Người già khi ngã dễ bị gãy xương
Trượt chân ngã, cụ bà 93 tuổi ở Phú Thọ bị gãy liên mấu chuyển xương đùi trái.
Bệnh nhân được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) với tình trạng chân và hông bên trái rất đau đớn, không thể cử động được. Chụp cắt lớp vi tính, bác sĩ kết luận bệnh nhân bị gãy liên mấu chuyển xương đùi trái, di lệch lớn và có mảnh rời nhọn vỡ tách ra khỏi khớp háng. Bệnh nhân còn bị tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa đường huyết, tiền sử nhồi máu não, xơ vữa động mạch hai chi dưới, tình trạng sức khỏe rất xấu.
Bệnh nhân đã cao tuổi, sức khỏe yếu nên ban đầu bác sĩ chỉ định điều trị bằng phương pháp bảo tồn, dùng thanh nẹp cố định khớp đùi, khớp gối, khớp cổ chân. Ngoài ra sử dụng thuốc kháng sinh, giảm đau và các thiết bị theo dõi liên tục các chỉ số sức khỏe cho bệnh nhân. Sau ba ngày nằm bất động, chỉ số máu của bệnh nhân giảm. Cụ bà đau đớn, mất ngủ, xuất hiện nhiều vết loét da ở lưng và mông do nằm bất động.
Bệnh nhân cao tuổi đang được điều trị ở bệnh viện. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.
Video đang HOT
Sức khỏe người bệnh dần suy kiệt, nếu tình trạng này kéo dài sẽ nguy kịch đến tính mạng, các bác sĩ tổ chức hội chẩn liên khoa, quyết định chuyển từ phương pháp bảo tồn sang phẫu thuật nẹp vít liên mấu xương cổ đùi để cứu nguy cho bệnh nhân.
Sau hơn 2 giờ thực hiện, ca mổ đã thành công. Vết mổ phía ngoài đùi trái bệnh nhân dài 25 cm được thực hiện bằng kỹ thuật mổ ít xâm lấn, không ảnh hưởng đến cơ, hạn chế mất máu tối đa. Suốt quá trình mổ và hồi sức sau mổ, các chỉ số sức khỏe của cụ được duy trì đảm bảo. Sau 10 ngày, bệnh nhân tỉnh táo, sức khỏe ổn định, hai chân cử động được và bắt đầu chuyển sang giai đoạn tập vận động.
Bác sĩ Nguyễn Văn Ngọc, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương, trưởng kíp mổ cho biết, đây là người cao tuổi nhất bệnh viện được phẫu thuật nẹp vít cố định liên mấu xương cổ đùi. Đối với người cao tuổi, mổ nẹp vít cố định xương đùi là giải pháp tối ưu nhất giúp người bệnh sớm phục hồi chức năng, ít đau đớn.
Theo thống kê, gãy liên mấu chuyển xương đùi rất phổ biến trong các dạng gãy xương đầu trên xương đùi, đặc biệt ở người trên 60 tuổi. Nguyên nhân gãy xương người già chủ yếu do tai nạn sinh hoạt như ngã ở nhà vệ sinh, leo lên ghế để thắp hương, thay quần áo, tai nạn giao thông… Khi bị gãy liên mấu chuyển xương đùi bệnh nhân không đứng dậy được, vận động khớp háng rất đau, chiếc chân gãy ngắn hơn chân lành, bàn chân đổ xoay ngoài.
Gãy xương đùi người già là chấn thương nặng, hậu quả rất xấu. Bệnh nhân cần được sớm đưa đến bệnh viện để xử lý kịp thời.
Lê Nga
Theo vnexpress.net
Người đàn ông suýt chết bởi phổi tắc nghẽn
Mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính 15 năm, người đàn ông 68 tuổi (Phú Thọ) mới đây lên cơn cấp tính không thở được.
Ảnh minh họa
Bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương Phú Thọ trong tình trạng lơ mơ, tím tái, mạch rời rạc. Đường thở của bệnh nhân bị tắc do đặc quánh đờm, không có thông khí vào phổi, mạch chậm 40 lần một phút, nhịp thở 10 lần một phút, bụng trướng, huyết áp 90/40 mmHg. Các bác sĩ nhanh chóng hút một lượng đờm lớn làm thông thoáng đường thở, bệnh nhân mới hết tím tái. Chẩn đoán bệnh nhân bị suy hô hấp nặng, tâm phế mạn, suy tim. Sau vài ngày điều trị, bệnh nhân tự thở được, các chỉ số đã ổn định.
Theo người nhà, người đàn ông có tiền sử hút thuốc lào nhiều năm, mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) 15 năm nay. Cách đây hai năm, ông còn bị suy tim nhưng không điều trị thường xuyên. Gần đây, bệnh nhân khó thở, phù chân và mặt, đã điều trị ở bệnh viện huyện một tuần nhưng tình trạng ngày càng nặng.
Theo các bác sĩ, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đặc trưng bởi sự tắc nghẽn đường thở ngày càng nặng dần. Hút thuốc là nguyên nhân thường gặp nhất gây bệnh. Bên cạnh đó là các tác nhân ô nhiễm môi trường, khói đốt trong nhà do đun nấu củi, than đá...
Bệnh không chỉ ảnh hưởng phổi mà còn tàn phá nhiều cơ quan trong cơ thể. Bệnh nhân thường gặp tình trạng đi kèm như suy nhược, suy giảm chức năng cơ xương, hội chứng chuyển hóa, loãng xương, trầm cảm và ung thư phổi.
Phổi tắc nghẽn mạn tính xếp thứ tư trong các nguyên nhân gây tử vong toàn cầu, sau bệnh giảm cung máu cơ tim, đột quỵ, nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới và vượt cả ung thư. Những triệu chứng lâm sàng của bệnh thường dễ gây nhầm lẫn với các bệnh hô hấp khác như khó thở, ho mạn tính hoặc tăng tiết đờm. Không thể chữa khỏi hẳn nhưng bệnh có thể phòng ngừa và điều trị triệu chứng. Phát hiện và điều trị sớm làm giảm diễn biến nặng nề của bệnh, giảm nguy cơ tử vong.
Lê Nga
Theo vnexpress.net
Hướng dẫn sơ cứu đúng cách cho trẻ bị gãy xương Trẻ bị gãy xương cần được chống sốc, cố định xương gãy bằng nẹp rồi nhanh chóng vận chuyển đến cơ sở y tế. Một bé trai 11 tuổi bị ngã cầu thang ở trường, mới đây được đưa vào Bệnh viện đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) cấp cứu. Bệnh nhi vào viện trong tình trạng đau, mất vận động chân trái,...