Phế phẩm… ăn là ghiền
Nếu chịu khó chế biến hoặc tận dụng các phế phẩm từ nhà bếp, chúng sẽ trở thành loại gia vị đáng giá để nấu nhiều món “ăn là ghiền”.
Phế phẩm của cơm: mẻ
Cơm mẻ là một gia vị truyền thống của người miền Bắc, ngày nay được phổ biến khắp ba miền. Mẻ được làm từ cơm nguội thừa, đem trộn với một ít “cái” mẻ (là mẻ đã chua) rồi cho vào lọ đậy kỹ để ủ cho lên men, vài ngày sau, trên mặt cơm xuất hiện những con mẻ li ti, lớp dưới trở nên trắng đục như sữa, dậy mùi thơm khó tả, là lúc cơm mẻ “ngấu”, có thể ăn được.
Hòa tan cơm mẻ với nước, lọc bỏ xác, là đã có một loại gia vị chua thanh rất đặc biệt, dùng để nêm nếm cho các món canh chua, lẩu chua, tẩm ướp cho món nướng hay om. Nhiều đặc sản miền Bắc không thể thiếu mẻ như bún ốc, riêu cá, ốc bung chuối đậu, heo giả cầy, thịt nướng riềng mẻ… dân dã mà hấp dẫn.
Người miền Nam lại khoái mấy món canh chua hay lẩu chua cá nấu mẻ. Nhiều người quả quyết canh chua mẻ nấu với cá lóc mới là đúng điệu. Lâu lâu gặp con cá ngát có trứng, đem trứng cá ngát nấu mẻ thì quả là cao lương mỹ vị cũng khó sánh bằng. Đặc sản miền Tây Nam bộ còn phải kể đến thịt trâu nhúng mẻ hay cá chạch nướng chấm mẻ. Chén nước mẻ pha thêm muối, đường và chút bột ngọt, trộn thêm ớt băm thành thứ nước chấm hảo hạng với đủ vị chua cay ngọt mặn, rất khoái khẩu.
Để mẻ ngon hơn, người ta còn cho mẻ “ăn” chân gà, hay thêm cục xương heo hoặc bò băm nhỏ, thậm chí chỉ là trái chuối chín, mẻ sẽ dậy mùi thơm rất đặc biệt. Ngày nay, nhiều gia đình không còn thói quen “nuôi” mẻ trong nhà, vì ở chợ lúc nào cũng có sẵn.
Hèm và giấm bỗng – phế phẩm từ rượu
Hèm là chất thải ra sau khi chưng cất rượu, còn gọi là bã rượu. Hèm rượu cũng là loại gia vị tạo chua nhưng dịu nhẹ hơn cơm mẻ và dĩ nhiên là thơm nồng mùi rượu. Nguyên liệu để nấu rượu thì nhiều, nhưng rượu làm từ nếp là ngon nhất, nên thường người ta thích dùng hèm rượu nếp do mùi thơm đậm đà.
Hèm có thể dùng để nấu canh chua với cá, nhưng phải là các loại cá thịt dai, nếu không, hèm ngấm vào làm thịt cá bở, mất ngon. Ngoài ra, hèm còn dùng thay mẻ trong các món thịt nặng mùi như thịt bò, thịt trâu nhờ mùi thơm đậm đà, nhưng chỉ khi “sánh duyên” cùng với thịt gà, hèm rượu mới “lên ngôi”. Điển hình là món gà hấp hèm. Hương hèm thấm vào thịt gà, vừa mềm vừa thơm lại ngọt thịt, hơn hẳn cách hấp thông thường. Biến tấu một chút thành món lẩu gà hấp hèm, ăn kèm với cải xanh và cải thảo, rất hợp khẩu vị người thành phố.
Với dân Phan Rang, đặc sản cơm gà nếu thiếu đi chén nước chấm hèm thì coi như mất hẳn hương vị. Đơn giản chỉ là hèm chắt lấy nước, pha gia vị cho vừa ăn, thêm tỏi, ớt giã nhuyễn. Vị chua nhẹ kích thích sự thèm ăn và giải ngán cho thịt gà nên càng ăn càng “khí thế”.
Video đang HOT
Tinh tế hơn là loại gia vị giấm bỗng độc đáo của người miền Bắc. Hèm rượu lược vắt lấy nước cất vào chai, để tự nhiên chừng vài ba ngày sau, nước ngả màu vàng nhẹ, có vị chua dịu là thành giấm. Người sành ăn thường chuộng giấm bỗng nếp cái hoa vàng. Các món đồng quê như bún ốc, riêu cua, riêu cá đồng nhờ có giấm bỗng mà hương vị trở nên đặc sắc, quyến rũ. Ai đã từng thử chắc hẳn khó quên…
Theo PNO
[Chế biến] - Cá trắm nướng riềng mẻ
Món cá trắm nướng riềng mẻ không chỉ thơm ngon, thịt cá ngọt mà còn đem lại cảm giác ấm cúng khi thưởng thức.
Vào những ngày nghỉ, ngày lễ hay trong dịp Tết, khi về quê, những món nướng trên than hoa dường như là không thể thiếu trong mỗi gia đình. Món ăn vừa thơm nức, hấp dẫn, nóng hổi mà còn đem lại cảm giác ấm áp, sum vầy.
Trong dịp cuối năm âm lịch sắp tới, nếu có thể sử dụng than hoa hoặc trong những ngày nghỉ Tết ở quê, chị em hãy thử làm món cá trắm nướng riềng mẻ này nhé, đảm bảo ai cũng sẽ thích mê. Cá trắm nướng riềng mẻ không đòi hỏi cầu kì nhiều loại nguyên liệu hay gia vị, chỉ cẩn vài thứ đơn giản nhưng sẽ đem lại món ăn ngon bất ngờ. Chị em tham khảo cách làm cá trắm nướng riềng mẻ tại đây nhé!
Nguyên liệu:
-3-4 khúc cá trắm (mỗi khúc dày khoảng 3cm, trong bài này mình sử dụng cá cắt khúc của một con cá trắm 2,5kg), số lượng có thể nhiều hơn tùy lượng người
- Nước mắm vừa đủ
- 1 bát ăn cơm riềng xay
- Lưng bát ăn cơm mẻ ngấu
- 1 chút mì chính
- 5-6 cây sả, băm nhỏ
- 1 ít dầu ăn
Cách làm:
Bước 1: Các khúc cá rửa sạch, dùng dao khứa 1-2 đường bên miếng cá để khi ướp cá ngấm gia vị hơn. Cho cá vào bát nhỏ. Cho nước mắm, mẻ, riềng, mì chính vào, trộn đều. Tốt nhất bạn nên đeo găng tay rồi dùng tay chà sát để gia vị ngấm vào cá dễ hơn.
Cho nốt sả vào, tiếp tục chà sát. Để cá ướp trong khoảng 30-60 phút.
Bước 2: Chuẩn bị bếp than hoa. Cá nướng với than hoa vẫn thơm và ngon nhất.
Dùng cọ phết dầu ăn lên vỉ nướng cá để khi nướng cá không bị dính chặt vào vỉ. Lần lượt xếp cá lên vỉ. Dùng dây thép nhỏ nẹp chặt hai bên mép vỉ để khi nướng cá, vỉ không bị bung ra.
Bước 3: Sau khi đã chuẩn bị xong bếp than hoa, xếp vỉ cả lên trên bếp, rồi nướng. Trong quá trình nướng, thỉnh thoảng phết ít dầu ăn lên trên mặt cá để cá dễ dỡ và không bị cháy.
Lưu ý, trong quá trình nướng bếp than, nên để cá cách mặt than khoảng 35cm để tránh bụi. Không nên để than tập trung vào giữa bếp, như vậy sẽ làm cá cháy, vì thế chỉ nên xếp than xung quanh bếp, còn ở giữa để một lớp mỏng, nhiệt độ của than ở xung quanh vẫn đủ làm cá ở giữa chín. Hơn nữa, chỉ nên dùng một chiếc quạt gió nhỏ để thổi than.
Nướng từ từ, không vội vàng để cá có thể chín đều từ trong ra ngoài. Cứ 2-3 phút lại lật cá một lần để các mặt cá chín vàng đều nhau.
Khi cá chín, nhẹ nhàng dỡ cá ra khỏi vỉ, xếp cá lên đĩa. Khi ăn, bạn có thể thưởng thức món cá trắm nướng riềng mẻ với tương ớt hoặc nước mắm chua ngọt.
Chúc các bạn thành công và ngon miệng với món cá trắm nướng riềng mẻ!
Theo Đông Hoa
(Khám phá)
Gỏi nhệch chấm cơm mẻ ăn no còn thèm Đĩa mồi gồm từng miếng thịt con nhệch đặc trong lớp áo thính cùng sả, riềng, lá chanh xắt mỏng, món ngon ở Kim Sơn, Ninh Bình, tên nghe lạ hoắc trong danh sách cá mú lai rai đất phương Nam. Gỏi nhệch đã sẵn, nhưng để thăng hoa, phải thêm công đoạn trang điểm bằng một đĩa rau đủ vị: lá mơ...