Ăn dứa có làm thơm “vùng kín”? Lý giải của bác sĩ và cách giúp thơm tho mỗi ngày
Thông tin ăn dứa giúp “vùng kín” thơm tho hơn là không có căn cứ khoa học. Muốn “vùng kín” thơm tho, cách duy nhất là vệ sinh sạch sẽ.
Ăn dứa làm cho “vùng kín” thơm hơn chỉ là kinh nghiệm truyền tai
Thời gian gần đây, trên nhiều diễn đàn mạng xã hội chia sẻ thông tin về việc, chị em khi ăn dứa (quả dứa chín) không chỉ rất tốt cho cơ thể, mà mùi của dứa còn giúp làm thơm “vùng kín”.
Ths.BS Tạ Việt Cường, Phó giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cơ sở 2, cho biết, thông tin ăn dứa làm thơm “vùng kín” chỉ là kinh nghiệm truyền tai của chị em, đến nay chưa có bất cứ một nghiên cứu khoa học nào chứng minh điều này là đúng.
Bác sĩ Cường cũng cho biết, “vùng kín” của chị em là vùng nhạy cảm, dễ bị vi khuẩn xâm nhập và gây viêm nhiễm nên muốn vùng kín thơm tho, trước hết cần phải vệ sinh sạch sẽ.
“Vệ sinh “vùng kín” đúng cách, sạch sẽ là yếu tố quyết định để tránh sự xâm nhập của vi khuẩn, cũng như luôn giữ cho khu vực này thơm tho, đặc biệt là trong chu kỳ kinh nguyệt”, bác sĩ Cường cho hay.
Chưa có nghiên cứu chứng minh ăn dứa giúp vùng kín chị em thơm hơn. (Ảnh minh họa)
Cách vệ sinh “vùng kín” đúng cách, an toàn
Để bảo vệ “vùng kín”, bác sĩ Cường khuyến cáo chị em có thể vệ sinh khu vực này ít nhất 2 lần/ngày hoặc sau khi đi vệ sinh bằng nước sạch, không dùng xà phòng. Nếu muốn, có thể dùng dung dịch vệ sinh có độ cân bằng pH phù hợp để rửa “vùng kín”, tuy nhiên chỉ rửa bên ngoài, không ngâm lâu trong chậu hay thụt rửa.
Vấn đề tiếp theo là chị em phải luôn giữ “vùng kín” khô ráo. Trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, nếu thấy “vùng kín” ẩm ướt, cần thay ngay quần lót và không nên mặc quần chật, quần lót sau khi thay nên giặt ngay và phơi dưới ánh nắng mặt trời.
Đặc biệt, chị em lưu ý giữ vệ sinh vào những thời điểm như kỳ kinh nguyệt, sau sinh nở hay nạo phá thai. Trong kỳ kinh nguyệt, sau tối đa 4-6 tiếng phải thay băng vệ sinh một lần. Với tam-pon, loại băng vệ sinh đặt trong âm đạo nên thay sau 2 giờ/lần. Tam-pon chỉ nên sử dụng trong những ngày hành kinh đầu tiên.
Video đang HOT
Không được để lâu hơn thời gian quy định của mỗi loại vì băng vệ sinh khi đã quá ẩm ướt sẽ là môi trường cho vi khuẩn sinh sôi, khả năng gây viêm nhiễm rất cao. Mỗi lần thay rửa cần lau khô “vùng kín”.
Đối với việc quan hệ tình dục, nên thủy chung quan hệ một vợ, một chồng và sử dụng bao cao su cũng là biện pháp bảo vệ phụ nữ trước nhiều bệnh lây nhiễm qua đường tình dục.
Bất cứ khi nào thấy có vấn đề về “vùng kín”, như ra dịch máu bất thường, có dịch mùi hôi khó chịu…chị em cần đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám, tư vấn kịp thời. Tuyệt đối không tự ý điều trị.
Muốn vùng kín thơm tho, sạch sẽ hãy vệ sinh đúng cách hàng ngày. (Ảnh minh họa)
Lưu ý khi ăn dứa để an toàn
Cũng liên quan đến vấn đề này, thạc sĩ, lương y đa khoa Vũ Quốc Trung (Hà Nội) cho biết, thông tin ăn dứa làm vùng kín thơm tho hơn, lương y Trung cho rằng điều đó còn tiềm ẩn những rủi ro không đáng có. Theo đó, có những người phải hạn chế ăn dứa, nhưng khi đọc được thông tin trên vì muốn vùng kín “tỏa hương”, họ ăn nhiều hơn và gây tác dụng phụ.
Theo đó, trong dứa có chứa enzyme và terpenoid, hai thành phần này sẽ phân hủy protein, kích thích môi và niêm mạc miệng, tiêu thụ trực tiếp sẽ khiến người ta cảm thấy môi bị rát và tê.
Để giảm cảm giác khó chịu này sau khi ăn dứa, cách tốt nhất là bạn nên ngâm dứa trong nước muối trước khi ăn, nước muối có thể phá hủy hiệu quả sự nhạy cảm của bromelain trong dứa, giảm tưa lưỡi hoặc rát miệng sau khi ăn.
Tuy nhiên, nồng độ nước muối để ngâm dứa không nên quá cao, nếu không sẽ ảnh hưởng đến các chất dinh dưỡng trong dứa. Ngoài ra, những người mắc bệnh loét, bệnh thận và rối loạn đông máu thì không nên ăn dứa.
Nguy hiểm khi vệ sinh "cô bé" sai cách
Về cơ bản, âm đạo (đường ống bên trong dẫn đến cổ tử cung) có thể tự làm sạch mà không cần rửa.
Nhưng âm hộ (bộ phận bên ngoài của cơ quan sinh dục) và vùng xung quanh hậu môn lại cần vệ sinh đúng cách để phòng tránh viêm nhiễm, lây lan sâu vào trong âm đạo. Việc vệ sinh vùng kín tưởng đơn giản và nhiều chị em áp dụng biện pháp tưởng như là sạch nhất, nhưng lại không đúng có thể dẫn tới viêm nhiễm...
Cách vệ sinh tưởng sạch mà sai
Ngâm rửa vùng kín liên tục
Nhiều chị em có thói quen rửa vùng âm đạo liên tục vì cho rằng như thế là sạch. Tuy nhiên, chính việc vệ sinh quá thường xuyên cùng với sử dụng dung dịch sát khuẩn khiến cho niêm mạc âm đạo bị khô, không tiết dịch, gây đau khi quan hệ tình dục.
Bộ phận sinh dục rất nhạy cảm và có thể tự cân bằng vi khuẩn, nếu rửa liên tục bằng xà phòng hoặc dung dịch vệ sinh sẽ làm mất cân bằng vi khuẩn có thể gây viêm nhiễm.
Không ít chị em thấy bộ phận sinh dục bị ngứa, khí hư ra nhiều... đã chủ động mua các sản phẩm vệ sinh phụ nữ hoặc pha nước muối loãng, đun nước trà xanh... về ngâm rửa.
Đây là việc làm chưa được chứng minh là có lợi, trong khi ngâm trong chậu như vậy thì có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn có sẵn ở hậu môn xâm nhập vùng kín dẫn đến viêm nhiễm.
Vệ sinh không đúng cách có thể gây thêm bệnh.
Vì vậy, khi thấy ra khí hư bất thường, ngứa, khó chịu, chị em nên đi khám để được tư vấn vệ sinh hoặc dùng thuốc đúng cách.
Dùng vòi sen thụt rửa sâu bên trong âm đạo
Thực tế, bên trong vùng kín không chỉ có những vi khuẩn có hại mà còn có hệ thống các lợi khuẩn giúp cân bằng độ pH và ngăn chặn vi khuẩn bên ngoài xâm nhập vào âm đạo.
Thụt rửa quá sâu vào âm đạo sẽ đồng thời tiêu diệt vi khuẩn và cả lợi khuẩn, làm mất môi trường pH cân bằng bên trong. Khi mất các lợi khuẩn, vi khuẩn xấu có nhiều cơ hội để vượt qua âm đạo, làm tăng nguy cơ nhiễm nấm men và các vấn đề nhiễm khuẩn âm đạo khác. Ngoài ra, khi dùng vòi xối thẳng nước vào vùng kín, vô tình đẩy ngược vi khuẩn bên ngoài vào bên trong âm đạo, vào tử cung, gây viêm nhiễm...
Dùng khăn lau, giấy vệ sinh sai cách
Nếu bạn dùng khăn sạch riêng để thấm khô vùng âm đạo sau khi tắm, vệ sinh là rất đúng. Nhưng nếu khăn này không được giặt và phơi khô ngoài nắng thường xuyên thì lại sai cách. Nhiều người cho rằng, khi mới tắm/vệ sinh vùng kín xong là sạch sẽ, nên khăn lau không cần thiết phải giặt và phơi khô thường xuyên mà treo trong nhà vệ sinh, thậm chí cả tuần mới giặt. Chính điều kiện ẩm ướt như vậy là môi trường vi khuẩn, nấm phát triển mạnh.
Khi dùng giấy khô để vệ sinh, cần chú ý lau từ trước ra sau, tránh lau ngược lại, nếu không sẽ vô tình đưa vi khuẩn từ vùng hậu môn lên phía trên.
Dùng xà bông, sữa tắm
Không nên dùng xà bông để rửa vùng kín thường xuyên vì xà bông có tính chất tẩy rửa mạnh, sẽ khiến cho âm đạo bị mất đi độ ẩm cân bằng. Đồng thời, tiêu diệt cả những loại vi khuẩn có lợi trong môi trường này và tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, cũng như các bệnh liên quan đến tình dục phát triển.
Nên dùng dung dịch vệ sinh chuyên dùng cho "vùng kín".
Với sữa tắm, thông thường có độ pH trong khoảng 8, trong khi môi trường bên trong âm đạo có độ pH khoảng 3,8 đến 4,5. Vì vậy, sử dụng sữa tắm để rửa âm đạo có thể gây mất cân bằng lợi khuẩn và độ pH ở vùng kín, dẫn đến ngứa, kích ứng và gây mùi hôi.
Bộ phận sinh dục rất nhạy cảm và có thể tự cân bằng vi khuẩn, nếu rửa liên tục bằng xà phòng hoặc dung dịch vệ sinh sẽ làm mất cân bằng vi khuẩn có thể gây viêm nhiễm.
Cách vệ sinh đúng
Như đã đề cập ở trên, việc vệ sinh bên trong vùng kín là không an toàn mà chỉ cần thường xuyên vệ sinh khu vực bên ngoài của vùng kín. Nên rửa nhẹ nhàng bên ngoài bằng nước sạch hoặc xà phòng không mùi hoặc dung dịch vệ sinh chuyên dùng cho vùng kín, vì những sản phẩm này thường không có nồng độ pH cao hoặc mùi hương gây kích ứng (nếu phát hiện bất cứ dấu hiệu ngứa hoặc kích ứng nào, cần phải thay đổi dung dịch vệ sinh phù hợp hơn với mình).
Chỉ nên rửa vùng kín bằng xà phòng/dung dịch vệ sinh mỗi ngày một lần, không nên rửa nhiều lần. Nếu không vệ sinh mỗi ngày thì vùng kín sẽ bị ảnh hưởng bởi do sự tích tụ của mồ hôi và chất bài tiết, dẫn đến nhiễm trùng, nhưng nếu vệ sinh bằng dung dịch vệ sinh nhiều hơn một lần một ngày, có thể phá vỡ sự cân bằng của vi khuẩn dẫn đến viêm nhiễm.
Cách vệ sinh đúng là sau khi xoa xà phòng toàn bộ vùng kín (chú ý không để xà phòng/dung dịch lọt sâu vào âm đạo), phải rửa lại bằng nước thật sạch để tránh khô hoặc kích ứng vùng da nhạy cảm xung quanh bộ phận sinh dục. Sau khi vệ sinh xong, cần lau khô bằng khăn mềm sạch được giặt và phơi khô ngoài nắng thường xuyên.
Vào những ngày đang có kinh nguyệt, có thể rửa nhiều lần nhưng lưu ý chỉ dùng nước sạch, không lạm dụng xà phòng hoặc dung dịch vệ sinh. Tiếp đó cần rửa vùng đáy chậu (vùng giữa bộ phận sinh dục và hậu môn), sau đó rửa hậu môn và khe mông. Luôn luôn rửa từ trước ra sau để tránh đưa vi khuẩn từ hậu môn vào âm đạo.
Tránh xa các sản phẩm khăn giấy ướt có hương thơm và xịt khử mùi. Có rất nhiều sản phẩm trên thị trường quảng cáo là có tác dụng giữ vệ sinh và giúp bạn luôn thơm tho nhưng bạn không nên tin dùng. Không nên dùng bất cứ sản phẩm thụt rửa nào, trừ khi có lời khuyên của bác sĩ.
'Cô bé' viêm nhiễm tái đi tái lại, bác sĩ chỉ ra thủ phạm là thói quen của vợ hoặc chồng Viêm nhiễm phụ khoa là bệnh rất thường gặp ở phụ nữ. Vì nhiều lý do, khách quan cũng như chủ quan mà nhiều khi bệnh đã được điều trị nhưng vẫn tái đi tái lại. Mệt mỏi vì viêm nhiễm vùng kín Chị Lê Thị Duyên - 41 tuổi, thành phố Thái Bình tâm sự chị bị viêm vùng kín hơn 2...