Nét riêng Quảng Bình trong món bún hến
Bún hến – món ăn quen thuộc của xứ Huế, nhưng ít ai biết rằng bún hến cũng là một món ăn đặc trưng ở Quảng Bình. Bún hến ở đây đậm đà hương vị vùng đất này, làm nức lòng khách gần xa.
Hến tươi là nguyên liệu chính để làm nên món bún hến ở Quảng Bình. Ở khu vực sông Gianh – cách Thành phố Đồng Hới tầm 40 km, được biết đến là nơi có hến tươi ngon nhất, nên đây cũng là địa điểm ngon nhất và thú vị nhất để du khách có thể thưởng thức món bún hến. Bún hến ở đây đậm đà, nước hến rất ngọt, được kết hợp thêm các loại rau ăn kèm, ngoài bạc hà, chuối… Và có một thứ rau làm nên vị rất riêng cho bún hến ở đây là rau thơm mà người Quảng Bình hay gọi là rau húng, nó làm cho vị tô bún hến trở nên rất đặc biệt.
Thủy triều rút, người dân ra giữa sông Gianh để đãi hến
Hãy cùng theo chân chúng tôi, trải nghiệm cách làm một bát bún hến hấp dẫn của người dân đất Quảng và phần nào hiểu được những nét độc đáo trong ẩm thực nơi đây nhé.
Nguyên liệu cần chuẩn bị:
Hến tươi (loại con nhỏ)- 3kg
Bún tươi- 1kgRau sống (hoa chuối, dọc mùng, ngò ta, rau húng, rau quế, xà lách,..Giá đỗ, khế xanh, xoài xanh
Sợi mỳ vàng, đậu phộng, da heo,.
.Ruốc, nước mắm
Ớt tươi, ớt bột, bột ngọt, muối, dầu ăn,..
Cách chế biến bún hến mang đậm hương vị Quảng Bình
Bước 1:
Video đang HOT
Hến tươi rửa sạch, đổ nước xấp xấp hến, nấu cho sôi. Trong quá trình luộc hến không dùng muỗng hay dùng đũa quậy hến vì như vậy hến không mở hết miệng, sẽ rất khó đãi ruột hến. Khi hến sôi được tầm 3 phút thì nhấc nồi xuống và cho đũa vào quậy hến theo chiều kim đồng hồ. Để hến nguội và gạn nước cốt cất sang 1 nồi sạch, cho nước lã vào chỗ hến còn lại đã được chắt sạch nước cốt và bắt đầu đãi.
Cách đãi như sau: Nước lã ngập hến, khi quậy mạnh tay ruột hến nhẹ sẽ nằm trên vỏ hến, vừa quậy vừa nghiêng nồi sao cho ruột hến trôi theo nước, cứ thế cho đến khi đãi hết ruột.
Cách đãi hến nhỏ, vừa quậy vừa nghiêng nồi sao cho ruột hến trôi theo nước
Sau khi đãi xong vớt ruột hến ra để ráo, nước cốt luộc hến lọc bỏ cặn.
Hến đã đãi sạch vỏ
Đập hành củ, tỏi củ và xào ruột hến vừa chín tới (không để quá khô nếu không sẽ làm hến mất vị béo), nêm gia vị cho vừa ăn. Cho thêm chút tiêu, hành lá, hành tây, ớt quả, ớt bột vào trộn đều và cho vào đĩa.
Đập hành củ, tỏi củ và xào ruột hến vừa chín tới, nêm gia vị vừa ăn
Lưu ý: Nếu bạn không quen công đoạn đãi hến này thì có thể chọn mua hến và nước hến từ nguồn tin cậy.
Bước 2 :
Rau sống (gồm những thứ trên) rửa sạch để ráo, hoa chuối thái mỏng rửa sạch để ráo, dọc mùng tước vỏ, rửa sạch thái vát sợi nhỏ. Trộn hỗn hợp rau trên sau khi tất cả đã chế biến sạch và ráo nước.
Giá đỗ rửa sạch chần qua nước sôi để ráo. Khế chua cắt bỏ cạnh thái sợi. Xoài xanh thái sợi, tất cả cho ra đĩa, để riêng từng thứ một.
Bước 3:
Chiên sợi mỳ vàng, đậu phộng, da heo… (tất cả đều phải chiên giòn, chín vừa độ).
Cho chảo và dầu chiên lên bếp. Dầu nóng đến độ thì cho mỳ vàng vào chiên, sao cho dầu ngập sợi mỳ và trở tay đều để mỳ nở đến độ, giữ được màu vàng tươi thì vớt ra để ráo dầu.
Sau khi chiên sợi mỳ vàng xong, dầu chiên đang nóng thì cho đậu phộng vào chiên, vặn nhỏ lửa. Đậu phộng chín tới thì cho vào chảo một chút muối, một ít gấc hoặc bột màu và tắt bếp, sau đó đổ đậu phộng- dầu chiên ra tô.
Da heo chiên như chiên sợi mỳ vàng hoặc có thể mua sẵn nhưng phải đảm bảo loại mới chiên để giòn, thơm và không bị hôi dầu.
Sơ chế các thành phần tô bún hến
Bước 4:
Đánh hỗn hợp gồm: Ruốc (5 thìa), nước mắm (5 thìa), nước ấm (2 thìa), đường, bột ngọt vào bát. Cho nồi lên bếp, phi dầu với ớt bột tạo màu xong thì cho hỗn hợp trên vào nấu sôi và cho ra bát. Nguội thì cho thêm ít ớt tươi cắt lát nhỏ.
Bước 5:
Cho rau sống vào tô, bỏ ít bún lên rau sống, thêm một ít xoài xanh, giá, khế, mỳ vàng, da heo, đậu phộng, hến vào bát. Tưới nước mắm ruốc đã được chế biến ở trên với thìa dầu chiên gấc trong nước chiên lạc. Khi ăn trộn đều và cho thêm gia vị tùy thích.
Nước hến nấu sôi, để sẵn. Thường thì ăn hết tô bún hến sẽ cho nước hến vào tô, thêm chút gia vị và ăn.
Tô bún hến mang hương vị Quảng Bình
Nếu bún hến ở Huế đặc trưng với vị cay đến chảy nước mắt, thì bún hến ở Quảng Bình ít cay hơn, với sự cộng hưởng của các gia vị, nguyên liệu trong bún hến sẽ đưa mùi thơm dâng lên mũi, vị ngọt thấm vào đầu lưỡi, tạo nên một sự hài hòa đặc trưng khác hẳn…
Món ăn này tuy đơn giản nhưng chứa đựng bao kỳ công của những người chế biến. Và nếu có dịp đến Quảng Bình, đừng quên thưởng thức món ăn bình dị này để cảm nhận được sự đặc trưng của mảnh đất gió Lào cát trắng này nhé.
Theo Diemdenvietnam
Đến Quảng Bình ăn gì?
Xin 'mách nhỏ' một số món đặc trưng Quảng Bình, để có dịp đến mảnh đất này du khách hãy tìm và thưởng thức.
Tại thành phố tỉnh lỵ Đồng Hới, không khó để tìm một quán cháo canh (còn gọi bánh canh) bởi các quán này có mặt khắp nơi: từ các đình chợ, dọc các tuyến phố lớn cho đến những khu dân cư nhỏ. Xứ Huế cũng có bánh canh nhưng gần như nó chỉ trùng tên gọi, chứ sợi bột, chất bột, cách chế biến... hoàn toàn khác nhau.
Cháo canh Quảng Bình có sợi bột nhỏ mà dài; nấu với tôm, cua, cá hoặc xương thịt lợn tùy theo nhu cầu của thực khách. Người mới ăn sẽ có cảm giác bột hơi cứng, nhưng ăn dần rồi thấy ngon, không ăn thấy nhớ. Một tô cháo canh ngon phụ thuộc nhiều vào phần nước nên được các đầu bếp chú trọng chế biến nước sao cho ngọt, thơm. Ăn kèm cháo canh còn có ram (nơi khác gọi là nem cuốn) làm từ bánh cuốn với thịt, nấm... sau đó rán lên, rất giòn.
Quảng Bình còn có khoai gieo, thực phẩm đặc trưng làm từ củ khoai lang nấu chín, xắt ra từng miếng mỏng, phơi khô. Ăn khoai gieo như ăn kẹo, càng nhai càng ngọt bùi. Vốn dĩ khoai gieo là lương thực được bà con nông dân làm để dành ăn lúc giêng hai giáp hạt và khi mưa lũ; bây giờ khoai gieo được chế biến với quy mô lớn để bán thương phẩm. Ra chợ Đồng Hới hay các quán hàng, sân bay đều có bày bán.
Đến thành phố biển Đồng Hới, ngoài hải sản thì du khách cũng không nên bỏ qua 2 món ăn vặt thú vị: bánh lọc và bánh bèo. Bánh lọc làm từ tinh bột sắn, có nhân tôm, thịt hoặc đậu xanh nhuyễn. Bánh lọc có 2 loại, lọc trần và lọc lá, khác nhau chỗ được gói bằng lá chuối hoặc để trần. Bánh lọc ăn ngon khi còn nóng, vừa dẻo vừa thơm, ăn một lần nhớ mãi... Còn bánh bèo làm từ bột gạo, bỏ lên từng khuôn nhỏ rồi hấp chín, ăn bánh với tôm băm mịn và nước mắm pha nhạt. Bánh bèo vừa mềm vừa thơm vị gạo mới và không có nhân gì nên rất "dễ ăn".
Khi tham quan các điểm du lịch nổi tiếng ở các huyện thị khác, du khách cũng nên dừng lại nghỉ chân và thưởng thức ẩm thực bản địa như cháo hàu tại TT.Quán Hàu (H.Quảng Ninh). Hàu bắt lên từ những đoạn sông trên địa bàn nên có vị khác hẳn, nấu với gạo búp và nhiều lá hành, nén. Vừa thổi vừa ăn, thơm ngon bổ dưỡng. Đến huyện vùng cao Minh Hóa thì có món cơm bồi làm từ ngô, gạo, sắn. Về huyện lúa Lệ Thủy, nhớ thưởng thức cá đồng các loại như cá lóc, cá rô, cá diếc... Đây là vùng quê chiêm trũng nên cá đặc biệt ngon và sạch. Qua những bàn tay chế biến khéo léo của đầu bếp, sẽ có những món lạ như cá kho xổi (kho vội). Cá vừa đủ độ thấm, đậm đà nhưng không mặn; ăn không cũng được mà ăn với cơm cũng rất ngon.
Còn rất nhiều món ăn hấp dẫn khác, cứ đến ắt bạn sẽ được thỏa mãn khẩu vị của mình.
Theo TN
3 cách làm gỏi gà lạ miệng cho bữa cơm gia đình Hãy cùng nhau tìm hiểu và khám phá top 3 cách làm gỏi gà lạ miệng cho bữa cơm gia đình trong bài viết ngay sau đây. Bạn yêu thích mùi vị của thịt gà? Bạn thích những món ăn ít béo mà thanh mát được làm từ thịt gà trong bữa cơm gia đình? Món gỏi gà sẽ đáp ứng được những...