Phở Minh: từ xe đẩy rong đến quán hơn nửa thế kỷ ở Sài Gòn
Quán phở nằm trong hẻm ở trung tâm Sài Gòn, bắt đầu đón khách vào năm 1942 trên một chiếc xe đẩy.
Ẩn mình trong một con hẻm nhỏ và yên tĩnh trên đường Pasteur, quận 1, quán phở của gia đình bà Sáu Dần (sinh năm 1950) đã gắn bó với nhiều thế hệ người Sài Gòn suốt hơn nửa thế kỷ qua. Bà Sáu là con gái của ông Trần Minh – người mở quán sau khi cùng gia đình từ Bắc vào Nam lập nghiệp. “Tên tiệm phở được lấy theo tên của cha tôi. Quán là gia tài mà ông để lại cho gia đình”, bà nói.
Bà Sáu (bên phải) cùng em trai trong gian bếp quen thuộc được đặt ở ngay cửa tiệm. Ảnh: Di Vỹ.
Tiệm phở khởi đầu từ một xe đẩy nhỏ ở trong hẻm đường Pasteur, cạnh rạp Casino (sau đổi tên thành Vinh Quang). “Năm 1950, gia đình có một gian nhà nhỏ để kê bàn và bắt đầu đón khách”, bà nói. Khi đó, quán nằm đối diện vị trí hiện tại và không được khang trang như hiện nay.
Ẩm thực ở thành phố phát triển và đổi thay liên tục nhưng hương vị phở ở quán Minh vẫn vẹn nguyên như ngày đầu. Bà Sáu nhớ lại, tiệm phở từng nườm nượp khách dù nằm trong hẻm nhỏ. “Khi ấy, quán không dùng bất cứ gia vị nào như quế, hồi, thảo quả… mà chỉ dùng đúng gừng nướng và sả cây để nấu nước dùng. Bây giờ cũng vậy”, bà chủ nói.
Vị phở Bắc tại đây thể hiện qua nước dùng thanh, ngọt từ xương mà không có thêm phụ gia. Thoảng trong hơi khói toả ra từ nồi nước dùng đang sôi ở góc nhà là mùi gừng nóng ấm. Khách quen đều biết quán dùng bếp củi để đun. Nước dùng được đun nhiều lần khiến hương vị trở nên khác biệt.
Thịt bò được chọn là loại mềm, thơm và tươi. Bánh phở có bản nhỏ, mềm và dai vừa phải. Trước đây, quán không phục vụ rau giá, quế, ngò hay tương đen, tương đỏ như bây giờ. Thực khách đến đây có thể gọi các suất ăn tái, nạm, gân theo sở thích. Quán còn phục vụ bánh pate chaud để ăn thêm.
Video đang HOT
Mỗi tô phở ở đây có giá trung bình 50.000 đồng. Ảnh: Di Vỹ.
Hiện nay, quán ít khách hơn xưa nhưng vào mỗi cuối tuần, bà Sáu và người thân vẫn không xuể việc, khách chủ yếu là các gia đình.
“Phở ở đây có vị khác với nhiều nơi tôi từng ăn. Thịt mềm và thơm khó tả. Nước dùng cũng đậm đà. Tuy nhiên suất ăn chưa đầy đặn cho người có sức ăn khoẻ”, Huy Hoàng (sống ở quận 7) nói sau lần đầu tiên ghé quán.
Không gian quán đơn sơ, những bộ bàn ghế bằng gỗ màu nâu đen, cũ kỹ được xếp gọn ở gian nhà. Khách đi xe đến sẽ để bên con hẻm. Quán mở cửa từ 6h30 và đóng lúc gần 10h.
Theo Vnexpress
Từ gánh rong đến quán phở Minh nổi tiếng 70 năm ở Sài Gòn
Không quảng cáo, không mở rộng kinh doanh, phở Minh qua 3 thế hệ vẫn ngày ngày đón chào những vị khách thân thuộc trong con hẻm nhỏ trên đường Pasteur (quận 1, TP.HCM).
Không gian phục vụ ở phở Minh chỉ có 2 gian nhỏ với vỏn vẹn 9 bộ bàn ghế, trái ngược hẳn với cách chúng tôi nghĩ về một quán phở có tiếng ở Sài Gòn. Nằm sâu trong con hẻm ở đường Pasteur đông đúc ngay trung tâm quận 1, chúng tôi đã cảm nhận được không khí yên tĩnh, thân tình ở đây.
Nhiều vị khách mới đến tò mò, "sao quán không cất tấm phản lớn rồi đặt thêm bàn ghế" hay "sao không nấu nhiều phở hơn cho khách đến ăn". Đáp lại, chị Dung, chủ quán phở Minh, cho biết không có ý định mở rộng quán. Chị tâm sự: "Chúng tôi đang phục vụ chừng này khách, đa phần đều là khách quen qua nhiều đời và người ta thích không gian như vậy, cớ sao chúng tôi lại phải mở rộng rồi thương mại hóa?".
Từ một xe đẩy nhỏ năm 1942, phở Minh bắt đầu dựng quán khoảng những năm 1950. Đến nay, biển hiệu "phở Minh" và các vật trang trí khi xưa vẫn còn được giữ nguyên như một cách để gia đình tự hào vì qua bao năm, hương vị phở không có gì đổi khác.
Đứng bếp chính hiện nay là bà Sáu, con gái út ông chủ đầu tiên của phở Minh. Nồi nước dùng ở phở Minh được hầm trong nhiều tiếng đồng hồ, trước giờ chỉ sử dụng gừng, sả chứ không phải hồi, quế hay đinh hương nên có vị thanh và ngọt riêng.
Phở Minh có đủ các loại tái, nạm, gân, gầu, vè. Thịt thường được luộc kỹ và thái miếng dày hơn nhiều quán khác, nhưng điều đặc biệt là vẫn rất mềm và có vị ngọt đặc trưng.
Dù là phở gốc Bắc nhưng phở Minh đã dần dà chiều ý thực khách Sài Gòn. Quán vẫn bày thêm rau, giá đỗ và các loại tương ớt, tương đen để ăn kèm. Các loại tương này do gia đình chế biến lại nên mang nhiều nét khác biệt. Ngoài phở, quán cũng phục vụ món bánh pate chaud, yaourt và nhiều thức uống "nhà làm" khác.
"Australia có nhiều quán phở Việt Nam, nhưng đúng là phải ăn ở đây thì mới cảm nhận đúng hương vị được. Vị phở thơm, miếng thịt mềm, ngọt và các loại rau ăn kèm cũng rất thú vị. Nhưng có lẽ tôi cần suất ăn lớn hơn", anh Ian, một du khách người Australia lần đầu đến phở Minh nhận xét. Thực tế, phở ở đây được bán theo các kích cỡ nhỏ, trung bình và lớn với giá từ 55.000-75.000 đồng. Tuy vậy, lượng phở và thịt khá ít, không phù hợp với những thực khách có sức ăn khỏe.
Khách lâu năm thường sẽ gọi thêm chén tiết hoặc chén trứng, vị chi hơn 100.000 đồng cho một bữa sáng tại đây. Nó được coi là mức giá khá đắt đỏ đối với đa số người dân.
"Nếu phải nói lên một điều tôi tự hào về phở Minh, đó chính là cách chúng tôi giữ nguyên hương vị từ thời ông nội. Trải qua nhiều năm, nguyên liệu không còn như xưa nhưng gia đình những vị khách ghé ăn vẫn đến ủng hộ đến đời thứ 3, thứ 4 dù sống trong nước hay nước ngoài", chị Dung tâm sự.
Ở đây trong cả buổi sáng, chúng tôi bắt gặp không ít bạn trẻ cùng bố mẹ đến ăn và trò chuyện thân tình cùng gia đình chủ quán. Họ chia sẻ: "Người mới ăn vài lần có thể thấy bình thường, nhưng chúng tôi ăn mấy chục năm ở đây đã quen, lâu không ăn sẽ nhớ".
Theo Zing
Giòn tan các loại bánh chiên, rán vàng ruộm bình dân có từ thời "ông bà anh" nhưng đến hiện tại vẫn được yêu thích Dù cho hiện tại có rất nhiều những món ăn vặt chiên, rán hấp dẫn khác, nhưng những món bánh bình dân có từ thời "ông bà anh" vẫn luôn chiếm giữ một vị trí quan trọng trong lòng người Sài Gòn. Trưa hè buồn miệng, chỉ mong sao trông thấy một gánh, một xe, hay một bóng dáng cùng chiếc làn mây,...