Cách chăm sóc làn da mỏng, yếu
Tình trạng da mỏng, yếu xảy ra như một phần của quá trình lão hóa. Bản thân làn da mỏng sẽ không gây ra bất kỳ vấn đề nào nghiêm trọng. Tuy nhiên, tình trạng này khiến da dễ bị tổn thương, ảnh hưởng tới thẩm mỹ…
1. Một số yếu tố khiến da mỏng, yếu
Theo ThS.BS. Nguyễn Ngọc Oanh, Khoa Da liễu, Bệnh viện Bạch Mai, da được cấu tạo bởi 3 lớp, mỗi lớp có một vai trò khác nhau:
- Biểu bì (lớp trên cùng) giúp chống lại những tác nhân xâm nhập từ bên ngoài như virus, vi khuẩn và bụi bẩn, đồng thời duy trì độ ẩm và sắc tố cho làn da của bạn.
- Thân bì (lớp giữa) là lớp dày nhất trong 3 lớp và cũng là nơi tập trung nhiều collagen và elastin giúp hỗ trợ cấu trúc làn da. Các nang lông, mạch máu hay các tuyến mồ hôi, dây thần kinh, tuyến bã nhờn đều nằm ở lớp này.
- Hạ bì (lớp dưới cùng) chứa tất cả các chất béo và mô bên dưới giúp cách nhiệt cũng như bảo vệ các mô bên dưới khỏi các chấn thương.
Tình trạng da mỏng, yếu xảy ra do những thay đổi trên da như một phần của quá trình lão hóa. Lớp biểu bì trở nên khô và mỏng manh hơn khi da mất đi sắc tố và các tế bào ở khu vực này bắt đầu co lại. Các sợi đàn hồi và collagen ở lớp hạ bì bị suy yếu do tác hại của ánh nắng mặt trời, đồng thời chất béo ở lớp dưới da mỏng đi, xẹp xuống và trở nên không đồng đều.
Bản thân làn da mỏng sẽ không gây ra bất kỳ vấn đề nào nghiêm trọng. Tuy nhiên, tình trạng này khiến da dễ bị tổn thương, ảnh hưởng tới thẩm mỹ. Theo đó, ngoài tuổi tác, một số yếu tố sau đây có thể khiến da trở nên mỏng, yếu:
- Ánh sáng mặt trời: Tia UVA và UVB có thể tiêu diệt hoặc làm hỏng các tế bào da. Theo thời gian, việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời có thể làm mỏng da, đặc biệt là khi không áp dụng các biện pháp bảo vệ da đúng cách.
- Uống rượu, hút thuốc lá: Những thói quen, lối sống không lành mạnh làm tăng tốc độ lão hóa da và có thể góp phần làm mỏng da theo thời gian.
- Sử dụng lâu dài một số loại thuốc như thuốc bôi có chứa steroid (thường dùng trong kiểm soát viêm da cơ địa, chàm hoặc các tình trạng viêm da khác) có thể khiến các tế bào trong lớp biểu bì bị teo đi, khiến da nhăn nheo và mất độ đàn hồi, làn da vì thế cũng mỏng và yếu đi.
Video đang HOT
Tình trạng da mỏng yếu khiến da dễ bị tổn thương, ảnh hưởng tới thẩm mỹ.
2. Mẹo chăm sóc làn da mỏng yếu
Để củng cố làn da mỏng yếu tại nhà, có thể áp dụng một số mẹo sau đây:
- Sử dụng retinoids: Retinoids là hoạt chất có nguồn gốc từ vitamin A, có thể làm giảm và ngăn ngừa các dấu hiệu tổn thương da có thể nhìn thấy do tiếp xúc với tia cực tím. Nghiên cứu được công bố vào năm 2018 cho thấy rằng, trong một số trường hợp, retinol có thể giúp bình thường hóa độ dày của da. Tuy nhiên, nó nên được sử dụng cẩn thận và không phù hợp với mọi loại da.
Do đó, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ về loại retinoids phù hợp với tình trạng da của mỗi người. Việc sử dụng retinoids có thể gặp phải một số tác dụng phụ như khô da, mẩn đỏ, bong tróc, ngứa…
- Massage cho da: Massage sẽ kích thích lưu lượng máu, từ đó giúp tái tạo collagen, giúp da dày hơn, cải thiện kết cấu làn da và giảm nếp nhăn. Bạn có thể thực hiện massage nhẹ nhàng bằng đầu ngón tay trong khi tẩy trang, rửa mặt hoặc đắp mặt nạ. Ngoài ra, có thể sử dụng một số công cụ massage như gua sha hoặc máy massage tại nhà.
- Sử dụng kem dưỡng ẩm: Sử dụng kem dưỡng ẩm hoặc dầu dưỡng dịu nhẹ, lành tính là điều không thể thiếu để phục hồi da mỏng nhạy cảm, giúp tái tạo da từ bên trong.
- Không bao giờ quên chống nắng: Thoa kem chống nắng có chỉ số SPF 30 trở lên hàng ngày cho tất cả vùng da không được quần áo che phủ. Đồng thời, sử dụng mũ nón rộng vành, kính râm, quần áo chống nắng để bảo vệ làn da tối ưu. Hạn chế ra ngoài trong khoảng thời gian cao điểm nắng nóng.
- Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh: Hãy áp dụng chế độ ăn uống nhiều trái cây và rau quả, ngũ cốc nguyên hạt và protein. Tăng cường các thực phẩm giàu vitamin E như hạnh nhân, quả bơ… giúp chống lão hóa cho da.
- Uống nhiều nước: Uống 2 lít nước mỗi ngày để duy trì vẻ tươi trẻ, khỏe mạnh của làn da.
Bên cạnh các liệu pháp hỗ trợ tại nhà, tình trạng da mỏng yếu có thể được điều trị bằng các công nghệ hiện đại như lăn kim vi điểm, tiêm filler, laser… Để đảm bảo an toàn và hiệu quả trong điều trị, cần tìm đến các cơ sở uy tín, được Bộ Y tế cấp phép hành nghề. Tốt nhất nên ưu tiên các bệnh viện có chuyên khoa da liễu hoặc thẩm mỹ để tránh rơi vào tình trạng tiền mất tật mang.
Các biện pháp khắc phục quầng thâm mắt
Quầng thâm mắt khiến cho tổng thể gương mặt trông mệt mỏi, thiếu sức sống. Để che đi khuyết điểm này, hãy áp dụng những mẹo đơn giản dưới đây để loại bỏ quầng thâm mắt...
1. Duy trì lối sống lành mạnh
Theo ThS.BS. Nguyễn Ngọc Oanh, Khoa Da liễu, Bệnh viện Bạch Mai, để giảm quầng thâm mắt, trước tiên bạn nên duy trì lối sống lành mạnh, ngủ đủ giấc, vận động thường xuyên. Thay đổi chế độ ăn uống bằng việc tăng cường các thực phẩm giàu collagen và vitamin C. Bạn có thể bổ sung các thực phẩm như quả bơ, ớt chuông, rau lá màu xanh đậm, các loại quả mọng, cá béo, chuối, cam, kiwi... Đây đều là những "siêu thực phẩm" không chỉ tốt cho da mà còn đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe tổng thể.
Ngoài ra, ăn nhiều muối có thể làm mất nước trên da và khiến chất lỏng tích tụ khắp cơ thể, bao gồm cả vùng dưới mắt. Vì vậy, hãy giảm lượng muối ăn trong chế độ ăn hàng ngày.
Uống quá nhiều rượu cũng có thể gây mất nước và tăng phản ứng viêm. Vì vậy, nếu bạn muốn giảm bọng mắt và cải thiện quầng thâm dưới mắt, cắt giảm uống rượu, thuốc lá và các chất kích thích nói chung là điều nên làm.
Tăng cường các thực phẩm giàu vitamin C giúp chống lão hóa, cải thiện quầng thâm mắt.
2. Sử dụng các sản phẩm dưỡng da cho mắt
ThS.BS. Nguyễn Ngọc Oanh cho biết, các thành phần chăm sóc da như peptide, axit hyaluronic, vitamin C, vitamin E... có thể giúp ngăn ngừa và cải thiện quầng thâm, bọng mắt. Peptide và vitamin C hoạt động bằng cách thúc đẩy sản xuất collagen và giảm sự phân hủy collagen để điều trị và ngăn ngừa các dấu hiệu lão hóa.
Thiếu nước có thể làm trầm trọng thêm sự xuất hiện của quầng dưới mắt, nên axit hyaluronic có thể điều trị tình trạng này bằng cách liên kết và giữ nước để giữ cho da đủ nước và tươi trẻ. Khả năng chống oxy hóa của vitamin E giúp ổn định các gốc tự do, có thể đẩy nhanh các dấu hiệu lão hóa, trong khi khả năng chống oxy hóa của caffeine có thể bảo vệ chống lại sự tiếp xúc với tia UV.
Sử dụng các sản phẩm kem dưỡng mắt có thể giúp ngăn ngừa và cải thiện quầng thâm, bọng mắt.
3. Đắp mặt nạ cho vùng da mắt
Đắp mặt nạ dưa chuột có thể cung cấp các dưỡng chất cho vùng da mắt, cải thiện quầng thâm. Trong dưa chuột chứa hàm lượng nước cao giúp hydrat hóa vùng da dưới mắt tốt hơn. Thói quen này cũng có thể thúc đẩy sản xuất collagen dưới da.
Bên cạnh đó, nên kết hợp massage nhẹ nhàng vùng da quanh mắt giúp các mạch máu tại đây lưu thông tốt hơn, nhờ đó giảm quầng thâm mắt.
Đắp mặt nạ dưa chuột có thể cung cấp các dưỡng chất cho vùng da mắt, cải thiện quầng thâm.
4. Sử dụng kem chống nắng và kính râm
Ánh nắng mặt trời là một trong những tác nhân đẩy nhanh làm gia tăng tốc độ lão hóa của da, tăng sinh các sắc tố melanin kéo theo quầng thâm mắt xuất hiện. Bởi vậy, bạn cần đảm bảo thoa đủ kem chống nắng và đeo kính râm bảo vệ để làm chậm quá trình chảy xệ của vùng da quanh mắt. Đây cũng là biện pháp giúp cải thiện quầng thâm dưới mắt.
5. Trang điểm che quầng thâm mắt
Để che quầng thâm mắt, bạn nên dùng thêm kem lót và kem che khuyết điểm. Thoa một lớp kem lót mắt sẽ giúp giảm thâm dưới bọng mắt và dưỡng ẩm cho vùng da mỏng manh này. Sau đó, chấm kem che khuyết điểm lên vùng da dưới mắt, dùng mút trang điểm hoặc cọ mềm để tán đều sản phẩm. Cuối cùng, dùng kem nền hoặc phấn phủ để lớp trang điểm trông tự nhiên nhất.
Khi trang điểm che quầng thâm mắt, bạn nên chọn loại kem che khuyết điểm có kết cấu đặc và có nhiều dưỡng để che đi các rãnh nhăn, tránh tình trạng sản phẩm khi khô đi và đọng lại trên các nếp nhăn dưới mắt.
Kết hợp retinol và vitamin C có tốt cho da không? Retinol và vitamin C là những hoạt chất trong các sản phẩm chăm sóc da, mang lại nhiều công dụng tốt cho da. Tuy nhiên, chuyên gia khuyến cáo không dùng retinol và vitamin C cùng một thời điểm. Vậy cần lưu ý gì khi kết hợp retinol và vitamin C trong chu trình dưỡng da? 1. Sử dụng retinol và vitamin C...