Chế độ dinh dưỡng hỗ trợ đẩy lùi các bệnh mạn tính ở người cao tuổi
Ngoài việc cần được kiểm tra sức khỏe định kỳ, người cao tuổi cần một chế độ dinh dưỡng hợp lý để nâng cao sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật và hỗ trợ đẩy lùi các bệnh mạn tính thường gặp.
Điều này càng trở nên quan trọng hơn trong giai đoạn đại dịch COVID-19 đang lây lan và bùng phát mạnh.
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh, Phó Trưởng Tiểu ban điều trị, Việt Nam hiện có khoảng 11,4 triệu người cao tuổi, phần lớn trong số này mắc nhiều bệnh mạn tính như đái tháo đường, cao huyết áp, bệnh mạch vành… Trung bình người Việt Nam trên 60 tuổi có 2,6 bệnh, trên 80 tuổi 6,8 bệnh.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang lan rộng, việc phòng bệnh là vô cùng quan trọng đối với người cao tuổi vì người cao tuổi có sức đề kháng yếu hơn, dễ bị bệnh và khi đã bị bệnh thường mắc nặng hơn, làm quá trình điều trị khó khăn dẫn đến tỷ lệ tử vong tăng cao. PGS.TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.
Duy trì chế độ dinh dưỡng cân bằng và lành mạnh với đa dạng các loại thực phẩm là một trong những biện pháp hữu hiệu nhất để phòng bệnh.
Theo các chuyên gia, để hỗ trợ và điều trị các bệnh mạn tính, người cao tuổi lưu ý một số điểm sau trong chế độ dinh dưỡng.
1. Tăng cường bổ sung rau xanh và trái cây
Một chế độ ăn với nhiều rau xanh có tác dụng phòng ngừa và hỗ trợ điều trị các bệnh mạn tính thường gặp ở người cao tuổi như cao huyết áp, tim mạch, tiểu đường,…
Video đang HOT
Chế độ dinh dưỡng của người cao tuổi cần nhiều rau xanh và trái cây (Ảnh Internet)
Các chất xơ trong rau quả có tác dụng như cái chổi quét hết các chất bổ béo thừa đẩy ra theo phân, giúp cơ thể phòng chống bệnh xơ vữa động mạch. Bên cạnh đó, chất xơ hòa tan cũng có tác dụng làm giảm cholesterol và đường máu, tốt cho người tiểu đường, cao huyết áp.
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, người cao tuổi thường bị loãng xương và thiếu các vitamin, khoáng chất. Vì vậy các chuyên gia dinh dưỡng khuyến nghị, mỗi ngày người cao tuổi nên ăn tối thiểu 300g rau xanh và 100g hoa quả để đảm bảo cung cấp đủ vitamin và khoáng chất cho cơ thể.
2. Bổ sung thực phẩm giàu đạm trong chế độ dinh dưỡng
Khả năng tiêu hóa hấp thụ chất đạm ở người có tuổi rất kém nên dễ xảy ra tình trạng thiếu chất đạm. Vì vậy, người cao tuổi nên ăn thêm các thực phẩm giàu đạm như: đậu, lạc, vừng và cá. Ngoài ra, các thực phẩm này cũng chứa nhiều chất dầu giúp phòng các bệnh về tim mạch.
Trong một tuần, người có tuổi nên ăn 2-3 bữa cá và ăn nhiều các món ăn từ đậu tương như đậu phụ, sữa đậu nành, tào phớ. Đối với cá, các bác sĩ dinh dưỡng khuyên nên ăn cá nhỏ, kho nhừ để ăn được cả xương có thêm canxi đề phòng bệnh xốp xương ở người cao tuổi.
3. Cung cấp đủ nước, đúng cách
Nước giúp cho tiêu hóa tốt hơn và đào thải các chất cặn bã của cơ thể. Vì vậy, theo các chuyên gia người cao tuổi nên uống từ 6-9 cốc (tương đương 1200ml – 1800 ml) mỗi ngày. Cần uống nước sạch, ấm, uống từng ngụm nhỏ và chia đều trong ngày để giữ ẩm cổ họng, không uống nước nhiều trước khi đi ngủ và không uống nước ngọt thay nước lọc. Hạn chế những đồ uống chứa cồn (bia, rượu).
Nước giúp cho tiêu hóa tốt hơn và đào thải các chất cặn bã của cơ thể (Ảnh Internet)
Bên cạnh đó, cũng cần chủ động uống nước không chờ khát mới uống. Người cao tuổi nên uống nước trà xanh tốt cho tim mạch và các loại thức uống có tác dụng an thần như hạt sen, chè ngó sen…
4. Giảm đường, chất béo và hạn chế thực phẩm có nhiều cholesterol
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, người có tuổi cần phải hạn chế ăn một số thực phẩm chứa nhiều cholesterol như: nội tạng động vật, óc…. Nên ăn ít nhất 3 bữa cá/1 tuần, 3 quả trứng/1 tuần và ăn thêm sữa chua để hệ tiêu hóa khỏe mạnh, tăng cường hệ miễn dịch, giảm cholesterol trong máu.
Về chất béo, nên ưu tiên các chất béo từ thực vật. Theo nghiên cứu, dầu thực vật không có cholesterol và ít acid béo bão hòa (dưới 40%) hơn mỡ động vật, tốt cho người cao huyết áp,
Ngoài ra, người cao tuổi cần chú ý giảm cơm trắng, giảm thịt, giảm mỡ và giảm đường trong chế độ ăn hằng ngày. Nên hạn chế ăn các thực phẩm có hàm lượng muối cao như các loại dưa cà muối.
Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), phần lớn bệnh nhân COVID-19 tử vong là người cao tuổi hoặc có sẵn bệnh mạn tính (đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh tim mạch, bệnh hô hấp, ung thư…). Do đó, duy trì chế độ dinh dưỡng tốt để điều trị các bệnh mãn tính, nâng cao thể trạng, tăng cường miễn dịch cho cơ thể là hết sức quan trọng trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng như hiện nay.
Chế độ ăn cho người già
Mùa dịch bệnh, NCT cần có chế độ ăn hợp lý. Dưới đây là những khuyến cáo của TS.BS. Thân hà Ngọc Thể - Trưởng khoa Lão - Chăm sóc giảm nhẹ Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh.
Ảnh minh họa
Uống đủ nước mỗi ngày: Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh, cơ thể con người đủ nước sẽ hỗ trợ hệ bài tiết đào thải các chất cặn bã, giúp cho hệ thống miễn dịch khỏe mạnh và làm việc hiệu quả hơn, đồng nghĩa với việc hệ miễn dịch sẽ sớm phát hiện và tiêu diệt mầm bệnh xâm nhập vào cơ thể. Ngoài nước lọc, NCT có thể uống theo sở thích các loại nước trái cây, sữa, tuy nhiên cần tránh các đồ uống có chất kích thích như cà phê, bia rượu... Cần đảm bảo ăn chín uống sôi, đủ chất, nên uống nước ấm thay vì nước lạnh.
Đặc biệt trong trường hợp bị sốt, cơ thể NCT rất nhạy cảm với việc mất nước, do đó việc bổ sung nước bằng đường uống là vô cùng cần thiết. Song song là việc bổ sung các chất điện giải (có sẵn trong các loại nước bù điện giải như Oresol - thuốc hay sử dụng trong tiêu chảy ...) hoặc bổ sung từ nước trái cây, rau củ.
Ăn các loại thực phẩm giàu đạm: Hệ miễn dịch được xây dựng phần lớn từ chất đạm mà cơ thể không thể tự tổng hợp được. Với NCT nên ưu tiên các loại chất đạm dễ tiêu hóa, có đầy đủ các acid amin thiết yếu, các loại thực phẩm giàu đạm ít chất béo như ức gà, thịt bò, cá hồi, tôm, trứng gà, sữa... Ngoài ra, để kích thích vị giác hơn, NCT có thể bổ sung các loại rau, củ, gia vị vào món ăn. Chẳng hạn, tăng cường sử dụng hành, tỏi, gừng, sả, chanh và các loại rau thơm (bạc hà, kinh giới, tía tô...) trong các bữa ăn hàng ngày vì những thực phẩm này có tính kháng khuẩn cao. Việc chú ý tới khẩu vị, sở thích sẽ giúp NCT ăn ngon miệng, ăn đủ số lượng. Nếu ăn không đủ nên uống thêm các loại sữa bổ sung dinh dưỡng (từ 1 - 2 ly mỗi ngày).
Bổ sung vitamin và khoáng chất: Nguồn vitamin, khoáng chất tốt nhất là từ rau xanh và hoa quả tươi giúp cho hệ thống miễn dịch hoạt động tích cực và hiệu quả tối ưu. Cụ thể, vitamin C giúp tăng cường sức đề kháng, vitamin nhóm B hỗ trợ chuyển hóa chất đường, tổng hợp protein, Vitamin A giúp xây dựng hàng rào phòng thủ, tái tạo, phục hồi niêm mạc đường hô hấp, tiêu hóa, tiết niệu bị tổn thương, vitamin D để chuyển hóa canxi cho các hoạt động của tế bào... Chính vì thế, NCT nên ăn đa dạng thực phẩm, xây dựng khẩu phần hợp lý và lưu ý tăng cường các loại rau xanh, trái cây.
Nếu không có bệnh nền hay lưu ý khác về thức ăn do vấn đề sức khỏe, NCT nên ăn đa dạng nhiều loại thực phẩm, không nên ăn kiêng. Đặc biệt, để tăng đề kháng phòng tránh Covid-19, nên ăn đa dạng các loại thực phẩm, thực phẩm nhiều màu sắc và dinh dưỡng phong phú. Hạn chế các thức ăn dầu mỡ, chiên xào, có vị ngọt. Thực ra, những thực phẩm này cung cấp nhiều năng lượng nhưng gây đầy bụng, khó tiêu, không cung cấp đủ đạm và các vitamin cần thiết cho hệ miễn dịch của cơ thể. Bên cạnh đó, cần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Các loại thịt, cá, trứng phải được nấu chín hoàn toàn. Nên hạn chế thức ăn nhanh, hoặc đi ăn ngoài hàng quán. Lưu ý rửa tay trước và sau khi ăn.
Nguyễn Hoa ghi
14 nội dung kiểm tra sức khỏe người cao tuổi cần làm Cao huyết áp, tiểu đường, cholesterol trong máu cao,... là các vấn đề thường gặp ở người cao tuổi. Để có một sức khoẻ tốt và chăm sóc toàn diện, người cao tuổi nên được thực hiện 14 kiểm tra sức khoẻ sau đây. Các bác sĩ đều khuyên rằng việc kiểm tra sức khoẻ định kỳ hàng năm rất quan trọng, đặc...