Những món cuốn ngon kiểu Nam Bộ
Nam Bộ là một trong những vùng có ẩm thực phong phú và đặc sắc. Nói đến ẩm thực thì không thể bỏ qua món cuốn, nó là một trong những món ăn phong phú và hấp dẫn của ẩm thực nơi đây.
Được chế biến từ những nguyên liệu thanh đạm, các món cuốn thường dễ ăn và phù hợp nhiều khẩu vị khác nhau. Dưới đây là các dạng cuốn bạn sẽ gặp khi ghé thăm Nam bộ.
1. Gỏi cuốn
Trong mỗi chiếc, bún được cuốn chung với một con tôm nhỏ, vài lát thịt ba chỉ, một chút rau thơm và giá hẹ. Cách làm khá đơn giản, chủ yếu phụ thuộc vào chén nước chấm với sự hòa quyện đầy đủ hương vị cà rốt, củ cải thái sợi, một ít hạt bắp nấu nhuyễn, đậu phộng rang và ớt cay. Ngoài ra, người miền Nam còn pha thêm chút nước cốt dừa tạo vị hơi béo, ngọt.
Do có bún nên gỏi cuốn thường to, ăn khoảng 2-3 chiếc là no
2. Bì cuốn
Món bì cuốn thường không có bún ăn kèm. Nguyên liệu chính chỉ gồm da và thịt heo thái nhỏ trộn thính, ăn với rau sống các loại như xà lách, diếp cá, tía tô. Tất cả nguyên liệu hòa vào nhau trong lớp bánh tráng mỏng vuông vức, gọn gàng. Khi ăn, thực khách sẽ chấm với nước mắm chua ngọt đỏ hồng. Nhiều người mê mẩn món này bởi vị thanh bùi, chua cay khó cưỡng.
Video đang HOT
Thính đóng vai trò đặc biệt, tạo nên bản sắc riêng cho món bì cuốn
3. Bò bía
Bò bía là một trong những món ăn giản dị được ưa thích tại vùng đất Sài Gòn phồn hoa. Nhân cuốn gồm rau diếp cá, húng quế, củ sắn và tép riu xào, lạp xưởng gói trong chiếc bánh tráng mỏng và chấm tương đen, rắc thêm chút đậu phộng. Bò bía có vị hơi ngọt là món ăn yêu thích của giới trẻ.
Bò bía là món ăn thân thuộc với học sinh – sinh viên Sài Gòn
4. Thịt luộc, bánh tráng phơi sương
Nhắc đến bánh tráng phơi sương, những người sành ăn thường nghĩ ngay tới một loại đặc sản vùng Trảng Bàng, Tây Ninh. Đây là loại bánh được làm khá cầu kỳ, tráng hai lớp, sau đó đem phơi nắng cho khô rồi nướng qua lửa, cuối cùng mới hứng sương đêm.
Bánh được yêu thích bởi độ dẻo, dai và mằn mặn đặc biệt. Thực khách thường cuốn bánh chung với thịt heo luộc thật tươi và mềm, vừa nạc vừa mỡ. Rau ăn kèm gồm 18 loại, đa phần là rau dại, tạo nên đủ mùi vị chua, chát, ngọt, béo thơm cho mỗi cuốn.
Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng nổi tiếng từ rất lâu trong giới đam mê ẩm thực
5. Thịt kho, bánh tráng nhúng
Bánh tráng làm từ bột gạo, phơi khô cho giòn cứng, trước khi ăn phải vuốt nước cho mềm. Người dân Nam bộ thường gọi là bánh tráng nhúng. Món này ăn kèm thịt kho hột vịt béo ngậy.
Trong đó, đĩa thịt kho phải gồm những miếng vừa nạc vừa mỡ, kèm trứng vịt xắt làm tám miếng. Kết hợp dưa, giá, tỏi, củ kiệu, hành tím muối chua cùng hẹ, thực khách cuốn tất cả nguyên liệu này thật đều tay vào những lát bánh tráng dai mềm. Món này thường được chấm với nước thịt kho.
Nguyên liệu chính cho món bánh tráng nhúng là thịt kho, củ kiệu và giá chua
Theo Vnexpress
Bánh tráng phơi sương
Bánh tráng phơi sương thường được dùng để làm món cuốn với thịt luộc (như thịt heo hoặc bò) ăn kèm với rau sống chấm nước mắm tỏi ớt, gỏi, cá chiên, bún... hoặc có thể ăn kèm với muối Tây Ninh.
Bánh tráng phơi sương thường được dùng để làm món cuốn với thịt heo luộc.
Trong 3 ngày 27, 28, 29/9 vừa qua, tại khu vực tượng đài Lý Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm), UBND tỉnh Tây Ninh phối hợp với UBND thành phố Hà Nội khai mạc sự kiện "Ngày Tây Ninh tại Hà Nội" năm 2019 với chủ đề "Hương sắc Tây Ninh". Tại đây, du khách trong và ngoài nước được thưởng thức nhiều đặc sản Tây Ninh trong đó có món bánh tráng phơi sương nức tiếng...
Có thể nói không phải ngẫu nhiên mà bánh tráng phơi sương Trảng Bàng là món ăn đặc trưng mà khi đến Tây Ninh du khách nào cũng muốn dùng thử.
Để làm ra được bánh tráng phơi sương ngon thì quan trọng nhất là việc chọn nguyên liệu. Gạo làm bánh phải là gạo mới, gạo ngon và không được pha trộn. Sau khi xay gạo xong bỏ thêm một lượng muối vừa phải tạo vị mặn cho bánh chứ không thêm đường như các bánh tráng thường khác. Bánh tráng Trảng Bàng thường được tráng đến hai lớp. Bánh vừa chín còn ướt sẽ được đem ra ngoài nắng phơi cho khô để chuẩn bị cho công đoạn tiếp theo.
Nướng bánh là công đoạn quan trọng tạo nên màu sắc đặc trưng của bánh tráng phơi sương. Bánh tráng sau khi phơi khô đem vào nướng ở một chiếc lò nướng đặc biệt được sử dụng nhiên liệu đốt bằng "vỏ đậu phộng", điểm đặc biệt lưu ý là bánh không được nướng quá chín và quá phồng nên chỉ nướng sơ trên mặt lửa cho đến khi thấy bánh tráng nổi những hạt bong bóng nhỏ trên mặt và ngã sang màu trắng đục thì dừng lại. Lò nướng bánh tráng làm khá đơn giản từ cái trã nhôm (cái nồi đáy tròn dùng để nấu rượu) đặt nghiêng, người thợ nhanh tay xoay cho cái bánh tráng chín phồng đều cả hai mặt mà vẫn trắng không bị cháy.
Bánh tráng sau khi nướng xong được xếp lên giàn và chờ đến sáng hôm sau chờ đến lúc sương xuống thì đem bánh ra phơi, và chỉ phơi bánh trong khoảng thời gian ngắn, nếu phơi lâu bánh sẽ bị mềm và ẩm ướt và không ngon. Đây là công đoạn quyết định thành công của bánh tráng, vì thế đòi hỏi người làm bánh phải có chút công phu và chịu khó. Người phơi bánh phải "thức" cùng bánh, đợi bánh vừa thấm sương đủ mềm là xếp lại ngay bỏ vào trong bao, lót lá chuối để giữ độ mềm, xốp. Bánh tráng phơi sương không giữ được lâu và phải dùng trong khoảng 1 tuần.
Bánh tráng phơi sương thường được dùng để làm món cuốn với thịt luộc (như thịt heo hoặc bò) ăn kèm với rau sống chấm nước mắm tỏi ớt, gỏi, cá chiên, bún,... hoặc có thể ăn kèm với muối Tây Ninh. Rau sống thì phải đủ 5 vị: chát, ngọt, chua, béo, thơm. Thành phần trên bao gồm rau diếp cá, tía tô, lá hẹ, lá cóc, lá săng mào, lá bứa, lá tràm ổi, húng quế, húng lủi, cần nước, lá mặt trăng, lá săng dẻ, quế vị, ngò tàu,lá xoài... ngoài ra còn có dưa leo xắt dài, dưa chua và giá sống. Các loại lá chỉ ở miền Nam mới có bao gồm lá cóc, săng dẻ, tràm ổi, lá bứa. Như các món Việt Nam khác, nước mắm pha không ngon thì món ăn cũng sẽ mất vị ngon. Thịt heo luộc để ăn bánh tráng phơi sương thường là thịt đùi được luộc nguyên, khi xắt ra trắng và mềm.
Năm 2017, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam-Vietkings sau quá trình tìm tòi, bình chọn trong vòng 5 năm (từ 2011-2016) đã công bố Top 100 món ăn, đặc sản tiêu biểu của Việt Nam (2011-2016), trong đó, Tây Ninh có 2 đại diện là Bánh tráng phơi sương và Bánh canh Trảng Bàng.
Theo Daidoanket
Những món ăn vặt "đậm chất" Sài Gòn Sài Gòn có vô vàn món ăn gây nhớ thương. Đi đến tận cùng các ngõ ngách, thưởng thức những món ăn vặt mang hương vị Sài Gòn chắc chắn sẽ là một trải nghiệm thú vị mà bạn không thể nào quên. Phá lấu Phá lấu có thành phần chính là nội tạng bò, được sơ chế kĩ, tẩm ướp và nấu...