Đặc sản bánh gật gù ở Tiên Yên, Quảng Ninh
Bánh gật gù độc đáo ở chỗ trong lúc nghiền bột người dân thường cho thêm cơm nguội để khi tráng bánh có độ phồng, xốp, dẻo mịn mà các loại bánh cùng loại không so sánh được.
Quảng Ninh nổi tiếng với Vịnh Hạ Long, Yên Tử, đảo Cô Tô và ẩm thực ở đây thường được nhắc nhiều đến chả cá, tôm, cua, hải sản. Nhưng có lẽ món bánh với cái tên gật gù sẽ gây ấn tượng mạnh với bạn nếu có dịp ghé thăm Tiên Yên.
Tiên Yên là một huyện lưu giữ nhiều giá trị văn hóa lâu đời, với những địa danh đẹp, cũng là nơi cư trú dân tộc Dao, Tày, Sán Dìu với những nét cổ kính từ ngôi nhà, con đường thơ mộng bên dòng sông uốn lượn, được ví như phố cổ Hội An (Quảng Nam) xứ Bắc Kỳ. Ở nơi đây còn tạo ra nét đẹp từ ẩm thực, đơn giản nhưng gần gũi và đọng lại bản sắc ẩm thực để khám phá và thưởng lãm cho vãn khách.
Bánh gật gù được làm từ bột gạo có vẻ bề ngoài giống bánh cuốn, bánh phở. Công đoạn tạo ra mẻ bánh khá cầu kỳ: Gạo được ngâm từ tối hôm trước, đến sáng hôm sau vớt ráo mới nghiền thành bột nước. Khá lạ ở chỗ trong lúc nghiền bột người dân thường cho thêm cơm nguội để khi tráng bánh có độ phồng, xốp, dẻo mịn mà các loại bánh cùng loại không so sánh được.
Gạo được nghiền từ những cối xay đá vừa thuần Việt, giữ được nét chân phương của món bánh Gật gù truyền thống, hạt gạo xay nhuyễn, mịn theo cánh tay thoăn thoắt của người làm bánh.
Ngày nay có nhiều nơi sử dụng máy nghiền bột gạo để bớt công đoạn xay cối đá bằng tay, nên bột bánh thiếu vị đậm đà vốn có của bột gạo. Để ăn miếng bánh ngon đúng vị cũng cần sự mày mò và khám phá.
Người xưa truyền lại rằng, trước đây người dân Tiên Yên thường ăn sáng bằng bánh phở, nhưng không thích có nhân, mà thích vị đậm đà từ gạo xứ Tiên Yên, miếng bánh cuộn tròn, dẻo quẹo, gật lên gật xuống khi cầm tay quẹt một chút nước mắm chấm, mọi người tấm tắc khen ngon, ấy thế là bánh gật gù có tên từ đó.
Video đang HOT
Bánh cuộn dài tầm 15 – 20cm, trong trắng, dẻo mịn
Bánh ngon ở chỗ người tráng bánh, phải đong đủ lượng bột bánh không bị đặc quánh, mà cũng không quá loãng. Đổ bột bánh lên khuôn một lớp dày chứ không đổ mỏng như bánh cuốn, không quá dày như bánh đa, tráng đều bánh thành hình tròn, đậy nắp đợi bánh chín.
Đun lửa phải đều tay, không quá nóng bánh sẽ không chín đều, và dễ bị rách miếng bánh, đợi sau khi bánh chín nở phồng lên, dùng que nứa xiên dưới miếng bánh khéo léo đưa bánh lên cao, tiếp tục cho thêm mẻ bánh khác vào. Người làm bánh cuộn đều miếng bánh dẻo quẹo trên miếng lá chuối không bị dính và nhìn ngon mắt hơn.
Nước mắm chấm làm nên đặc sản bánh Gật Gù rất đa dạng tùy theo khẩu vị của người ăn là nước mắm cốt truyền thống, chưng với mỡ gà, hành phi, ớt, hoặc chấm với khâu nhục (thịt ba chỉ hầm).
Ngoài ra người dân ăn bánh gật gù với canh bún, sự giao thoa hương vị giữa bánh và nước. Tạo nên cảm nhận miếng bánh đa dạng hơn. Ở Tiên Yên, người ta thường mua theo cân, thông thường bánh đặt từ 2kg đến 5kg, đây là điểm thú vị, nếu ai nghe lần đầu cũng giật mình: Ăn bánh theo cân, sao ăn nhiều thế, chuyện không có gì lạ, nếu bạn ghé qua Tiên Yên bạn sẽ còn lạ lẫm hơn.
Miếng bánh đậm đà bởi miếng thịt ba chỉ béo ngậy tạo cảm giác thèm ăn hơn
Đi qua con phố Hòa Bình của thị trấn Tiên Yên, bạn sẽ khó tìm ra những biển quảng cáo về món bánh gật gù này, nhưng đây lại là nơi làm ra những chiếc bánh ngon nhất, nức tiếng vùng đất mỏ. Chỉ có người trong vùng, quen làng quen lối mới biết chỗ làm ra bánh ngon.
Miếng bánh giản dị từ trong tâm thức của cuộc sống sinh hoạt vùng quê miền biên, khi người ăn phải thốt lên rằng: bánh gật gù chẳng những ngon, bổ mà còn là thứ thuốc giải cảm. Miếng bánh nóng hổi ăn ngay khi cô làm bánh tráng ra, chấm thêm vị cay của ớt, quyện miếng thịt, ăn vào thấy râm ran, xuýt xoa rất thích hợp cho những ngày mùa đông.
Bánh thường phải đặt, do tính chất bột gạo được ngâm từ tối hôm trước, nếu bạn muốn mua ăn thỏa thích thì phải gọi điện để đặt trước, hoặc may mắn, cô chủ làm bánh vui vẻ nhường bạn một ít bánh ăn cho vui. Về với Quảng Ninh, ngoài bánh gật gù Tiên Yên, bạn đừng quên thưởng thức những đặc sản cũng ngon không kém phần như chả cá Hạ Long, sá sùng Quan Lạn, rượu mơ Yên Tử, lợn Móng Cái…
Theo Congluan
Món phở không bao giờ phục vụ bằng một tô ở Gia Lai
Phở khô Gia Lai có nhiều hương vị khác nhau nhưng luôn được phục vụ bằng hai tô, một để bánh phở, một đựng nước dùng.
Chắc hẳn người Việt Nam nào cũng dễ dàng nhận biết các món phở dù được chế biến theo nhiều kiểu. Tuy nhiên, khi lần đầu thưởng thức phở khô Gia Lai, nhiều thực khách sẽ không khỏi ngạc nhiên và hoài nghi rằng liệu đây có phải là phở.
Xuất hiện hơn 50 năm trước ở Pleiku, phở khô từ một món ăn lạ miệng thu hút người dân địa phương nay trở thành đặc sản nổi tiếng phố núi. Ảnh: Phong Vinh.
Hình thức của phở khô Gia Lai khác với các món phở quen thuộc như phở nước, phở xào, phở chiên hay phở cuốn. Thay vì dùng một tô hoặc một đĩa kèm chén nước chấm, chủ quán dọn ra hai tô riêng: một tô đựng bánh phở, tô còn lại là nước dùng. Vì thế, phở khô Gia Lai còn có tên gọi là phở hai tô.
Tô chứa bánh phở có thêm rau và các loại gia vị. Sợi phở là yếu tố khiến món ăn trở nên độc đáo. Bánh phở cũng làm từ bột gạo nhưng không ướt mềm, dẹt bản to như sợi tươi mà khô cứng, sợi nhỏ, mảnh hơn sợi hủ tiếu. Khi chế biến, người nấu trụng nóng sợi sao cho khi ăn có độ dai và khô nhất định. Sợi cuộn dính vào nhau thành búi khi nhấc lên không bung ra.
Người địa phương chẳng mấy ai biết vì sao loại sợi nhìn giống hủ tiếu được gọi là phở. "Thấy ai cũng kêu vậy thì mình gọi theo, lâu dần chẳng thắc mắc nữa", một người địa phương cho hay. Chủ một quán nổi tiếng trên đường Nguyễn Thái Học cho biết: "Người ta làm sợi phở khô nhỏ, dai và để riêng nước dùng để khắc phục tình trạng sợi tươi hay nở trương ra khi chan nước lâu khiến món mất ngon".
Ăn kèm phở khô Gia Lai thường là gà và bò. Trong đó, thịt gà phải dính da, xé phay đặt bên trên bánh phở, thêm thịt heo ba chỉ băm, tóp mỡ, hành phi và kèm tô nước dùng trong vắt được ninh từ xương gà. Phở khô bò gồm thịt bò tái, bò viên nhưng để thịt riêng trong tô nước dùng thơm mùi thảo quả của phở truyền thống.
Sợi phở khô thậm chí còn nhỏ, mảnh hơn sợi hủ tiếu. Ảnh: Phong Vinh.
Cách ăn phở khô Gia Lai không phải ai cũng biết. Vì khối sợi dính chặt thành cuộn, rất khó để trộn đều các nguyên liệu ngay. Bạn phải dùng muỗng tách nhỏ để sợi bánh phở rời ra. Gia vị không thể thiếu của phở khô là tương được làm từ đậu nành và đường vàng, hoặc xì dầu chứ không ăn cùng nước mắm. Ăn một miếng phở bùi mùi gạo, đậm vị thịt, kèm thìa nước dùng nóng hổi, ngọt vị xương, béo vị hành phi tóp mỡ, thơm mát rau giá, bạn sẽ cảm nhận tròn vị phở hai tô Gia Lai.
Món phở khô hiện bán ở nhiều nơi nhưng các du khách cho rằng không nơi nào chế biến ngon bằng Gia Lai. Tại thành phố Pleiku, bạn có thể dễ dàng tìm nơi bán món này từ sáng tới tối. Một số quán ăn lâu năm nổi tiếng phải kể đến là quán Ngọc Sơn, quán Hồng, quán Tàu Lý, quán Bé Tư... Mỗi suất phở có giá dao động 30.000 - 50.000 đồng tùy lượng nhân thịt.
Theo Vnexpress
"Tam Quảng" có món gì được vinh danh? Đặc sản Việt Nam tiếp tục gọi tên các món ăn trứ danh của 4 tỉnh: Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Ninh. Quảng Ngãi Cá bống sông Trà Đặc sản cá bống sông Trà (Ảnh: Zing) Cá bống sông Trà nổi tiếng khắp vùng bởi thịt chắc, có trứng, béo, ăn kho rất đậm đà, đưa cơm. Cá bông có thể làm nhiều...