Người bệnh đái tháo đường nên chọn loại bánh mì nào?
Bánh mì là thực phẩm phổ biến, tiện dụng, tuy nhiên nhiều người đái tháo đường kiêng hoàn toàn bánh mì vì lo sợ tăng đường huyết.
Điều này có đúng không và người đái tháo đường cần lưu ý gì khi ăn bánh mì?
Người bệnh đái tháo đường cần kiểm soát mức tiêu thụ carbohydrate để duy trì ổn định đường huyết. Tuy nhiên, bánh mì lại là thực phẩm chứa nhiều carbohydrate, đặc biệt là bánh mì trắng. Vậy người bệnh đái tháo đường nên chọn loại bánh mì nào?
1. Vì sao người bệnh đái tháo đường nên hạn chế bánh mì trắng?
Khi được chẩn đoán mắc bệnh đái tháo đường, các bác sĩ thường khuyên người bệnh cần kiểm soát mức tiêu thụ carbohydrate để duy trì ổn định lượng đường trong máu.
Carbohydrate bao gồm: tinh bột, đường và chất xơ. Khi tiêu thụ carbohydrate, cơ thể sẽ phân hủy carbohydrate thành glucose. Carbohydrate có loại đơn giản và phức tạp.
Carbohydrate đơn giản: Loại carbs này được tiêu hóa và hấp thụ nhanh hơn carbohydrate phức tạp. Carbohydrate đơn giản có trong các sản phẩm sữa, đường ăn, bánh, kẹo, nước ngọt, xirô, gạo trắng, bánh ngọt, bánh mì trắng… Khi tiêu thụ carbohydrate đơn giản được hấp thu nhanh hơn, làm tăng lượng đường trong máu một cách nhanh chóng.
Carbohydrate phức tạp: Cung cấp năng lượng bền vững, duy trì ổn định lượng đường trong máu. Carbohydrate phức tạp có trong các loại đậu, khoai, ngô, ngũ cốc nguyên hạt, bánh mì nguyên cám.
Đó là lý do người bệnh đái tháo đường cần hạn chế hoặc tránh các thực phẩm có chứa nhiều carbohydrate đơn giản, ngũ cốc tinh chế như gạo trắng, các loại bánh ngọt, bánh mì trắng… Vì những thực phẩm này có chỉ số đường huyết cao, khi ăn vào cơ thể sẽ được hệ tiêu hóa hấp thu rất nhanh, khiến lượng đường trong máu tăng đột biến.
Tiêu thụ bánh mì trắng làm từ ngũ cốc tinh chế làm tăng nhanh đường trong máu.
Video đang HOT
Theo ThS.BS Nguyễn Thu Yên, chuyên gia Nội tiết – Đái tháo đường, cơ chế bệnh sinh của bệnh đái tháo đường là người bệnh gặp vấn đề trong việc sản xuất hoặc sử dụng insulin khiến cơ thể không thể sử dụng được glucose làm cho glucose tăng cao trong máu. Vì thế, để kiểm soát lượng đường trong máu thì bên cạnh dùng thuốc, người bệnh phải chú ý đến việc lựa chọn cũng như tiêu thụ thức ăn dạng tinh bột một cách hợp lý.
Về nguyên tắc ăn uống, người bệnh đái tháo đường cần đảm bảo đủ dinh dưỡng, kiểm soát lượng carbohydrate ăn vào (vì carbohydrate ảnh hưởng trực tiếp đến lượng đường trong máu), nên tăng cường thực phẩm giàu chất xơ, vitamin và khoáng chất.
Trong số các loại tinh bột tốt làm tăng đường huyết ít và từ từ, đồng thời có giá trị dinh dưỡng cao có ngũ cốc nguyên hạt, bao gồm: gạo lứt, yến mạch, lúa mì, lúa mạch nguyên chất…
2. Loại bánh mì nào phù hợp cho người bệnh đái tháo đường?
Bánh mì nguyên cám
Khác với ngũ cốc tinh chế, ngũ cốc nguyên hạt, bao gồm các thực phẩm như: cám, gạo lứt, yến mạch, ngô, lúa mạch, sản phẩm được làm từ ngũ cốc nguyên hạt như bánh mì nguyên cám… có nhiều lợi ích cho sức khỏe vì nó chứa nhiều chất dinh dưỡng cần thiết như vitamin, khoáng chất, chất xơ và chất chống oxy hóa.
Bánh mì nguyên cám được làm từ bột mì nguyên cám, nó vẫn giữ lại được lớp vỏ cám và mầm của hạt lúa mì nên rất giàu dưỡng chất như chất xơ, vi chất dinh dưỡng và chất chống oxy hóa có lợi cho sức khỏe. Bánh mì nguyên cám không chỉ có thành phần là lúa mì nguyên hạt mà còn được làm từ lúa mạch đen, yến mạch…
Trong 100g bột mì nguyên cám chỉ chứa 340 calo và khoảng 4% đường, chứa carbohydrate tốt, không làm tăng đột biến đường trong máu nên phù hợp cho người bệnh đái tháo đường.
Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ khuyến nghị người bệnh đái tháo đường nên chọn bánh mì nguyên cám thay cho bánh mì trắng. Vì bánh mì trắng được làm từ bột mì trắng đã qua chế biến kỹ, thường có thêm đường và sữa.
Người bệnh đái tháo đường nên ăn bánh mì nguyên cám.
Bánh mì ngũ cốc nảy mầm được làm từ ngũ cốc nguyên hạt ngâm trong nước cho nảy mầm. Sau đó, mầm được để ráo nước và nghiền nhỏ để làm nguyên liệu làm bánh mì. Quá trình nảy mầm phá vỡ carbohydrate và protein trong hạt, giúp cơ thể dễ tiêu hóa và hấp thụ chất dinh dưỡng hơn.
Nghiên cứu cho thấy, việc nảy mầm làm tăng nồng độ chất xơ thô. Bánh mì làm từ lúa mì nảy mầm cũng thường chứa hàm lượng protein, vitamin C và B cao hơn.
Quá trình nảy mầm của ngũ cốc sẽ vô hiệu hóa các chất ức chế enzyme cũng như lượng đường có thể gây lên men và tạo khí trong ruột. Do đó, nhiều người có thể bị đầy hơi và chướng bụng khi ăn bánh mì thông thường nhưng không có phản ứng tương tự khi ăn bánh mì làm từ ngũ cốc nảy mầm.
Phòng chống bệnh đái tháo đường: "Hiểu nguy cơ - Biết hành động"
"Hiểu nguy cơ - Biết hành động" là thông điệp được lựa chọn trong Ngày thế giới phòng chống bệnh đái tháo đường (14/11) năm nay.
Hiện nay, đái tháo đường là một trong những bệnh mạn tính phổ biến và gia tăng nhanh chóng.
Các cơ sở y tế thực hiện tư vấn, tầm soát bệnh đái tháo đường cho người dân. Ảnh: B.H
Nguyên nhân gây tử vong hàng đầu
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhìn nhận, đái tháo đường đang là một trong những bệnh không lây nhiễm gia tăng nhanh nhất và là một vấn đề sức khỏe cộng đồng cần đặc biệt quan tâm. Căn bệnh này là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu hiện nay, đồng thời cũng làm gia tăng gánh nặng y tế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân.
Số liệu từ Hiệp hội Phòng chống đái tháo đường thế giới cho biết, hiện cứ 10 người trưởng thành thì có hơn một người mắc bệnh đái tháo đường. Các quốc gia có hơn 20% dân số trưởng thành mắc bệnh này cũng ngày càng nhiều hơn.
Chi phí y tế cho bệnh đái tháo đường cũng tăng lên gấp ba lần. Đại diện Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay chi phí y tế đối với đái tháo đường ở người trưởng thành chiếm 12% chi phí y tế toàn cầu. Đái tháo đường được xem như "kẻ giết người thầm lặng" hiện nay.
Thực hiện các xét nghiệm để tầm soát bệnh đái tháo đường. Ảnh: L.Q
Tại Việt Nam hiện có khoảng 7 triệu người mắc bệnh đái tháo đường, trong đó 5 - 7% là tuýp 1. Bệnh xuất hiện ở hầu khắp các vùng, từ đô thị đến nông thôn. Nghiên cứu từ Bộ Y tế cho biết, trong số các bệnh nhân mắc đái tháo đường, có hơn 55% đã có biến chứng, nhất là các biến chứng về tim mạch, mắt, thần kinh và thận.
Điều đáng lo ngại hơn là hiện nay số trẻ em mắc bệnh đái tháo đường ngày càng tăng. PGS-TS. Trần Minh Điển - Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam cho biết, tại Việt Nam, số liệu tích lũy đến nay có khoảng 1.750 trẻ mắc đái tháo đường tuýp 1 được chẩn đoán ở các bệnh viện nhi lớn trên cả nước.
Kiểm soát bệnh từ lối sống
Quảng Nam hiện có số bệnh nhân đái tháo đường được quản lý điều trị là 18.547 người; trong đó, số ca mắc phát hiện trong năm 2023 có 1.214 người.
Ông Trần Văn Kiệm - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Quảng Nam cho biết, hiện nay người dân tham gia sàng lọc để phát hiện sớm bệnh đái tháo đường ngày càng tăng. Một số bệnh viện, cơ sở y tế đã tổ chức nhiều chương trình tầm soát bệnh đái tháo đường miễn phí cho người dân.
Khi đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế, người dân sẽ được theo dõi, tư vấn để giảm thiểu biến chứng của bệnh, nhất là phòng ngừa nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim, suy thận và các biến chứng nguy hiểm khác.
Kiểm soát bệnh đái tháo đường thông qua việc tầm soát, khám định kỳ. Ảnh: B.H
Tuy nhiên, khó khăn của Quảng Nam hiện nay khi quản lý các bệnh lý không lây nhiễm là tuyến y tế cơ sở chưa triển khai thực hiện hiệu quả các dịch vụ quản lý và chăm sóc người bệnh liên tục, lâu dài tại cộng đồng, đặc biệt là ở trạm y tế xã. Trạm y tế xã chủ yếu tham gia quản lý, điều trị bệnh tăng huyết áp và chỉ có vài xã quản lý, điều trị đái tháo đường. Việc quản lý, điều trị bệnh đái tháo đường thực hiện chủ yếu ở tuyến huyện.
Mới đây, tại lễ mít tinh hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống bệnh đái tháo đường (14/11), Bộ Y tế kêu gọi người dân quan tâm và duy trì cuộc sống khỏe mạnh bằng cách thực hiện lối sống lành mạnh để phòng ngừa bệnh đái tháo đường và các bệnh tật khác.
Với các nhân viên y tế cần nâng cao nhận thức và kiến thức về đái tháo đường cho mọi người; tăng cường trình độ chuyên môn để tư vấn, điều trị, quản lý bệnh đái tháo đường hiệu quả.
Bệnh đái tháo đường hoàn toàn có thể phòng ngừa được nếu bản thân mỗi người thực hiện đúng các biện pháp phòng bệnh như dinh dưỡng hợp lý, tăng cường vận động thể lực, không hút thuốc lá, không lạm dụng rượu bia...
Trẻ em Việt Nam mắc đái tháo đường gia tăng, có bé sơ sinh đã bị Đái tháo đường là một trong những vấn đề cấp bách y tế toàn cầu lớn nhất của thế kỷ 21, đái tháo đường đang có xu hướng tăng ở phạm vi toàn cầu cũng như ở Việt Nam. Nước ta hiện có khoảng 7 triệu người mắc đái tháo đường, trong đó 5-7% là tuýp 1. Đái tháo đường gây ra rất...