“Đưa trường học đến thí sinh”: Có được đổi trường, đổi ngành học nếu không phù hợp?
Chương trình “Đưa trường học đến thí sinh” đã diễn ra tại Trường THPT Vũng Tàu ( TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) từ 7 giờ 30 hôm nay (17-4).
Chương trình được Đài PT-TH Bà Rịa – Vũng Tàu truyền hình trực tiếp và Báo Người Lao Động tường thuật trực tuyến tại nld.com.vn.
Thí sinh đặt câu hỏi tại chương trình
Trong khuôn khổ chương trình “Đưa trường học đến thí sinh” năm 2021 tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Báo Người Lao Động đã tổ chức lồng ghép một số sự kiện như: Chương trình “Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển”, tặng 2.000 lá cờ Tổ quốc (đợt 3) cho ngư dân trong tỉnh; học bổng Báo Người Lao Động trao 30 suất học bổng cho học sinh vượt khó học giỏi.
Sau 70 phút, ban tư vấn chương trình “Đưa trường học đến thí sinh” đã trực tiếp giải đáp cặn kẽ gần 50 câu hỏi của học sinh từ các trường. Nhiều câu hỏi thiết thực liên quan đến ngành học hot trong tương lai cho thấy nhu cầu được tư vấn rất lớn của các em.
Chương trình tiếp theo sẽ diễn ra vào cuối tuần sau tại tỉnh Bình Thuận.
Các thành viên trong ban tổ chức chương trình tại Bà Rịa – Vũng Tàu
* Học sinh Việt Quân, Trường THPT Vũng Tàu, hỏi: Cho em hỏi ngành marketing của trường ĐH chương trình chuyển tiếp như thế nào, có được học ở nước ngoài không?
- ThS Nguyễn Anh Vũ, Trưởng Phòng Tư vấn tuyển sinh và phát triển thương hiệu, Trường ĐH Ngân hàng TP HCM, trả lời: Trường không có ngành marketing nhưng có lồng ghép trong chương trình học, sinh viên có thể học những ngành như digital marketing.
Chương trình liên kết quốc tế hiện nay có 2 giai đoạn học, học bởi thầy cô Trường ĐH Ngân hàng và học từ thầy cô trường ĐH liên kết. Sinh viên có thể lựa chọn chuyển tiếp từ năm thứ 1 và 2. Các trường liên kết ở nước ngoài công nhận tín chỉ tích lũy ở ĐH Ngân hàng nhưng học phí sẽ tính theo học phí của trường sở tại.
Các thí sinh đặt câu hỏi tại chương trình
* Học sinh Trường THPT Trần Nguyên Hãn, hỏi: Em thi tốt nghiệp THPT bằng bài thi tự nhiên thì khi em đăng ký xét tuyển ĐH bằng phương thức học bạ và điểm bài thi đánh giá năng lực, có cần phải theo khối tự nhiên không?
- ThS Phùng Quán, Trưởng Phòng Thông tin và truyền thông, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, trả lời: Các bạn có quyền đăng ký tất cả các phương thức nếu đủ điều kiện.
Mỗi phương thức đều độc lập. Vậy khi lựa chọn bài thi khoa học tự nhiên cho kỳ thi tốt nghiệp thì sẽ xét tuyển ĐH bằng phương thức này với khối thi tự nhiên. Nhưng ở các phương thức khác thì có quyền lựa chọn. Lưu ý, đăng ký nguyện vọng ở tất cả phương thức nên cùng một ngành.
*Học sinh Trần Anh Thi, Trường THPT Trần Nguyên Hãn, hỏi: Trường ĐH Nguyễn Tất Thành có hỗ trợ học bổng không?
- TS Nguyễn Trọng Tuấn, Phó trưởng Khoa Luật, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành: Các em khi vào học sẽ được đưa đi thăm các cơ quan, doanh nghiệp… để giúp các em hình dung công việc trong tương lai.
Mỗi năm trường dành 50 tỉ đồng trao học bổng từ 3-6 triệu, giảm 20% học phí, miễn giảm 100% cho thủ khoa… Ngoài ra còn có học bổng khuyến khích học tập sẽ xét hằng năm.
*Một học sinh hỏi: Em thích học ngành luật nhưng em nghe nói ngành này khó xin việc, xin ban tư vấn giải đáp giúp em?
-TS Nguyễn Trọng Tuấn, Phó trưởng Khoa Luật, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành: Ngành luật có đến 27 vị trí việc làm liên quan, ví dụ: công chức nhà nước, cơ quan tư pháp doanh nghiệp.
Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đào tạo theo hướng ứng dụng, thực hành, định hướng sinh viên ra trường chủ yếu làm việc tại các doanh nghiệp. Đến năm 2025, luật sư ở Việt Nam còn thiếu rất nhiều, các em còn cơ hội lớn trong ngành luật.
Có được đổi ngành học nếu thấy không phù hợp?
* Học sinh Lưu Quốc Anh, Trường THPT Vũng Tàu, hỏi: Khi đậu ĐH và theo học một ngành mà em cảm thấy không phù hợp thì em có được đổi không?
- ThS Phùng Quán, Trưởng Phòng Thông tin và truyền thông, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, trả lời: Học 1 năm thấy không thích hợp thì có sự đổi ngành, đổi trường. Vừa qua Bộ GD-ĐT đã có quy chế đào tạo được đổi ngành và đổi trường với điều kiện: phải được sự đồng ý của nhà trường, điểm thi chuẩn cao hơn ngành muốn vào, chỉ tiêu ngành đó còn hay không.
Về quy chế thì được, còn cụ thể phải phụ thuộc vào các trường. Hiện nay các trường đều cho học ngành song song, nên học đến năm thứ 4 rồi học thêm 1 ngành để được miễn những môn đại cương.
- TS Lê Thị Thanh Mai, Trưởng Ban Công tác sinh viên, ĐHQG TP HCM, bổ sung: Để tránh lựa chọn ngành không phù hợp, các em nên chú ý lúc đăng ký nguyện vọng (NV) theo kỳ thi tốt nghiệp THPT. Dù không giới hạn số lượng nguyện vọng nhưng không phải vì thế mà đăng ký tràn lan, khi trúng tuyển NV 4 và 5 thì hứng thú ngành nghề cũng giảm.
Học sinh sử dụng phương thức này đừng vì mục tiêu trúng tuyển mà phải vì mục tiêu cơ hội việc làm trong tương lai để lựa chọn ngành. Khi trúng tuyển ĐH, không phải là kết thúc, không phải thành công tuyệt vời, đó chỉ là tấm vé để bắt đầu chặng đầu mới. Nếu không tăng tốc ngay từ đầu thì không bắt kịp. Nếu cảm thấy không phù hợp nữa, các em gặp trực tiếp trung tâm công tác sinh viên để có hướng đi tốt nhất.
Hỏi hay, giải đáp cặn kẽ
* Học sinh Nguyễn Tuấn Minh, Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, hỏi: Hai ngành tự động hóa và kỹ thuật ô tô, cơ hội nghề nghiệp ra sao, trường nào đào tạo tốt?
- ThS Trần Thị Huế Chi, Phó trưởng Phòng Đào tạo, Trường ĐH Công nghiệp TP HCM, trả lời: Ngành ô tô là ngành học sinh rất thích, nên sẽ đông học sinh thi. Em nên chuẩn bị kết quả học tập cao.
Phương thức xét tuyển: 4 phương thức. Quá trình học tập: các trường gắn với ứng dụng, từ năm thứ 2 sinh viên được làm thực tế tại xưởng và trung tâm mô phỏng. Khi ra trường, sinh viên dễ có việc làm.
*Học sinh Trường THPT Vũng Tàu hỏi: Ngành quản trị kinh doanh trước rất hot, nay đang bị bão hòa, trong tương lai có những ngành kinh tế nào hot?
- TS Lê Trung Đạo, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính- Marketing, trả lời: Không có nghề nào hot, hot hay không là do mình. Nhu cầu ngành học trong xã hội ngành nào cũng cần, sự phát triển của xã hội có những ngành phát triển, nhưng phải xem mình có phù hợp hay không. Ngành kinh tế chiếm 35% tuyển dụng hằng năm, ngành quản trị thiên về tổ chức doanh nghiệp, rộng hơn thì học về tài chính.
*Học sinh Trường THPT Đinh Tiên Hoàng hỏi: Ngành hàng không của cao đẳng Nova học mấy năm, học phí ra sao, ra trường em làm được nghề nào?
- TS Trần Mạnh Thành, phó Hiệu trưởng thường trực, Trường CĐ Nova, trả lời: Ngành này đang thu hút nhân lực. Đây là loại hình vận tải đánh giá an toàn nhất, nhanh nhất.
Trường có đào tạo những ngành hàng không: kỹ thuật bảo dưỡng cơ khí tàu bay, điện tử tàu bay, kiểm tra an ninh hàng không, quản trị kinh doanh hàng không, dịch vụ kinh doanh hành không.
Những ngành này rất thiếu nhân lực trong những năm tới. Thời gian đào tạo bậc CĐ 2-3 năm, hình thức xét tuyển kết quả tốt nghiệp THPT. Học phí 16,5 triệu đồng cho học kỳ, học 4 học kỳ. Sinh viên điểm thi 24 trở lên sẽ được cấp học bổng toàn năm, toàn khóa.
*Một học sinh Trường THPT Vũng Tàu hỏi: Em nên đăng ký phương thức nào vào ngành marketing của Trường Hùng vương, để dễ đậu vì học lực của em không giỏi lắm?
- ThS Lê Thanh Trung, Phó Giám đốc Tuyển sinh Truyền thông Trường ĐH Hùng Vương TP HCM, trả lời: Trường Hùng Vương là trường ngoài công lập nên mức cạnh tranh thấp hơn trường công. Trường có 3 phương thức tuyển sinh chính: xét học bạ, thi THPT quốc gia, kỳ thi đánh giá năng lực. Mức học phí dao động từ 25 triệu đồng, không tăng trong suốt quá trình học.
*Học sinh Trần Khánh Ly, Trường THPT Vũng Tàu, hỏi: Em muốn học Trường ĐH Ngân hàng ngành quản trị kinh doanh chuyên ngành logistic và chuỗi cung ứng, vậy sẽ cấp bằng như thế nào? Chương trình quốc tế được học ở Việt Nam hay nước ngoài?
- ThS Nguyễn Anh Vũ, Trưởng Phòng Tư vấn tuyển sinh và phát triển thương hiệu, Trường ĐH Ngân hàng TP HCM, trả lời: Hiện nay, khi học các chuyên ngành trong quản trị kinh doanh tại trường, sinh viên sẽ nhận bằng cử nhân quản trị kinh doanh, học phí là 10 triệu/năm.
Đối với chương trình quốc tế do đối tác cấp bằng, sinh viên sẽ nhận bằng quản trị kinh doanh của trường đối tác, học phí 55 triệu đồng/năm, học hoàn toàn bằng tiếng Anh. Có số ngành mới mở, liên kết các khối kinh tế và công nghệ, các em nên tìm hiểu thêm về xu hướng mới.
Thí sinh đặt câu hỏi tại chương trình “Đưa trường học đến thí sinh”
Các chuyên gia tuyển sinh tư vấn trực tiếp
* Một học sinh Trường THPT Lê Hồng Phong hỏi: Hiện nay nhiều trường xét tuyển bằng chứng chỉ quốc tế, vậy có công bằng không với những học sinh không có cơ hội thi chứng chỉ quốc tế?
- ThS Nguyễn Anh Vũ, Trưởng Phòng Tư vấn tuyển sinh và phát triển thương hiệu, Trường ĐH Ngân hàng TP HCM, trả lời: Khi các trường xét tuyển không phải dành tất cả các ngành, chủ yếu là các ngành đào tạo bằng tiếng Anh.
Chỉ tiêu dành cho ưu tiên xét tuyển cũng chỉ ở mức vừa phải. Khi đưa phương thức này kèm chứng chỉ còn có những điều kiện kèm theo. Với các yếu tố đó, những học sinh không có chứng chỉ quốc tế thì vẫn còn cơ hội nhiều. Các trường ĐH xét tuyển bằng phương thức này nên công bố sớm.
Thí sinh đặt câu hỏi tại chương trình “Đưa trường học đến thí sinh”
* Học sinh Trường THPT Đinh Tiên Hoàng hỏi: Ngành hóa học như phân tích, nghiên cứu thì em nên học ngành nào, cơ hội nghề nghiệp ra sao?
- ThS Phùng Quán, Trưởng Phòng Thông tin và Truyền thông, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, trả lời: Có 3 nhóm ngành liên quan: tất cả nền tảng về hóa học (thực phẩm, mỹ phẩm…), kỹ thuật hóa học (quy trình sản xuất), công nghệ kỹ thuật hóa học (đưa ra sản phẩm, phát triển sản phẩm). Có thể đăng ký cả 3 chương trình này ở cả hình thức đào tạo đại trà và chất lượng cao.
* Học sinh Trường THPT Đinh Tiên Hoàng hỏi: Sinh viên Trường ĐH Tài chính- Marketing đi thực tập bao nhiêu lần?
- TS Lê Trung Đạo, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính- Marketing, trả lời: Trường đào tạo theo xu hướng gắn kết giữa lý thuyết và thực hành, sinh viên được tiếp xúc với nhà tuyển dụng nhiều lần trong năm, còn tham quan học tập ở doanh nghiệp. Có 2 lần thực hành nghề nghiệp, 1 lần thực tập tốt nghiệp. Từ năm nhất, hằng tháng đều có đợt tham quan doanh nghiệp, sinh viên phải chủ động đăng ký, có rất nhiều cơ hội để sinh viên trải nghiệp thực tế.
Trao 30 suất học bổng Báo Người Lao Động
Trong khuôn khổ chương trình “Đưa trường học đến thí sinh” năm 2021 tại tỉnh BR-VT, Báo Người Lao Động đã trao 30 suất học bổng cho học sinh vượt khó học giỏi, mỗi suất trị giá 1 triệu đồng.
Bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở GD-ĐT, phát biểu:
Bà Rịa – Vũng Tàu là 1 trong những tỉnh còn nhiều tiềm năng phát triển kinh tế – xã hội. Với thế mạnh là công nghiệp, cảng biển, công nghệ cao, du lịch…, tỉnh rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao.
Các em học sinh đang tham dự chương trình là nguồn nhân lực cao trong tương lai của tỉnh. Chương trình “Đưa trường học đến thí sinh” do Báo Người Lao Động tổ chức là cơ hội để học sinh lớp 12 nắm bắt thông tin về kỳ thi, chọn nghề, chọn ngành…. Trong chương trình này, các em sẽ được tư vấn để chọn được những ngành nghề phù hợp bản thân, phù hợp nhu cầu nhân lực của tỉnh.
Các thí sinh hào hứng theo dõi chương trình
Gần 2.000 thí sinh tham dự chương trình
Các trường chuẩn bị các thông tin tuyển sinh để gửi đến thí sinh
Những thí sinh đến sớm
Ban tư vấn chất lượng
Các thành viên trong ban tư vấn
Ban tư vấn chương trình tại Bà Rịa – Vũng Tàu gồm:
- TS Lê Thị Thanh Mai, Trưởng Ban Công tác Sinh viên – ĐHQG TP HCM;
- TS Lê Trung Đạo, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tài Chính – Marketing;
- TS Lê Xuân Trường, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP HCM;
- ThS Nguyễn Anh Vũ, Trưởng Phòng Tuyển sinh và phát triển thương hiệu Trường ĐH Ngân hàng TP HCM;
- ThS Phùng Quán, Trưởng Phòng Thông tin và Truyền thông, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP HCM;
- ThS Trần Thị Huế Chi, Phó Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP HCM;
- ThS Lê Thanh Trung, Phó Giám đốc Tuyển sinh Truyền thông Trường ĐH Hùng Vương TP HCM;
- TS Nguyễn Trọng Tuấn, Phó trưởng Khoa Luật, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành;
- TS Trần Mạnh Thành, Phó Hiệu trưởng Thường trực, Trường CĐ Nova.
TS Lê Xuân Trường, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP HCM
Các nhà tài trợ
Chương trình “Đưa trường học đến thí sinh” năm 2021 được tài trợ chính bởi Công ty CP Phân bón Bình Điền cùng các nhà tài trợ: Trường CĐ Nova (Nova College), Công ty CP Xe khách Phương Trang (FUTA Bus Lines), Công ty CP Tập đoàn Mặt Trời (Sun Group) và đơn vị đồng hành Trường ĐH Nguyễn Tất Thành.
Thành công của phim 'Bố già' nhờ vào chiến lược nghiên cứu tâm lý xã hội
Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Thạch cho rằng những vấn đề nghiên cứu về tâm lý học có thể áp dụng vào ngành Marketing, giống như sự thành công của phim 'Bố già' đang được cả xã hội quan tâm.
Buổi tư vấn tâm lý trong một trường THCS tại TP.HCM - ĐÀO NGỌC THẠCH
Trong chương trình trực tuyến "Chọn ngành học cho tương lai" với khối ngành khoa học xã hội nhân văn, sư phạm, một học sinh đã gửi câu hỏi đến chương trình: Nếu em không giỏi về mặt xã hội nhân văn thì em có thể học các khối ngành tâm lý học hay không và ra trường việc làm sẽ như thế nào?
Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Thạch, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, chia sẻ về nhóm ngành xã hội nhân văn đang được xã hội quan tâm và nhu cầu tuyển dụng lớn. Trong khối ngành khoa học xã hội chúng ta có những nhóm nghiên cứu về tâm lý, sự phát triển của xã hội cũng như tâm lý con người.
Những vấn đề nghiên cứu tâm lý học này chúng ta có thể áp dụng vào ngành marketing. Bởi những bạn nào hiểu biết về tâm lý xã hội bạn sẽ thành công hơn về vấn đề này. Ngoài ra, đối với marketing, khi bạn tung một sản phẩm ra thị trường bạn phải nghiên cứu nhiều vấn đề chiến lược giá, kinh doanh, nghiên cứu điểm rơi của sản phẩm... tất cả có liên quan đến ngành khoa học xã hội.
Ông Thạch lấy ví dụ điển hình về phim "Bố già" được công chiếu nhiều ngày qua. Ông Thạch cho rằng, phim thành công nhờ vào chiến lược nghiên cứu đưa ra đúng thời điểm khi khán giả đang "khát" và phim xuất hiện như một dòng chảy thì quá thành công.
Học kinh tế, ngân hàng ra trường có thể làm việc được ở đâu? Là một trong những nhóm ngành được nhiều thí sinh quan tâm, lựa chọn. Vậy học khối ngành kinh tế, ngân hàng, luật... ra trường bạn có thể làm việc được ở những nơi nào? Ảnh minh họa Chia sẻ về vấn đề này, thạc sĩ Nguyễn Anh Vũ, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và phát triển thương hiệu Trường ĐH Ngân...