“Cây rượu” trên dãy Trường Sơn
Đặc biệt, du khách được mục sở thị cảnh phụ nữ Cơ Tu thoăn thoắt trèo lên cây tavak nhanh như con sóc rừng để mang rượu xuống mời khách nếm thử.
Sơn nữ Bhnướch thị Oom đang lấy tavak trên cây.
Đặc sản mang tên núi rừng
Theo Quốc lộ 14G, lên dốc Kiền hướng về thôn RaVăh, xã Ating (Đông Giang, Quảng Nam), chúng tôi hỏi thăm đường đến nơi trú ngụ của gia đình “lão bà Cơ Tu”- chuyên “cất” loại rượu tavak nổi tiếng của vùng Trường Sơn Đông năm xưa.
Hai bên đường, hoa “phượng núi” nở đỏ thắm núi đồi và đồng bào nơi đây đang rộn ràng mang từng gùi rượu từ rừng về nhà. Một mùi hương men thoang thoảng, kỳ diệu, khiến ong bướm nơi đây cũng ngập ngừng say, bay “chếch choáng”.
Như đoán được ý định chúng tôi, cô Bhnướch thị Oom (45 tuổi), con gái cố già Bnướch Goi (85 tuổi) leo thoăn thoắt lên những cái thang bằng cây lồ ô dẫn lên ngọn cây tavak và tháo các ống lồ ô có rượu đổ vào trong cái chai nhựa. Cô Bhnướch thị Oom mời chúng tôi trèo lên giàn để tham quan cơ sở cất rượu trên cây của mình và nếm thử rượu tavak “tươi”. Rượu màu trắng đục, sủi tăm trong ly, nhìn tựa như rượu sâm banh với vị thơm ngọt, tê tê đầu lưỡi làm chúng tôi lâng lâng, ngây ngất giữa đất trời trên dãyTrường Sơn hoang dã đang độ hè về.
Sơn nữ Bhnướch thị Oom mời người già uống rượu tavak.
Bà cụ Calâu Bếu (85 tuổi, mẹ của Bhnướch thị Oom) cho chúng tôi nếm thử một ít dung dịch tavak (thứ chưa bỏ vỏ chuồn) có vị ngòn ngọt, thơm dìu dịu, phảng phất mùi hương đường thốt nốt. Lão bà cho biết: “Người Cơ Tu gọi rượu này là “buoh tavak”, người Kinh gọi là rượu đoát. Đó là loại rượu lấy chất dịch thơm, ngọt từ buồng trái của cây tavak, cho lên men trực tiếp, uống rất thơm ngon và bổ dưỡng. Rượu có vị ngọt, đắng nhẹ, là loại rượu không thể thiếu trong các lễ hội, ngày Tết của đồng bào Cơ Tu bao đời trên dãy Trường Sơn.
Bí quyết làm nên rượu quý
Các cụ già Cơ Tu nhờ uống rượu Yàng nên được nhiều sức khỏe.
Cô Bhnướch thị Oom cho biết: “Không phải ai cũng có thể làm rượu tavak được. Trước tiên, phải chọn những cụm tavak sống ở gần khe, hố, lựa những cây to, mập mạp để “lấy nước”. Sau khi phát dọn quanh các gốc tavak đã chọn, tuỳ theo cây cao thấp, chúng tôi làm một cái thang bằng cây và dây rừng từ gốc lên đến các buồng trái.
Quy trình sản xuất rượu tavak khá phức tạp và có bí quyết nhà nghề. Thường thường, mỗi cây tavak có bốn, năm buồng, nhưng chỉ chọn buồng có trái lớn cỡ đầu ngón tay cái vì cho nhiều nước và chất lượng tốt nhất. 3 ngày một lần, người ta leo lên gần buồng, dùng dùi cui đẽo bằng cây rừng đập nhẹ xung quanh cuống của buồng trái. Mỗi lần đập khoảng một vài giờ. Sau 4 hoặc 5 lần đập, cắt ngang cuống buồng trái. Sau đó dùng cọng cây môn nước giã giập và bịt ngay đầu mới cắt, bên ngoài bọc bằng lá rừng và buộc lại. Động tác này gọi là “nhử nước”. Tuỳ theo cây, có thể nhử ba hoặc bốn lần mới ra nước, khi thấy mặt vết cắt nhỏ giọt nhanh, đều thì gạt bỏ lớp “chất nhử” và treo một cái can 10 lít để hứng. Có thể dùng ống nhựa, lồ ô, giang … để dẫn nước vào can…”.
Gia đình ông Bnướch Vớt mỗi ngày sản xuất hàng trăm lít rượu tavak để phục vụ các lễ hội, người dân và bán cho khách du lịch.
Chất nước này lúc vừa chảy ra thì hơi trong, thơm và ngọt, hấp dẫn các loại côn trùng như kiến, ong… nên phải đậy kín. Để dung dịch này lên men, người Cơ Tu dùng vỏ cây chuồn (một loại cây chắc, nặng và có vị đắng), đập cho mềm rồi bỏ vào can rượu. Tùy theo khẩu vị mà đưa vỏ cây chuồn vào can nhiều hay ít. Muốn rượu có nồng độ cao hơn, vị đắng, thì cho vỏ chuồn nhiều và ngược lại. Khi rượu đã lên men thì nước có màu trắng đục.
Theo ông Bnướch Vớt cho hay, ông học nghề làm rượu tavak này từ người bố của ông, đó là già Bnướch Goi. Một cây tavak trưởng thành có thể cho từ 10 đến 15 lít rượu mỗi ngày. Cây có thể cho rượu trong 2-3 tháng, với số lượng khoảng 300 lít. Tavak ra hoa, có trái liên tục nên rượu tavak có thể sản xuất quanh năm, nhưng rượu có chất lượng tốt nhất là vào mùa hè.
Đại gia đình bà Calâu Bếu mỗi ngày sản xuất hàng trăm lít rượu tavak để phục vụ các lễ hội và bán cho khách du lịch. “Nhiều “Tây ba lô”, trên đường du khảo Trường Sơn đã thưởng thức no say loại rượu có ga, uống không đau đầu này và đặt cho nó biệt danh “Sâm banh tavak”. Và “ta ba lô” cũng bén mùi, sau khi uống thỏa thuê, sẳn sàng mua với giá 20.000 đồng/lít mang về làm quà cho người thân như một loại đặc sản của người Cơ Tu”, bà Calâu Bếu nói.
Núi rừng Đông Giang (Quảng Nam).
Các già làng Cơ Tu cho biết, rượu tavak là rượu của Yàng (tên gọi của vị chúa tể thần linh – ông Trời, theo cách gọi của người dân tộc thiểu số Tây Nguyên) cho, được tiết ra từ những cây tavak vạm vỡ, vững chắc nhằm chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt, cư dân nơi đây bảo rằng đã uống rượu tavak thì không cần ăn cơm vẫn không thấy đói. Trong mâm cơm cúng Yàng trong các lễ hội nhất thiết phải có dâng cúng rượu tavak nhằm cầu mong Yàng ban cho sức khỏe, ấm no, hạnh phúc.
Những người già Cơ Tu nhờ uống rượu tavak nên nhanh nhẹn, khoẻ mạnh, leo cây như con sóc rừng; các “sơn nữ” Cơ Tu tuy không son phấn nhưng nhờ uống rượu tavak nên có làn da tươi sáng mịn màng, hồng lên bên ánh lửa bập bùng trong những đêm lễ hội.
Theo Kinhtenongthon
Đại sứ Mỹ lần đầu thăm nghĩa trang Trường Sơn
Đại sứ Daniel Kritenbrink trở thành đại sứ Mỹ đầu tiên đi thăm nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn ở tỉnh Quảng Trị trong một sự kiện mang đậm tính biểu tượng giữa lúc quan hệ giữa hai nước cựu thù thời chiến ngày càng được thắt chặt.
Theo voa
"Không có kính, không phải vì xe không có kính" Tuyến đường Trường Sơn huyền thoại, dưới là hố bom chằng chịt, trên là máy bay địch rải bom và chất độc hoá học, những chiếc xe không kính, không đèn, chạy bằng than củi, lái xe hút xăng bằng miệng...vẫn băng băng suốt ngày đêm, chi viện cho tiền tuyến. Theo vtv