Đi ngoài phân đen có thể là dấu hiệu nguy hiểm, nên đi khám ngay!
Rối loạn tính chất phân có thể do ăn uống hoặc một số loại thuốc. Tuy nhiên, nhiều trường hợp phân đen là dấu hiệu cảnh báo tình trạng đe dọa tính mạng mà nhiều người chủ quan, chỉ nghĩ đơn thuần là rối loạn tiêu hóa.
Phân đen có thể là triệu chứng do khối u và xuất huyết đường tiêu hóa – ẢNH: BVCC
Phân đen, chớ coi thường
Thạc sĩ – bác sĩ Nguyễn Thế Toàn, Phó trưởng Khoa Ngoại, Bệnh viện Gia An 115 (TP.HCM), cho biết trong gần 20 năm làm việc ông đã gặp nhiều trường hợp bệnh nhân bị đe dọa tính mạng mà không hề hay biết, chỉ vì chủ quan nghĩ đại tiện phân đen đơn thuần là rối loạn tiêu hóa.
Thực tế, bác sĩ ghi nhận rất thường gặp những trường hợp đi ngoài phân đen cảnh báo tình trạng xuất huyết tiêu hóa, nhất là ở những bệnh nhân đang có khối u đường tiêu hóa.
Vừa qua, ông B.Q.T (85 tuổi, ngụ Nhà Bè, TP.HCM) nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Gia An 115 trong tình trạng rất mệt.
Bệnh nhân nhập viện sau 4 ngày rối loạn tiêu hóa, mỗi ngày đi đại tiện 4-8 lần, phân đen có lẫn chút máu.
Theo bệnh nhân, tình trạng đi đại tiện nhiều lần trong ngày, trong phân có lẫn ít máu đã xuất hiện hơn 2 tháng trước đó. Tuy nhiên, bệnh nhân và người nhà chỉ nghĩ do ăn không tiêu.
Video đang HOT
Được biết, bệnh nhân bị ung thư đại tràng giai đoạn 3 và được phát hiện khối u từ tháng 7.2019 nhưng không điều trị triệt để do người nhà lo lắng tình trạng tuổi cao và thể trạng yếu.
Tại Bệnh viện Gia An 115, qua thăm khám và các xét nghiệm, bệnh nhân được chẩn đoán xuất huyết tiêu hóa dưới, thiếu máu, khối u đường kính 40×50x80 mm gây hẹp lòng đại tràng, choán chỗ thành đại tràng ngang.
Bệnh nhân được cấp cứu và phục hồi sau phẫu thuật – ẢNH: KHẢI LINH
“Trường hợp này nếu không được xử trí kịp thời, bệnh nhân có thể gặp nhiều nguy cơ như mất máu nặng dẫn đến tử vong, tắc ruột do u đại tràng xâm lấn, suy kiệt nặng, suy dinh dưỡng nặng… Trong khi đó, bệnh nhân đã cao tuổi, có bệnh lý ung thư, thể trạng sức khỏe yếu, các nguy cơ càng nặng nề hơn”, bác sĩ Toàn đánh giá.
Bệnh nhân được truyền máu, dinh dưỡng ổn định, sau đó được phẫu thuật nội soi cắt đoạn đại tràng ngang mang u và nối lại. Sau phẫu thuật, bệnh nhân ổn định sức khỏe và có thể xuất viện.
Khi nào nên đi khám?
Theo bác sĩ Toàn, có nhiều nguyên nhân dẫn đến rối loạn tính chất phân (phân đen, phân lẫn máu, phân có nhày, nhớt, thức ăn chưa tiêu hóa hoàn toàn…). Tình trạng này có thể cảnh báo một số bệnh lý liên quan đến đường tiêu hóa như viêm loét dạ dày – tá tràng, xuất huyết tiêu hóa, ung thư đường tiêu hóa…
“Nếu loại trừ nguyên nhân do thực phẩm, phân đen có thể là triệu chứng của nhiều bệnh, rối loạn khác nhau như do nhiễm trùng, chấn thương, viêm, khối u ác tính… Do đó, người bệnh không nên chủ quan”, bác sĩ Toàn cảnh báo.
Các triệu chứng cảnh báo, bác sĩ khuyên mọi người cần lưu ý để đi khám kịp thời để không rơi vào tình trạng nghiêm trọng, đe dọa tính mạng nếu không được xử trí kịp thời.
Phân đen có thể xuất hiện kèm theo một số triệu chứng khác như: đau bụng, tiêu chảy, đầy hơi hoặc chứng khó tiêu, buồn nôn và ói mửa, vàng da, đau hoặc cảm giác nóng rát trực tràng, giảm cân không chủ ý…
Khi đó, người bệnh nên đi khám để các bác sĩ chẩn đoán và đưa ra phương án điều trị phù hợp.
Đặc biệt, nếu rối loạn tính chất phân kèm theo các triệu chứng như thay đổi tri giác, thay đổi trạng thái tâm thần hoặc thay đổi hành vi đột ngột (mê sảng, hôn mê, ảo giác…), chóng mặt, sốt cao, đau bụng dữ dội, khó thở, thở dốc, tiêu chảy nặng, nôn ói ra máu… thì người bệnh cần đi khám ngay lập tức, tránh nguy hiểm đến tính mạng.
Với những bệnh nhân ung thư đường tiêu hóa, khi xuất hiện triệu chứng phân đen, người bệnh cũng nên đi khám ngay, không nên chần chừ vì triệu chứng này rất có thể cảnh báo xuất huyết tiêu hóa và khối u đã tiến triển, xâm lấn, gây hẹp ống tiêu hóa. Để càng lâu, tình trạng này càng nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh.
Phẫu thuật 2 trong 1 cho bệnh nhân bị nhiễm trùng đường mật
Ngày 13-7, Bệnh viện Gia An 115 thông tin vừa phẫu thuật thành công cho bệnh nhân N.T.H (72 tuổi, ngụ quận Tân Phú) bị nhiễm trùng đường mật do sỏi túi mật và sỏi ống mật chủ.
Bác sĩ Nguyễn Thế Toàn đang tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân
Theo đó, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau vùng thượng vị hạ sườn phải, thỉnh thoảng đau quặn từng cơn, sốt rét run. Bệnh nhân cho biết mình bị đau bụng đã 2 ngày, đi khám ở phòng khám tư và được cho thuốc uống nhưng tình trạng không cải thiện. Ngoài ra, bệnh nhân còn bị tăng huyết áp và Parkinson.
Theo ThS-BS Nguyễn Thế Toàn, Phó Trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Gia An 115, kết quả chụp CT và siêu âm bụng cho thấy bệnh nhân có sỏi ống mật chủ, đường kính 13 mm và sỏi kẹt cơ Oddi, kích thước 7mm-8mm.
Bệnh nhân còn bị nhiễm trùng đường mật, bạch cầu tăng cao, bilirubin tăng gấp hơn 3,5 lần bình thường. Nếu không điều trị kịp thời thì rất dễ dẫn đến sốc nhiễm trùng đường mật, khi đó tỷ lệ tử vong của bệnh nhân sẽ trên 60%.
Ngay lập tức, ekip quyết định thực hiện kết hợp phẫu thuật nội soi cắt túi mật và nội soi mật tụy ngược dòng lấy sỏi ống mật chủ cho bệnh nhân. Sau 1 giờ, ca mổ 2 trong 1 đã diễn ra thành công, kết quả các xét nghiệm ổn định. Bệnh nhân được xuất viện chỉ sau 2 ngày phẫu thuật.
ThS-BS Nguyễn Thế Toàn cho biết, trước đây mổ cắt túi mật và mổ lấy sỏi ống mật chủ thường được tiến hành riêng lẻ hoặc phải mổ mở. Đối với mổ mở, bác sĩ sẽ rạch một đường 15-20cm trên thành bụng người bệnh, tiến hành cắt túi mật rồi mở ống mật chủ ngang hông, lấy sỏi, sau đó đặt vào ống mật chủ một ống dẫn (catheter) để dẫn mật ra ngoài thành bụng.
Bệnh nhân sẽ phải nằm viện tối thiểu 5-7 ngày, ống dẫn chỉ được rút ra sau ít nhất 11-14 ngày. Như vậy, bệnh nhân sẽ đau nhiều, có thể ảnh hưởng đến hô hấp và phải trải qua một cuộc mổ lớn.
Hơn nữa, sỏi đường mật tái phát là điều khó tránh sau vài năm, thậm chí vài tháng; lần mổ sau sẽ càng khó hơn lần mổ trước vì cấu trúc giải phẫu của bệnh nhân đã bị thay đổi, dễ viêm dính do vết sẹo mổ cũ. Mổ mở chỉ thực hiện được tối đa 3-5 lần, sau đó dù sỏi mật tái phát thì cũng không thể mổ nữa.
Nội soi ổ bụng cắt túi mật và mở ống mật chủ lấy sỏi đỡ dính hơn, đỡ tàn phá cơ thể và cấu trúc giải phẫu hơn so với mổ mở nhưng về cơ bản vẫn là mở ống mật chủ ngang hông và phải đặt ống catheter tương tự mổ mở.
Mở ống mật chủ ngang hông sẽ dẫn đến sẹo hẹp, chính sẹo hẹp sẽ gây tái phát sỏi. So với hai phương pháp trên, nội soi cắt túi mật và nội soi mật tụy ngược dòng lấy sỏi mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân hơn cả. Khi mổ ở vùng cơ vòng Oddi kích thước khoảng 0,6-1cm, tất cả sỏi sẽ được lôi xuống đưa vào trong lòng ruột, như vậy hợp sinh lý bình thường của đường mật và tá tràng.
"Sau này, nếu bệnh nhân có tái phát sỏi ở đường mật chính hay ở trong gan thì thực hiện lại kỹ thuật ERCP hoàn toàn bình thường, không ảnh hưởng đến cấu trúc giải phẫu học của bệnh nhân. Nếu thực hiện kỹ thuật này thành công, thời gian nằm viện của bệnh nhân chỉ khoảng 2-3 ngày"- bác sĩ Nguyễn Thế Toàn cho hay.
Đặt stent trong lòng stent cứu bệnh nhân ung thư gan bị bệnh viện 'trả về' Bệnh nhân bị ung thư gan giai đoạn cuối, đã điều trị ở một số bệnh viện và bị "trả về". Không đầu hàng, người nhà tiếp tục tìm nơi điều trị và ông được phẫu thuật đặt stent trong lòng stent để duy trì sự sống. Các bác sĩ phẫu thuật thực hiện kỹ thuật mới, phức tạp là đặt stent trong...