Victor Vũ: “Tôi may mắn có vợ đồng hành trong mọi hành trình”
Đạo diễn Victor Vũ chia sẻ, anh và bà xã Đinh Ngọc Diệp có nhiều quan điểm giống nhau trong nghệ thuật. Anh cảm thấy may mắn có vợ đồng hành, gia đình nội ngoại vô cùng yêu điện ảnh, có hai con đã biết đọc tên phim và hát múa theo nhạc trailer.
“ Người vợ cuối cùng” là phim điện ảnh mới nhất của Victor Vũ, sau “Thiên thần hộ mệnh” (2021). Bộ phim lấy cảm hứng từ tiểu thuyết “Hồ oán hận” của tác giả Hồng Thái, tái hiện cuộc đời, thân phận những người phụ nữ ở thời phong kiến cuối thế kỷ 19. Người vợ cuối cùng xoay quanh nhân vật Linh ( Kaity Nguyễn thủ vai), vì gia đình nghèo phải đi làm vợ thứ của quan.
Phóng viên VOV.VN đã có cuộc trò chuyện với đạo diễn Victor Vũ.
“Vai diễn của Kaity khó nhất trong các phim của tôi”
PV: Điều gì hấp dẫn anh ở tiểu thuyết “Hồ oán hận” khiến anh quyết định chuyển thể thành phim?
Đạo diễn Victor Vũ: Tôi luôn tìm đề tài cho phim cổ trang vì đây là thể loại tôi cũng rất thích. Nhưng cơ hội và điều kiện để làm phim cổ trang cũng khó. Đến khi đọc tiểu thuyết “Hồ oán hận” của tác giả Hồng Thái, tối thấy việc thực hiện bộ phim này rất khả thi. Đầu tiên vì câu chuyện hoàn toàn hư cấu và gói gọn trong một ngôi làng ven hồ và một thị trấn nhỏ. Bên cạnh đó, tôi thấy đây là một câu chuyện có thể mang lại nhiều cảm xúc cho người xem – vì có tình yêu, có kịch tính và còn có yếu tố ly kỳ.
Đạo diễn Victor Vũ và bà xã Đinh Ngọc Diệp.
PV: Kaity Nguyễn trên màn ảnh trước đây mang những đặc trưng của một cô nàng GenZ cá tính, sao anh nghĩ cô ấy có thể hóa thân tốt thành 1 phụ nữ cam chịu thời phong kiến?
Đạo diễn Victor Vũ: Trong việc chọn diễn viên, tôi không chỉ cần một diễn viên hợp vai, tôi còn muốn tạo ra sự bất ngờ và đột phá. Kaity chắc chắn là một lựa chọn thú vị, vì vai mợ ba Linh trong “Người vợ cuối cùng” hoàn toàn khác so với những vai diễn của Kaity trước đây. Khi Kaity vào vai này, đó là một sự phá cách của bộ phim. Có thể nói đây là một trong những vai diễn khó nhất trong các phim của tôi. Tâm lý nhân vật rất phức tạp và trải qua rất nhiều cảm xúc từ đầu đến cuối phim. Kaity đã nỗ lực hết sức cho vai diễn này và tôi tin sẽ khó tìm diễn viên phù hợp và làm tốt hơn.
PV: Anh đã thuyết phục Kaity đóng cảnh nóng như thế nào?
Đạo diễn Victor Vũ: Tôi thích gọi là những cảnh “ân ái”, vì đúng tinh thần hơn. Đây là lần đầu tiên tôi thấy phim mình cần thiết những cảnh như thế này. Tất cả là để phục vụ cho câu chuyện, để phát triển tâm lý và cảm xúc của hai nhân vật chính. “Người vợ cuối cùng” khai thác tình yêu thanh mai trúc mã của Nhân và Linh, và tôi muốn thể hiện rõ tình yêu sâu đậm của hai nhân vật một cách chân thật nhất. Tôi cũng không phải thuyết phục Kaity, vì sau khi đọc kịch bản, Kaity cũng hiểu những cảnh này quan trọng cho việc xây dựng đường dây tình cảm cho Nhân và Linh.
PV: Bối cảnh và trang phục của phim được khen ngợi. Phim cổ trang đòi hỏi rất nhiều về sự chính xác trong bối cảnh, trang phục vì nếu làm không cẩn thận sẽ bị khán giả phản ứng. Anh có lo ngại điều này không?
Đạo diễn Victor Vũ: Đây cũng là lý do tôi và Giám đốc mỹ thuật Ghia Ci Fam phải tham khảo rất nhiều tài liệu, sách vở và làm việc với một số nhà chuyên môn trong lĩnh vực văn hoá. Chúng tôi đã có không chỉ 1, mà là 4 nhóm cố vấn khác nhau. Mỗi bên có thế mạnh riêng. Có người chuyên về cổ phục, người chuyên về ngôn ngữ, văn hoá hay lịch sử. Và sẽ có những trường hợp trong lúc nghiên cứu, một số thông tin không khớp với nhau, nên cần kiểm tra “chéo” để đưa ra những quyết định phù hợp nhất cho bộ phim.
Video đang HOT
PV: Anh có sợ phim mình ra rạp bị tranh cãi không?
Đạo diễn Victor Vũ: Quan điểm của tôi luôn là: phim đang sản xuất là thuộc về đạo diễn. Khi phim đã ra rạp, thì khen chê thuộc về khán giả. Đó là quyền của mỗi người xem phim. Việc tranh cãi cũng giúp cho mình hiểu nhiều hơn về khán giả của mình.
“Tôi biết ơn những người phụ nữ trong đời mình”
PV: Anh đã thành công với các bộ phim chuyển thể như “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Mắt biếc”, có vẻ như anh thấy văn học là mảnh đất màu mỡ mình có thể khai thác. Sau bộ phim lần này, anh còn hứng thú chuyển thể tác phẩm văn học nào?
Đạo diễn Victor Vũ: Tôi luôn yêu thích văn học Việt Nam, các hình tượng nhân vật, đường dây, tuyến truyện đã được bàn tay tác giả nhào nặn thật tỉ mỉ và đầy tâm huyết. Một quyển sách chào đời vốn trải qua quá trình rèn giũa thì mới ra hình hài, và được tiếp thêm nhiều sức sống khi đến tay bạn đọc. Tất cả những chất liệu vốn có của một tác phẩm giống như được bày ra trước mắt tôi. Và mỗi lần cầm quyển sách trên tay, tôi tưởng tượng mình là một thực khách may mắn, chỉ cần chọn ra những món ăn tâm đắc nhất trên bàn tiệc, mang về nấu lại sẽ ra kịch bản chuyển thể cho phim mình.
PV: Đây là dự án phim cổ trang thứ 2 của anh sau “Thiên mệnh anh hùng”, có vẻ như anh khá yêu thích thể loại này? Đâu là cái khó của làm phim cổ trang?
Đạo diễn Victor Vũ: Mọi người đều nghĩ cổ trang tốn kém lắm, quay ở nơi hoang sơ xa xôi, tất cả phải phục dựng. Phục trang đạo cụ cũng phải làm mới chứ không có sẵn, chi phí cao lắm. Đã vậy, khi nhắc đến văn hóa lịch sử thì luôn có nhiều chiều dư luận, khán giả thì cũng khá kén thể loại này, nên cơ hội làm một phim thời cũ không nhiều. Tuy nhiên, vượt trên những lo lắng ấy, cổ trang luôn là mảnh đất cho các câu chuyện truyền thống văn hoá nảy mầm và nếu làm đúng hướng thì giá trị để lại dù thiên về mặt nghệ thuật, giải trí, hay tư tưởng đều đáng quý cho điện ảnh.
PV: Có thể thấy, người phụ nữ luôn là nguồn cảm hứng bất tận đối với đạo diễn Victor Vũ trong các dự án phim điện ảnh?
Đạo diễn Victor Vũ: Có thể nói hình ảnh người phụ nữ rất quan trọng đối với tôi từ khi còn bé. Lớn lên ở Mỹ, với sự chăm sóc của mẹ và hai chị gái, tôi luôn thấy sự mạnh mẽ và nỗi khổ của mẹ mình. Càng ngày tôi càng nhận ra người phụ nữ Việt Nam, qua các câu chuyện và cả ngoài đời đều thật nhiều cam chịu, càng khổ họ càng vươn lên, bền bỉ đến bất khuất.
Nhưng trong các phim Mỹ tôi xem về đề tài Việt Nam thì tôi lại không thấy được điều đó. Mẹ là người gửi tôi đi học Việt ngữ và kể tôi nghe cổ tích Việt Nam và những nhân vật huyền thoại nước Việt. Qua đó, tôi hiểu hơn về văn hoá Việt. Một trong những câu chuyện mà ám ảnh tôi nhất là thiếu phụ Nam Xương. Khi tôi học trường điện ảnh, tôi chọn câu chuyện này để chuyển thể làm phim thực tập. Tuy có nhiều hạn chế vì khai thác đề tài Việt Nam ở Mỹ, nhưng lúc đó tôi chỉ biết mình muốn đưa hình ảnh người phụ nữ này và những nét văn hoá Việt vào phim của mình. Nhìn lại tôi biết ơn những người phụ nữ trong đời mình, họ cho tôi góc nhìn sống động và chân thật nhất về cuộc sống.
“Cuộc sống gia đình mang lại sự cân bằng cho tôi”
PV: Vai diễn của Đinh Ngọc Diệp trong phim tuy ngắn nhưng rất thú vị. Vợ anh có bao giờ đòi hỏi đóng vai chính phim của chồng? Có khi nào anh dự định làm phim để vợ đóng vai chính không?
Đạo diễn Victor Vũ: Thật ra từ khi viết kịch bản, tôi đã nghĩ đến Ngọc Diệp cho vai bà Hai. Tôi và các biên kịch cũng xây dựng nhân vật theo tính cách của Ngọc Diệp vì thấy cá tính này phù hợp cho câu chuyện và sẽ là một màu sắc thú vị. Quan điểm của tôi và Diệp là vai lớn hay vai nhỏ không quan trọng, quan trọng là nhân vật có ấn tượng hay không. Tôi nghĩ nếu có một vai nào thật phù hợp với Diệp thì tôi sẵn sàng mời Diệp đóng. Vấn đề là Diệp có nhận lời hay không nữa (cười).
PV: Khi có vợ đồng hành trong việc làm phim với vai trò sản xuất, chắc sẽ có lúc bất đồng quan điểm. Anh đã cân bằng như thế nào để không ảnh hưởng đến hạnh phúc hôn nhân gia đình?
Đạo diễn Victor Vũ: Tôi nghĩ có vợ đồng hành trong việc làm phim càng vui, càng thú vị. Tôi và Diệp có nhiều quan điểm giống nhau trong nghệ thuật. Nhưng cũng có những suy nghĩ khác nhau, như vậy sẽ cho tôi một thêm những góc nhìn đa dạng hơn về mọi việc. Chính cuộc sống gia đình mang lại sự cân bằng cho tôi. Có người chia sẻ thành bại hay cảm xúc với mình một cách chân thành là điều rất tuyệt vời.
Tôi may mắn có vợ đồng hành trong mọi hành trình, gia đình nội ngoại thì vô cùng yêu điện ảnh, có hai con đã biết đọc tên phim và hát múa theo nhạc trailer. Những điều giản dị này không chỉ cho tôi vốn sống, mà còn tiếp thêm sức lực để tôi có thể làm nhiều phim hơn nữa.
PV: Xin cảm ơn anh!
Cảnh nóng trong Người Vợ Cuối Cùng: Thừa nhạy cảm, thiếu nghệ thuật
Cảnh nóng trong Người vợ cuối cùng lẽ ra có thể nâng tầm tác phẩm và khiến người xem nhớ đến nếu như Victor Vũ thực hiện theo hướng nghệ thuật.
Người vợ cuối cùng là bộ phim có nhiều cảnh nóng nhất trong sự nghiệp của Victor Vũ cho đến hiện tại. Hơn nữa, nữ diễn viên chính lại là Kaity Nguyễn - một trong những nàng thơ xinh đẹp và tài năng nhất màn ảnh Việt hiện tại. Do đó mà chúng trở thành tâm điểm chú ý của tác phẩm. Song, cách mà nhà làm phim sinh năm 1975 thực hiện cảnh nóng lại thiếu tinh tế và chưa đủ cảm xúc.
Cảnh nóng trong 'Người vợ cuối cùng' có thật sự cần thiết?
Người vợ cuối cùng xoay quanh Linh (Kaity Nguyễn) - một cô gái nghèo phải chịu làm vợ lẽ cho quan tri huyện Đức Trọng (NSƯT Quang Thắng) để cứu cha. Cô gái mang trách nhiệm sinh con trai nối dõi. Thế nhưng suốt 7 năm trời, Linh chỉ sinh được một đứa con gái. Vì thế mà cô sống không khác gì kẻ hầu người hạ trong nhà.
Mọi thứ thay đổi khi Linh gặp lại người yêu cũ Nhân (Thuận Nguyễn) trong một lần đi chợ. Sự nhớ thương với mối tình dang dở cùng nỗi đau đớn khi bị đối xử tàn tệ ở nhà quan đã khiến cô nhanh chóng ngã vào vòng tay của Nhân. Để rồi khi mối quan hệ ngày càng sâu đậm, cả hai đi đến một quyết định táo bạo.
Victor Vũ từng chia sẻ trong một bài phỏng vấn: " Có thể nói đây là lần đầu tôi thấy những cảnh này thật sự cần thiết trong phim của mình. Tất cả cảnh ân ái trong phim để xây dựng tình cảm sâu đậm của nhân vật Linh và Nhân, khi họ sống trong xã hội mà vấn đề tình yêu không được xem trọng. Con người gần như phải chôn giấu, dồn nén mọi cảm xúc và khát vọng hạnh phúc phía sau những định kiến về đạo đức".
Đúng với những gì đạo diễn nói, cảnh nóng trong Người vợ cuối cùng là thật sự cần thiết. Nó không chỉ thể hiện những khao khát được yêu thương bị đè nén của Linh mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển tâm lý nhân vật. Chính sự khác biệt về cảm xúc được thể hiện trong cảnh ân ái giữa Linh với Nhân và Đức Trọng là một phần lý do dẫn đến những hành động tiếp theo của cô.
Thừa nhạy cảm, thiếu nghệ thuật
Cảnh nóng trong Người vợ cuối cùng là cần thiết nhưng cách Victor Vũ xây dựng lại đơn điệu và chưa đủ cảm xúc. Dù từng là người yêu cũ nhưng Linh và Nhân đã xa cách 7 năm. Hơn nữa, Linh giờ đây đã là vợ lẽ của quan tri huyện. Song, chỉ vừa gặp Nhân vào buổi sáng ở chợ thì tối hôm đó, cô lại chạy ngay đến nhà nhân tình.
Sau một vài câu trách móc, cả hai đã vội làm hòa và lao vào nhau như hai con thiêu thân. Mọi thứ diễn ra quá nhanh chóng và dễ dàng. Lẽ ra, bộ phim phải cho thấy nhiều hơn những đau khổ và khao khát yêu thương bị dồn nén của Linh. Thậm chí, cô còn phải đấu tranh nội tâm mãnh liệt khi Tam Tòng, Tứ Đức vẫn đè nặng lên vai người phụ nữ trong thời kỳ đó.
Những cảnh ân ái của Linh và Nhân cũng diễn ra rất đơn điệu. Thay vì mang hơi hướng nghệ thuật, đạo diễn Victor Vũ lại chọn thực hiện theo lối mòn của những bộ phim hạng B chuyên dùng cảnh nóng để câu kéo khán giả. Những động tác hình thể của nhân vật được thực hiện khá nhạy cảm và lặp đi lặp lại nhiều lần.
Bên cạnh đó, việc thể hiện cảnh nóng quá sớm cũng khiến tâm lý nhân vật thêm gượng gạo. Bởi lẽ mối quan hệ giữa Linh và Nhân đang là lén lút. Trên thực tế, cả hai sẽ không dám "bung xõa" như những gì phim thể hiện vì nếu mọi chuyện bại lộ, không chỉ họ mà cả gia đình sẽ gặp hoạ sát thân. Vì thế mà Người vợ cuối cùng kẹt ở lưng chừng, thừa sự nhạy cảm nhưng thiếu tính nghệ thuật và ẩn ý.
Hình ảnh sợi dây thòng lọng bị bỏ qua đáng tiếc
Cúc Đậu (1990) ra mắt cách đây 33 năm, có phần nội dung khá tương đồng với Người vợ cuối cùng. Phim cũng xoay quanh một cô gái trẻ vì nhà nghèo mà có cuộc hôn nhân không như ý. Cúc Đậu (Củng Lợi) bị bán làm vợ cho ông chủ tiệm nhuộm vải Dương Kim San (Lý Vỹ). Nàng thường xuyên bị chồng hành hạ vì không thể sinh con nối dõi. Sự phẫn uất kéo dài khiến Cúc Đậu nảy sinh mối quan hệ ngoài luồng với Dương Thiên Thanh (Lý Bảo Điền) - một đứa cháu nuôi làm việc trong tiệm nhuộm của Dương Kim San. Cùng là về việc ngoại tình bởi những khao khát yêu thương bị đè nén nhưng Trương Nghệ Mưu lại chọn cách tiếp cận cảnh nóng đậm chất nghệ thuật.
Ngay từ đầu, màn ân ái giữa Cúc Đậu và Dương Kim San chỉ được thể hiện bằng những tiếng chửi rủa, la hét, van xin phát ra từ phòng ông chủ mà Dương Thiên Thanh nghe được. Không cần phải thể hiện rõ bằng cảnh nóng, người xem vẫn hiểu được Cúc Đậu bị chồng hành hạ ra sao và bản thân cô đau khổ như thế nào mỗi khi đêm về. Sau đó, cảnh ân ái giữa Cúc Đậu và Dương Thiên Thanh mang đậm tính ẩn dụ và sự liên tưởng. Trương Nghệ Mưu đã khéo léo chiếu xen kẽ gương mặt thỏa mãn của Củng Lợi và hình ảnh chiếc bánh xe nhuộm liên tục xoay vòng. Tấm vải dài liên tục rơi xuống khiến nước bắn lên tung tóe. Bộ phim không cần cảnh quay trần trụi nào nhưng khán giả vẫn có thể tự tưởng tượng những gì đang diễn ra.
Hơn hết, cảnh phim còn thể hiện rõ số phận bi kịch của các nhân vật gắn liền với tiệm nhuộm vải. Đây không chỉ là bối cảnh chính của tác phẩm mà còn là sự gò bó, trói buộc mà cô gái nghèo trong thời kỳ ấy không thể thoát khỏi. Mối quan hệ của Cúc Đậu và Thiên Thanh sẽ luôn phải lén lút đằng sau bốn bức tường của tiệm nhuộm. Chính cách làm sáng tạo và đầy ấn tượng của Trương Nghệ Mưu đã khiến cảnh phim in sâu trong tâm trí người xem. Không cần diễn viên phải khoe da thịt quá nhiều chúng vẫn rất khêu gợi và tràn đầy cảm xúc.
Công bằng mà nói, cảnh nóng trong Người vợ cuối cùng cũng có một số điểm đáng khen. Victor Vũ thể hiện rõ sự khác nhau trong cách ân ái giữa Linh với quan tri huyện Đức Trọng và với Nhân. Nếu như Đức Trọng chỉ biết "hùng hục" cho xong mà không quan tâm cảm xúc của Linh, thì Nhân lại có sự nâng niu, chiều chuộng, để cô tự nguyện bộc lộ cảm xúc của mình. Nhưng đây chỉ là những tình tiết cơ bản mà bất kỳ tác phẩm nào cũng phải có.
So với chiếc bánh xe nhuộm vải của Cúc Đậu, Người vợ cuối cùng cũng có một hình ảnh ẩn dụ rất tiềm năng là sợi dây thòng lọng mà quan huyện Đức Trọng dùng buộc vào chân Linh để cô sớm thụ thai. Song, Victor Vũ lại không khai thác sâu thêm vào chi tiết này. Lẽ ra, thông qua hình ảnh sợi dây, Người vợ cuối cùng có thể bộc lộ được sự ngột ngạt trong cuộc sống của Linh ở nhà quan, những đau đớn cả về mặt thể xác lẫn tinh thần mà cô phải chịu. Đến khi gặp lại Nhân thì cô cũng không thể sống hết mình mà luôn phải lo sợ mối tình vụng trộm bị phát hiện. Từ đây, việc cả hai quyết định bỏ trốn sẽ hợp lý và cảm xúc hơn.
Bên cạnh đó, cảnh nóng chỉ tập trung vào một thời lượng ngắn ở đầu phim với tần suất dày đặc còn khiến người xem bị ngộp. Việc cảnh nóng hoàn toàn vắng bóng ở phần sau của tác phẩm mang đến cảm giác chúng chỉ được thêm vào để lôi kéo khán giả đến rạp thay vì thực sự đóng một vai trò quan trọng như Victor Vũ nói.
Cảnh nóng trong Người vợ cuối cùng lẽ ra có thể nâng tầm tác phẩm và khiến người xem nhớ đến sau khi ra khỏi rạp nếu như Victor Vũ thực hiện theo hướng nghệ thuật. Song, chúng lại trở nên nhạt nhòa và cuối cùng trôi tuột khỏi tâm trí người xem hệt như phần kịch bản thiếu cao trào của chính bộ phim vậy.
Người Vợ Cuối Cùng "hạ bệ" Đất Rừng Phương Nam nhưng vẫn thua độ hot của 1 đối thủ đáng gờm Người Vợ Cuối Cùng chấm dứt thành tích dẫn đầu phòng vé 3 tuần liên tiếp của Đất Rừng Phương Nam. Theo số liệu từ Box Office Vietnam, Người Vợ Cuối Cùng thu về hơn 35 tỷ sau tuần đầu tiên, bao gồm cả những buổi chiếu sớm. Trong đó, doanh thu 3 ngày cuối tuần ở mức 27 tỷ đồng với hơn...