Vì sao trẻ bị sứt môi?
Trong số hàng ngàn trẻ sứt môi, hở hàm ếch được phẫu thuật mỗi năm, nguyên nhân được biết đến nhiều nhất là do bà mẹ bị mắc các bệnh nhiễm trùng trong giai đoạn đầu mang thai.
Nhìn cậu con trai hơn 7 tháng tuổi với khuyết tật hiện ngay trên gương mặt, chị Phạm Thị Thao, 31 tuổi, ở huyện Gia Lộc – Hải Dương, không khỏi xót xa. Ngay từ khi mới lọt lòng, bé Nguyễn Tấn Thành đã bị sứt môi, hở hàm ếch nên ăn uống rất khó khăn. Hơn nữa, do bị dị tật nên cháu thường xuyên bị viêm mũi họng, viêm phổi. Sau khi sinh, cháu phải ăn sữa ngoài vì cứ bú là bị sặc.
Khám sàng lọc cho trẻ bị sứt môi hở hàm ếch
Do mẹ tùy tiện dùng thuốc
Theo chị Thao, lúc mang thai được 2 tháng, chị bị cảm cúm nên tự đi mua thuốc uống. Khi sinh con bị sứt môi, hở hàm ếch, các bác sĩ cho biết có thể do chị đã uống thuốc cảm cúm trong 3 tháng đầu thai kỳ. Chị Thao đã sống với nỗi giày vò, cho đến khi con chị được phẫu thuật tại Bệnh viện (BV) Việt Nam – Cuba cuối tuần qua. Các bác sĩ đã vá lại phần môi trên hở toác của con trai chị.
Với Nguyễn Thị An, 21 tuổi, ở huyện Đông Anh – Hà Nội thì hơn 20 năm nay, cô đã trải qua 8 đợt phẫu thuật sứt môi hai bên, hở vòm miệng chỉnh hình răng miệng nhưng do không được luyện phát âm nên giọng nói vẫn khó nghe khiến đôi lúc cô phải dùng ký hiệu. Theo mẹ của An, nguyên nhân khiến cô con gái phải mang khuôn mặt không lành lặn có thể là do hồi mang thai được 3 tháng, bà bị cảm cúm. Hơn chục năm qua, gia đình đã cố gắng chạy chữa với hy vọng “sửa” lại nụ cười và khuôn mặt để con bớt mặc cảm khi giao tiếp.
Video đang HOT
Hơn 20 năm đồng hành với hoạt động phẫu thuật miễn phí cho trẻ bị dị tật sứt môi, hở hàm ếch, bác sĩ Nguyễn Thanh Thái, Trưởng Khoa Phẫu thuật tạo hình – Hàm mặt BV Việt Nam – Cuba cho biết, tuy chưa tìm được nguyên nhân chính xác nhưng hầu hết các bà mẹ khi được khai thác tiền sử lúc mang thai có nói rằng họ từng mắc các bệnh nhiễm trùng cấp trong 3 tháng đầu mang thai như cảm cúm, Rubella… Một số trẻ khác bị sứt môi, hở hàm ếch có thể do gien di truyền trong gia đình. “Gần đây, các nhà khoa học còn phát hiện do ảnh hưởng của chế độ dinh dưỡng khi mang thai, nhất là nếu người mẹ thiếu bổ sung các vitamin đặc biệt là axít folic… cũng làm thai nhi dễ mắc các dị tật” – bác sĩ Nguyễn Thanh Thái lưu ý.
Không được chữa tới cùng!
Theo bác sĩ Thái, trong các dị tật vùng hàm mặt, sứt môi và hở hàm ếch là dị tật thường gặp ở trẻ. Dù phẫu thuật này được triển khai tại Việt Nam đã hơn 20 năm nhưng đến thời điểm này, rất nhiều bà mẹ không có thông tin và không biết chữa bệnh cho con ở đâu. Trẻ sứt môi, hở hàm ếch thường bị viêm đường hô hấp trên, viêm mũi họng, ho, sốt, sổ mũi, thiếu cân, suy dinh dưỡng… nhiều hơn so với những trẻ khác do việc ăn uống, bú mẹ gặp khó khăn. Dị tật này còn gây biến dạng mặt, chủ yếu là môi, răng, mũi và ảnh hưởng đến chức năng phát âm, lời nói khiến trẻ gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày. Dù tình trạng này không ảnh hưởng đến bộ não của trẻ nhưng khi lớn lên, trẻ có thể mặc cảm, thiếu tự tin vì nhận ra sự khiếm khuyết trên gương mặt của mình. Với những trẻ này, việc phẫu thuật càng sớm càng giúp các em cải thiện được khả năng ăn uống, khả năng nói và khuôn mặt.
Theo bác sĩ Hoàng Phong Mỹ, Khoa Phẫu thuật tạo hình – Hàm mặt BV Việt Nam – Cuba, hiện đã có kế hoạch điều trị tổng thể cho tất cả các cháu bị sứt môi, hở hàm ếch từ lúc sinh ra đến khi trưởng thành (18 tuổi). Trong khoảng thời gian này, bệnh nhân được phẫu thuật môi, vòm miệng, luyện phát âm, ghép xương ổ răng, chỉnh hình môi, mũi, điều trị tâm lý để hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, do quá trình theo đuổi khá dài, chi phí tốn kém nên nhiều trẻ bị sứt môi hở hàm ếch không có điều kiện đến các trung tâm để được tư vấn điều trị mà chỉ thuần túy là vá, đóng lại khe hở môi để giúp trẻ có thể ăn uống được, đỡ bất tiện trong sinh hoạt hằng ngày.
Luyện trẻ phát âm sớm Bác sĩ Ngô Anh Tú, BV Nhi Trung ương, cho biết có những cơ sở thẩm mỹ vì lợi nhuận đã quảng cáo “chữa” khỏi cho trường hợp sau phẫu thuật sứt môi, hở hàm ếch có biến dạng giọng nói thành bình thường. Tuy nhiên, với bệnh nhân lớn tuổi, chỉ có thể cải thiện thẩm mỹ chứ không thể “chữa” được cho người nói bằng giọng mũi, giọng méo trở thành bình thường. Để cải thiện khả năng phát âm cũng như thẩm mỹ, sau phẫu thuật sứt môi, hở hàm ếch, trẻ cần được luyện phát âm sớm, tập nói và sẽ được chỉ định các phẫu thuật tiếp theo, tùy theo tình trạng bệnh.
Theo Ngọc Dung (Người lao động)
Chuốc bệnh từ trào lưu "rửng mỡ"
Dù đã qua Tết được gần 2 tuần nhưng cô cháu gái đang học lớp 9 của tôi vẫn phải ôm mặt nằm ở nhà. Nguyên nhân là do chiếc răng khểnh bỗng dở chứng, bị viêm nhiễm gây đau nhức khiến cô bé mất ăn mất ngủ...
Trồng răng khểnh, đính đá cho răng
Thấy các ngôi sao Hàn Quốc bỗng trở nên vô cùng duyên dáng và cuốn hút bởi những chiếc răng khểnh trồng thêm, Thu Phương (cháu gái tôi) quyết định rủ cô bạn thân đi tân trang hàm răng để đón Tết. Phương cho biết, hiện việc đeo niềng hay mài trắng răng đã trở nên lỗi mốt mà thay vào đó là trào lưu đắp thêm răng khểnh. Tùy theo yêu cầu mà các bác sĩ nha khoa có thể đắp răng giả tạm thời hoặc gắn vĩnh viễn vào răng.
Tuy vậy, cái giá cho sự "duyên dáng" không hề rẻ. Cũng theo Thu Phương, trung bình một cặp răng khểnh có giá từ 3-10 triệu đồng, tùy theo chất liệu và thương hiệu của nơi thực hiện. Với nhiều bạn trẻ, do ngân sách có hạn lại muốn đẹp nhanh nên chọn cách gắn răng giả tạm thời bằng chất liệu composite. Phương pháp này hầu như không gây đau đớn bởi chân răng giả chỉ được gắn lên trên chiếc răng thật bằng keo nha khoa chuyên dụng. Tuy rẻ song chất lượng của những chiếc răng này không đảm bảo, chỉ sau một thời gian ngắn răng sẽ bị đổi màu, ố vàng và dễ bị sứt mẻ khi nhai phải đồ ăn cứng.
Mỗi người cần suy nghĩ kỹ trước khi thực hiện phẫu thuật liên quan đến hàm răng của mình. (Ảnh minh họa)
Cũng bởi sử dụng phương pháp gắn răng "nhanh, rẻ" trên mà chỉ sau 7 ngày chiếc răng của Thu Phương đã ở trong tình trạng viêm chân răng, chảy máu do phản ứng với chất liệu làm răng giả. Không chỉ có vậy, cô bé bỗng mắc chứng hôi miệng nên không dám nói chuyện với ai. Cực chẳng đã, Phương đã phải đi tháo răng giả khẩn cấp và tiếp tục ở nhà điều trị để cho vết thương lành hẳn.
Không chỉ trồng thêm răng khểnh mà mốt đính đá vào răng đang được không ít người coi đó là tiêu chí cho sự sành điệu. Với quan điểm gắn kim cương vào răng để "nụ cười thêm duyên dáng và đời thêm tươi sáng", nhiều bạn trẻ đã sẵn sàng bỏ ra cả chục triệu đồng chỉ để có nụ cười nổi bật giữa đám đông. Lê Lan Nhi - sinh viên Đại học Hà Nội - người đã có kinh nghiệm trong vấn đề này chia sẻ, khi đi gắn đá vào răng, tùy theo túi tiền khách hàng có thể lựa chọn cho mình loại đá phù hợp. Với đối tượng là sinh viên, một viên pha lê gắn lên răng có giá vài trăm nghìn đồng là lý tưởng. Tuy vậy với "dân chơi", những viên đá quý mà họ chọn có thể lên tới hàng nghìn USD. Việc gắn đá được tiến hành khá đơn giản. Đầu tiên các bác sĩ sẽ khoan một lỗ trên bề mặt răng tương đương với đường kính của viên đá rồi dùng keo chuyên dụng để gắn vào bề mặt răng. Với đá giả, răng chỉ cần làm sạch, không cần tạo lỗ nên chỉ mất 15 phút bạn sẽ có "nụ cười tỏa nắng". Sau đó, bác sĩ sẽ đánh bóng xung quanh vị trí răng vừa mới gắn, tạo bề mặt nhẵn, bóng.
Hậu quả khó lường
Bác sĩ Trần Thu Hà - Khoa Răng hàm mặt - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, theo nguyên tắc, để trồng một răng khểnh, nha sĩ phải mài 2 chiếc răng hai bên tạo ra một kẽ hở cho chiếc răng. Tuy vậy, so với răng thật, răng khểnh giả sẽ không thể chắc chắn nên sức nhai sẽ giảm. Về vị trí, do không khớp với hàm nên thức ăn dễ bị đọng lại ở kẽ răng giả, dẫn đến viêm cổ chân răng và có thể ảnh hưởng trực tiếp đến chiếc răng thật bên cạnh.
Có trường hợp bệnh nhân vì gắn răng giả đã phải nhổ cả răng thật do nhiễm trùng. Nếu bác sĩ tay nghề không cao sẽ khiến các chân răng kết cấu lỏng lẻo trở thành ổ thức ăn thừa dễ gây ra ê buốt chân răng. Hơn nữa, composite là nhựa quang nên khi đè vào lợi lâu ngày có thể gây phản ứng sưng đau, viêm nhiễm.
Theo bác sĩ Trần Thu Hà, một hàm răng được coi là khỏe khi răng mọc đúng trên cung hàm. Quan niệm răng khểnh là răng duyên đã lỗi thời và không khoa học. Răng khểnh không chỉ làm mất đi vẻ đẹp chuẩn của hàm răng mà còn làm rối loạn khớp cắn và là nguyên nhân gây ra các bệnh nhiễm trùng răng miệng.
Còn về việc đính đá vào răng, bác sĩ Thu Hà nhận xét, trong nha khoa có hai cách gắn đá vào răng. Cách thứ nhất là gắn đá nha khoa. Nha sĩ chỉ làm sạch bề mặt răng rồi dán đá lên răng bằng keo. Kỹ thuật này đơn giản, hầu như không ảnh hưởng đến răng thật. Cách thứ hai là gắn đá tự nhiên. Với cách này, nha sĩ phải khoan vào răng một lỗ vừa đủ cho chân viên đá gắn vào. Nếu kỹ thuật khoan không đảm bảo sẽ khiến răng có thể bị ê buốt. Việc gắn đá lên răng cũng sẽ làm thay đổi cấu trúc răng. Khi đá bị bong ra lỗ răng bị khoan phải được hàn lại. Sau khi gắn đá vào răng khiến cho nhiều người gặp khó khăn trong sinh hoạt, thức ăn nhiều khi bám xung quanh đá làm răng rất dễ bị sâu.
Dù việc làm đẹp là nhu cầu tất yếu của mỗi cá nhân song bên cạnh những cái lợi trước mắt mỗi người cần nghĩ đến cái hại lâu dài bởi những tổn thương về răng rất khó phục hồi. Đặc biệt là các bạn trẻ, không nên chạy theo trào lưu mà có những can thiệp không cần thiết vào hàm răng của mình kẻo vừa mất tiền, vừa chuốc bệnh vào người.
Theo Huệ Linh (An ninh thủ đô)
Cách ngăn ngừa dị tật ống thần kinh thai nhi Dị tật ống thần kinh thai nhi là những khiếm khuyết xảy ra khi não và cột sống của thai nhi phát triển không bình thường. Tỉ lệ trẻ bị dị tật ống thần kinh xảy ra cao ở những nước có thu nhập thấp, trong đó có Việt Nam. Đừng vì chủ quan mà để con trẻ phải gánh chịu bất hạnh...