Trẻ béo phì đối mặt với khủng hoảng tâm lý
Béo phì ở trẻ em là một trong những thách thức sức khỏe cộng đồng. Tại Việt Nam, tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ 5 – 19 tuổi tăng từ 8,5% năm 2010 lên 19% năm 2020 với những ảnh hưởng đến bệnh lý và tâm lý của trẻ.
Thăm khám cho trẻ béo phì. Ảnh: BV Hữu nghị Việt Đức.
Đáng quan tâm khi ngoài những hệ quả gây ảnh hưởng nghiêm trọng, lâu dài mà béo phì có thể gây ra cho sức khỏe, trẻ béo phì cũng có nguy cơ gặp phải các vấn đề về mặt tâm lý.
BS Hoàng Thị Hằng – Khoa khám Tư vấn dinh dưỡng trẻ em ( Viện Dinh dưỡng quốc gia) cho biết, trẻ bị béo phì có thể bị ảnh hưởng tâm lý, cảm xúc như buồn chán, tự ti… do sự kỳ thị, trêu chọc hay bắt nạt về ngoại hình của các bạn, thậm chí của cả người thân trong gia đình, không hài lòng về cơ thể dần dần trẻ ít chơi với các bạn và sống khép kín hơn.
Trẻ béo phì gặp phải một số vấn đề tâm lý xã hội ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống, cảm giác hạnh phúc giảm, hoạt động xã hội kém và thành công trong học tập thấp. Các vấn đề tâm lý xã hội và cảm xúc của trẻ béo phì đồng thời là nguyên nhân hoặc yếu tố duy trì của bệnh béo phì và do đó ảnh hưởng đáng kể đến kết quả điều trị.
Video đang HOT
Theo BS Hằng, trẻ em thừa cân hoặc béo phì có nhiều khả năng phải chịu gánh nặng về rối loạn tâm thần và tâm lý ở thời thơ ấu, thanh thiếu niên và nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ kéo dài đến tuổi trưởng thành làm cho trẻ trở nên khó hòa nhập cộng đồng, với các vấn đề tâm lý và tâm thần như trầm cảm, lo âu, rối loạn ăn uống, căng thẳng, lo lắng về hình dáng cơ thể, lòng tự trọng thấp, thậm chí có ý định tự vẫn.
BS Hằng khuyến cáo, việc dự phòng béo phì ở trẻ em cần được thực hiện ngay từ thời kỳ mang thai. Trẻ có cân nặng sơ sinh trên 3.500 gram hoặc dưới 2.500 gram có nguy cơ thừa cân, béo phì cao hơn so với những trẻ có cân nặng sơ sinh bình thường.
Thực hiện tốt nuôi con bằng sữa mẹ cũng giúp giảm nguy cơ thừa cân, béo phì ở trẻ nhỏ và bệnh mạn tính không lây khi trưởng thành. Cho trẻ ăn bổ sung hợp lý, cân đối các thành phần dinh dưỡng.
Cần tập cho trẻ có thói quen ăn uống lành mạnh từ nhỏ. Không nên cho trẻ ăn nhiều các thức ăn giàu đường ngọt và chất béo như bánh kẹo ngọt, nước ngọt, thức ăn chiên rán nhiều dầu mỡ, xúc xích, thức ăn nhanh… Tạo thói quen hoạt động thể lực và tập thể dục cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ với các bộ môn thể thao phù hợp theo lứa tuổi. Hạn chế các hoạt động tĩnh như xem ti vi, chơi điện tử…
Khuyến khích trẻ tham gia các công việc nhà hàng ngày như dọn nhà, nấu ăn. Theo dõi cân nặng và chiều cao thường xuyên cho trẻ để phát hiện thừa cân béo phì sớm và có hướng can thiệp phù hợp giáo dục cho trẻ hiểu về dinh dưỡng, cách lựa chọn các món ăn tốt cho sức khỏe có vai trò quan trọng trong dự phòng thừa cân béo phì ở trẻ em.
Đặc biệt, để giúp trẻ béo phì có thể vượt qua các vấn đề tâm lý, gia đình, bạn bè cần hỗ trợ, động viên, đồng hành để trẻ có thói quen, lối sống lành mạnh trong kiểm soát chế độ ăn, tạo thói quen tập thể dục hàng ngày, khuyến khích trẻ tham gia các môn thể thao và hoạt động ngoài trời. Bên cạnh đó trẻ cần có chế độ sinh hoạt điều độ, tránh thức khuya vì sẽ làm cho trẻ có nhu cầu ăn đêm nhiều hơn, là nguyên nhân dẫn đến tăng cân nhiều hơn và ngủ ít cũng khiến trẻ mệt mỏi và dễ căng thẳng hơn.
Gia tăng bệnh nhân thừa cân, béo phì
Theo báo cáo của Viện Dinh dưỡng quốc gia, thừa cân, béo phì đã trở thành vấn nạn toàn cầu.
Hiện nay, ở nước ta, tốc độ gia tăng bệnh nhân mắc béo phì đang theo hình dựng đứng.
Phẫu thuật điều trị cho bệnh nhân béo phì tại Bệnh viện Việt Đức. Ảnh: BVCC.
Theo PGS.TS Trương Tuyết Mai - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, trước năm 1970, tỷ lệ béo phì ở học sinh từ 5-19 tuổi chỉ khoảng 2%, thì nay là 16%. Như vậy, cứ cách 10 năm tăng gấp 2, 3 lần. Tại Việt Nam, sau 10 năm, tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ dưới 5 tuổi tăng 1,5 lần, từ 5,6% vào năm 2010 lên 7,4% vào năm 2020. Con số này ở trẻ từ 5-19 tuổi cũng tăng gấp đôi, từ 8,5% lên 19%. Đặc biệt, tại TPHCM, cứ 2 trẻ sẽ có 1 trẻ bị thừa cân, béo phì. Tương tự, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở người lớn cũng tăng gần gấp đôi sau 10 năm, từ 12% lên 19,6%.
Một nghiên cứu mới đây của Viện Dinh dưỡng quốc gia phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai tại nhiều trường mầm non cho thấy, có những trường ghi nhận tới 30% học sinh là trẻ béo phì. Đồng thời, tình trạng này cũng được ghi nhận tại các trường tiểu học.
PGS.TS Bùi Thị Nhung - Trưởng khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề (Viện Dinh dưỡng quốc gia) cho biết, kết quả khảo sát mới đây của Viện đối với học sinh lớp 5 của một số trường tại quận, huyện Hà Nội năm 2023 rất đáng ngại. Cụ thể, Trường Tiểu học Dịch vọng B (quận Cầu Giấy) có 45,5% trẻ thừa cân, béo phì. Trường Tiểu học Lê Lợi (quận Hà Đông), tỷ lệ này là 49,5%, trong khi trường Tiểu học La Thành (quận Đống Đa) tới 55,7%... Ở các trường thuộc khu vực ngoại thành, trên 20% trẻ mắc tình trạng trên.
Theo GS.TS Trần Bình Giang - nguyên Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, thừa cân, béo phì là căn bệnh thời hiện đại và ngày càng gia tăng với tốc độ báo động, là mối đe dọa làm giảm tuổi thọ và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, kéo theo hệ lụy về các bệnh lý khác như cao huyết áp, nhồi máu cơ tim, suy tim, đái tháo đường, ung thư... Thừa cân, béo phì không chỉ làm giảm chất lượng cuộc sống mà còn tác động nhiều đến tâm lý, đặc biệt đối với phái nữ, khiến người bệnh dễ mặc cảm, tự ti trong giao tiếp.
Thừa cân và béo phì cũng có mối liên hệ mật thiết với nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, như bệnh mạch vành, tăng huyết áp, suy tim. Nhiều nghiên cứu cho thấy, 78% người bệnh nam giới và 60% người bệnh nữ giới cao huyết áp đều có cân nặng ở mức thừa cân hoặc béo phì. Chỉ số khối cơ thể (BMI) tăng lên 5 đơn vị làm tăng nguy cơ bị cao huyết áp tăng lên 1,5 lần và vòng bụng tăng lên 10cm làm tăng nguy cơ cao huyết áp lên 1,25 lần. Đồng thời, người bệnh béo phì có nguy cơ thoái hóa khớp háng và phải phẫu thuật thay khớp tăng gấp 1,12 lần so với các người bệnh có thể trọng bình thường.
Không những thế, béo phì làm tăng tỷ lệ vô sinh ở nữ giới. Béo phì ảnh hưởng đến khả năng sinh sản ở phụ nữ là do thay đổi chức năng của trục dưới đồi - tuyến yên - buồng trứng... Một trong các hậu quả khác của béo phì là ảnh hưởng đến tâm lý của người bệnh. Họ bị phân biệt, kỳ thị về cân nặng dẫn đến tổn hại về thể chất và tâm lý. Bên cạnh đó, béo phì làm tăng nguy cơ các bệnh ung thư đại trực tràng, ung thư vú, ung thư thực quản và tăng nguy cơ tử vong hơn.
GS.TS Trần Bình Giang khuyến cáo, béo phì là một bệnh mãn tính, cần được điều trị sớm. Bệnh béo phì không chỉ gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, thẩm mỹ, mà còn làm tăng nguy cơ tử vong hơn so với những bệnh nhân có cân nặng bình thường. Nguyên tắc để điều trị thừa cân, béo phì là tăng cường tiêu hao năng lượng và giảm nguồn thức ăn vào cơ thể.
Theo đó, cần tăng cường các thức ăn có lợi cho sức khỏe như rau xanh, hoa quả, giảm bớt thức ăn nhiều dầu mỡ như gà rán, các loại thức ăn nhanh, nước ngọt...
Bên cạnh đó, cần tích cực vận động cơ thể, tập thể dục thể thao. Bởi khi ít vận động, ngồi tại chỗ nhiều sẽ khiến tiêu hao năng lượng ít hơn năng lượng ăn vào. Năng lượng dư thừa quá nhiều và tích tụ lại trong cơ thể dưới dạng mỡ gây ra thừa cân béo phì.
Căn bệnh phổ biến nhất ở học sinh TP.HCM Thừa cân, béo phì, bệnh khúc xạ mắt, sâu răng... là các bệnh học đường phổ biến ở TP.HCM năm 2023. Chiếm tỷ lệ cao nhất trong các loại bệnh trên là thừa cân béo phì với 32,28%. Những con số khiến phụ huynh lo ngại Cách đây ít ngày, ngành giáo dục TP.HCM đã công bố nhiều thông tin về bệnh học...