Nghiệt ngã ung thư: Những sai lầm khiến bệnh trở nên… ‘hết thuốc chữa’
Điều nghiệt ngã của ung thư không phải do bệnh không thể chữa mà đến từ những quan điểm sai lầm khiến người bệnh được điều trị quá trễ.
Nội soi phát hiện sớm ung thư đại trực tràng – ẢNH: NAM SƠN
Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Văn Tiến, Trưởng khoa Ngoại 1, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ mắc bệnh ung thư cao trên thế giới. Hằng năm, số lượng người mới mắc các căn bệnh ung thư không ngừng tăng lên và 1/2 trong số này tử vong.
Tuy nhiên, điều “nghiệt ngã” của ung thư không phải do bệnh không thể chữa mà đến từ những quan điểm sai lầm khiến người bệnh được điều trị quá trễ.
“Nguyên nhân khiến tỷ lệ mắc và tử vong do ung thư tại nước ta còn cao hơn các nước đã phát triển phần lớn là từ những nhận thức không đúng, thậm chí sai lầm của người dân về loại bệnh này”
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Văn Tiến, Trưởng khoa Ngoại 1, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM
Nhắc đến bệnh ung thư ai cũng sợ và có suy nghĩ “ y học hiện nay vẫn chưa thể chữa được bệnh ung thư”. Tuy nhiên, điều sai lầm là “ung thư” không phải là tên của một bệnh, mà nó là tên chung của hơn 100 bệnh. Tức có đến hơn 100 loại ung thư.
Y học phát triển, có những bệnh ung thư đã có thể chữa khỏi, có loại chưa, vẫn cần thời gian để nghiên cứu. Thế nên, đừng cứ sợ một “ông kẹ” mang tên ung thư!
“Nguyên nhân khiến tỷ lệ mắc và tử vong do ung thư tại nước ta còn cao hơn các nước đã phát triển phần lớn là từ những nhận thức không đúng, thậm chí sai lầm của người dân Việt Nam về loại bệnh này”, bác sĩ Tiến đánh giá.
Đi lòng vòng, bệnh “hết thuốc”
Video đang HOT
Bà C.H.A (46 tuổi) phát hiện ra mình bị ung thư đại trực tràng. Khi đó, bà A. đã nhờ bác sĩ gửi khám và được lên lịch phẫu thuật, điều trị ở bệnh viện chuyên khoa uy tín.
Tuy nhiên, đến phút cuối, bà A. lại thôi không đến bệnh viện mà rẽ hướng điều trị theo các “mách nhỏ” dân gian, được “người quen” chỉ dẫn. Hơn một năm, tốn bao công sức, tiền bạc, đi hết “thầy” này đến phương pháp nọ, cuối cùng, bệnh không khỏi.
Khi trở lại bệnh viện, thì mọi việc đã quá trễ với bà A.
Đây không phải là trường hợp cá biệt người bị ung thư tìm đến các phương pháp “trôi nổi” theo chỉ dẫn truyền miệng. Có một thực trạng là khi biết mình bị ung thư, nhiều bệnh nhân lại không tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ, mặc dù bệnh còn ở giai đoạn điều trị được.
Lúc này, người bệnh rất lo lắng hoang mang, thay vì nghe lời bác sĩ thì lại tìm đủ cách trị trên… mạng, theo dân gian truyền miệng. Đây là cơ hội cho những cám dỗ, lừa lọc của những phương pháp điều trị không đúng, không có cơ sở khoa học (thầy lang, thầy cúng, thầy bùa, thuốc nam bắc không rõ loại…).
“Chuyện đau lòng mà tôi thường xuyên gặp trong quá trình điều trị ung thư tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM là có những bệnh nhân giai đoạn rất sớm nếu mổ sẽ chữa khỏi hoàn toàn. Thế nhưng, chuẩn bị phẫu thuật, bệnh nhân bỏ trốn hay xin xuất viện vì rất nhiều lý do: sợ mổ, sợ đụng dao kéo sẽ làm bệnh lan nhanh hơn, nghe lời truyền miệng đi điều trị thuốc nam thuốc bắc, thuốc gia truyền, dùng lá cây,… Sau một thời gian, bệnh nhân quay lại bệnh viện với tình trạng trầm trọng hơn, đau đớn vật vã, khó thở, không đi tiêu tiểu được, bụng chướng không ăn uống được, không còn khả năng điều trị triệt để và thậm chí tử vong”, bác sĩ Tiến chia sẻ.
Theo bác sĩ Tiến, thực tế, hiện chỉ có khoảng 30 – 40% bệnh nhân ung thư được chẩn đoán và điều trị sớm, còn lại hầu hết đều ở giai đoạn muộn, di căn và biến chứng.
“Do đó, việc điều trị gặp nhiều khó khăn, thời gian điều trị kéo dài, giảm hiệu quả điều trị bệnh, mà chi phí điều trị tăng cao và kéo dài kèm với tỷ lệ tái phát và tử vong cao”, bác sĩ Tiến nhận định.
Những quan niệm sai lầm về bệnh
Bác sĩ Tiến đã chỉ ra những sai lầm mọi người đang mắc phải khi phòng và trị bệnh ung thư như sau.
Trước tiên là người dân thường không thực hiện các biện pháp phòng ngừa. Trong khi thực tế, nhiều bệnh ung thư có thể phòng ngừa như: ung thư gan, ung thư cổ tử cung nhờ chích ngừa viêm gan siêu vi A/B, HPV….; ung thư như phổi, đại trực tràng, gan,… có thể được phòng phòng ngừa nếu không lạm dụng quá nhiều đồ uống có cồn, không hút thuốc lá chủ động và hít thuốc lá thụ động; chăm vận động, ăn rau…
Không đi tầm soát bệnh: Một số bệnh ung thư có thể được phát hiện sớm và trị khỏi như ung thư cổ tử cung, ung thư đại trực tràng, ung thư tuyến vú…
Không điều trị đúng cách: Uống thuốc nam, thuốc bắc không rõ nguồn gốc hoặc chưa có những bằng chứng khoa học khẳng định hiệu quả trong hỗ trợ ung thư; ung thư cũng không thể chữa khỏi bởi thầy lang, bùa ngãi…
Một số quan điểm sai lầm chết người về bệnh ung thư như: “Bệnh nhân mắc ung thư càng đụng dao kéo càng nhanh chết!”; “ung thư là bản án tử hình”; “trải qua điều trị ung thư có nghĩa là không thể sống và làm việc bình thường lại được”; “tất cả các liệu pháp điều trị ung thư đều đau đớn”; “người bị bệnh ung thư không nên ăn đường”,…
Đặc biệt, có quan điểm cho rằng: “không nên bồi dưỡng dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư vì làm thế là nuôi bướu, nuôi tế bào ung thư phát triển mạnh hơn”.
Theo bác sĩ Tiến, qua ghi nhận thực tế cho thấy rất nhiều bệnh nhân ung thư khi chữa trị bệnh đã áp dụng chế độ như nhịn đói, uống nước hoa quả… nhằm mục đích để tế bào ung thư chết đi. “Đây là sai lầm trầm trọng khiến bệnh nhân nhanh chóng suy kiệt, suy mòn sức lực do ung thư và do suy dinh dưỡng”, bác sĩ Tiến khuyến cáo.
Ngược lại, có nhiều thông tin về những “siêu thực phẩm” có thể dùng để chữa khỏi ung thư, khiến người bệnh tìm kiếm và chỉ tin dùng những thực phẩm này. Nhưng chưa có bằng chứng khoa học nào chứng minh có loại thực phẩm nào siêu đến thế.
“Điều mà ai cũng thấy được là nếu thầy bùa, thầy lang, thuốc nam thuốc bắc, cây cỏ… mà điều trị được bệnh ung thư thì các bệnh viện ung thư, các trung tâm nghiên cứu về ung thư trên toàn thế giới đã… đóng cửa. Thực tế ngược lại. Vậy thì tại sao lại tin vào những tin đồn vô căn cứ để trả giá đắt cả sinh mạng khi điều trị bằng những phương pháp không có cơ sở khoa học”, bác sĩ Tiến khẳng định.
Theo bác sĩ Tiến, nhìn nhận một cách tích cực thì thực phẩm, các phương pháp dân gian (có cơ sở y học) có chăng chỉ là những phương pháp điều trị hỗ trợ, giúp cơ thể khỏe mạnh, tăng cường sức đề kháng, giúp “đè nén” căn bệnh ung thư, không cho nó phát triển, tái phát sau khi đã lấy đi phần lớn khối bướu bởi những phương pháp điều trị chính thống.
Theo thanhnien
Nhiều tiến bộ trong công tác phòng, chống và điều trị ung thư
Ngày 6-12, Bệnh viện Ung bướu TPHCM phối hợp với Hội Ung thư Việt Nam, Hội Ung thư TPHCM và Bệnh viện K Trung ương tổ chức Hội thảo phòng chống ung thư TPHCM lần thứ 21.
Bác sĩ Bệnh viện Ung bướu đang thăm khám cho bệnh nhân ung thư
Đây là hội thảo được tổ chức hàng năm, là dịp để các bác sĩ chuyên ngành ung thư trong nước và ngoài nước cùng nhau nhìn lại, chia sẻ, đúc kết kinh nghiệm những nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn tiến bộ y học và hoạch định chiến lược phát triển chuyên ngành ung bướu cho tương lai.
Theo các chuyên gia, trong năm 2018, ghi nhận những tiến bộ mới trong sự hiểu biết về căn bệnh ung thư, sự phát triển của chẩn đoán và điều trị ung thư trên thế giới. Trong xu thế đó, TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung cũng có những bước phát triển mới như: nhiều Khoa Ung bướu và Trung tâm Ung bướu được thành lập tại các BVĐK của các tỉnh, thành; nhiều phương tiện chẩn đoán và điều trị mới được sử dụng một cách rộng rãi.
Cùng với đó, các phương pháp phẫu thuật và xạ trị không những chỉ hướng đến việc điều trị khỏi bệnh mà còn hướng đến chất lượng sống và yếu tố thẩm mỹ của người bệnh; bệnh nhân đã có thể tiếp cận các thuốc hóa trị và thuốc nhắm trúng đích mới hơn ngay tại Việt Nam.
Đặc biệt, sự hoạt động tích cực của Hội Ung thư Việt Nam cùng phối hợp với các Hội Ung thư tại các tỉnh, thành cũng như các Hội y học khác, cùng sự phối hợp giúp đỡ của các cấp, các ngành,... đã làm cho mạng lưới phòng chống ung thư phát triển mạnh mẽ; tiếp tục nâng cao nhận thức về bệnh lý ung thư trong quần chúng nhân dân và cập nhật kiến thức điều trị mới cho các bác sĩ.
Việc thực hiện chương trình phòng chống ung thư tại TPHCM nằm trong chương trình phòng chống ung thư quốc gia đã có những hoạt động thiết thực và hiệu quả. Chương trình giảm tải các bệnh viện tuyến trung ương do Bộ Y tế phê duyệt đang tiếp tục thực hiện đề án 1816, đề án bệnh viện vệ tinh, trong đó Bệnh viện K Trung ương và Bệnh viện Ung Bướu TPHCM là hạt nhân.
TS.BS Phạm Xuân Dũng, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TPHCM cho biết, mặc dù có nhiều tiến bộ trong công tác phòng chống ung thư, chẩn đoán và điều trị nhưng tỉ lệ mắc mới ung thư và tỉ lệ tử vong do ung thư vẫn tiếp tục gia tăng. Số liệu mới nhất được công bố năm 2018, theo Tổ chức Ghi nhận Ung thư toàn cầu Globocal, nếu như năm 2012, trên toàn thế giới có 14 triệu ca mắc mới và 8,2 triệu ca tử vong thì đến năm 2018 số ca mắc mới lên tới 18,1 triệu cavà 9,6 triệu ca tử vong.
Theo dự đoán đến 2025 sẽ tăng lên 19,3 triệu ca mới, trong đó 56,8% ca ung thư mới và 68,9% ca ung thư tử vong xảy ra ở các nước đang phát triển.
Tại Việt Nam, ung thư là một trong những bệnh lý gia tăng hàng đầu và có nguy cơ trẻ hóa, trong năm 2018 ước tính có hơn 164.000 ca mới và hơn 114.000 ca tử vong. Còn tại TPHCM, trong năm 2010, có hơn 6.800 ca ung thư mới thì năm 2015 tăng lên 9.000 ca.
Hội thảo phòng, chống ung thư thường niên TPHCM lần thứ 21 năm 2018 sẽ diễn ra trong 2 ngày 6 và 7-12, thu hút khoảng 1.500 đại biểu đến từ các tỉnh - thành phố, các đơn vị y tế trong cả nước và quốc tế với 115 bài báo cáo mang tính chuyên sâu, cập nhật những tiến bộ mới nhất trên thế giới trong lĩnh vực chẩn đoán, điều trị ung thư.
Trong đó tiêu biểu là các báo cáo chuyên đề về vấn đề liệu pháp miễn dịch, như "Ức chế chốt kiểm trong liệu pháp miễn dịch ung thư" của Giáo sư Nguyễn Chấn Hùng - Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam; "Liệu pháp miễn dịch trong ung thư phổi không tế bào nhỏ: Tối ưu hóa điều trị cho bệnh nhân của bạn ngay bây giờ" của Giáo sư Mitchell Paul đến từ Úc; "Vai trò của dấu ấn sinh học trong hướng dẫn quyết định lâm sàng cho liệu pháp miễn dịch" của Giáo sư Pathmanathan A. Radjadurai (Malaysia)....
THÀNH SƠN
Theo sggp
Cây bồ công anh không trị được bệnh ung thư! Các nhà khoa học thuộc Đại học Windsor của Canada đã nghiên cứu và cho rằng: chất chiết xuất từ rễ cây bồ công anh Trung Quốc có thể khiến các tế bào ung thư bạch huyết "tự chết". Ảnh minh họa Không chưa đươc ung thư Trước khi tiến hành nghiên cứu này, đã có 2 bệnh nhân bị ung thư máu...