Hãy bỏ cộng điểm ưu tiên ở các trường đại học danh giá, top đầu
Thí sinh nào muốn được cộng điểm thì phải chấp nhận vào trường xếp hạng thấp; hãy giữ thương hiệu và danh giá cho các trường top đầu bằng cách bỏ điểm ưu tiên.
Câu chuyện nên hay không nên bỏ chính sách cộng điểm ưu tiên vào đại học vẫn sôi sục các mùa tuyển sinh từ nhiều năm nay. Những năm gần đây, khi điểm thi tốt nghiệp trở thành một căn cứ, vấn đề về công bằng càng được đặt ra một cách gay gắt. Bởi đề thi tốt nghiệp là đề thi đại trà, nói thẳng ra là dễ, không cần học lực xuất sắc để đạt điểm tám, chín, thậm chí điểm mười. Kết quả thi giữa thí sinh khá và giỏi không có sự phân hóa rõ rệt, chỉ cần thêm yếu tố may rủi là chuyện học sinh giỏi phải xếp sau các bạn kém mình rất dễ xảy ra.
Và chế độ cộng điểm ưu tiên khiến cho “sai số” này càng lớn. Một thí sinh có thể được ưu tiên đến 2,75 điểm – khoảng cách rất đáng kể về học lực, trong khi chỉ 0,1 điểm thôi đã có thể thay đổi số phận, đường đời một thí sinh. Trong số bạn bè, họ hàng, người quen của tôi, lâu nay không ít người có con học rất tốt, điểm thi cao, nhưng vẫn không vào được trường đại học mong muốn vì phải xếp sau các bạn được cộng điểm. Một chị bạn tôi tâm sự: “ Trượt đại học theo cách này rất oan ức, tôi không biết giải thích thế nào với con về sự công bằng khi các bạn thấp hơn cháu 2 điểm rưỡi vẫn đỗ còn cháu thì trượt. Ở tuổi này, đòi hỏi về sự công bằng rất lớn, vì thế cháu rất khó chấp nhận để vượt qua”.
Video đang HOT
Rất nhiều chuyên gia lên tiếng đề nghị bỏ điểm ưu tiên khi tuyển sinh đại học. Đã đến lúc ngành Giáo dục nghiêm túc xem xét vấn đề này. Nếu vẫn duy trì chính sách đó thì ít nhất cũng phải khống chế mức cộng thật thấp, tối đa 1 điểm, để không làm thay đổi đáng kể chất lượng đầu vào. Ưu tiên mà cộng đến gần 3 điểm thì chẳng khác nào đẩy thí sinh giỏi đi, đón thí sinh kém vào giảng đường.
Và nếu cộng điểm ưu tiên, xin hãy trừ các trường đại học danh giá, top đầu ra. Hãy đảm bảo mọi thí sinh vào được các trường này đều chỉ dựa vào thực lực. Đây là cách để bảo vệ và nâng cao thương hiệu của các trường lớn, vốn là bộ mặt của nền giáo dục Việt Nam, đồng thời giữ cho chất lượng nguồn nhân lực mà họ đào tạo luôn ở đỉnh cao. Đối với thí sinh, khi đã nhận ưu tiên, thiết nghĩ cũng không nên đòi hỏi thứ tốt nhất, đẳng cấp nhất.
Đặc biệt, đối với những ngành có sự đòi hỏi khắt khe về trình độ, chất lượng nhân sự cũng nên bỏ chế độ ưu tiên cộng điểm. Chẳng hạn như ngành Y, ngành liên quan đến sinh mạng con người, việc chấp nhận thí sinh thiếu đến 2,75 điểm so với điểm chuẩn là sự hạ thấp chất lượng y bác sĩ.
Sau một thời gian loại trừ các trường hợp kể trên, ngành Giáo dục Việt Nam nên tiến tới dừng hoàn toàn chính sách ưu tiên cộng điểm trong tuyển sinh đại học.
Muốn đỗ đại học, phải biết "làm toán"
Liên quan tới kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2022, hộp thư bạn đọc Báo Giao thông nhận được nhiều ý kiến của các bậc cha mẹ bày tỏ lo lắng.
Bạn đọc Huỳnh Đông (TP.HCM) viết: "Việc hơn 150 thí sinh đạt tổng điểm 3 môn 27 điểm trở lên không đỗ đại học năm nay khiến gia đình tôi rất lo lắng. Hẳn phải có điều gì đó bất bình thường, chưa hợp lý mới dẫn đến tình trạng này. Thậm chí, hy hữu có em 3 môn 10 điểm cũng trượt đại học. Nghe nói năm nay lại tiếp tục thay đổi cách tuyển sinh. Lo thật lo".
Thí sinh Hà Nội tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021. Ảnh minh họa: Tạ Hải
Bạn đọc Nam Anh (Hà Nội) gửi bình luận: "Đề thi tốt nghiệp năm nay dễ quá hay sao mà quá nhiều điểm 9 - 10. Dẫn đến tình trạng 9 điểm mỗi môn cũng trượt đại học. Theo tôi, đề thi phải phân loại được thí sinh, để 1 - 2 câu khó tìm ra thí sinh xuất sắc là cần thiết. Thi văn nhiều em được điểm tối đa thì tôi không hiểu đề ra kiểu gì. Đề tiếng Anh có em chỉ làm 10 phút đã xong. Rất cần điều chỉnh trong năm tới".
Bạn đọc Hoài Ngân Dương (Hà Nội) chia sẻ: "Tìm hiểu kỹ mới thấy, trong 165 em trên 27 điểm trượt đại học thì có tới 97 em chỉ đăng ký 1 nguyện vọng, nhiều em chỉ đăng ký 2 - 3 nguyện vọng trong khi quyền lựa chọn nguyện vọng không hạn chế. Vì vậy, việc phụ huynh và thí sinh nghiên cứu kỹ, dựa trên năng lực bản thân, yêu cầu của trường, tỷ lệ chọi để chọn trường thi rất quan trọng. Nếu không biết làm "bài toán" này thì học giỏi cũng có thể trượt".
Đồng quan điểm với bạn Dương, một bạn đọc ở Hải Phòng là Ân Tuệ cho rằng: "Đổi mới cách tổ chức thi là tốt nhưng đừng thay đổi cấu trúc đề cũng như nội dung đào tạo quá nhanh. Cả thầy cô và học sinh cần thời gian mới có thể thay đổi được tư duy giảng dạy và cách học. Cách tuyển sinh mỗi năm một khác khiến tất cả mỏi mệt và nhiều em trượt vì lý do rất đáng tiếc. Rất mong ngành giáo dục có giải pháp cho việc thi vào đại học không phải là một cuộc đua "giải toán" siêu khó với phụ huynh và học sinh.
TS Nguyễn Đức Nghĩa: Cần từng bước thay đổi kỳ thi tốt nghiệp THPT Nhìn các vấn đề phát sinh từ điểm chuẩn đại học năm nay, TS Nguyễn Đức Nghĩa cho rằng kỳ thi tốt nghiệp THPT cần được thay đổi dần. Trong đó, đề thi là yếu tố cốt lõi. Là người có kinh nghiệm nhiều năm theo dõi công tác thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên...