lợi nhất?
Ớt chuông có thể được đưa vào hầu hết các chế độ ăn uống thân thiện với bệnh đái tháo đường. Ớt chuông sống tốt hơn ớt chuông nấu chín đối với người đái tháo đường. Tránh nấu ớt quá chín để giữ nguyên chất dinh dưỡng và hương vị của chúng.
Có thể thêm ớt chuông theo nhiều cách khác nhau, chẳng hạn như thêm vào trứng ốp la, salad, món xào và súp. Thêm ớt chuông cùng với các loại rau khác khi chế biến salad, rắc một ít bột quế và ăn như một món ăn nhẹ.
Ớt chuông có thể chế biến theo nhiều công thức khác nhau.
Chuyên gia dinh dưỡng Ranjani Raman ở Bangalore giải thích rằng mặc dù tất cả các loại ớt chuông đều có hàm lượng chất dinh dưỡng tương tự nhau nhưng ớt chuông đỏ chứa nhiều chất chống oxy hóa, sắt, kali và đường hơn một chút. Ớt chuông đỏ có hàm lượng vitamin cao nhất, bao gồm vitamin C và vitamin A, cũng như chất chống oxy hóa như beta-carotene. Chúng cũng có xu hướng có vị ngọt hơn một chút so với ớt chuông xanh hoặc vàng.
Nghiên cứu được công bố trên tờ Natural Products Research chỉ ra rằng ớt chuông vàng kiểm soát hàm lượng đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường và cũng giảm nguy cơ đái tháo đường tốt hơn ớt chuông xanh.
Tuy nhiên, người ta có thể sử dụng cả ba loại thay thế cho nhau để có lợi ích tối đa hoặc trộn chúng trong khi chuẩn bị bữa ăn.
Ớt chuông thường an toàn cho người bị đái tháo đường khi tiêu thụ ở mức độ vừa phải. Tuy nhiên, một số người có thể bị khó chịu ở đường tiêu hóa hoặc ợ nóng khi tiêu thụ nhiều ớt. Theo Tiến sĩ Bhoraskar, một số người sử dụng quá nhiều hạt tiêu khi nấu ớt chuông có thể làm tăng huyết áp, đặc biệt là ở những người bị tăng huyết áp. Ông cũng cảnh báo rằng ớt chuông chế biến với ớt và hạt tiêu đen có thể gây viêm dạ dày ở những người mắc đái tháo đường.
8 cách ngăn chặn lượng đường trong máu tăng đột biến
Lượng đường trong máu tăng đột biến có thể khiến mạch máu cứng lại và thu hẹp, dẫn đến đau tim hoặc đột quỵ.
Tìm hiểu các cách giúp giữ lượng đường trong máu ổn định để tránh nguy cơ.
Lượng đường trong máu tăng đột biến xảy ra sau khi ăn, lượng đường trong máu tăng lên và sau đó giảm mạnh. Theo thời gian, cơ thể không thể hạ lượng đường trong máu một cách hiệu quả, làm tăng nguy cơ dẫn đến bệnh đái tháo đường type 2.
Bệnh đái tháo đường là một vấn đề sức khỏe đang gia tăng. Hiện Việt Nam có khoảng 7 triệu người mắc đái tháo đường. Đáng chú ý, trong đó, hơn 55% bệnh nhân đã có biến chứng, trong đó 34% là biến chứng về tim mạch; 39,5% có biến chứng về mắt và biến chứng về thần kinh; 24% biến chứng về thận.
Lượng đường trong máu tăng đột biến cũng có thể khiến mạch máu cứng lại và thu hẹp, dẫn đến đau tim hoặc đột quỵ.
Theo BSCKII Nguyễn Tiến Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai, bệnh đái tháo đường là tình trạng mạn tính nên người bệnh không thể hoàn toàn đẩy lùi hoặc chữa trị bằng cách đơn giản. Tuy nhiên có một số biện pháp quản lý bệnh, kiểm soát tình trạng bệnh. Người bệnh cần tuân thủ chế độ ăn uống như hạn chế đường tinh bột, thực phẩm đường huyết cao; ưu tiên thực phẩm giàu chất xơ như rau quả tươi và tập thể dục đều đặn 30 phút/ngày...
1. Ăn ít carb ngăn chặn lượng đường trong máu tăng đột biến
Chế độ ăn ít carb có thể giúp giảm lượng đường trong máu.
Carbohydrate (carbs) là nguyên nhân khiến lượng đường trong máu tăng lên. Khi ăn carbs, chúng sẽ được phân hủy thành các loại đường đơn giản. Những loại đường này sau đó sẽ đi vào máu. Khi lượng đường trong máu tăng lên, tuyến tụy sẽ tiết ra một loại hormone gọi là insulin, thúc đẩy các tế bào hấp thụ đường từ máu khiến lượng đường trong máu giảm xuống.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng áp dụng chế độ ăn ít carb có thể giúp giảm lượng đường trong máu. Chế độ ăn kiêng low-carb còn có thêm lợi ích là hỗ trợ giảm cân, điều này cũng có thể làm giảm lượng đường trong máu.
Các thực phẩm ít carbs là thịt gà, cá hồi, cá tuyết, trứng, các loại rau củ quả như rau bina, bông cải xanh, súp lơ trắng, cà rốt, táo, cam, lê, việt quất, dâu tây, hạnh nhân, óc chó, hạt hướng dương, dầu dừa, dầu ô liu...
2. Ăn ít carbs tinh chế hơn
Carbs tinh chế, hay còn gọi là carbs đã qua chế biến là đường hoặc ngũ cốc tinh chế. Một số nguồn carbs tinh chế phổ biến bao gồm: đường ăn, bánh mì trắng, gạo trắng, nước ngọt, kẹo, ngũ cốc ăn sáng... Carbs tinh chế đã bị loại bỏ hầu hết các chất dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất và chất xơ.
Carbs tinh chế được cho là có chỉ số đường huyết (GI) cao vì chúng được cơ thể tiêu hóa rất dễ dàng và nhanh chóng. Điều này dẫn đến lượng đường trong máu tăng đột biến.
GI của carbs khác nhau. Một số yếu tố ảnh hưởng đến nó, bao gồm độ chín, những gì ăn và cách nấu hoặc chế biến carbs. Thực phẩm ngũ cốc nguyên hạt có GI thấp hơn, cũng như hầu hết các loại trái cây, rau không chứa tinh bột và các loại đậu.
3. Giảm lượng đường ăn vào
Cơ thể không có nhu cầu dinh dưỡng cần thêm đường như sucrose và xi-rô ngô có hàm lượng fructose cao. Trên thực tế, chúng chỉ là lượng calo rỗng. Cơ thể phá vỡ những loại đường đơn giản này rất dễ dàng, khiến lượng đường trong máu tăng đột biến gần như ngay lập tức.
Các nghiên cứu cho thấy rằng tiêu thụ đường có liên quan đến việc phát triển tình trạng kháng insulin. Đây là khi các tế bào không phản ứng như bình thường với việc giải phóng insulin, dẫn đến cơ thể không thể kiểm soát lượng đường trong máu một cách hiệu quả.
Một lựa chọn khác để từ bỏ hoàn toàn đường là thay thế bằng chất thay thế đường như mật ong, xi-rô cây phong...
4. Ăn nhiều chất xơ
Lựa chọn chất xơ hòa tan để ngăn chặn lượng đường trong máu tăng đột biến.
Chất xơ được tạo thành từ các phần thực phẩm thực vật mà cơ thể không thể tiêu hóa được. Nó thường được chia thành hai nhóm: chất xơ hòa tan và không hòa tan. Đặc biệt, chất xơ hòa tan có thể giúp quản lý lượng đường trong máu tăng đột biến. Chất xơ hòa tan trong nước tạo thành một chất giống như gel giúp làm chậm quá trình hấp thụ carbs trong ruột giúp lượng đường trong máu tăng, giảm đều đặn chứ không tăng đột biến. Chất xơ cũng có thể khiến cảm thấy no, giảm cảm giác thèm ăn và lượng thức ăn nạp vào.
Các nguồn chất xơ hòa tan tốt như cháo bột yến mạch, quả hạch, một số loại trái cây, (táo, cam, quả việt quất...), cà rốt, đậu Hà Lan, măng tây và một số loại rau xanh...
5. Uống nhiều nước hơn
Không uống đủ nước có thể dẫn đến lượng đường trong máu tăng đột biến. Mất nước khiến cơ thể sản sinh ra một loại hormone gọi là vasopressin. Điều này khuyến khích thận giữ lại chất lỏng và ngăn cơ thể thải lượng đường dư thừa qua nước tiểu. Nó cũng thúc đẩy gan giải phóng nhiều đường hơn vào máu.
Lượng nước đủ phụ thuộc vào mỗi người. Luôn đảm bảo thói quen uống nước ngay khi không khát và tăng lượng nước uống khi thời tiết nóng hoặc khi tập thể dục.
Hãy uống nước lọc thay vì nước trái cây có đường hoặc nước ngọt vì hàm lượng đường sẽ khiến lượng đường trong máu tăng đột biến.
6. Thêm một ít giấm vào chế độ ăn uống
Giấm táo là một cách giúp kiểm soát lượng đường trong máu hiệu quả.
Giấm táo có lợi cho sức khỏe, có liên quan đến việc giảm cân, giảm cholesterol, đặc tính kháng khuẩn và kiểm soát lượng đường trong máu.
Theo đánh giá năm 2018, một số nghiên cứu cho thấy rằng tiêu thụ giấm có thể làm tăng phản ứng insulin và làm giảm lượng đường trong máu tăng đột biến.
Nhưng nếu mắc đái tháo đường và đang phải dùng thuốc, hãy tránh dùng giấm táo. Vì khi sử dụng những loại thuốc này sẽ làm giảm lượng đường trong máu, có thể xuống quá thấp gây hạ đường huyết, chóng mặt, lú lẫn...
7. Nạp đủ crom và magie
Các nghiên cứu cho thấy cả crom và magie đều có thể có hiệu quả trong việc kiểm soát lượng đường trong máu tăng đột biến. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng sự kết hợp của cả hai đều làm tăng độ nhạy insulin hơn là chỉ bổ sung riêng lẻ.
Chế độ ăn uống khuyến nghị cho crom và magie thay đổi theo độ tuổi và giới tính. Crom và magie có nhiều trong các thực phẩm như bông cải xanh, lòng đỏ trứng, động vật có vỏ, cà chua, rau chân vịt, quả hạnh, bơ, hạt điều, đậu phộng...
8. Rượu bia
Đồ uống có cồn thường chứa nhiều đường bổ sung. Điều này đặc biệt đúng đối với đồ uống hỗn hợp và cocktail, có thể chứa tới 30g đường trong mỗi khẩu phần.
Đường trong đồ uống có cồn khiến lượng đường trong máu tăng đột biến giống như đường bổ sung trong thực phẩm. Hầu hết đồ uống có cồn cũng có ít hoặc không có giá trị dinh dưỡng. Giống như đường bổ sung, chúng thực sự là loại calo rỗng và có thể làm tăng nguy cơ tăng đường huyết.
Ngoài chế độ ăn uống thì lối sống, sinh hoạt, giấc ngủ cũng có ảnh hưởng đến lượng đường trong máu. Hoạt động thể chất thường xuyên, duy trì cân nặng vừa phải và uống nhiều nước cũng có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe ngoài việc giúp kiểm soát lượng đường trong máu.
Nếu có bất kỳ tình trạng sức khỏe nào hoặc đang dùng thuốc, hãy nói chuyện với bác sĩ trước khi thực hiện bất kỳ thay đổi nào đối với chế độ ăn uống.
Đối với hầu hết mọi người, thực hiện những thay đổi về chế độ ăn uống và lối sống này là một cách tuyệt vời để giảm nguy cơ phát triển tình trạng kháng insulin hoặc bệnh đái tháo đường type 2.
Thêm liệu pháp cứu sống người bị dị ứng đe dọa tính mạng FDA vừa chấp thuận neffy (thuốc dạng xịt mũi của epinephrine) để điều trị các phản ứng dị ứng loại I, bao gồm các dị ứng do thực phẩm, thuốc, vết côn trùng cắn... có thể dẫn đến tình trạng phản vệ, đe dọa tính mạng. Sự chấp thuận này mang lại đổi mới đáng kể đối với việc cung cấp epinephrine trong...