Đấu thầu thuốc tập trung: Lo ngại nhà cung ứng độc quyền
Một số ý kiến lo ngại việc đấu thầu thuốc tập trung sẽ xuất hiện tình trạng “một nhà cung ứng” dẫn đến độc quyền về giá.
Kiểm soát giá thuốc đã được Bộ Y tế thực hiện thông qua đấu thầu tập trung (ĐTTT). Bà Nguyễn Thị Ngọc Bảo (ảnh), Phó giám đốc Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia (TTMSTTTQG), cho biết năm 2017 là năm đầu triển khai, TTMSTTTQG đã thực hiện ĐTTT 5 hoạt chất điều trị ung thư, mỗi hoạt chất 1 hàm lượng. Năm 2018, TTMSTTTQG đã ĐTTT với 22 hoạt chất (thuốc điều trị ung thư và điều hòa miễn dịch), bao gồm tất cả các hàm lượng phổ biến của từng hoạt chất.
Việc đấu thầu được thực hiện trên cơ sở danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành, số lượng từng loại thuốc được TTMSTTTQG tổng hợp từ đề xuất của tất cả các cơ sở y tế trên toàn quốc có nhu cầu sử dụng. Liên quan vấn đề này, bà Ngọc Bảo vừa trả lời phỏng vấn Thanh Niên.
Hiệu quả của ĐTTT được thể hiện thế nào?
Về hiệu quả kinh tế, các gói thầu đều giảm được giá so với giá trúng thầu hiện tại của các cơ sở y tế. Cụ thể: năm 2017 gói thầu mua thuốc biệt dược gốc tiết kiệm được 114,315 tỉ đồng so với giá kế hoạch (tương ứng với 6,9% giá trị gói thầu); gói thầu mua các thuốc generic tiết kiệm được 362,862 tỉ đồng so với giá kế hoạch (tương ứng với 33% giá trị gói thầu).
Trong năm 2018 gói cung cấp thuốc Capecitabin 500 mg nhóm 2: tiết kiệm được 12,741 tỉ đồng so với kế hoạch (tương ứng với 34% giá trị gói thầu); gói cung cấp thuốc kháng vi rút ARV cho các cơ sở điều trị HIV/AIDS từ nguồn bảo hiểm y tế giảm 31,96% so với giá kế hoạch (giảm hơn 44,4 tỉ đồng). Gói thầu mua thuốc biệt dược gốc tiết kiệm 745,134 tỉ đồng tương ứng với 10% so với giá trúng thầu năm 2017 được công bố trên cổng thông tin điện tử của Cục Quản lý dược.
Với gói thầu cung cấp một số thuốc nhóm 3 qua đấu thầu đã tiết kiệm 17,266 tỉ đồng so với giá kế hoạch, tương ứng với giảm 23,46%.
Video đang HOT
ĐTTT dẫn đến thực tế số lượng rất lớn thuốc chỉ do một nhà thầu cung ứng, rất khó đảm bảo về số lượng và gây thiếu thuốc do không cung ứng kịp thời. Ngoài ra, còn có thể tạo ra tình trạng độc quyền giá. Giải pháp cho vấn đề này?
Theo quy định của luật Đấu thầu và các văn bản dưới luật về đấu thầu, đấu thầu thuốc chỉ lựa chọn một nhà thầu trúng thầu đối với mỗi phần của gói thầu, sẽ cung cấp thuốc trong thời gian 2 năm cho các cơ sở y tế trên toàn quốc, điều này dẫn đến một số khó khăn như: sau khi ký thỏa thuận khung với TTMSTTTQG, một nhà thầu phải ký kết một số lượng lớn hợp đồng với các cơ sở y tế trên toàn quốc gây mất nhiều thời gian, công sức cho nhà thầu, khó khăn trong việc đảm bảo thời hạn hoàn thành việc ký kết hợp đồng trước khi cung ứng thuốc cho cơ sở y tế.
Tập trung số lượng lớn thuốc cho một nhà thầu cung ứng khó tránh khỏi thiếu thuốc trong từng thời điểm – ẢNH: NGỌC THẮNG
Trong tương lai, số lượng thuốc cung ứng lớn cho tất cả các cơ sở y tế toàn quốc là rất lớn, mà nếu chỉ có một nhà thầu thì có thể gây nguy cơ thiếu thuốc cung ứng, dù hiện tại đối với các gói thầu đang thực hiện của TTMSTTTQG chưa gặp phải. Thêm vào đó, cũng có ý kiến cho rằng, việc các nhà cung cấp, sản xuất khác không trúng thầu sẽ dẫn đến tình trạng sau một đợt ĐTTT chỉ còn các đơn vị trúng thầu cung ứng hoặc sản xuất mặt hàng thuốc đó, các đơn vị không trúng thầu sẽ không nhập khẩu hoặc sản xuất nên có thể dẫn đến tình trạng độc quyền, các đợt đấu thầu lần sau sẽ mất tính cạnh tranh, nên có thể dễ dẫn đến tăng giá thuốc… Tuy nhiên, cần xem xét đánh giá thêm.
Để tăng cường hiệu quả ĐTTT cấp quốc gia và đàm phán giá, TTMSTTTQG đang đề xuất tổ chức ĐTTT thuốc, vật tư y tế, qua đó lựa chọn danh sách một số nhà thầu đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu để ký kết thỏa thuận khung với TTMSTTTQG theo nguyên tắc: nhà thầu xếp hạng thứ nhất được phép cung ứng 50% số lượng mời thầu; một số nhà thầu xếp hạng kế tiếp được cung ứng từ 10 – 30% số lượng mời thầu nếu thương thảo thành công về giá trúng thầu thấp nhất.
Bệnh viện thiếu thuốc do chỉ có một nhà cung ứng
Liên quan đến công tác ĐTTT, vẫn còn nhiều khó khăn mà các bệnh viện (BV) gặp phải, trong đó, theo phản ánh từ lãnh đạo một số BV, tại các BV tuyến T.Ư hiện đang sử dụng thuốc được cung ứng từ 4 đơn vị đấu thầu: ĐTTT của TTMSTTTQG, ĐTTT của Bảo hiểm xã hội VN, ĐTTT của Sở Y tế nơi BV đóng trên địa bàn và BV tự tổ chức đấu thầu. BV đang gặp một số khó khăn ảnh hưởng đến khám chữa bệnh do hằng năm các BV phải xây dựng rất nhiều kế hoạch lựa chọn nhà thầu gửi các đơn vị ĐTTT; dẫn đến chồng chéo về thời gian và danh mục. BV phải theo dõi nhiều hợp đồng trong cùng thời điểm, các thời điểm kết thúc hợp đồng khác nhau dẫn đến việc điều tiết cũng như theo dõi số lượng thực hiện hợp đồng khó khăn. Đáng lưu ý, thời gian công bố kết quả ĐTTT thường không theo đúng kế hoạch như đã đề ra khiến các BV bị động trong quá trình cung ứng thuốc cho công tác khám chữa bệnh.
Theo Thanh niên
Nguy hiểm khó ngờ từ hạt nở đồ chơi
Vì chạy theo lợi nhuận mà có nhà sản xuất đã cố tình thay đổi thành phần chất có thể gây độc, sau khi nuốt phải, chất này có thể chuyển hoá thành một loại thuốc mê. Khi thấy hoặc nghi ngờ trẻ nuốt phải hạt nở, cha mẹ phải đưa đến cơ sở y tế, bệnh viện.
Hình ảnh hạt nở gây tắc ruột được lấy ra từ bệnh nhi L.T.T.T.
Thời gian gần đây, phòng khám Ngoại khoa của Khoa Điều trị trong ngày - BV Nhi Đồng 1 (TP HCM) tiếp nhận một số trường hợp bệnh nhi nuốt phải hạt nở.
Trong đó, có L.T.T.T (12 tháng tuổi, ở Bình Phước). Theo người nhà, T đang chơi thì đau bụng từng cơn, quấy khóc, nôn ói, bụng chướng và không đi tiêu được.
Các bác sĩ chụp X-quang, siêu âm thì thấy hình ảnh tắc ruột, không thấy dị vật. Khi tiến hành phẫu thuật, bác sĩ phát hiện đoạn ruột phía trên chỗ tắc bị phình rất to, đoạn phía dưới thì xẹp. Phần bị tắc nằm ở cuối ruột non. Dị vật là hạt chất dẻo, hình tròn, đường kính 2,5 cm. Kích thước này vừa đủ bít đường ruột gây ra các triệu chứng trên.
Di vật được xác định là hạt nở.
Bác sĩ Trần An Hải Đăng, Khoa Điều trị trong ngày, cho biết, hạt nở (hạt trương nở) là những hạt nhựa nhỏ li ti, có đường kính khoảng 5mm và có nhiều màu sắc sặc sỡ, dùng làm đồ chơi hoặc thay thế đất để trồng cây. Nhờ có công thức hoá học là một polimer có chứa tinh bột nên kích thước hạt có thể tăng 100-200 lần khi ngâm nước.
ADVERTISEMENT
Tuy nhiên khi trẻ nuốt phải hạt nở rất nhỏ có trong đồ chơi thì có thể gặp nhiều nguy hại.
Đầu tiên là nguy cơ hạt trương nở to trong lòng ruột và lấp đầy lòng ruột khiến cho thức ăn và dịch tiêu hoá không thể đi qua được, thậm chí có thể gây tắc ruột.
Hạt nở vốn là một loại đồ chơi an toàn. Tuy nhiên, vì chạy theo lợi nhuận mà có nhà sản xuất đã cố tình thay đổi thành phần chất có thể gây độc khi nuốt phải là 1,4-butanediol. Sau khi nuốt phải, chất này có thể chuyển hoá thành gamma hydroxybutyrate là một loại thuốc mê.
Với liều lượng thấp, trẻ có thể bị nôn ói, chóng mặt, nhìn mờ. Còn khi nuốt phải lượng nhiều hơn, trẻ có thể bị co giật, lú lẫn hoặc rơi vào hôn mê.
"Chính vì những lý do này, chúng ta cần phải lưu tâm đến những đồ chơi của trẻ đã phù hợp với lứa tuổi hoặc có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và được kiểm định an toàn với trẻ. Những vật nhiều màu sắc sặc sỡ có thể làm trẻ thích thú và nuốt phải như hạt nở cần được để xa tầm tay của trẻ", Bác sĩ Trần An Hải Đăng khuyến cáo. "Khi thấy hoặc nghi ngờ trẻ nuốt phải hạt nở, cha mẹ phải đưa đến cơ sở y tế, bệnh viện để các bác sĩ có thể có kế hoạch theo dõi và can thiệp khi cần thiết".
Theo baophapluat
Không được bỏ qua những triệu chứng này của bệnh tim Bệnh lý tim mạch là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại Việt Nam và trên thế giới. Bạn cần nắm được những triệu chứng cảnh báo sau để kịp thời đến thăm khám và điều trị tại các cơ sở y tế. Bệnh lý tim mạch là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại...