Bệnh nhân Covid-19 nặng tăng mạnh, nơi kín giường, chỗ phải tái lập đơn vị hồi sức
Tại các cơ sở lớn điều trị Covid-19 tại Hà Nội, số ca nặng, nguy kịch gia tăng, có nơi kín giường hồi sức tích cực, có nơi phải tái lập đơn nguyên hồi sức.
Kín giường hồi sức tích cực
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đang điều trị cho hơn 70 bệnh nhân Covid-19. 10 ngày gần đây đơn vị này tiếp nhận lượng bệnh nhân nặng gia tăng rõ rệt.
Riêng tại khoa Hồi sức tích cực – nơi điều trị các ca nặng và nguy kịch nhất, chỉ trong 3 ngày cuối tuần qua tiếp nhận tới 21 bệnh nhân, trong khi trước đó con số chỉ dao động 4-6 ca. Hiện tại, khoa này trong tình trạng gần như kín giường.
Một nửa bệnh nhân nằm điều trị hồi sức phải can thiệp thở máy, số còn lại thở oxy mask, HFNC (thở oxy dòng cao). Ngày nào ở đây cũng có 2-4 ca phải lọc máu liên tục.
Lý giải nguyên nhân bệnh nhân nặng tăng, lãnh đạo Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho rằng hiện các cơ sở điều trị Covid-19 ở bệnh viện tuyến tỉnh có xu hướng đóng cửa. Do đó, các bệnh nhân được chuyển trực tiếp lên bệnh viện này.
Việc gia tăng bệnh nhân Covid-19 phải nhập viện không chỉ diễn ra ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.
Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) một tháng nay cũng ghi nhận gia tăng lượng bệnh nhân Covid-19 khám, nhập viện, tăng nặng. Cao điểm có ngày, phòng khám của viện này tiếp nhận tới 20 ca.
“Không ít ca trong số đó đã mắc hoặc nghi mắc Covid-19 tới 3-4 lần dù họ đã tiêm 2 hoặc 3 mũi vắc xin”, bác sĩ Nguyễn Thu Hường, Phụ trách điều trị bệnh nhân Covid-19 của bệnh viện, cho hay.
Hiện cơ sở này điều trị khoảng 10 ca Covid-19, được chuyển đến từ nhiều cơ sở y tế khác tại Hà Nội. Một số bệnh nhân nặng, SpO2 giảm mạnh, sau khi được đặt ống nội khí quản phải chuyển Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.
Trước tình hình tăng lượng bệnh nhân nặng, trong cuộc họp sáng nay, bác sĩ Hường đã đề xuất tái lập đơn vị hồi sức để chủ động điều trị, giảm tải cho tuyến trên.
Video đang HOT
Một tuần gần đây, Việt Nam ghi nhận khoảng 1.000 ca Covid-19 mới mỗi ngày. Ảnh: Thanh Tùng
Tại Bệnh viện Điều trị Covid-19 Hoàng Mai, số bệnh nhân tăng so với đầu tháng. Hiện cơ sở này thường xuyên có 20-30 bệnh nhân Covid-19 được chuyển đến từ nhiều địa phương, chủ yếu là Hà Nội.
Đa số bệnh nhân “vô tình” phát hiện dương tính SARS-CoV-2 khi đi khám bệnh nền thay vì chủ động vào viện điều trị Covid-19. Trong số này, có không ít người tái nhiễm.
Tới sáng 28/7, có 2 ca đang phải thở máy, một số ca thở oxy. Đặc biệt, hôm 26/7, đơn vị tiếp nhận nam bệnh nhân mới 23 tuổi mắc Covid-19 chưa rõ bệnh lý nền, vào viện trong tình trạng nặng, phải thở máy. Sau một ngày, bệnh nhân ngừng tuần hoàn, phải chuyển lên cơ sở 1 của bệnh viện.
Cần thiết phải tiêm mũi 4 vắc xin, đặc biệt với người có nguy cơ cao
Các bác sĩ cho hay đa số các bệnh nhân phải nhập viện, diễn biến nặng đều là người cao tuổi, mắc các bệnh nền như tim mạch, tiểu đường, ung thư, suy giảm miễn dịch, phổi tắc nghẽn mạn tính… Khi mắc Covid-19, diễn biến bệnh nặng hơn. Một số đã tiêm 2-3 mũi vắc xin.
Bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực Bênh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết do thời gian tiêm mũi 3 vắc xin Covid-19 của bệnh nhân cách đây ít nhất 6 tháng nên hiệu lực vắc xin, nồng độ kháng thể đã xuống thấp. Điều này khiến bệnh nhân dễ tái nhiễm, dễ tăng nặng.
“Tiêm mũi 4 vắc xin Covid-19 rất quan trọng với người có yếu tố nguy cơ cao”, bác sĩ Phúc nhấn mạnh.
Một tuần gần đây, Việt Nam ghi nhận khoảng 1.000 ca Covid-19 mới mỗi ngày, cao điểm ngày 26-27/7 ghi nhận khoảng 1.500 ca. Việc gia tăng bệnh nhân mắc và tăng nặng được nhận định do biến thể phụ BA.4, BA.5 có khả năng lây lan nhanh hơn các biến thể trước đó.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho hay, theo báo cáo của Viện Pasteur TP.HCM trong 2 tuần nay, qua giám sát trọng điểm phát hiện 70% trường hợp mắc biến thể phụ BA.4, BA.5.
Hiện tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm mũi 3-4 vắc xin lần lượt là 72% và 50%. Một số tỉnh có tỷ lệ tiêm mũi 4 dưới 25%. Tổ chức Y tế Thế giới khẳng định tiêm vắc xin, đặc biệt là tiêm mũi 3-4 và tiêm cho trẻ em là biện pháp phòng chống BA.4 và BA.5 hay các biến thể mới.
Theo Hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế, đối với người từ 18 tuổi trở lên, tiêm mũi 3 sau mũi 2 thời gian 3 tháng; tiêm mũi 4 sau mũi 3 thời gian 4 tháng; người đã mắc Covid-19 thì tiêm ngay sau khi khỏi bệnh.
Biến chủng BA.5 sẽ làm COVID-19 lây lan nhanh hơn?
Chủng phụ BA.5 thuộc biến chủng Omicron vừa ghi nhận xuất hiện tại Việt Nam, mang "đặc sản" của Omicron là lây lan nhanh, tuy nhiên số nhập viện và tử vong ít hơn nhiều so với nhóm nhiễm biến chủng Delta.
Bệnh viện điều trị COVID-19 ở Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN
Đây là nhận định của PGS Đỗ Văn Dũng, trưởng khoa y tế công cộng, Trường đại học Y dược TP.HCM, về biến chủng phụ BA.5 vừa xâm nhập vào Việt Nam.
BA.5 có thể tạo thành làn sóng dịch mới?
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, PGS Đỗ Văn Dũng cho biết BA.5 có thể nhiễm ở người đã từng nhiễm các biến chủng Omicron trước đó, vì vậy vẫn có thể gây tăng số ca bệnh ở các quốc gia hay cộng đồng đã trải qua bùng phát dịch do BA.1 hay BA.2.
Các nhà khoa học ước lượng rằng khi có sự xâm nhập của biến chủng phụ BA.5, nó sẽ gây nhiễm cho khoảng 5% - 30% dân số tùy theo tỉ lệ tiêm vắc xin COVID-19. Hiện Việt Nam có tỉ lệ tiêm vắc xin cao nên ước lượng tỉ lệ nhiễm biến chủng phụ này sẽ thấp hơn 5%.
"Như vậy, BA.5 xuất hiện ở Việt Nam sẽ làm tăng số ca mắc và sẽ tạo ra làn sóng dịch (nhưng chưa phải là bùng phát dịch), làn sóng dịch này nhỏ hơn so với làn sóng dịch trước đây" - PGS Dũng nhận định.
Về số ca nhiễm có dấu hiệu tăng ở một số tỉnh thành những ngày gần đây có liên quan đến BA.5 hay không, PGS Dũng cho biết hiện nay còn chưa rõ vì ở Việt Nam chưa giải trình tự tất cả các trường hợp nhiễm COVID-19 mới.
Tuy nhiên, có nhiều khả năng là BA.5 đã xuất hiện và chiếm phần lớn các trường hợp trong các ca COVID-19 mới phát hiện. Vì ngay cả nhiều quốc gia phát triển người ta vẫn ghi nhận nhầm BA.5 là BA.2 nên việc phát hiện chậm trễ BA.5 là hoàn toàn có thể.
Ông Phan Trọng Lân, cục trưởng Cục Y tế dự phòng, thông tin thêm một số nghiên cứu, đánh giá nhỏ cho thấy biến chủng phụ BA.4, BA.5 lây lan nhanh hơn biến chủng phụ cũ cùng liên quan đến Omicron (BA.2, BA.1), song chưa có bằng chứng về tỉ lệ trở nặng ở biến chủng mới.
"Bộ Y tế tiếp tục theo dõi biến chủng mới và thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ đó điều chỉnh và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Hiện chúng ta vẫn áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch để thích nghi với tình hình mới", ông Lân cho hay.
Vắc xin phòng COVID-19 có hiệu quả với biến chủng phụ BA.5?
Với việc biến chủng mới xâm nhập vào Việt Nam, nhiều người đặt ra câu hỏi liệu vắc xin phòng COVID-19 hiện nay có hiệu quả như thế nào?
PGS Dũng cho biết: "Cũng tương tự như các biến chủng phụ Omicron trước, BA.5 có khả năng né tránh vắc xin một phần. Nhưng vắc xin vẫn giữ được hiệu quả giảm diễn tiến nặng và tử vong đối với BA.5.
Vì vậy người dân cần đi tiêm chủng khi có chỉ định tiêm chủng. Người cao tuổi hoặc người có bệnh nền cần tiêm mũi 4 (mũi nhắc lại lần 2) khi đã qua 4 tháng kể từ lúc tiêm mũi 3".
Theo PGS Dũng, hiện nhiều người có suy nghĩ là nếu đã nhiễm Omicron rồi thì sẽ có miễn dịch tốt hơn nên không cần tiêm mũi 4. Điều này là không đúng vì các nghiên cứu cho thấy nếu nhiễm Omicronn BA.1 và chưa tiêm chủng thì lượng kháng thể trung hòa tạo ra rất kém.
Nếu đã nhiễm Omicron BA.1 sau khi đã tiêm chủng thì kháng thể sẽ bảo vệ chống lại biến chủng Delta và Omicron BA.1, nhưng kháng thể đã có không bảo vệ với Omicron BA.4 và BA.5. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của tiêm các mũi nhắc lại của vắc xin COVID-19 để đối phó với làn sóng dịch này do BA.5.
"Người dân cần cảnh giác nhưng không nên quá lo lắng với biến chủng phụ này. Và nhớ rằng BA.5 không phải là biến chủng cuối cùng, vì vậy người dân cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch phù hợp với hoàn cảnh và sinh hoạt, cũng như tiêm chủng vắc xin theo lịch tiêm được ngành y tế khuyến cáo", PGS Dũng nhấn mạnh.
Theo TS Vương Ánh Dương, phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), các bằng chứng khoa học cho đến hiện nay đã chỉ ra rằng hiệu quả bảo vệ của vắc xin để phòng mắc COVID-19 là trên 50%.
Ông Dương dẫn chứng: "Nghiên cứu gần đây do tạp chí y khoa hàng đầu thế giới NEJM công bố cho thấy hiệu quả bảo vệ sau tiêm mũi thứ 4 có thể ghi nhận ở cả 5 cấp độ của bệnh. Cụ thể, hiệu quả bảo vệ khỏi mắc COVID-19 là 52%; hiệu quả bảo vệ khỏi mắc ở thể nhẹ có triệu chứng là 61%; hiệu quả bảo vệ khỏi nguy cơ nhập viện do mắc COVID-19 là 72%; hiệu quả bảo vệ khỏi mắc COVID-19 ở thể nặng, nguy kịch là 64%; hiệu quả bảo vệ khỏi nguy cơ tử vong do mắc COVID-19 là 76%.
Vắc xin vẫn là lá chắn bảo vệ để phòng, chống dịch COVID-19 lây lan trong cộng đồng, người dân cần tiêm phòng vắc xin đầy đủ theo khuyến cáo của Bộ Y tế", ông Dương nhấn mạnh.
Toa "thuốc thần" thuyết phục cô gái trẻ mắc Covid-19 hợp tác điều trị F0 là nữ bệnh nhân bị thiểu năng trí tuệ, không chịu cho bác sĩ lấy máu, truyền thuốc. Để thuyết phục người bệnh, bác sĩ phải dùng "chiêu" dỗ dành: "Đây là thuốc thần, tiêm vào có thể trở nên xinh đẹp, thông minh...". Ca bệnh đặc biệt ở bệnh viện điều trị Covid-19 của Hà Nội Bệnh viện Thanh Nhàn là...