Trường học đóng cửa khiến nhiều trẻ em suy dinh dưỡng
Khi các trường học trên khắp thế giới đóng cửa chống dịch, nhiều trẻ em phải dừng việc học. Không chỉ vậy, nhiều em đối mặt với khủng hoảng dinh dưỡng vì bỏ lỡ bữa ăn đôi khi là duy nhất của chúng.
Một cậu bé mang thực phẩm do Chương trình Lương thực Thế giới của LHQ cung cấp ở Raqqa, Syria – về nhà.
Ngay cả những trẻ em chưa bị suy dinh dưỡng trước đại dịch, việc bỏ bữa ăn ở trường vốn được xem là nguồn dinh dưỡng quan trọng, đã khiến các em có nguy cơ mắc các vấn đề về sức khỏe cao hơn nhiều vào thời điểm cơ thể và trí não các em đang phát triển.
Giám đốc Chương trình bữa ăn học đường Carmen Burbano của Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) cho biết hậu quả là rất phổ biến và nhiều trẻ phụ thuộc vào thức ăn ở trường có nguy cơ cao bị thiếu hụt 3 vi chất dinh dưỡng chính: Sắt, Kẽm và Vitamin A.
Những điều này đặc biệt quan trọng vì chúng liên quan đến khả năng nhận thức của các em. Bà nói: “Vì vậy, các em không chỉ bị suy dinh dưỡng mà còn ít được hưởng lợi từ GD hơn. Điều này có nghĩa là nhiều trẻ em sẽ rất gầy và thiếu chất dinh dưỡng cần thiết khi lớn lên, các tác động đặc biệt liên quan đến trẻ em gái và thanh thiếu niên.
Bà Burbano nói với The National: “Bé gái có nhu cầu về chất dinh dưỡng đặc biệt, nhất là về sắt vì các em sắp có kinh nguyệt và cần các dinh dưỡng bổ sung để có thể tiếp tục khỏe mạnh”.
Video đang HOT
Đầu tuần qua, WFP và Unicef cho biết cho biết hơn 39 tỷ bữa ăn ở trường học đã bị bỏ lỡ trong thời gian đại dịch. Khoảng 370 triệu trẻ em trên toàn thế giới đã bỏ lỡ trung bình 40% bữa ăn ở trường và những trẻ bị suy dinh dưỡng đã bỏ lỡ những bữa ăn quan trọng thường được thiết kế đặc biệt cho các cơ quan của LHQ hỗ trợ và thiết kế để tìm cách lấp chỗ trống. Đôi khi đây là bữa ăn duy nhất mà một đứa trẻ có trong ngày.
Tuy nhiên, các vấn đề xuất phát từ việc này còn rộng hơn nhiều so với việc một đứa trẻ bị nhẹ cân và không chỉ giới hạn ở những nước nghèo nhất thế giới. Béo phì cũng có thể là một vấn đề lớn khi các gia đình có thu nhập thấp mua thực phẩm rẻ hơn nhưng không lành mạnh hơn.
“Ở những gia đình nghèo, đôi khi họ cũng cố gắng tiết kiệm tối đa ngân sách gia đình và mua ít thực phẩm dinh dưỡng hơn. Vì vậy, ở trường, các em nhận được những thứ mà ở nhà không có như trái cây và rau, các em sẽ có nhiều protein hơn và có chế độ ăn uống đa dạng hơn” – theo bà Burbano.
Viện trợ từ WFP không chỉ đến từ nguồn cung cấp thực phẩm mà còn là các chất bổ sung và hướng dẫn về lối sống lành mạnh. Bà Burbano cho biết các chương trình thực phẩm học đường thường dạy trẻ em ăn uống lành mạnh hơn, một vấn đề quan trọng ở các nước có thu nhập trung bình và cao.
“Ở các gia đình không được ăn uống đầy đủ, các em cũng có thể béo phì do họ không thực sự biết thế nào là dinh dưỡng tốt” – bà nói.
Trong tương lai, các cơ quan của LHQ muốn các trường học mở cửa trở lại càng sớm càng tốt. Bằng chứng cho thấy ở các gia đình nghèo, tiền ăn ở trường tương đương với 12% thu nhập của hộ gia đình mỗi tháng.
Trẻ béo phì nhưng vẫn thiếu chất
Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc cải thiện tình trạng dinh dưỡng và nâng cao sức khỏe người dân.
Tỷ lệ suy dinh dưỡng (SDD) trẻ em đã giảm đáng kể và bền vững, tình hình an ninh lương thực - thực phẩm và bữa ăn của người dân đã được cải thiện rõ rệt.
Trẻ béo phì đang có xu hướng tăng.
Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể về cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho người dân như tỷ lệ SDD trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm nhanh và bền vững. Tỷ lệ SDD thể nhẹ cân giảm từ 30,1% năm 2000 xuống còn 14,1% năm 2015 và năm 2019 tỷ lệ này là 12,2%.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về dinh dưỡng như tỷ lệ SDD thấp còi (chiều cao theo tuổi) ở trẻ em dưới 5 tuổi mỗi năm giảm 1%, nhưng vẫn còn ở mức cao (22,4% năm 2019) và có sự chênh lệch giữa các vùng nhất là vùng núi, vùng khó khăn so thành phố, đồng bằng. Tỷ lệ này ở miền núi phía Bắc là 27,1% và Tây Nguyên là 29,8%.
Bên cạnh đó, tỷ lệ thừa cân, béo phì đang có xu hướng gia tăng nhanh chóng, nhất là ở khu vực đô thị. Tình trạng gánh nặng kép về dinh dưỡng ngày càng rõ rệt, và trở nên khó khăn trong phòng chống suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, thấp còi, thừa cân và phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng. Tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ dưới 5 tuổi (năm 2019) là 9,7%.
Tình trạng thừa cân béo phì lứa tuổi học đường cũng đang báo động: Theo kết quả điều tra nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng tiến hành trong giai đoạn 2017-2018, với cỡ mẫu 5.000 học sinh từ 75 trường từ Tiểu học đến THCS; THPT (thuộc 25 xã/phường) trên một số tỉnh thành phố cho thấy: Tỷ lệ thừa cân/béo phì chung ở học sinh là 29,0% (tỷ lệ này ở khu vực nông thôn là 17,8%; khu vực thành thị là 41,9%).
Đồng thời, nhiều trẻ em Việt Nam thừa cân, béo phì nhưng lại thiếu nhiều chất dinh dưỡng cần thiết, đây là một thực trạng cũng rất đáng quan ngại, bởi khi trẻ thiếu những dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển toàn diện của cơ thể nhưng lại được "che đậy" dưới thân hình mũm mĩm, các vị phụ huynh sẽ rất khó nhận ra vấn đề của con mình để có giải pháp kịp thời.
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, vấn đề thừa cân nhưng thiếu chất ở trẻ cũng xuất phát từ chính chế độ ăn giàu đạm, đường, mỡ, bởi trong khẩu phần ăn này các thành phần dưỡng chất thiết yếu khác lại không được cung cấp đủ, điển hình là thiếu các nguyên tố vi lượng, vốn không sinh năng lượng nhưng lại rất cần cho các chuyển hóa của cơ thể như: Vitamin và khoáng chất.
Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Trương Tuyết Mai- Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia lý giải, chúng ta không nên nghĩ béo phì nghĩa là cái gì cũng thừa. Có những bé béo phì nhưng vẫn bị thiếu máu, thiếu sắt, thiếu canxi do chế độ ăn nhiều nhưng không đầy đủ các nhóm chất.
Thậm chí, ngày nay trẻ có xu hướng tiêu thụ nhiều thức ăn nhanh, thức ăn chế biến sẵn ít có lợi cho sức khỏe; ăn nhiều chất đạm (chủ yếu là thịt) so với nhu cầu, khả năng hấp thụ của cơ thể, trong khi đó lại ăn ít rau, trái cây và ăn chưa đủ nhu cầu về sữa và sản phẩm từ sữa.
Để giúp trẻ có đầy đủ dinh dưỡng, các chuyên gia y tế khuyến cáo, cha mẹ nên lưu ý giảm bớt các thực phẩm giàu chất béo, đường trong chế độ dinh dưỡng của bé.
PGS.TS Trương Tuyết Mai tư vấn, ngoài việc cho trẻ ăn đa dạng thực phẩm, trong bữa ăn nên bổ sung rau xanh, hoa quả tươi, uống nước hoa quả. Hạn chế cho trẻ ăn các loại thực phẩm kém lành mạnh như đồ ăn nhanh, nước ngọt...
Đồng thời, để trẻ phát triển toàn diện, ngoài chế độ dinh dưỡng hợp lý còn cần tăng hoạt động thể lực, thời gian hoạt động ở mức trung bình ít nhất 60 phút/ngày. Trẻ dưới 2 tuổi không nên xem ti vi, trẻ lớn hơn chỉ được xem ti vi dưới 2 giờ/ngày hoặc dưới 14 giờ/tuần.
Mặt khác, trẻ cần ngủ đủ giấc để hỗ trợ hệ thống miễn dịch cũng như phát triển cơ thể toàn diện; với trẻ từ 0 đến 5 tuổi ngủ đủ 11 giờ/ngày, từ 5 đến 10 tuổi ngủ đủ 10 giờ/ngày, trên 10 tuổi ngủ đủ 9 giờ/ngày...
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng: Trẻ thừa cân rất hay thiếu vitamin D, đây là một chất rất cần thiết cho quá trình tổng hợp xương, làm xương vững chắc hơn, giúp trẻ phát triển cao lớn hơn. Bên cạnh vai trò đối với hệ xương khớp, vitamin D còn tham gia vào nhiều chức năng khác trong cơ thể. Đặc biệt, những người thiếu vitamin D rất dễ mắc các bệnh về hô hấp như hen phế quản, bệnh về miễn dịch, bệnh nhiễm trùng...
Phòng chống suy dinh dưỡng thấp còi và béo phì cho trẻ Trong những năm qua, Quảng Ninh đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc cải thiện tình trạng dinh dưỡng và nâng cao sức khỏe người dân. Trong đó, công tác phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em tại Quảng Ninh đã đạt được kết quả tích cực. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm dần, còn 12,2%...