Người hay lo lắng dễ mắc Covid-19 hơn những người bình thường?
Theo nhận định của các chuyên gia y tế Australia, những người hay lo lắng cũng dễ mắc Covid-19 hơn những người bình thường.
Dịch Covid-19 đang lây lan nhanh trên khắp thế giới, trong đó những người có sức khỏe yếu, sức đề kháng thấp hay có bệnh lý nền là đối tượng có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao, đồng thời có thể nguy hiểm đến tính mạng. Để đối phó với dịch Covid-19, chuyên gia y tế Australia đã có một số lời khuyên hữu ích để người dân nói chung và nhất là những người nằm trong nhóm nguy cơ cao chủ động tăng cường sức khỏe và ngăn ngừa dịch bệnh.
Giáo sư Marc Pellegrini. Ảnh: Viện nghiên cứu y học Walter Eliza Hall
Theo các chuyên gia y tế của Viện Nghiên cứu y học Walter Eliza Hall, tại Australia, các nhóm đối tượng dễ bị nhiễm Covid-19 bao gồm người già và trẻ nhỏ. Người già có hệ miễn dịch kém trong khi đó hệ miễn dịch của trẻ nhỏ chưa hoàn thiện để có thể ngăn chặn virus xâm nhập. Những người bị suy giảm miễn dịch hoặc sử dụng thuốc ức chế hệ miễn dịch như người bị viêm khớp dạng thấp, bệnh nhân ung thư đang điều trị hóa chất và những người đã ghép tạng cũng là đối tượng dễ mắc Covid-19.
Ngoài ra, những người mắc các bệnh lý nền như bệnh về tim, phổi, tiểu đường hoặc bị nhiễm trùng đồng thời, chẳng hạn như đang mắc cúm cũng dễ nhiễm Covid-19. Đáng chú ý, những người hay lo lắng cũng dễ mắc Covid-19 hơn những người bình thường bởi khi lo lắng hay căng thẳng thần kinh thì nồng độ adrenaline và cortisol trong cơ thể sẽ tăng và ảnh hưởng đến khả năng làm việc của hệ miễn dịch.
Giáo sư Marc Pellegrini, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Viện Nghiên cứu y học Walter Eliza Hall cho biết, con người có thể ngăn ngừa được các bệnh truyền nhiễm là do có hệ miễn dịch đủ sức chống đỡ với các loại virus gây bệnh. Để có được hệ miễn dịch khỏe mạnh, ngăn chặn các loại virus mới và nguy hiểm như Sars-CoV-2 gây bệnh Covid-19 xâm nhập cơ thể thì sử dụng vaccine là phương pháp hiệu quả nhất hiện nay. Tuy vậy, trong khi chưa thể sớm có vaccine ngừa Covid-19 thì việc giữ cho hệ miễn dịch đảm bảo đủ sức khỏe và khả năng chống chọi với dịch bệnh là phương án rất cần thiết vào thời điểm này.
Cũng theo Giáo sư Pellegrini, để tăng cường sức đề kháng cho hệ miễn dịch, điều quan trọng là cần bổ sung dinh dưỡng để cho tim, phổi và thận của mỗi người thật khỏe mạnh. Mọi người có thể sử dụng nhiều loại thực phẩm khác nhau nhưng cần tránh các loại đồ ăn chế biến sẵn và đồ ăn có hàm lượng đường cao.
Video đang HOT
Giáo sư Clare Collin. Ảnh: Viện nghiên cứu y học Hunter
Theo ý kiến của chuyên gia dinh dưỡng thuộc Đại học Newcastle, tại thời điểm dịch bệnh như hiện nay, việc đảm bảo đủ dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể là rất quan trọng. Giáo sư Clare Collins cho rằng không có loại thực phẩm nào có thể giúp tăng cường hệ thống miễn dịch một cách kỳ diệu mà quan trọng là cần đảm bảo vừa đủ các chất dinh dưỡng cần thiết. Cơ thể cần được cung cấp đủ các chất bao gồm các loại Vitamin A-B-C-D-E, sắt, kẽm… Những vi chất dinh dưỡng này đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất các loại tế bào khác nhau cho hệ thống miễn dịch.
Các chuyên gia cho rằng việc uống bổ sungVitamin là không cần thiết, trừ một số trường hợp như bệnh nhân được bác sĩ chẩn đoán thiếu chất dinh dưỡng, hoặc những người ăn kiêng do đang mang thai hoặc được chẩn đoán mắc bệnh có thể ảnh hưởng đến việc hấp thụ các chất dinh dưỡng như xơ nang hoặc rối loạn đường ruột. Giáo sư Collins cũng cho biết, hiện có nhiều người cho rằng Vitamin C có khả năng giúp cơ thể ngăn ngừa Sars-CoV-2, tuy nhiên cho đến nay chưa có bằng chứng thuyết phục nào cho thấy việc bổ sung Vitamin C có tác dụng ngăn ngừa nhiễm trùng hoặc hỗ trợ điều trị nhiễm trùng đường hô hấp.
Đáng chú ý, theo Giáo sư Pellegrini, tập thể dục thường xuyên không những có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch mà còn giúp cho tim và phổi khỏe mạnh. Hiện có rất nhiều cách để tập thể dục tùy vào điều kiện thời gian, không gian và tài chính của mỗi người.
Tuy nhiên, trong mùa dịch bệnh hiện nay, những người bắt đầu lên kế hoạch rèn luyện để nâng cao khả năng sức khỏe thì cần chú ý vấn đề cường độ và thời gian để cơ thể quen dần với các hoạt động mới. Bởi tập thể dục quá sức hoặc đột ngột sẽ khiến cơ thể mất đi một khối lượng năng lượng lớn chuyển đến cho các cơ, trong khi hệ miễn dịch sẽ thiếu hụt năng lượng để duy trì hoạt động. Và đây là thời điểm cơ thể dễ bị nhiễm trùng và mắc các bệnh do virus./.
Hữu Tiến
Không chỉ Covid-19, người dân cần đề phòng các bệnh khi giao mùa
Bên cạnh phòng chống dịch Covid-19, ngành y tế khuyến cáo người dân không nên chủ quan với những bệnh lý khác khi thời tiết giao mùa.
Dịch Covid-19 tại Việt Nam đã bước vào giai đoạn 2, với diễn biến phức tạp, số ca mắc tăng lên từng ngày. Quan tâm hàng đầu của chính quyền và người dân hiện nay là làm sao ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng. Tuy nhiên, bên cạnh việc phòng chống dịch Covid-19, ngành y tế cũng khuyến cáo người dân không nên chủ quan với những bệnh lý khác.
Không chỉ Covid-19, người dân cần đề phòng các bệnh khi giao mùa. (Ảnh minh họa)
Theo bác sĩ Nguyễn Đặng Khiêm, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hữu nghị, bên cạnh việc phòng ngừa dịch Covid-19, người dân cần chú ý thêm về những bệnh lý thường gặp khi thời tiết thay đổi thất thường hiện nay.
Bác sĩ Nguyễn Đặng Khiêm khuyến cáo, hiện là thời điểm giao mùa, do vậy chỉ virus SARS-CoV-2 mà các virus cúm mùa, vi khuẩn viêm phổi cũng có thể phát tác trong thời tiết như thế này.
"Biểu hiện chung của các bệnh đường hô hấp chủ yếu là ho, sốt, có đờm, xổ mũi. Nếu chúng ta không có tiền sử tiếp xúc với những người mắc hay có nguy cơ mắc Covid-19, thì chúng ta có thể tạm thời yên tâm dùng các thuốc điều trị triệu chứng, theo dõi tại nhà. Trường hợp nặng thì chúng ta có thể gọi điện đường dây nóng của Bộ Y tế để tham vấn thêm", Bác sĩ Khiếm khuyến cáo.
Về phòng tránh, vẫn là các biện pháp cơ bản như chống dịch Covid-19, gồm giữ ấm, đeo khẩu trang khi đi ra ngoài, nâng cao thể trạng và sức đề kháng. Bên cạnh đó là giữ môi trường sạch tại nhà, tại nới làm việc.
Với những người có bệnh lý nền, thì đương nhiên khi nhiễm Covid-19 sẽ bị nặng lên. Vì vậy, nhóm bệnh nhân có bệnh nền cần tăng cường phòng bệnh không chỉ với Covid-19 mà với cả các bệnh theo mùa.
Bác sĩ Nguyễn Đặng Khiêm, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hữu nghị.
"Không chỉ người bệnh, mà bất cứ ai cũng cần ăn đủ chất, uống đủ nước, cung cấp đủ vitamin. Tăng cường các biện pháp đó giúp tăng sức đề kháng, nâng cao thể trạng. Một điều nữa tuyệt đối không được quên là chúng ta phải tập trung điều trị bệnh nền theo đúng phác đồ chỉ định của các bác sĩ", bác sĩ Khiêm nhấn mạnh.
Theo thống kê đến sáng 26/3, Việt Nam ghi nhận thêm 14 trường hợp mới mắc Covid-19 trong 24h trước đó, nâng tổng số ca mắc tại 23 tỉnh thành phố trên cả nước lên 148 người. Trong số 14 ca mắc mới, có 10 ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh và 1 ca là thầy thuốc bị lây bệnh từ bệnh nhân đang được điều trị cách ly. 11 ca này không có nguy cơ lây lan ra cộng đồng, trong khi 3 ca còn lại đã có thời gian sống trong cộng đồng.
Trong giai đoạn 1 của diễn biến dịch Covid-19 (tính từ ngày 23/1-13/2), Việt Nam đã chữa khỏi cho toàn bộ 16 bệnh nhân. Giai đoạn 2 (từ 6/3), đã chữa khỏi cho 1 bệnh nhân./.
Bộ Y tế khuyến cáo:
* Người dân không ra đường, nếu không có việc thực sự cần thiết. Những người trên 60 tuổi cần ở nhà toàn bộ thời gian.
* Thông báo cho chính quyền và công an sở tại về những người nhập cảnh vào Việt Nam (kể cả công dân Việt Nam và nước ngoài) từ 8/3/2020 đến nay không thực hiện cách ly.
* Các địa phương chấp hành nghiêm quy định tạm thời dừng hoạt động tại các điểm vui chơi, giải trí; xử phạt nghiêm khắc đối với những trường hợp vi phạm.
Thiên Bình
Ai dễ mắc Covid-19 nhất? Người cao tuổi, người nhiễm HIV, phụ nữ có thai và nhóm người mắc bệnh hen suyễn rất dễ mắc Covid-19. Người cao tuổi Những người tuổi từ 65 trở lên có nguy cơ nhiễm virus corona cao. Theo dữ liệu của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ, ước tính có khoảng 31-70% người trên 85 tuổi...