Noel của “Mỵ” không lụy gà tây!
Mỵ có quyền hất cẳng con gà tây to đùng ra khỏi thực đơn tiệc Noel năm nay, thay vào những miếng thơm tho nhỏ xinh, hợp khẩu vị với vừa túi tiền hơn”, một người bạn gốc nước mắm, sành ăn ở quận 7, TP.HCM nhắn tin qua Facebook cho hay.
Và từ lâu, đại lễ Giáng sinh đã vượt xa biên giới tâm linh của những con chiên ngoan đạo, ở khắp các thành phố lớn cả nước, nhất là nơi vốn năng động như TP.HCM. Cho nên, một tiệc “ăn theo” Noel sáng tạo và hợp lẽ, cũng là chuyện đáng làm với người ngoại đạo.
Tự do mà không quá lố!
Nhưng tự do kiểu gì, cũng phải có giới hạn của nó. Và để không trật đường rầy một cách quá lố, phải chịu khó hỏi thăm “bác” Google về ý nghĩa của tiệc Giáng sinh. Đại khái, còn là dịp để mọi người quây quần cùng người thân trong gia đình hoặc nhỏ to hàn huyên chuyện vui buồn với bạn tri âm. Tất nhiên, bạn phải luôn giữ ấm và no bụng mới vững thành tâm chấp tay nguyện cầu: “Bình an cho người dưới thế” được.
Không gà tây, tiệc Noel của “mỵ” vẫn phủ phê.
Theo đó, bạn có thể chọn món lẩu, nấu với một số loại con, từ một chân (nấm các loại) đến nhiều chân (tôm, cua ghẹ…) hoặc không chân (cá chình, lươn, cá hồi…) – tùy thích. Kéo nhau đi ăn quán hoặc “xúm vô” nấu nướng tại gia đều được tất. Tha hồ mà xì xụp!
Trừ bếp điện từ, những nồi lẩu nấu bằng bếp gas mi mi hay bếp than đều lan tỏa hơi ấm cho cả nhóm đang quây quần bên nhau. Lửa cũng là một trong 5 yếu tố cơ bản tạo nên sự sống (đất, nước, lửa, kim, mộc) theo triết học cổ đại Trung Hoa. Lửa sẽ nhảy múa cùng dòng hoài niệm, sưởi ấm bao buồn – vui vào dịp cuối năm con heo “leo” giá đến chóng mặt…
Còn tôi, sẽ mách bạn 2 món thú vị với hai điểm đến khác nhau.
Bò ngoại “trầm” rượu chát
Bò “trầm” rượu chát, nhâm nhi cùng mấy ngụm vang đỏ, bạn từng thử chưa? Căn bản, món này thuộc tuýp bò nấu rượu chát, quen thuộc trong nhiều nhà hàng Pháp ở TP.HCM.
Video đang HOT
Tươi mọng và cách phối gia vị thật ấn tượng.
Nhưng sự khác biệt ở đây là, sự phối chế gia vị sáng tạo với nét tinh tế của đầu bếp. Muỗng nước hầm ngọt béo thanh tân và có hậu chua nhẹ. Ẩn sau tầng chua thơm thoảng nhẹ ấy, lại nổi thêm chút mùi vị hăng đắng và thơm cũng rất nhẹ, tựa như dấu ấn của một loại bù tạt vàng vậy.
Thế nhưng, khi định thần chắp chắp miệng kỹ hơn thì không phải vậy. Đó là chữ ký riêng, của một loại hạt chuyên khử tanh, giúp gia tăng độ thèm ăn lẫn hỗ trợ tiêu thực của loại gia vị phổ biến trong ẩm thực Ấn Độ: hạt thì là (cumin).
Có lẽ nhờ thế, món bò hầm rượu chát ở đây, tạo một sức hấp dẫn riêng với chuỗi hương vị khác biệt hoàn toàn so với bên một số hàng quán bán món Âu khác ở thành phố vốn “thứ gì cũng có” này.
Từng cục thịt bò Úc mềm mọng, rất tươi, ngọt béo đan xen, thoảng thơm hương vị đặc trưng.
“Sánh đôi” cùng ly vang đỏ càng mượt mà!
Hớp tiếp ngụm rượu vang đỏ (của Chile), nghe chan chát mà hậu vị đắng thanh. Khi trôi qua vòm họng, lại nghe ngon ngót (ngòn ngọt), thanh sạch vòm miệng hơn. Nhờ vậy, cảm giác thèm ăn liền trỗi lên, cao gấp bội.
Nước hầm, chấm với bánh mì rất hợp. Đặt biệt, các loại nấm (đùi gà và linh chi) cùng rau củ (khoai tây, cà rốt), được canh lửa cẩn thận ở độ vừa chín tới. Cho nên, chúng còn giữ được độ giòn ngọt với bao tinh chất tươi nguyên.
Cần kiểm chứng hoặc thích trải nghiệm, bạn có thể ghé lại Bistro 48 chi nhánh An Dương Vương, Q.5, TP.HCM gọi món này.
Gà ta “la đà” rượu bưởi
Có lẽ, cũng cần kể thêm một món nội khác cho thêm đề huề.
Ban đầu, dĩa gà tre lai nấu rượu bưởi thoảng thơm mùi chua thơm tựa như mùi giấm gạo nuôi. Tiếp nữa, nó lại tỏa thêm mùi cơm rượu hoặc mùi hèm rượu nếp.
Còn muỗng nước gà thoảng thơm hương rượu bưởi, “bọc lóc” chút hậu vị đắng thanh. Càng húp, càng thêm thèm ăn mới lạ.
Thịt gà chắc ngọt quên thôi! Gắp kèm mấy đũa gỏi trộn từ thân cây chuối hột non bào mỏng, giòn mát với rạo rực – còn gì bằng!
Tinh giản mà độc đáo, món gà tre lai nấu rượu bưởi.
Rưới tiếp vài ba chung rượu bưởi, loại ủ cả năm, lên những miếng thịt ức gà trắng ngà, tươi mọng càng thơm ngon khó cưỡng.
Cỡ mười lăm phút sau, phần nước nấu gà keo lại tựa như một loại xốt vang đặc biệt. Nó đong đưa cả chuỗi hương vị: chua thơm, béo ngọt với nhân nhẫn đắng.
Bốc những que “bánh mì bưởi” còn âm ấm, chấm vào, ngon nghiến răng! Nguyên liệu chính của loại bánh mì gốc Tân Triều này là, phần “cơm” trắng ở vỏ lẫn cùi bưởi. Chúng chứa nhiều chất xơ hòa tan, giúp “đuổi đánh” khá hiệu quả lượng mỡ thừa trong người ăn.
Nhẩn nha nếm và nhai với hỏi han tình hình sức khỏe “bạn bầu”, ở Làng bưởi Năm Huệ, thuộc cù lao Tân Triều (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai).
Rượu bưởi ủ càng lâu năm, món ăn càng thăng hoa.
Gió sông lao xao bao cành lá thấp. Thi thoảng, có tiếng xuồng máy “tành tạch” trôi qua, cứ ngỡ như đang ở cạnh một khúc sông miền Tây quê nhà vậy.
Mấy người bạn đi cùng trong nhóm mặt rạng ngời, mắt lấp lánh vui. Riêng tôi, chỉ “xin cám ơn cuộc đời”!
Theo Nguoidothi.net
Bạn có còn nhớ chả cá Lã Vọng Hà Nội lúc xưa ?
Mấy người bạn hay bảo: "Rủ con bé này đi ăn mấy món như bún thang, bánh cuốn, hay chả cá Lã Vọng khó lắm nha, bởi nó luôn kì kèo phải ăn chỗ đúng hương vị, nhiều nơi xa muốn chết!".
Đâu phải khó tính, chỉ là tôi muốn được thưởng thức một món ăn đúng với vị của nó thôi mà. Sợ lắm mà ăn bún thang lại nhầm thành bát bún mọc thêm trứng, hay ăn chả cá Lã Vọng nổi tiếng bao đời thành đĩa cá rán chấm mắm tôm, nghĩ thôi đã thấy chẳng còn hứng thú rồi, còn đâu cái văn hóa "thưởng thức" nữa, hóa chẳng ra là ăn no bụng sao?
Tôi chẳng phải kẻ sành ăn nhưng lại may mắn lớn lên bên cạnh những người bà, người cô là người đầu gia đình bếp tuyệt vời. Họ không phải đầu bếp chuyên nghiệp biết nấu hàng trăm món ăn, dẫu vậy mỗi người họ lại biết cách nấu một vài món ăn Hà Nội ngon và đúng hương vị. Nói đến đây lại nhớ đến người cô ruột với món "tủ" là chả cá Lã Vọng, nấu ăn là một chuyện, cách ăn lại là chuyện khác, món ăn được bày ra, ăn thì vẫn cứ ăn thôi nhưng để biết cách ăn sao cho các nguyên liệu được ngon nhất thì phải học. Cái món chả cá Lã Vọng này cũng vậy, trước khi biết cách ăn sao cho đúng thì bản thân cũng chỉ thấy món này cũng bình thường thôi sao mà đắt và nổi tiếng đến thế. Đúng là sai lầm thật.
Khi làm món này cô tôi hay chọn phải chọn cá lăng - loại cá này ăn thì ngon đấy mà giá thì chẳng rẻ tí nào. Cá thái bản dày khoảng nửa phân, mỏng hơn lúc rán sẽ quắt lại hết, ăn chẳng thấy vị. Chuẩn bị sẵn riềng xay nhỏ, phải chọn loại riềng tươi xay thật nhỏ, chứ riềng khô xay không lên được vị. Tẩm cá với thật nhiều riềng xay nhỏ, thìa bột canh, thìa mẻ, và chút nước mắm cho thơm, nếu thích cá có màu vàng đẹp thì cho thêm một thìa bột nghệ, cách tẩm cá chỉ đơn giản thế thôi nhưng không phải ai cũng biết.
Sau đó là lúc giúp cô chuẩn bị những đồ ăn kèm món này, trước tiên là thật nhiều thì là và hành tươi rửa sạch, hành tươi thì chẻ dọc phần củ, sau đó thái đốt dài khoảng 2-3cm. Rồi đến lạc rang thơm trên chảo gang, vẫn còn nhớ mẹ hay dặn rang lạc muốn ngon và chín đều thì phải phân hạt lạc to và lạc nhỏ. Cho những hạt lạc to vào đảo đều trước, một lúc sau mới cho lạc nhỏ vào, đảm bảo lạc chín đều không có hạt sống, hạt lại cháy đen. Rồi đến cái thức chấm không thể thiếu là mắm tôm, ai mà thay mắm tôm bằng nước mắm hay đồ chấm khác thì không gọi là chả cá Lã Vọng nữa rồi. Pha mắm tôm phải có kinh nghiệm nhé, bát con mắm tôm cho thêm một thìa rượu trắng (cho thơm), nửa thìa đường, chút xíu mì chính rồi mới vắt chanh hoặc quất. Để đánh mắm tôm sủi bọt nhìn ngon mắt thì đôi đũa hơi nghiêng góc 60 độ, mẹo cả đó, không có chuyện ngẫu nhiên mà mắm tôm sủi bọt, sau đó mới thêm ớt. Không quên chuẩn bị thêm một đĩa bún rối.
Coi như là xong hết khâu chuẩn bị bắt đầu đến chuyện thưởng thức sao cho thật ngon. Cô luôn chuẩn bị bếp ga nhỏ với chiếc chảo gang, còn ai chơi sang hơn dùng bếp than nướng cũng được. Vẫn cứ thích rán cá trên chảo gang hơn, cho chút mỡ hoặc dầu ăn vào chảo. Bắt đầu xếp từng miếng cá một vào chảo để rán, rồi thêm một nắm hành lá, thì là đã thái sẵn cho vào. Cá chỉ cần xém mặt, thịt cá không còn trong nữa là cá đã chín. Cô chỉ tôi cách ăn cho đúng, trong bát để một ít bún rối, rồi cho miếng cá đã rán chín lên, thêm vài hạt lạc đã rang, hành và thì là được làm chín từ chảo, cuối cùng là thìa nhỏ mắm tôm. Một miếng là phải ăn đủ tất cả vị như vậy mới thấy được cái ngon, cái tinh hoa của món này. Thấy thịt cá ngọt thơm mùi riềng, các nguyên liệu được nối lại với nhau bởi cái vị "đặc trưng" của mắm tôm, có chút bùi ngậy của lạc rang. Thật là hết xảy!
Những ngày cuối tuần chuẩn bị cho gia đình một món ăn của người Việt chúng ta chẳng phải là thích hơn ra hàng quán để ăn đồ ăn nhanh. Vẫn thầm cảm ơn những người như cô để lũ trẻ chúng tôi lớn lên trong khoảng thời gian đổi mới này vẫn luôn được thưởng thức hương vị truyền thống, không chỉ là học cách nấu, cách ăn mà còn học cách lưu truyền!
.Theo Iunauan
Những món khô siêu ngon ở chợ Campuchia giữa lòng Sài Gòn ! Hàng trăm loại đặc sản trong đó nhiều nhất là khô mắm của đất nước chùa tháp được bày bán tại một chợ nhỏ ở quận 10. Nằm sâu trong con hẻm nhỏ trên đường Lê Hồng Phong, quận 10, TP HCM, chợ Campuchia, hay còn gọi là chợ Miên, chợ Cam gồm hàng chục gian hàng lớn nhỏ chuyên kinh doanh sỉ...