Phải làm gì khi bị dị vật rơi vào mắt?
Dị vật trong mắt có thể là bất cứ thứ gì từ hạt bụi đến đầu bút chì gãy. Hầu hết các dị vật là vô hại và dễ dàng để loại bỏ.
Dị vật rơi vào mắt thường ảnh hưởng đến giác mạc hoặc kết mạc. Giác mạc là lớp phủ trong suốt bảo vệ mống mắt và đồng tử. Kết mạc là lớp màng mỏng bao phủ phần bên trong của mi mắt và phần màu trắng của mắt.
Dị vật rơi vào mắt bao gồm lông mi, cát, bụi và cả các mảnh thủy tinh.
Các dị vật rơi vào mắt phổ biến nhất là:
lông mi
dử mắt khô
chất bẩn và cát
bụi
kính áp tròng bị tuột
các mảnh kim loại hoặc thủy tinh
đồ trang điểm
Chất bẩn, cát và bụi thường rơi vào mắt do gió, trong khi kim loại hoặc thủy tinh trong mắt thường xảy ra khi do tai nạn trong khi làm việc với một số dụng cụ hoặc vật liệu nhất định.
Bất kỳ dị vật nào bay vào mắt với tốc độ nhanh đều có nguy cơ cao gây thương tích ở mắt.
Dị vật trong mắt có thể chỉ gây đôi chút khó chịu hoặc có thể rất đau. Bất cứ ai bị đau nhiều ở mắt hoặc thay đổi thị lực đều nên đi khám bác sĩ ngay.
Nếu dị vật bay vào mắt với tốc độ cao hoặc đủ lớn để nhìn thấy thì việc đi khám cấp cứu là cần thiết.
Dị vật trong mắt có thể gây ra các triệu chứng sau đây:
căng tức hoặc khó chịu
rát hoặc kích ứng
mắt đỏ, chảy nước mắt
ngứa khi chớp mắt
nhìn mờ ở mắt bị ảnh hưởng
Video đang HOT
nhạy cảm với ánh sáng
Dị vật cũng có thể gây ra xuất huyết dưới kết mạc, hoặc chảy máu ở phần lòng trắng của mắt.
Tình trạng này nói chung không cần điều trị y tế và sẽ tự hết trong vòng 2-3 tuần, nhưng tốt nhất là nên đi khám bác sĩ để loại trừ thương tích ở mắt.
Làm thế nào để đưa dị vật ra khỏi mắt?
Rửa tay thật kỹ trước khi chạm vào vùng xung quanh mắt.
Thường thì có thể dễ dàng loại bỏ dị vật ra khỏi mắt. Tuy nhiên giác mạc có thể bị trầy xước khi chúng ta cố gắng đưa dị vật ra ngoài.
Giác mạc trầy xước có thể mất vài ngày mới liền và thậm chí có thể cần điều trị. Vì vậy, điều quan trọng là phải cẩn thận và yêu cầu giúp đỡ nếu cần.
Đầu tiên, nên thử chớp mắt nhiều lần để đưa dị vật ra. Nếu chớp mắt không hiệu quả, có thể thử làm theo hướng dẫn sau:
1. Rửa tay thật kỹ bằng xà phòng và nước sạch. Lau khô để tránh lây lan vi khuẩn có thể gây nhiễm trùng mắt.
2. Sử dụng gương để xác định vị trí của dị vật. Cách tốt nhất để làm điều này là nhìn lên và xuống, sau đó sang trái và sang phải.
3. Ngâm mắt bị ảnh hưởng vào một dụng cụ nông đựng dung dịch nước muối vô trùng. Nước cũng thích hợp nếu không có nước muối. Trong khi mắt đang ở trong nước, chớp mắt nhiều lần để đẩy dị vật ra. Nếu dị vật vẫn bị kẹt, kéo nhẹ mi trên ra khỏi nhãn cầu để giải phóng dị vật. Ngoài ra, cho nước mắt nhân tạo, nước muối, hoặc nước từ vòi nước chảy vào mắt khi đang mở cũng có thể rửa trôi dị vật.
4. Khi dị vật không còn trong mắt, hãy dùng tăm bông sạch để lau và thấm khô vùng da quanh mắt một cách nhẹ nhàng.
Cẩn thận khi loại bỏ dị vật trong mắt bằng cách:
tránh dụi mắt
tháo kính áp tròng trước khi cố gắng loại bỏ dị vật
tránh sử dụng các vật nhọn như nhíp
tìm kiếm sự chăm sóc y tế nếu dị vật lớn
Khi nào thì đi khám bác sĩ
Thường thì dị vật mắt có thể được loại bỏ ở nhà. Tuy nhiên, bạn nên gặp bác sĩ nhãn khoa nếu:
đau vừa hoặc nặng sau khi loại bỏ dị vật
thay đổi thị lực xảy ra
mắt chảy máu hoặc chảy nước mắt
mảnh thủy tinh hoặc hóa chất trong mắt
dị vật sắc hoặc thô ráp
dị vật bay vào mắt với tốc độ cao
Điều trị
Trước khi điều trị, bác sĩ sẽ khám mắt. Việc khám này sẽ bao gồm:
gây tê để làm tê bề mặt của mắt
thuốc nhỏ mắt để bộc lộ dị vật hoặc vết trầy xước trên bề mặt của mắt
kính lúp để xác định vị trí dị vật
xét nghiệm hình ảnh xem dị vật đang bị kẹt sâu trong mắt thế nào
Bác sĩ sẽ loại bỏ dị vật bằng cách rửa mắt với nước muối dinh lý hoặc bông gạc. Nếu không thể loại bỏ dị vật ban đầu, họ có thể cần sử dụng dụng cụ hoặc kim chuyên dụng.
Người bệnh có thể cần phải dùng thuốc nhỏ mắt kháng sinh để điều trị vết xước giác mạc và bảo vệ chống lại nhiễm trùng mắt. Thuốc giảm đau không kê đơn (OTC), chẳng hạn như ibuprofen và acetaminophen, có thể giảm đau.
Thương tích nghiêm trọng hiếm gặp
Dị vật xuyên vào mắt hiếm gặp và chỉ chiếm 2/1.000 ca khám cấp cứu tại Mỹ. Nhiều vụ việc trong số này là do tai nạn liên quan đến công việc.
Một nghiên cứu ca bệnh đã báo cáo về việc điều trị cho bé trai 6 tuổi bị ngã và bị đầu bút chì đâm vào mắt phải.
Các bác sĩ đã cho trẻ gây mê tổng quát và nhẹ nhàng lây chiếc bút chì từ từ ra khỏi mắt. Hình ảnh sau khi phẫu thuật cho thấy không có tổn thương mắt hoặc não. Sau khi loại bỏ, tình trạng của bé trai được cải thiện đáng kể, và thị lực phục hồi đầy đủ.
Tuy nhiên, một báo cáo ca bệnh khác của một nam giới 30 tuổi phát hiện ra rằng, sau khi bị một cành cây đâm vào mắt trong tai nạn xe máy, thị lực của bệnh nhân đã không hồi phục hoàn toàn. Mất thị lực là do tổn thương thần kinh thị giác.
Các tác giả nhấn mạnh rằng khả năng tổn thương vĩnh viễn do dị vật vào mắt rất khác nhau tùy vào vị trí và chất liệu của dị vật.
Phòng ngừa
Nên đeo kính bảo vệ trong một số công việc và hoạt động.
Tai nạn luôn xảy ra, do đó, không phải lúc nào cũng có thể tránh được dị vật rơi vào mắt trong các hoạt động hàng ngày.
Một số công việc và hoạt động nhất định có thể khiến mắt có nguy cơ và khiến dị vật bay vào. Trong những trường hợp như vậy, kính bảo hộ có thể giúp ngăn ngừa thương tích.
Tốt nhất là mang kính bảo vệ mắt khi:
làm việc trong các khu vực nhiều bụi hoặc gió
khoan
chơi một số môn thể thao, chẳng hạn như bóng quần (squash)
làm việc với hóa chất nguy hiểm và độc hại
sử dụng máy cắt cỏ hoặc máy xén hàng rào
Cần nhớ:
Tiên lượng sau khi loại bỏ dị vật ra khỏi mắt nhìn chung là tốt. Ngay cả khi dị vật gây trầy xước, mắt thường sẽ lành trong vòng vài ngày.
Bất cứ thứ gì sắc nhọn, chẳng hạn như kim loại hoặc mảnh thủy tinh, hoặc đồ vật bay vào mắt ở tốc độ cao có thể gây thương tích nghiêm trọng hơn hoặc dẫn đến các vấn đề về thị lực.
Nếu các triệu chứng tiếp tục diễn sau khi đã loại bỏ dị vật, hoặc nếu không thể loại dị vật một cách an toàn ở nhà, thì nên tìm kiếm sự chăm sóc y tế.
Cẩm Tú
Theo Dân trí
Thấy mặt mọc cục u nhỏ tưởng vô hại, người phụ nữ phát hoảng khi biết sự thật kinh dị đằng sau nó
Đôi khi những dấu hiệu lạ trên cơ thể cũng cần phải thật cẩn trọng, vì chúng có thể dẫn đến một căn bệnh nghiêm trọng hơn phía sau.
Mới đây, các chuyên gia y tế tại Moscow (Nga) đã ghi nhận một trường hợp hết sức ghê rợn. Nó cho thấy rằng mọi điểm kỳ lạ trên cơ thể chúng ta đều là dấu hiệu đáng phải xem xét cẩn thận, nếu không muốn có ngày phải hối hận.
Cụ thể, đây là câu chuyện của một người phụ nữ giấu tên 32 tuổi. Sau một khoảng thời gian sinh sống tại vùng ngoại ô của Moscow, cô bỗng nhận ra trên mặt mình có mọc một cục u rất nhỏ, tại phần mũi ngay dưới mí mắt.
"Nhỏ" ở đây tức là rất nhỏ, gần như không nhận ra bằng mắt thường, chỉ sờ thì thấy thôi và hơi ngứa một chút. Cho rằng không có gì lạ, cô để mặc nó mà không ngờ rằng tiếp sau đó là một câu chuyện ai nghe cũng phải rùng mình. Bởi vì cục u ấy không ở yên một chỗ, mà nó... chạy khắp mặt.
Chỉ trong vài ngày, cục u từ dưới mắt chạy lên trên mắt, rồi lại mò xuống môi trên. Tất nhiên, cô nàng chạy ngay đến bác sĩ, nhưng cũng không quên chụp vội vài tấm selfie đặng có tư liệu mà nghiên cứu.
Sau khi xét nghiệm, các bác sĩ nhận định rằng cục u ấy thực chất là một loài giun chỉ sống ký sinh, có tên khoa học là Dirofilaria repens. Loài giun này được lan truyền nhờ muỗi, và có vẻ như cô bị nhiễm trong chuyến đi ra ngoại ô vừa qua.
Triệu chứng phổ biến nhất khi nhiễm giun chỉ D. repens là hiện tượng mọc u trên cơ thể, và khối u ấy biết chạy. May mắn thay, việc chữa trị không khó, chỉ cần thực hiện tiểu phẫu lấy con giun ra là được. Hiện tại, sức khỏe của người phụ nữ đã dần phục hồi.
Trên thực tế, việc con người nhiễm loài giun chỉ D. repens là tương đối hiếm. Dù vậy, chúng vốn ký sinh thường xuyên trên chó, mèo và một số loài động vật khác, nên thi thoảng vẫn có trường hợp đen đủi tương tự như cô gái này.
Như năm 2009, một bệnh nhân người Đức đã phải trải qua 5 tuần đau đầu dữ dội, không cất nổi lời và phải nhập viện. Mọi triệu chứng giống như chuẩn bị đột quỵ, nhưng rồi các bác sĩ phát thiện ra rằng có một con giun khổng lồ đang trốn trong tay của anh.
Và có một thực tế đáng lo ngại, đó là ngày càng có nhiều trường hợp nhiễm giun được công bố. Trong giai đoạn 1997 - 2012, số người nhiễm giun đã tăng từ 8 lên đến 200 người/năm. Dù vậy, may mắn là hầu hết các trường hợp đều không thể sinh sản trong cơ thể người, và các triệu chứng sẽ nhanh chóng biến mất sau khi loại bỏ chúng.
Nhưng hãy nhớ rằng loài giun này có thể lây truyền qua muỗi. Thế nên nếu chẳng may thấy người mọc u mãi không lặn, lại có xu hướng... ngọ nguậy sau khi bị muỗi đốt, bạn nên cân nhắc đi gặp bác sĩ luôn nhé.
Tham khảo: IFL Science
Theo Helino
Sơ cứu khi bị dị vật rơi vào mắt, tránh nhiễm trùng mắt cũng như nguy cơ mù lòa Dị vật rơi vào mắt là câu chuyện thường xuyên có thể xảy ra nhưng không phải ai cũng biết cách xử trí đúng. Điều này vô tình dẫn đến những rủi ro không đáng có như nhiễm trùng mắt, suy giảm thị lực... Dị vật rơi vào mắt dễ khiến bạn bị nhiễm trùng mắt, rách võng mạc vì xử trí sai...