Tạo hình hộp sọ bằng kỹ thuật 3D
Nhờ những tiến bộ của khoa học kỹ thuật trong y khoa, Bệnh viện (BV) Bà Rịa đã áp dụng thành công kỹ thuật 3D để tạo hình nắp sọ cho những bệnh nhân bị khuyết hộp sọ.
Bệnh nhân Th. trước và sau khi phẫu thuật tạo hình hộp sọ bằng 3D-titanium.
NÂNG CAO TÍNH THẨM MỸ
Chị Nguyễn Phan Anh Th. (18 tuổi, ngụ tại Châu Đức) vừa được các bác sĩ Khoa Ngoại Thần kinh BV Bà Rịa phẫu thuật ghép khuyết sọ bằng tấm titanium được tạo hình 3D. Sau hơn 1 tháng phẫu thuật, bệnh nhân thích ứng tốt với nắp sọ mới, sức khỏe phục hồi tốt.
Ca phẫu thuật này đã đem đến cho bệnh nhân một cuộc sống mới. Bởi từ khi bị tai nạn giao thông (năm 2016), dù đã trải qua nhiều lần phẫu thuật ghép sọ, chị Th. vẫn luôn phải sống chung với hộp sọ bị biến dạng khiến phần đầu của chị méo mó, khó coi; cơ thể thì yếu ớt và luôn phải chịu đựng những cơn động kinh hành hạ.
Bác sĩ Nguyễn Vĩnh Thọ, Trưởng Khoa Ngoại Thần kinh, BV Bà Rịa cho biết, bệnh nhân trải qua 2 lần ghép sọ, lần đầu là phẫu thuật ghép sọ tự thân (ghép lại mảnh sọ của bản thân) nhưng nắp sọ bị tiêu hủy do quá trình thực bào của cơ thể, làm mất chức năng bảo vệ. Một năm sau, bệnh nhân được ghép sọ lần 2 bằng vật liệu titan sử dụng kỹ thuật uốn, tạo hình thủ công.
Sau phẫu thuật, nắp sọ không tạo được độ cong, phồng cần thiết, kết hợp theo thời gian cơ thể bệnh nhân phát triển, hộp sọ lớn thêm làm kéo căng lưới titan, gây chèn ép não khiến bệnh nhân bị yếu tay phải, động kinh và biến dạng xẹp ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Do đó, lần ghép sọ này, BV áp dụng kỹ thuật 3D để tạo hình hộp sọ. Tấm titanium nguyên chất được gò theo vùng khuyết sọ của bệnh nhân. Cuộc phẫu thuật kéo dài 1 giờ 30 phút và đã thành công.
Video đang HOT
Theo bác sĩ Thọ, hiện nay có 2 chất liệu để vá sọ nhân tạo là xi măng y khoa và titan. Với vật liệu xi măng, 7 phút sau khi trộn và tạo hình, khối xi măng sẽ đông cứng, tạo khối chắc chắn, bảo quản được tổ chức mô bên dưới.
Nhược điểm của chất liệu này là nếu tạo hình không khéo thì hộp sọ sẽ không được tròn trịa, mà cong vênh và khi đặt vào vị trí khuyết sẽ không hợp và không thẩm mỹ. Với chất liệu titan, bác sĩ sử dụng miếng ghép nhân tạo bằng titan (gọi là tấm titanium), thời gian tạo hình không bị giới hạn, có thể sử dụng miếng sọ đó uốn nắn sao cho như ý và cố định vào hộp sọ của người bệnh.
NHIỀU KỸ THUẬT ĐIỀU TRỊ HIỆN ĐẠI
Bác sĩ Thọ cho biết, kỹ thuật ghép khuyết sọ bằng tấm titanium đã thực hiện thường quy tại BV Bà Rịa nhiều năm nay. Kỹ thuật uốn tạo hình thủ công có độ chính xác về mặt thẩm mỹ dao động từ 70-95%. Quá trình tạo hình diễn ra trong lúc phẫu thuật, kỹ thật viên phải mổ lộ sọ bệnh nhân rồi dựa vào đó để cắt, uốn, tạo hình tấm titanium dẫn đến kéo dài thời gian phẫu thuật và mất nhiều máu.
Với kỹ thuật tạo hình 3D đã áp dụng cho trường hợp bệnh nhân kể trên, các nhược điểm này đã được khắc phục. Bệnh nhân được chụp phim và dựng hình 3D để ra được ổ khuyết sọ. Tùy theo hình dáng của sọ, đơn vị sản xuất đúc 1 phần nắp sọ bằng chất liệu titan vừa khít với phần khuyết của bệnh nhân. Lúc đó chỉ cần mở phần dưới da và đặt nắp sọ vào. Nắp sọ được tạo hình theo cách này đạt độ chính xác gần như tuyệt đối, đồng thời rút ngắn thời gian phẫu thuật và giảm lượng máu mất.
“Những bệnh nhân mổ não nói chung và mổ ghép sọ nói riêng cần giữ vệ sinh vết mổ. Trong điều kiện thời tiết nắng nóng phải lưu ý bảo vệ vết mổ luôn luôn sạch – vô khuẩn. Bệnh nhân săn sóc vết mổ, lau sạch bằng dung dịch vô trùng với nước muối sinh lý, bảo đảm không tạo nên vết thương mới lên trên vùng mổ như vết thương vừa đóng mài thì không nên cho tay lên cạy hay gãi gây ra máu. Bệnh nhân cần chọn phòng có máy lạnh và giữ nhiệt độ vừa phải, dễ chịu, tránh để đổ mồ hôi nhằm hạn chế nhiễm khuẩn sau khi mổ ghép sọ”, bác sĩ Nguyễn Vĩnh Thọ khuyến cáo.
Ngoài kỹ thuật tạo hình hộp sọ nói trên, thời gian qua, BV Bà Rịa đã áp dụng nhiều kỹ thuật tiên tiến, hiện đại trong lĩnh ngoại thần kinh, bắt kịp xu thế phát triển của y khoa, đáp ứng được nhu cầu khám chữa ngày càng cao của người dân trên địa bàn tỉnh. “Thời gian tới, Khoa Ngoại thần kinh tiếp tục tăng cường tiếp cận và ứng dụng nhiều hơn nữa các phương pháp điều trị hiện đại trong lĩnh vực ngoại thần kinh như: Can thiệp mạch máu não, phẫu thuật nội soi, phẫu thuật xâm lấn tối thiểu…”, bác sĩ Thọ nói.
Bước tiến mới về kỹ thuật mổ nội soi
Trước đây, mổ nội soi chỉ áp dụng điều trị bệnh lý đơn giản, nhưng nay được mở rộng điều trị nhiều bệnh lý phức tạp như: ung thư, xương khớp, tim mạch...
Bác sĩ Lâm Việt Trung, Trưởng Khoa Ngoại Tiêu hóa, BV Chợ Rẫy tham gia cùng êkip bác sĩ BV Bà Rịa phẫu thuật nội soi cắt đại tràng cho bệnh nhân tại BV Bà Rịa.
LÀM CHỦ NHIỀU KỸ THUẬT MỔ NỘI SOI
Ông Lê Văn Q., 57 tuổi ở phường Kim Dinh, TP.Bà Rịa vừa được phẫu thuật điều trị ung thư trực tràng thấp bằng phương pháp mổ nội soi. Đây là kỹ thuật mới do BV Đại học Y Dược TP.Hồ Chí Minh chuyển giao cho BV Bà Rịa trong tháng 3/2021 và ông Q. là bệnh nhân đầu tiên được phẫu thuật bằng kỹ thuật mới này.
Cách đây gần 1 năm, ông Q. bị xuất huyết nhiều và đã được chẩn đoán bị ung thư trực tràng thấp; tuy nhiên do hoàn cảnh khó khăn, cộng thêm tâm lý lo lắng nên ông Q. đã từ chối điều trị phẫu thuật tại BV tuyến trên. Đến giữa tháng 3/2021, ông Q. xuất huyết liên tục và buộc phải nhập viện tại BV Bà Rịa.
Lúc này qua tư vấn của bác sĩ, ông Q. đồng ý làm phẫu thuật nội soi ung thư trực tràng thấp để loại bỏ khối u. Sau phẫu thuật, sức khỏe của ông Q. hồi phục hơn, tình trạng xuất huyết dạ dày đã được khắc phục cơ bản.
Bác sĩ Thái Đàm Hạnh, Trưởng Khoa Ung bướu, BV Bà Rịa cho biết, trong thời gian qua, Khoa Ung bướu của BV đã ứng dụng khá phổ biến kỹ thuật mổ nội soi trong điều trị ung thư; gần đây nhất là kỹ thuật nội soi ung thư dạ dày do BV ĐH Y Dược TP. Hồ Chí Minh chuyển giao; nội soi cắt đại tràng và kỹ thuật nội soi trực tràng nói trên.
Phẫu thuật bằng phương pháp nội soi giup vết mổ nhanh lành, rút ngắn thời gian nằm viện cho bệnh nhân xuống còn 1/2 so với phâu thuât hở; xư ly được tối đa các u hạch. Kỹ thuật này đươc ap dung là bước tiến mới của Khoa Ung bướu, với mục tiêu ngày càng hoàn thiện và nâng cao chất lượng chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân.
Ngoài ung bướu, kỹ thuật mổ nội soi còn ứng dụng phổ biến trong phẫu thuật điều trị bệnh tim mạch, xương khớp ở các Khoa Tim mạch, Chấn thương chỉnh hình của BV Bà Rịa; hay nội soi trong chẩn đoán lâm sàng như nội soi tiêu hóa, nội soi đại trực tràng, nội soi cắt polyp...
Tương tự, thời gian qua, Khoa Ngoại BV Lê Lợi cũng đã ứng dụng rộng rãi kỹ thuật mổ nội soi trong điều trị thoát vị bẹn. Bác sĩ Nguyễn Văn Bình, Trưởng Khoa Ngoại cho biết, phẫu thuật bằng phương pháp nội soi trong ngày càng được sử dụng rộng rãi trong y khoa. Kỹ thuật này có nhiều ưu điểm như: Ít bị xâm lấn nên bệnh nhân ít đau, giảm nguy cơ nhiễm trùng và mất máu; thời gian nằm viện ngắn, chỉ 5-7 ngày là có thể xuất viện; tỷ lệ tái phát thấp; sẹo mổ nhỏ và tính thẩm mỹ cao; bệnh nhân bình phục nhanh. Ngoài điều trị thoát vị bẹn, Khoa đã áp dụng kỹ thuật mổ nội soi cắt túi mật, cắt nang thận; mổ nội soi dạ dày và đại tràng; mổ nội soi tắc ruột, ruột thừa... Trong kế hoạch phát triển Khoa Ngoại trong năm 2021, Khoa Ngoại sẽ áp dụng kỹ thuật phẫu thuật nội soi bướu cổ...
Khoa Ngoại là đơn vị triển khai số lượng cao nhất kỹ thuật nội soi trong phẫu thuật của BV Lê Lợi; ngoài ra còn có khoa sản và tai mũi họng cũng triển khai một vài ứng dụng nội soi trong phẫu thuật và điều trị. Theo báo cáo của BV Lê Lợi, trong năm 2020, BV đã ứng dụng 171 ca phẫu thuật nội soi, chiếm 8,1% tổng số ca phẫu thuật; tăng 23 ca so với năm 2018
TRIỂN KHAI KỸ THUẬT NỘI SOI Ở TUYẾN CƠ SỞ
Không chỉ các BV tuyến tỉnh, các trung tâm y tế tuyến huyện cũng đã có những bước tiến về ứng dụng kỹ thuật nội soi trong chẩn đoán và điều trị bệnh nhân. Chẳng hạn, từ năm 2017 đến nay Trung tâm y tế (TTYT) huyện Xuyên Mộc đã ứng dụng thành công các kỹ thuật phẫu thuật nội soi viêm ruột thừa, nội soi chẩn đoán bệnh tai-mũi-họng.
Theo các bác sĩ của trung tâm, trước đây các trường hợp bệnh nhân chỉ định mổ ruột thừa nhập viện tại TTYT đều phải mổ hở. Hiện nay, trung tâm đã ứng dụng thành công kỹ thuật phẫu thuật nội soi, đem lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân hơn phương pháp mổ hở như: Giảm thời gian nằm viện, mau phục hồi, giảm tỷ lệ biến chứng, vết mổ nhỏ, ít để lại sẹo sâu...
Bác sĩ Hồ Văn Hải, Giám đốc TTYT huyện Xuyên Mộc cho biết, là địa phương cách xa các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, việc TTYT tuyến huyện triển khai kỹ thuật KCB cao có ý nghĩa quan trọng trong khám, điều trị kịp thời mà không phải chuyển tuyến như trước đây, tận dụng được tối đa thời gian vàng để cứu chữa cho bệnh nhân. Nhờ đó cũng góp phần giảm áp lực quá tải cho bệnh viện tuyến trên. Hơn nữa, việc áp dụng một số kỹ thuật điều trị mới còn giúp đội ngũ y, bác sĩ tăng cơ hội cọ xát, nỗ lực học hỏi, rèn luyện và nâng cao kỹ thuật chuyên môn.
Tương tự, từ cuối năm 2019 đến nay, Trung tâm Y tế huyện Châu Đức đã ứng dụng kỹ thuật nội soi dạ dày, nội soi thực quản cho bệnh nhân. Theo bác sĩ Ngô Hải Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Châu Đức, để triển khai các kỹ thuật này Trung tâm Y tế huyện Châu Đức đã cử 1 ê kíp gồm 1 bác sĩ và 2 điều dưỡng đi học nghiệp vụ tại BV Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh) trong thời gian 3 tháng. Sau đó, ê kíp này về BV Bà Rịa thực tập 1 tháng; đồng thời các bác sĩ BV Bà Rịa về Trung tâm Y tế Châu Đức hỗ trợ chuyên môn theo hình thức "cầm tay chỉ việc". Nhờ vậy, trình độ chuyên môn của đội ngũ nhân viên y tế đảm đương công tác nội soi dạ dày và thực quản ngày càng được nâng cao, đáp ứng nhu cầu khám bệnh của người dân.
Không chủ quan với u nhầy vùng sàn sọ Bệnh viện Bà Rịa vừa phẫu thuật thành công trường hợp bệnh nhân có u nhầy hiếm gặp vùng sàn sọ trước có xâm lấn xoang trán - xoang sàng. Điều đáng nói, khối u này hình thành có căn nguyên từ việc điều trị viêm xoang không đúng cách trong thời gian dài. Bác sĩ BV Bà Rịa phẫu thuật bóc tách...