Vụ cháy Công ty bóng đèn phích nước Rạng Đông: Tổ chức khám sức khỏe miễn phí tại khu vực bán kính 500m theo yêu cầu của người dân
Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã có văn bản về việc tiếp tục quan trắc, đánh giá, theo dõi ảnh hưởng ô nhiễm môi trường và thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả sau vụ cháy.
Liên quan đến vụ cháy Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông (có địa chỉ tại phố Hạ Đình, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) ngày 5/9, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã có văn bản về việc tiếp tục quan trắc, đánh giá, theo dõi ảnh hưởng ô nhiễm môi trường sau vụ cháy và thực hiện biện pháp phòng ngừa, khắc phục hậu quả, tác động xấu do vụ cháy gây ra đối với sức khỏe của người dân và môi trường.
Cụ thể như sau:
1. Giao giám đốc Sở y tế Hà Nội, chủ tịch UBND quận Thanh Xuân phối hợp, bố trí bác sỹ, y tá trực 24/24 tại phường Hạ Đình và phường Thanh Xuân Trung, tổ chức khám sức khỏe miễn phí tại khu vực bán kính 500m theo yêu cầu của người dân. Đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn cho mọi người dân tổ chức các biện pháp phòng ngừa nhằm giảm thiểu các tác động ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường sống của người dân trong khu vực.
2. Giao Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì tổ chức việc quan trắc chất lượng không khí, lấy mẫu đất, mẫu nước (nước ngầm, nước mặt) trong vòng bán kính 500 m để phân tích.
Trên cơ sở kết quả thu thập được, đối chiếu kết quả quan trắc, giám định với các tiêu chuẩn, quy chuẩn của Việt Nam, của WHO, tổ chức thông báo công khai, minh bạch tới người dân trong khu vực cũng như các cơ quan báo chí của trung ương và địa phương.
Chủ trì phối hợp với Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông, Bộ Tư lệnh Thủ đô làm việc với Bộ Tư lệnh Hóa học (Bộ Quốc phòng), triển khai thực hiện tẩy độc nhà máy và trong bán kính 500m vùng ảnh hưởng (nếu có các chỉ tiêu độc hại vượt mức cho phép).
3. Chỉ đạo Cơ quan Điều tra Công an Thành phố khẩn trương điều tra, xác định nguyên nhân của vụ cháy, xác định nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng của hàng hóa nhập khẩu của Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông, làm rõ số lượng nhập, số lượng hóa chất đã sử dụng, số lượng hóa chất bị cháy, số lượng còn lại trong kho.
Trưng cầu cơ quan chuyên môn giám định nguyên nhân gây cháy, mức độ ảnh hưởng môi trường do vụ cháy gây ra đối với sức khỏe của người dân và môi trường.
Trưng cầu Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam giám định để xác định mức độ ô nhiễm về môi trường đất, nước và không khí trong vùng ảnh hưởng xung quanh khu vực cháy nhà kho của Công ty cổ phần bóng đèn và phích nước Rạng Đông.
Sớm có kết luận để công bố công khai, minh bạch cho người dân và dư luận khi có kết quả.
4. Yêu cầu Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, đơn vị để cung cấp thông tin chính xác nguồn gốc xuất xứ, quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình bảo quản các vật tư, thành phẩm (thủy ngân, amalgam…) nhằm xác định chính xác số thủy ngân và amalgam bị cháy cũng như số lượng còn lại.
Cử cán bộ chuyên gia có chuyên môn phối hợp với các đơn vị khắc phục hậu quả của vụ cháy; Khẩn trương ổn định tình hình sản xuất của Công ty, đảm bảo ổn định việc làm và tinh thần cho người lao động. Tổ chức thăm hỏi, cám ơn người dân khu vực, công nhân tham gia chữa cháy, khắc phục hậu quả.
Đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của Bộ hỗ trợ, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị của thành phố Hà Nội trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ.
Video đang HOT
Theo afamily
Các đồ dùng trong nhà có chứa thuỷ ngân và chì bạn cần đặc biệt để ý
Không nên chủ quan với những đồ dùng trong nhà chứa những chất nguy hiểm vì chỉ một giây sơ suất nó có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của cả gia đình bạn.
Không chỉ sau sự việc cháy Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông người ta mới xôn xao đến tác hại của việc nhiễm độc chì và thủy ngân đến thế, mà trước đây, các chuyên gia đã từng rất nhiều lần khuyến cáo tới người dân tác hại của hai thành phần kim loại này. Chì và thủy ngân luôn đứng đầu những chất độc cực mạnh và rất nguy hiểm tới môi trường và sức khỏe của con người.
Và nếu bạn không để ý thì có rất nhiều đồ dùng trong nhà có chứa chì và thủy ngân. Đó là những nguy cơ tiềm ẩn nguy hiểm đe dọa tới chính sức khỏe của bạn và người thân từng ngày. Và để bảo vệ mình khỏi sự tác động nguy hại ấy bạn cần biết những vật dụng nào chứa chì và thủy ngân để còn phòng tránh và xử lý tình huống xấu có thể phát sinh.
1. Nhiệt kế
Đây là vật dụng chứa thủy ngân dạng lỏng với dung lượng lớn cực kỳ nguy hiểm cho cả người lớn và trẻ con. Thậm chí có những gia đình có nhiều trẻ nhỏ còn dự trữ không chỉ 2 mà đến nhiều chiếc nhiệt kế trong nhà. Nếu một ngày con bạn có lỡ vui chơi quá đà hay bạn nhỡ tay làm rơi vỡ, chiếc nhiệt kế bị tràn thủy ngân ra thì mức độ nguy hiểm là không thể lường trước.
Nhiệt kế rơi vỡ làm tràn thủy ngân ra ngoài tiềm ẩn nguy hiểm không thể lường trước.
Để tránh gặp phải các trường hợp nguy hiểm như nhiệt kế vỡ, bạn có thể thay thế dụng cụ này bằng những dụng cụ y tế an toàn hơn là: máy đo huyết áp điện tử, nhiệt kế điện tử. Những thiết bị này bạn cần lựa chọn ở những địa chỉ được cơ quan y tế và tổ chức có uy tín chứng nhận về chất lượng.
Cách xử lý khi nhiệt kế bị vỡ:
- Nhanh chóng đưa trẻ nhỏ và mọi người ra khỏi phòng tránh thủy ngân bay hơi tan trong không khí sẽ làm hại phổi. Thay toàn bộ quần áo đang mặc phòng trường hợp thủy ngân dính vào người.
- Rửa tay sạch bằng xà phòng và nước muối sinh lý.
- Thu dọn thủy ngân ngàn bằng bông tăm ướt hoặc giấy mỏng. Đeo găng tay để bảo vệ bản thân. Thủy ngân sau khi thu dọn phải được để trong hộp kín, không đổ thủy ngân xuống cống vì có thể làm ô nhiễm nguồn nước.
- Nếu con bạn có dấu hiệu bị nhiễm thủy ngân cần tìm mọi cách để trẻ nôn ra. Cho bé uống nhiều nước, đưa đến cơ sở y tế gần nhất để bác sĩ có biện pháp can thiệp, giải độc kịp thời.
2. Sơn
Có một nguyên liệu xuất hiện ở mọi gia đình, mọi ngóc ngách và không gian sống mà nhiều người không để ý chính là sơn. Có nhiều sản phẩm sơn trên thị trường, đặc biệt các loại sơn dành cho gỗ, bê-tông, kim loại, khung cửa đều chứa hàm lượng chì và thủy ngân rất cao. Nếu bạn không biết hoặc biết nhưng còn xem nhẹ thì nên thay đổi suy nghĩ đó ngay lập tức để bảo vệ chính bản thân và gia đình mình.
Sơn luôn hiện hữu trong nhà và tiềm ẩn nguy cơ gây ảnh hưởng tới sức khỏe rất cao.
Nếu có điều kiện, hãy chọn các loại sơn tốt và đắt tiền không chứa thủy ngân và chì để bảo vệ sức khỏe. Lựa chọn nhãn hiệu sơn uy tín, chất lượng, đảm bảo độ tin cậy và có giấy kiểm định, tem nhãn mác rõ ràng.
Cách xử lý:
- Nếu con bạn và người thân trong gia đình có biểu hiện bị nhiễm độc sơn hoặc sau khi hít sơn với các triệu chứng như buồn nôn/nôn ói, đau đầu, chóng mặt, bủn rủn chân tay cần đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.
- Nếu bị sơn dính vào mắt, cần rửa dưới vòi nước chảy từ 15-20 phút, gọi xe cấp cứu và nhắm mắt lại.
- Nếu nuốt dính sơn cần uống ngay sữa hoặc nước rồi theo dõi triệu chứng tiếp theo. Nếu cảm thấy bị đau bụng, buồn nồn/nôn ói cần đến ngay bệnh viện để theo dõi và điều trị.
- Khi sơn mới nhà hoặc các vật dụng sinh hoạt, bạn cần mở thoáng cửa cho sơn mau khô. Nhà mới sơn xong không được vào ở ngay mà mở thoáng cửa và chờ từ 5-7 ngày.
- Tuyệt đối cấm trẻ gặm các vành cửa, những dụng cụ dính sơn để tránh ngộ độc.
3. Các vật dụng sinh hoạt trong gia đình
Nên sắm cho gia đình những bộ bát đũa có chất lượng vì đây sẽ là những vật dụng tiếp xúc trực tiếp với thức ăn.
Vô số các vật dụng sinh hoạt thường xuyên sử dụng trong gia đình bạn đang chứa hai chất kim loại là chì và thủy ngân. Ví dụ như các món đồ pha lê, đồ gốm, đài radio, máy tính, ti vi,... Và con bạn thường là người tiếp xúc và chịu ảnh hưởng xấu nhiều nhất.
Cách xử lý:
- Lựa chọn các đồ dùng sinh hoạt có chất lượng cao vì đây sẽ là những món đồ tiếp xúc trực tiếp với thức ăn của bạn. Bạn cũng không nên để những món ăn sống trong đồ nhựa hoặc đồ sứ mà nên để trong những vật chứa bằng thủy tinh.
- Tránh lựa chọn các dụng cụ như cốc trẻ em, bát ăn hay đồ chơi trẻ em in hình màu sặc sỡ, lòe loẹt vì những vật dụng này thường có thành phần chì rất cao.
4. Đồ chơi trẻ em
Để mắt tới con khi tiếp xúc các vật dụng đồ chơi là cách bạn bảo vệ con mình.
Các loại đồ chơi trẻ em trong gia đình luôn làm bạn đau đầu mỗi khi dọn dẹp nhà nhưng ở bất kỳ gia đình có trẻ nhỏ nào đều không thể thiếu được món đồ này. Tuy nhiên theo đánh giá của các chuyên gia có tới gần 70% các đồ chơi trẻ em trên thị trường hiện nay được làm bằng nhựa có chứa chì. Chính vì vậy, các vị phụ huynh cần hết sức cẩn thận khi cho con chơi và sử dụng các món đồ chơi này.
Cách xử lý:
- Mua các dụng cụ, đồ chơi trẻ em có kiểm định và đảm bảo an toàn.
- Các vị phụ huynh cũng cần kiểm tra tất cả các đồ chơi rơi, vỡ trong nhà, những vật dụng nào hỏng cần bỏ ngay. Những dụng cụ, đồ chơi nào chạy bằng pin phải có nắp ngăn cách giữ chắc chắn hoặc được gắn chặt bằng vít.
5. Pin
Để pin tránh xa tầm tay của trẻ.
Vật dụng chứa nhiều chì nhất trong nhà chính là đây. Trên thế giới đã có hàng trăm nghìn ca trẻ em nhiễm chì vì ngậm và cắn cục pin tại nhà. Chính vì thế, đây là món đồ nhỏ về kích thước nhưng lại gây nguy hiểm lớn tới sức khỏe của các em nhỏ.
Cách xử lý:
- Cục pin bị hỏng hoặc không còn dùng tới cần vứt đi ngay. Trong trường hợp còn cần dùng bạn nên cất thật kỹ, tránh xa tầm tay của trẻ. Nếu có trường hợp con bạn gặm hoặc cắn phần đầu pin đã bị hỏng cần quan sát và đưa trẻ đến bệnh viện ngay nếu thấy có triệu chứng nhiễm chì.
Chú ý: Trong khẩu phần dinh dưỡng của gia đình, bạn có thể bổ sung thêm sắt, canxi và vitamin C do các chất dinh dưỡng này có khả năng giải độc chì cho cơ thể rất tốt.
Theo Helino
Thu hồi khuyến cáo sau vụ cháy nhà kho Rạng Đông là "thiếu tình người" TS Nguyễn Hồng Vũ, Viện Nghiên cứu ung thư (California, Mỹ) cho rằng động thái thu hồi khuyến cáo sau vụ cháy Rạng Đông là "thiếu tình người". TS Nguyễn Hồng Vũ, Viện Nghiên cứu ung thư (California, Mỹ) cho rằng động thái thu hồi khuyến cáo sau vụ cháy Rạng Đông là "thiếu tình người" Trước thông tin UBND phường Hạ Đình...