Phở và cuộc hành trình về phương Nam
Nếu như danh từ “phở” được xuất hiện lần đầu trong cuốn “Việt Nam tự điển”, xuất bản năm 1930 thì tính đến thời điểm hiện tại, “phở” là từ tiếng Việt thứ ba được Oxford – một trong những bộ từ điển uy tín hàng đầu thế giới, công nhận bên cạnh “áo dài” và “bánh mì”.
Cuộc hành trình về phương Nam của phở
Hơn một thế kỷ qua, người ta vẫn đau đáu đi tìm “nhân thân” của phở. Cho đến nay, những nghi vấn xung quanh nó vẫn không thôi được đặt ra, mổ xẻ và tranh cãi.
Nhiều bản ghi chép khẳng định, phở xuất xứ từ món Pot-au-feu của người Pháp được đầu bếp Pháp đem vào VN. Món của người Pháp cũng hầm thịt bò và xương bò với các loại gia vị như gia vị phở gồm thảo quả, đinh hương, hành nướng, quế… kèm rau củ quả như cà rốt, khoai tây, củ cải trắng… Những đầu bếp Việt phục vụ cho gia đình Pháp đã biến tấu gia giảm thành món phở của VN ăn kèm bánh phở. Tên Pot-au-feu đọc y chang phát âm từ Phở.
Còn đa phần các nhà sử học Việt Nam thì đồng tình rằng, phở được “phát minh” vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX ở miền Bắc Việt Nam
Hơn một thế kỷ qua, người ta vẫn đau đáu đi tìm “nhân thân” của phở. Ảnh: IT
Có một điều không cần tranh cãi đó là chắc chắn Sài Gòn không phải “nơi chôn nhau cắt rốn” của phở. Nhưng ngay từ những năm 50 của thế kỷ trước, khi thời kỳ đô hộ của thực dân Pháp kết thúc, phở đã theo chân hàng triệu người miền Bắc di cư, phả một luồng sinh khí mới mẻ vào đời sống ẩm thực của người phương Nam. Nơi đầu tiên chính là Sài Gòn. Hồi đó, nằm trên hai con đường Pasteur và Hiền Vương (Võ Thị Sáu ngày nay) là cả một dãy phố phở.
Ngay từ khi có mặt, để phù hợp với nguồn nguyên liệu có sẵn tại chỗ, thích nghi với văn hóa địa phương, nhất là cho vừa vặn khẩu vị và cái tính hay thêm thắt của thị dân Sài Gòn, phở được gọt giũa, biến hóa thành ra món phở Sài Gòn, nhưng vẫn không hề phôi pha hương vị gốc. Từ đó, phở chễm chệ, hiên ngang sánh vai cùng mì hoành thánh, hủ tiếu, bánh canh, cơm tấm… của xứ sở Hòn ngọc Viễn đông.
Năm 1975, đất nước thống nhất, Nam – Bắc thông thương, người dân hai miền có dịp quần tụ cùng nhau khiến ẩm thực vùng miền không còn ranh giới. Một lần nữa, phở Sài Gòn lại mang một sắc thái mới. Để giải quyết cho nỗi nhớ quê hương của những người xa quê trót mang trong trái tim mình niềm luyến lưu với phở, hàng loạt quán phở Bắc ra đời.
Từ đây, phở bắt đầu mạnh dạn khẳng định sự có mặt của mình ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long như một bước đột phá về ẩm thực của vùng sông nước từ ngàn xưa chỉ quen với hủ tiếu, cháo lòng.
Thay vì bánh phở tươi khó bảo quản, mềm dễ ngán, phở miền Tây được biến tấu với cọng hủ tiếu dai phơi khô. Loại “bánh phở” độc đáo này là đặc sản tại địa phương không lo khan hiếm, lại dễ bảo quản, để được lâu. Quan trọng hơn là nó quen miệng với người dân miền sông nước vốn đã từng ăn hủ tiếu lâu năm. Vị phở về đến miền Tây cũng được nêm ngọt đường hơn, cay hơn. Rau ăn kèm chủ yếu là ngò gai, rau om… là thứ rau sẵn có, dễ trồng.
Tuy nhiên, cho dù có “phăng-te-di” cỡ nào thì phở cũng luôn giữ lại cái cốt của nó ở nồi nước dùng. Nước dùng phở dứt khoát phải được ninh bằng những ống xương bò cho ra thứ nước trong văn vắt, thêm gừng nướng, quế khâu, hoa hồi, thảo quả… sẽ có màu nhẹ như khói, thừa vị đậm đà nhưng không béo ngậy.
Phở bất chấp nhà hàng máy lạnh sang trọng giữa lòng thành phố… Ảnh: IT
Bản hòa tấu đầy đặn cung bậc
Khi phở dần dần có chỗ đứng trên thị trường ẩm thực thì thịt bò trở nên khan hiếm, vì miền Tây vốn không phải là xứ sở của thảo nguyên mênh mông và những đàn bò. Thế là phở gà ra đời. Nếu nước dùng phở bò ninh bằng xương bò thì nước dùng phở gà phải toàn gà. Phiên bản này cũng được yêu thích không kém.
Cuối cùng, cho dù theo phong cách Bắc hay Nam, hương vị xưa hay nay, dùng bánh phở tươi hay cọng hủ tiếu dai, thì phở vẫn là một món ăn không thể thiếu trong thực đơn của người Việt. Người ta dùng phở như một món điểm tâm sáng, thay cơm vào bữa trưa, lót dạ vào đêm muộn. Có thể ăn vào lúc đói cũng có khi chỉ ăn cho vui miệng.
Phở không phân biệt giàu nghèo, sang hèn. Phở bình đẳng cho tất cả những ai là tín đồ của phở. Phở bất chấp nhà hàng máy lạnh sang trọng giữa lòng thành phố hay chiếc xe phở bình dân bên lề đường ở một vùng quê.
Phở không chỉ được người dân Việt Nam yêu thích mà ngay cả những vị du khách nước ngoài khó tính cũng mê mẩn. Không chỉ trong nước mà ở nhiều nơi trên thế giới, phở cũng có mặt như một sứ giả cho nền ẩm thực Việt.
Theo năm tháng, phở được biến tấu với nhiều phong cách khác nhau như phở cuốn, phở xào, phở áp chảo, phở hai tô (phở khô)… Đặc biệt, phở còn đi ra thế giới bằng gói “ phở ăn liền”. Tuy không thể nào sánh bằng tô phở nấu trực tiếp, nhưng phở ăn liền tỏ ra lợi hại khi là một phương thuốc xoa dịu nỗi hoài hương cho những người con xa xứ.
… hay chiếc xe phở bình dân bên lề đường. Ảnh: IT
Một không gian với những làn khói quyện vào nhau lảng đảng, cùng mùi vị nồng nàn của nồi nước dùng bay ra từ góc bếp. Những cọng phở trắng muốt làm từ hạt gạo tám thơm, nằm xếp lớp bên dưới làn nước lèo sóng sánh mỡ màng, những miếng thịt bò được rắc lên trên những mẩu hành xanh mướt… từ lâu đã là món ăn quen thuộc của người phương Nam.
Phở không chỉ là một món ăn làm cho no bụng, phở còn đi vào đời sống tinh thần của con người, đi vào thơ ca, nhạc họa; sang trọng, kiêu kỳ nhưng gần gũi, không kiểu cách. Phở không những khiến các món ăn khác ganh tỵ, mà mỗi khi nũng nịu dỗi hờn, cánh chị em còn lấy phở ra để bóng gió: “Biết mà, ai kia đã chán cơm thèm phở rồi”.
Bánh phở làm từ bột gì, nấu món gì ngon và phổ biến nhất?
Bánh phở cực kỳ quen thuộc với chúng ta và thậm chí là thực phẩm không thể thiếu trong danh sách thực phẩm thiết yếu.
Video đang HOT
Có rất nhiều món ăn chế biến từ thực phẩm này. Trong số đó, phổ biến nhất là phở nấu. Phở nấu hay phở nước - món ngon làm từ bánh phở tươi tiêu biểu, được thực khách thế giới biết đến, như một món ăn đặc sản của ẩm thực Việt.
1. Bánh phở làm từ bột gì
Theo truyền thống, bánh phở làm từ bột gạo tươi xay bằng cối đá. Sau đó người ta sẽ hấp chín, hong khô tự nhiên và cắt sợi. Sợi phở thường có độ rộng 3-4mm và độ dày khoảng 1.5mm. Sợi phở có mặt láng, màu trắng đục, có độ dẻo dai vừa phải và vị ngọt nhẹ bùi bùi. Ngoài phở tươi người ta còn làm phở khô đóng gói tiện lợi.
Hiện nay, bánh phở đa dạng về thành phần nguyên liệu hơn. Ngoài bột gạo tươi, người ta làm bánh phở bằng bột gạo khô, bột gạo khô pha bột năng hay bột mì pha bột năng. Một số đầu bếp tại gia còn làm bánh phở tươi dùng ngay từ cơm nguội. Không chỉ có bánh phở làm từ gạo trắng, còn có bánh phở làm từ gạo nguyên cám hay gạo huyết rồng với hàm lượng dinh dưỡng cao hơn. Để tạo sợi phở, ngoài việc dùng máy cắt, khuôn ép, người ta dùng dao bén để cắt.
Dùng dao bén để cắt sợi bánh phở. Ảnh Youtuber Tina Cooking
2. Bánh phở tươi
Bánh phở tươi dùng để nấu phở hay làm món phở xào được cho là ngon nhất. Vì sợi phở tươi dẻo mềm lại có độ dai nhất định dễ chế biến. Thành phẩm sau khi chế biến vẫn giữ được nguyên vẹn sợi phở ngon mà không bị nát.
2.1. Bánh phở tươi đóng gói
So với trước đây, bánh phở tươi ngày nay được bán rộng rãi. Bạn có thể tìm mua phở tươi ký hoặc đóng gói tại các chợ hay siêu thị.
Thông thường, sản phẩm sợi phở tươi cũng như bún tươi hay hủ tiếu tươi có thời gian sử dụng trong 2-3 ngày khi bảo quản đúng cách. Phở tươi mua về chưa sử dụng ngay cần được để trong ngăn mát tủ lạnh. Trên bao bì sản phẩm luôn có hướng dẫn rõ cách bảo quản.
Với phở tươi, nếu không đi mua, bạn có thể tự tay làm phở để dùng. Cách làm phở tươi tại nhà không phải là thử thách quá lớn với những bà nội trợ khéo tay hay vào bếp. Ngay sau đây, bạn hãy tham khảo 2 công thức làm phở khá dễ nhé, nhiều người thực hiện đã rất thành công rồi.
2.2. Tự làm bánh phở tươi tại nhà
2.2.1. Làm phở tươi đơn giản không cần khuôn
2.2.1.1. Nguyên liệu
200 g bột gạo
100 g bột năng
1/2 thìa cà phê muối
2 thìa canh dầu ăn
750 ml nước lọc
Nguyên liệu làm phở tươi tại nhà. Ảnh Youtuber Đặc Sản Quê Tôi
2.2.1.2. Cách làm bánh phở tươi đơn giản
Cho bột gạo và bột năng vào tô, thêm 1/2 thìa cà phê muối trộn đều. Đổ 750 ml nước vào bột khuấy đều. Rây bột để lọc bỏ cặn nếu có. Bọc tô bột lại, để bột nghỉ 30 phút đến 1 tiếng.
Chuẩn bị khay lưới và khay thường hoặc đĩa để đựng bánh. Quết một lớp dầu ăn lên khay.Bắc xửng lên bếp nấu nước sôi. Cho xửng hấp lên, cho khuôn tròn inox hoặc khuôn tròn chống dính vào làm nóng khuôn.Khuôn nóng, bạn quết dầu và đổ bột tráng đều đấy khuôn. Hấp bánh 5-6 phút là bánh chín.
Lấy bánh ra để lên khay lưới cho khô ráo rồi bỏ bánh lên khay hoặc đĩa đã thoa dầu.Tiếp tục lặp lại bước đổ bánh tương tự như trên cho đến khi hết bột.Bánh nguội bạn tiến hành cắt sợi. Đến đây chúng ta đã có bánh phở tươi ngon dẻo dai mềm ngon để làm phở nấu hoặc phở xào tùy thích.
Cách làm phở tươi tại nhà. Ảnh Youtuber Đặc Sản Quê Tôi
2.2.2. Làm phở tươi bằng cơm nguội
2.2.2.1. Nguyên liệu
100 g cơm nguội
80 g bột năng
80 g bột gạo
100 ml nước lạnh
1 thìa canh giấm
Dầu ănMuối
Cơm nguội có thể dùng để làm sợi phở tươi ngon dẻo và nhanh. Ảnh Youtuber Mai Khôi
2.2.2.2. Cách làm phở tươi bằng cơm nguội
Cho cơm nguội cùng 100 ml nước lạnh vào máy xay sinh tố, xau nhuyễn mịn.Đổ cơm xay vào chảo không dính, bắc lên bếp, nấu sôi. Khuấy đều tay trong quá trình nấu. Cơm xay sôi bạn tắt bếp.Cho vào chảo cơm xay 80 g bột gạo, 80 g bột năng cùng 1/3 thìa cà phê muối, 1 thìa cà phê dầu ăn, trộn đều.
Nấu cơm xay và trộn bột. Ảnh Youtuber Mai Khôi
Đổ hỗn hợp bột ra mặt phẳng sạch, nhồi đến khi có khối bột dẻo mịn. Chia bột thành 4 phần, cán mỏng, rắc ít bột khô lên mặt để chống dính. Sau khi cán xong hết bột, bạn dùng dao bén, cắt sợi. Rắc ít bột khô để cho sợi bột không bị dính vào nhau.Bắc nồi nước lên bếp nấu sôi, cho vào 1 thìa canh dầu ăn.
Nước sôi, cho từ ít sợi phở đã cắt vào luộc. Đợi khoảng 30 giây - 1 phút sau khi thả sợi phở vào thì dùng đũa khuấy nhẹ cho sợi phở không bị dính nồi. Khi sợi phở nổi là đã gần được, bạn nấu thêm 3-4 phút cho sợi phở chín hẳn rồi tắt bếp.Đổ phở ra rá inox, xả nước lạnh, để ráo nguội là có phở tươi để dùng.
Cán bột, cắt sợi và luộc phở. Ảnh Youtuber Mai Khôi
3. Bánh phở khô
Từ lâu bánh phở khô cũng đã rất thông dụng để các gia đình dự trữ, nấu phở khi không có phở tươi. Phở khô tiện lợi về khâu để dành lẫn chế biến. Hiện nay có nhiều thương hiệu phổ khô ngon để bạn chọn dùng. Trong số đó 3 loại và thương hiệu được tin dùng nhất có thể kể đến như:
3.1. Bánh phở Vifon hay bánh phở khô Bông Lúa Vàng
Phở khô Vifon hay bánh phở Bông Lúa Vàng là một trong những sản phẩm rất được các bà nội trợ tin chọn sử dụng. Bánh phở có độ dai mềm vừa phải nên dễ chế biến ít bị nát. Trọng lượng phổ biến dễ dùng nhất là gói 400 g - 500 g. Giá từ 30.000đ, vừa túi tiền với nhiều gia đình.
Bánh phở khô Vifon. Ảnh Internet
3.2. Bánh phở Xưa & Nay của Acecook
Phở khô Xưa & Nay của Acecook cũng là lựa chọn ưu tiên của nhiều bà nội trợ không kém phở Vifon. Sợi phở dai mềm cũng khá dễ chế biến. Sản phẩm không có chất bảo quản hay hàn the nên an toàn cho sức khỏe. Phở khô Xưa & Nay đóng gói cỡ nhỏ và to. Gói cỡ nhỏ 500g dễ sử dụng, giá bạn hiện ở mức từ 30.000đ.
Bánh phở khô Xưa & Nay của Acecook. Ảnh Internet
3.3. Bánh phở khô Bích Chi hay Vina Phở
Nói về các loại bột, bột ngũ cốc và bún hay phở khô chắc chắn không thể không đề cập đến thương hiệu Bích Chi lâu đời. Bánh phở Bích Chi có độ dai ngon vừa, dễ chế biến. Sản phẩm không chứa thành phần nào độc hại hay phụ gia nên an toàn cho sức khỏe. Phở khô Bích Chi gói 400 g hiện có giá từ 32.000 đ. Ngoài ra, sản phẩm còn có gói nhỏ khối lượng 200 g rất tiện lợi.
Bánh phở khô Vina Phở gói 200 g tiện lợi của thương hiệu Bích Chi. Ảnh Internet
4. Bánh phở làm món gì ngon?
Ngay cả khi chúng ta không rành về nấu ăn, hầu như ai cũng biết bánh phở dùng để làm phở nấu là ngon nhất. Kế đến, phở xào đa dạng vị cũng là lựa chọn khá phổ biến để đổi món, trong danh sách món phở của nhiều gia đình. Ngoài ra, chúng ta có thể dùng bánh phở để làm pad Thái hấp dẫn. Hoặc bánh phở nguyên miếng chưa cắt dùng để làm phở cuốn cũng rất tuyệt vời.
4.1. Phở nấu
Về món phở nấu hay phở nước, phổ biến nhất có lẽ là phở bò và phở gà . Đây là món ăn sáng hay ăn trưa thậm chí là ăn tối hay những khi " không biết ăn gì " của rất nhiều gia đình.
Ngoài việc thưởng thức tại các hàng quán, nhiều bà nội trợ cũng thích tự nấu để có bát phở ngon như ý lại tốt cho sức khỏe hơn.
Phở bò là món phở nấu phổ biến nhất ai cũng yêu thích. Ảnh Pixabay
Cách nấu phở bò hay phở gà cũng có rất nhiều công thức để bạn thử trổ tài tại nhà. Thành phần nấu phở nước đơn giản hay phức tạp tùy theo ý thích và thời gian chuẩn bị của bạn. Và nấu món này, bạn sử dụng bánh phở tươi hay khô đều ngon.
4.2. Phở xào
Sau món phở nấu, phở xào là món ngon thông dụng thứ 2 dùng bánh phở. Những lúc cần món mới đổi vị cho phở nấu, phở xào là lựa chọn ưu tiên. Phở xào dùng để ăn sáng, ăn trưa hay ăn tối đều thích hợp. Cách làm phở xào cũng tương đối dễ thực hiện và đa dạng về nguyên liệu. Vì thế, tùy sở thích bạn có thể chọn các thành phần khác nhau để có món phở xào phong phú vị đổi món cho gia đình rất linh động. Các món phở xào ngon thông dụng nhất có thể kể đến như phở xào bò , xào tôm, phở xào hải sản, phở xào trứng, phở xào chua ngọt và phở xào rau củ hay phở xào chay.
Bánh phở xào chay thanh đạm dễ làm. Ảnh Youtuber Lan Thái Miền Tây
4.3. Bánh phở làm pad Thái
Pad Thái là một trong những món ngon đặc sản của ẩm thực Thái Lan. Pad Thái chuẩn vị có thành phần chính là mì hoặc phở xào chín. Thành phần phụ của món ăn là đậu hũ, tôm khô tôm tươi hay thịt bò, trứng, giá đỗ,...Món ăn đặc sắc còn nhờ vào thành phần nước sốt đậm đà sánh sệt làm từ nước cốt me, đường thốt nốt, nước mắm,...
Nếu thích món phở ngon lạ miệng bạn có thể thực hiện pad Thái làm bằng bánh phở. Chắc chắn đây sẽ là một trong các món phở tuyệt vời mà ai nếm thử cũng sẽ yêu thích.
4.4. Phở cuốn
Phở cuốn được làm từ bánh phở tươi nguyên miếng chưa cắt sợi. Phần nhân cực kỳ đa dạng gồm có rau quả và nguyên liệu chính là thịt hay đậu hũ. Rau củ quả để làm phở cuốn bạn có thể dùng như rau xà lách, giá, rau thơm, dưa leo, cà rốt. Nguyên liệu chính của nhân có thể là thịt heo luộc, thịt heo áp chảo, thịt heo nướng, thì bò xào, thịt bò nướng, thịt bò áp chảo, tôm tươi nõn áp chảo hay luộc,...Với phở cuốn thanh đạm hoặc chay thì nguyên liệu chính của nhân có thể là trứng, đậu hũ, tàu hũ ky,...
Phở cuốn là món ngon đặc sản của đất Hà thành. Món ăn hấp dẫn nhờ vỏ bánh phở mềm ngon quyện với phần nhân phong phú có rau thịt tôm,... Dùng kèm với phở cuốn là nước chấm ngon vị chua ngọt hài hòa, ai dùng thử cũng mê và dùng bao nhiêu cũng không ngán này.
Phở cuốn đa dạng loại nhân phù hợp mọi khẩu vị. Ảnh Youtuber Helen's Receipes
Mặc dù với hầu hết chúng ta, phở đều rất đỗi quen thuộc. Tuy nhiên, không hẳn tất cả đều rành về bánh phở. Qua chia sẻ trên đây, Chuyên mục Món ngon của Yeutre.vn hy vọng có thêm một số thông tin cụ thể hơn về một trong những thực phẩm vô cùng gần gũi. Nhờ đó, chúng ta sẽ có thêm cảm hứng để vào bếp tự làm, tự nấu hoặc cũng cảm thấy ngon hơn, thi vị hơn khi thưởng thức phở ở bên ngoài.
Những món phở ngon Việt Nam dù đi đâu cũng nhớ, dù về đâu cũng thấy thèm Thưởng thức những món phở ngon Việt Nam là nếm trọn tinh hoa ẩm thực lâu đời của người Việt, cảm nhận trọn vẹn hương vị phở đặc trưng mà không quốc gia nào trên thế giới có được. Những món phở ngon Việt Nam được yêu thích nhất 1. Phở truyền thống Trong các món phở ngon Việt Nam thì phở truyền...